SHERON BARBER TUYÊN BỐ: “Bernard Arnault là người truyền cảm hứng cho tôi.”
Người đàn ông 38 tuổi này đi từ Los Angeles đến cửa hàng Louis Vuitton nguy nga nằm trên quảng trường Vendôme của thành phố Paris, trong khuôn khổ của Tuần lễ thời trang mùa thu để tỏ lòng ngưỡng mộ với thần tượng của mình, người đứng đầu đế chế khổng lồ LVMH.
Ngoại hình của Barber trông rất kỳ thú. Anh nhuộm những ký hiệu đô la trên mái tóc xù ngắn ngủn có hai màu vàng và hồng, mang trang sức răng màu xanh lá cây che kín hàm và đeo dây chuyền sợi xích có các ổ khóa hành lý của Louis Vuitton treo lủng lẳng. Anh cho biết: “Năm ngoái, tôi đã chi vài trăm ngàn đô la Mỹ để mua đồ LV.”
Sheron Barber có nguồn tài chính dồi dào nhờ công việc tạo hình cho các nhóm nhạc như Migos và Post Malone. Trong video mới nhất của mình, “Saint-Tropez”, Post Malone mặc một chiếc áo giáp do Barber thiết kế, là sự pha trộn giữa chất liệu da màu đen và túi Vuitton. Nói về Arnault, Barber tuyên bố: “Chính bản thân ông ấy là định nghĩa của sự sang trọng hiện đại.”
Arnault nói về cửa hàng trên quảng trường Vendôme bằng tiếng Anh với giọng Pháp: “Đó là cửa hàng Louis Vuitton đặc biệt nhất. Ở đó bạn có thể nhìn thấy toàn bộ thế giới thương hiệu Louis Vuitton.”
Khai trương hai năm trước, không gian nơi này đem lại cảm giác giao thoa giữa một bảo tàng và một câu lạc bộ tư nhân. Một loạt các sản phẩm Vuitton, được trưng bày bên trong các quầy bằng kính sáng lấp lánh và trên các kệ được sắp xếp một cách nghệ thuật. Cầu thang bằng đá cẩm thạch với lan can bằng kính dẫn đến một xưởng may trên tầng bốn, có sáu thợ may tạo ra những chiếc đầm độc nhất vô nhị cho những người nổi tiếng như Lady Gaga và Emma Stone.
“Tôi tham gia rất sâu vào việc thiết kế,” Arnault cho biết. Theo các nhà phân tích, Arnault theo sát các thương hiệu hàng đầu của mình, đặc biệt là Louis Vuitton, cỗ máy kiếm tiền của tập đoàn này, chiếm gần 1/4 doanh thu của LVMH trong năm 2018 với 54 tỉ USD và lên đến 47% lợi nhuận. (doanh thu của LVMH là tổng doanh thu của năm nhóm sản phẩm hàng đầu của mình nhưng không bao gồm các thương hiệu riêng lẻ.)
Các bộ sưu tập túi xách, quần áo và phụ kiện của Vuitton, những mặt hàng mà công ty không bao giờ bán sỉ hay giảm giá, là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, ví dụ như hình ảnh chiếc vòng xoắn trên túi xách tay Capucines phiên bản giới hạn trị giá 8.600 USD, được làm bằng chất liệu da màu ngọc lam với hoa văn do Tschabalala Self, nghệ nhân 29 tuổi đến từ Harlem thiết kế.
Sự đối nghịch đó đã chuyển hóa thành doanh thu và lợi nhuận kỷ lục cho LVMH, với hơn 70 thương hiệu bao gồm Fendi, Bulgari, Dom Pérignon và Givenchy. Nhờ đó, giá cổ phiếu của LVMH, vốn đã tăng gần gấp ba trong chưa đầy bốn năm, được đẩy lên cao hơn. Arnault, người cùng với gia đình mình sở hữu 47% cổ phần của công ty, hiện có khối tài sản 102 tỉ USD, tăng 68 tỉ USD so với năm 2016.
Ông là người giàu thứ ba trên thế giới, chỉ xếp sau Jeff Bezos (110 tỉ USD) và Bill Gates (106 tỉ USD). Và ở độ tuổi 70, Arnault vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nếu bạn so sánh chúng tôi với Microsoft thì chúng tôi chỉ là tập đoàn nhỏ bé thôi,” ông nói. Thật vậy, giá trị thị trường 214 tỉ USD của LVMH thua xa gã khổng lồ phần mềm trị giá 1.100 tỉ USD. “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu,” Arnault tuyên bố.
SỰ NGHIỆP BAN ĐẦU CỦA ARNAULT tại khu công nghiệp miền bắc nước Pháp rất khác xa với địa vị lấp lánh mà ông đang nắm giữ. “Mối tình đầu” của ông là âm nhạc, nhưng ông lại chưa đủ tài năng để trở thành một nghệ sĩ dương cầm.
Thay vào đó, năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường kỹ sư ưu tú của Pháp, ông làm việc cùng cha mình tại công ty xây dựng do ông nội thành lập ở thành phố Roubaix. Cũng trong năm đó, một cuộc trò chuyện với người tài xế taxi ở New York đã gieo hạt giống ý tưởng đầu tiên cho đế chế LVMH hiện nay.
Arnault hỏi ông ta có biết tổng thống Pháp Georges Pompidou không. Và ông ta đã đáp lại rằng: “Tôi không biết ông ấy, nhưng tôi biết Christian Dior.”
Ở tuổi 25, Arnault điều hành công việc kinh doanh của gia đình. Sau khi François Mitterrand, thuộc đảng Xã hội, trở thành tổng thống Pháp năm 1981, Arnault chuyển đến Mỹ và cố gắng gây dựng chi nhánh tại đây. Nhưng tham vọng của ông lớn hơn nhiều. Ông muốn xây dựng một doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô, một doanh nghiệp gốc Pháp và vươn tầm quốc tế.
