Nhanh hay chậm: 2 lựa chọn mô hình tăng trưởng cho SMEs

Đa số các doanh nghiệp đều đặt cho mình mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, chiếm lĩnh thị phần, thu hút vốn và tăng lợi nhuận, làm hài lòng các nhà đầu tư. Theo khảo sát toàn cầu của công ty tư vấn Strategy& (thuộc PwC), 94% nhà quản trị cấp cao cho rằng tăng trưởng phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Cũng vì vậy mà trong thời gian gần đây, cụm từ “tăng trưởng nhanh” ngày càng xuất hiện nhiều hơn và dường như đang trở thành kim chỉ nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển của nhiều lãnh đạo, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Tuy nhiên, làm kinh doanh vốn đã lắm rủi ro, dẫn dắt doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng nhanh lại càng nhiều thách thức mà nếu không có chiến lược đúng đắn và kế hoạch hành động bài bản, cái giá mà chủ doanh nghiệp phải trả là không hề nhỏ.

Nhanh hay chậm: 2 lựa chọn mô hình tăng trưởng cho SMEs

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa một doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (high/fast growth business) phải có trên 10 nhân viên và có tỷ lệ gia tăng hoặc về nhân sự, hoặc về doanh thu ở mức trên 20% mỗi năm trong vòng 3 năm liên tiếp. Tăng trưởng nhanh còn được phản ánh thông qua sự gia tăng về số lượng và quy mô của các đơn hàng, dòng tiền đổ vào ngày một tăng, và giá cổ phiếu duy trì mức đi lên tích cực. Tuy nhiên, thời điểm doanh nghiệp bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng cũng như kéo dài bao lâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ bản nhất là quản lý bộ máy vận hảnh, quản lý nguồn lực về tài chính và nhân sự.

Chọn tăng tưởng nhanh…

Trong một bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review, hai tác giả Neil C. Churchill và Virginia L. Lewis cho rằng vòng đời chung của doanh nghiệp vừa và nhỏ (small business life cycle) bao gồm 5 giai đoạn và tăng trưởng nhanh thường rơi vào giai đoạn thứ 4, trước khi doanh nghiệp đạt được trạng thái ổn định, trưởng thành về các nguồn lực, hoặc chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới, quy mô hơn và phức tạp hơn. Đối với các doanh nghiệp về công nghệ, họ có thể chỉ mất 2-3 năm từ lúc thành lập để có đủ nguồn lực, điều kiện và cơ hội tăng tốc, tuy nhiên, với những lĩnh vực kinh doanh khác thì khoảng thời gian tiền phát triển nhanh có thể kéo dài đến hơn 10 năm.

 

Mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp đều có những đặc điểm và thách thức riêng nhưng tăng trưởng nhanh là thời kỳ đặc biệt rủi ro với ba vấn đề lớn nhất là:

  • Bộ máy vận hành:Tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc khối lượng công việc và áp lực đặt lên cho bộ phận vận hành và các bộ phận hỗ trợ của doanh nghiệp lớn hơn, nặng nề hơn. Đó có thể là việc khách hàng đòi hỏi một phương thức thanh toán mới buộc công ty phải đưa ra giải pháp xử lý, là việc khối lượng nghiệp vụ nhiều hơn, số lượng giao dịch thanh toán nhiều hơn, quy mô tăng trưởng trong một thời gian ngắn thông thường khiến các bộ phận phải nhanh chóng thay đổi, phần mềm quản lý hoặc các quy trình nghiệp vụ có thể lỗi thời, chưa kịp cải thiện hoặc cập nhật để đáp ứng nhu cầu hoạt động…
    Doanh nghiệp nào cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh nhưng lại thường dễ bỏ qua việc chuẩn bị kỹ càng về mặt hệ thống, nhân sự cho giai đoạn này: không tuyển đủ người, không đào tạo kỹ năng mới, không chuẩn hóa, tự đống hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ… Kết quả là năng suất và chất lượng công việc có thể không đảm bảo, dẫn đến sự không hài lòng từ phía khách hàng.
  • Nhân sự:Khi công việc kinh doanh phát triển, việc thuê và duy trì ổn định nhân sự cũng trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp cần người để lấp đầy vào những vị trí phát sinh thường xuyên, trong khi ban lãnh đạo lại quá bận rộn và đưa ra những quyết định tuyển chọn gấp gáp. Bên cạnh đó, có thể do chưa nhận thức đầy đủ, chủ doanh nghiệp lại bỏ qua hoặc làm qua loa nhiệm vụ đào tạo (cả nhân sự mới lẫn nhân sự cũ) để đảm bảo đội ngũ nhân viên có thể đáp ứng yêu cầu mới của công việc và sự thay đổi nhanh chóng trong doanh nghiệp. Hơn nữa, khối lượng công việc ngày càng nhiều khiến nhân viên không khỏi cảm thấy áp lực. Dần dà có thể dẫn đến tâm lý mệt mỏi, thiếu động lực và tinh thần làm việc thấp trong đội ngũ nhân viên.
  • Dòng tiền:Tăng trưởng nhanh thường là giai đoạn đốt tiền của doanh nghiệp và sự mất cân đối về dòng tiền thường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại. Để bứt phá, doanh nghiệp sẽ cần phải đầu tư rất lớn vào việc mua các thiết bị, dây chuyền, máy móc, vật liệu, tuyển dụng… Con số này có thể áp đảo lợi nhuận từ việc bán hàng/dịch vụ của doanh nghiệp, và trong nhiều trường hợp, người chủ sẽ phải chấp nhận việc vay vốn với lãi suất cao để “nuôi” doanh nghiệp. Ban lãnh đạo cần có những kế hoạch dự phòng nhằm tránh trường hợp mất cân đối tài chính.

