Nhật muốn giúp Việt Nam xử lý nợ xấu

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki.
 
Tại buổi hội thảo về kinh tế Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12/3, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật tại Việt Nam cho biết Nhật sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách nợ xấu.
 
Quá trình hợp tác giữa phía Nhật và Ngân hàng Nhà nước mới ở bước đầu. "Chúng tôi từng gặp vấn đề tương tự về nợ xấu cách đây hơn 10 năm. Thời gian đó, Nhật đã đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết nợ xấu", Đại sứ Nhật nói.
 
Ngân hàng Nhà nước đang ấp ủ đề án thành lập một công ty chuyên xử lý nợ xấu. Theo Đại sứ Yasuaki Tanizaki, đây cũng là biện pháp mà Nhật từng áp dụng thành công cách đây hơn 10 năm. Với những kinh nghiệm sẵn có, Đại sứ Tanizaki hy vọng phía Nhật sẽ hỗ trợ được Việt Nam trong quá trình cải cách hiện nay.
 
Đại sứ cho biết phía Nhật cũng bắt đầu hợp tác với CIEM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để vạch ra một chương trình hành động, nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong quá trình công nghiệp hóa đến năm 2020.
 
"Chúng tôi tin tưởng rằng sau khi lựa chọn ra được các mũi nhọn ưu tiên về công nghiệp, các tài sản như tài nguyên về con người, tài chính sẽ được cải thiện", Đại sứ Nhật Bản cho hay.
 
Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất về ODA cho Việt Nam. Kể từ khi nối lại tài trợ cho Việt Nam từ cuối 1992 đến cuối 2012, Nhật đã cấp 1.914,9 tỷ yen, tương đương gần 20 tỷ USSD cả vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại. Cũng phát biểu tại cuộc hội thảo sáng nay, ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết phẩn lớn trong con số trên được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
 
Kinh tế Nhật Bản đang đi đúng hướng
 
Trình bày tại Hội thảo "Kinh tế Nhật Bản và châu Á" sáng nay tại Hà Nội, ông Harada Yutaka, Giáo sư khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Waseda nhận định kinh tế Nhật Bản đang đi đúng hướng. Kể từ sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ ra những mấu chốt trong sự đình trệ kéo dài của kinh tế Nhật Bản. Trong khi Nhật không phải là nơi khởi phát khủng hoảng tài chính, nước này lại phục hồi chậm chạp hơn Mỹ và các quốc gia khác.
 
Việc nới lỏng tín dụng chưa đầy đủ khiến đồng yen tăng giá, vì thế xuất khẩu suy giảm là một trong những rào cản lớn nhất. Do đó theo chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Abe, nới lỏng tín dụng sẽ là cứu cánh cho Nhật. Mặc dù vậy, chính sách này đang gặp sự phản kháng của Ngân hàng Trung ương vì cơ quan này đại diện cho lợi ích của nhóm các ngân hàng thương mại.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cũng đưa ra hàng loạt chính sách khác như nới lỏng quy chế, tư nhân hóa, mở cửa thị trường, giảm thuế doanh nghiệp nhằm kích thích sản xuất. Ngoài ra, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng sự tham gia của lao động nữ cũng là một trong những biện pháp được chọn, hứa hẹn sẽ giúp GDP tăng thêm 20%.
 
Nguồn:  vnexpress.net
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928