Tăng trưởng nhanh chính là giai đoạn quyết định trong vòng đời của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu của Churchill và Lewis chỉ ra rằng đáng buồn là những lãnh đạo đưa được doanh nghiệp đi qua 3 giai đoạn đầu thành công lại thường thất bại ở giai đoạn tưởng chừng đầy tươi sáng này, đẩy doanh nghiệp rơi lại vào giai đoạn chật vật để sống sót (giai đoạn 2) hoặc phải chịu bị bán lại cho bên khác.

Những rủi ro đã có thể nhìn thấy được, điều quan trọng là chủ doanh nghiệp cần có chiến lược quản trị sự thay đổi đúng đắn, sát sao và linh hoạt. Thứ nhất, ban lãnh đạo cần có sự phân tích so sánh giữa năng lực hiện tại và khả năng mong muốn của hệ thống vận hành, nhân sự và dòng tiền để tìm ra cách thức thu hẹp khoảng cách, xác định xem mình đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chưa, nhanh đến đâu và làm gì khi không đạt được mục tiêu.

Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều mô hình quản trị sự thay đổi khác nhau, trong đó bao gồm việc đầu tư giải pháp số hóa hoạt động doanh nghiệp để theo dõi liên tục tình hình tài chính công ty. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng cần có chiến lược truyền thông nội bộ trong giai đoạn thay đổi để nhân viên hiểu được mục đích, cũng như thấy được lợi ích cá nhân trong lợi ích chung của doanh nghiệp.

… hay là chậm mà chắc?

Tăng trưởng nhanh có những yếu tố mời gọi mà nhiều doanh nghiệp khó có thể từ chối. Tuy nhiên, thời cơ không phải lúc nào cũng đến và nhiều công ty lại chọn hướng đi chậm, chắc chắn và bài bản, với mục đích tồn tại dài lâu. Theo đó, thay vì đốt tiền vào việc mở rộng thị trường về số lượng, những doanh nghiệp này tập trung vào khách hàng, tối ưu trải nghiệm của họ, cung cấp những dịch vụ cao cấp như giao hàng trong ngày, hàng hóa chất lượng cao (kinh doanh kiểu boutique), gây dựng cộng đồng khách hàng trung thành. Lựa chọn tăng trưởng chậm cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không phải đối mặt với rủi ro đốt cháy cả về tài chính lẫn động lực làm việc của đội ngũ nhân viên.

Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng chậm cũng dễ khiến cho doanh nghiệp khó trở tay khi xu hướng thị trường thay đổi, hoặc chần chừ không đầu tư vào máy móc hay cải tiến, cũng như khó đưa ra được những lời mời hấp dẫn để thu hút nhân tài hay huy động vốn.

Đa phần trong mọi trường hợp, tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng bởi nó đem về nhiều lợi nhuận hơn, giúp doanh nghiệp mở rộng cả về quy mô lẫn thị phần. Tuy nhiên, không phải cứ tăng trưởng nhanh là tốt. Khi nhận thấy các rủi ro đang vượt quá khả năng kiểm soát, nghĩa là doanh nghiệp đang đi quá nhanh so với thực lực thì lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá lại các yếu tố có liên quan để đưa doanh nghiệp về lại với tốc độ phát triển bền vững hơn.

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928