Năm 1984, ngay khi hay tin Christian Dior bị rao bán, ông đã chớp lấy cơ hội. Công ty mẹ của Christian Dior, hãng dệt may và tã dùng một lần Boussac bị phá sản, và chính phủ Pháp đang tìm người mua lại. Arnault góp 15 triệu USD từ tiền của gia đình mình, và Lazard góp phần còn lại của thương vụ trị giá 80 triệu USD.
Tại thời điểm đó, theo các báo cáo ghi lại, ông cam kết khôi phục hoạt động và đảm bảo việc làm. Tuy nhiên, sau đó ông đã sa thải 9.000 công nhân và bỏ túi 500 triệu USD, bán đi phần lớn doanh nghiệp. Giới phê bình chỉ trích sự trơ tráo của ông, và cho rằng ông mang đậm chất Mỹ hơn là nét nho nhã của người Pháp. Truyền thông sau đó gán cho Arnault biệt danh “con sói đội lốt cừu.”
CỬA HÀNG LOUIS VUITTON trên quảng trường Vendôme thể hiện lòng tôn kính với người sáng lập thương hiệu, người đã mở cửa hàng đầu tiên của mình ở gần đó vào năm 1854.
Con mồi tiếp theo của Arnault là bộ phận nước hoa Dior, thuộc quyền sở hữu của Louis Vuitton Moët Hennessy, và cuộc nội chiến giữa những người đứng đầu thương hiệu trong công ty mang đến cơ hội cho ông.
Đầu tiên, ông hợp tác với ông chủ của Vuitton, công ty đồ da do nghệ nhân từng đóng những chiếc rương dành riêng cho hoàng hậu Eugénie, vợ vua Napoleon III, sáng lập. Arnault giúp người đứng đầu Vuitton loại bỏ người đứng đầu Moët, và sau đó cũng loại bỏ nốt ông này.
Năm 1990, được Lazard hậu thuẫn lần nữa và dùng số tiền kiếm được từ Boussac, ông nắm quyền kiểm soát công ty, bao gồm Moët & Chandon, nhà sản xuất rượu sâm banh nổi tiếng của Pháp và Hennessy, nhà sản xuất rượu cô-nhắc của Pháp từ năm 1765.
Sau khi chinh phục Louis Vuitton Moët Hennessy, Arnault chi hàng tỉ đô la Mỹ mua lại các công ty hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực: thời trang, nước hoa, trang sức và đồng hồ, rượu vang và rượu mạnh.
Từ năm 2008, LVMH đã mua 20 công ty, nâng tổng số thương hiệu lên đến con số 79. Năm 2011, họ trả gần 5 tỉ USD cho công ty trang sức Bulgari của Ý trong một thương vụ chủ yếu liên quan đến chứng khoán. Hai năm sau, họ mua lại nhà cung cấp len mịn Loro Piana với mức giá, theo một báo cáo, là 2,6 tỉ USD.
Thương vụ mua lại gần đây nhất của Arnault là vào tháng tư, LVMH trả 3,2 tỉ USD cho tập đoàn khách sạn Belmond có trụ sở tại London, sở hữu những tài sản xa hoa bao gồm khách sạn Cipriani ở Venice, tuyến tàu cao cấp Orient Express và ba nhà nghỉ siêu sang trong khu safari ở Botswana. “Bernard Arnault là một kẻ săn mồi, không phải là người sáng tạo,” một chủ ngân hàng nắm rõ thương vụ Boussac phát biểu.
Không phải mọi cuộc chinh phục của Arnault đều thành công. Năm 2001, ông thua trong sự kiện mà giới truyền thông gọi là “cuộc chiến túi xách” nhằm giành quyền kiểm soát Gucci, hãng thời trang huyền thoại nước Ý, với đối thủ hàng xa xỉ từ Pháp, François Pinault.
Trong thập niên tiếp theo, LVMH sử dụng thủ đoạn lén lút phổ biến của các quỹ đầu cơ – các thỏa thuận hoán đổi vốn cổ phiếu thanh toán bằng tiền mặt – nhằm bí mật thâu tóm 17% cổ phần Hermès, nhà sản xuất khăn lụa mịn 182 năm tuổi và dòng túi Birkin biểu tượng. Hermès tranh đấu với Arnault suốt một thời gian dài, và cuộc chiến kết thúc năm 2017 bằng việc LVMH từ bỏ hầu hết cổ phần của họ tại Hermès.
NHÌN GẦN, VẺ NGOÀI BÓNG BẨY CỦA ARNAULT trông giống như một bộ áo giáp. Vào một buổi sáng thứ sáu u ám cuối tháng chín, ông diện nguyên thân đồ hiệu LVMH, bao gồm một bộ đồ vest kẻ sọc mang nhãn hiệu Celine, cà vạt xanh hải quân của Loro Piana, giày da đen hiệu Berluti và áo sơ mi trắng cài khuy măng-sét của thương hiệu Dior với chữ cái đầu tên ông được thêu ngay dưới trái tim.
Gầy và cao khoảng 1,85m, ông vẫn khỏe mạnh nhờ chơi quần vợt bốn giờ mỗi tuần, và thỉnh thoảng ông cũng chơi cùng người bạn Roger Federer. Ông nói: “Như anh thấy đó, tôi cố gắng không để mình béo lên, và tôi chơi thể thao rất nhiều.”
Những trận đấu quần vợt đó là những giờ phút giải lao duy nhất trong lịch trình tham công tiếc việc của ông. Một ngày của ông bắt đầu lúc 6g30 sáng trong căn biệt thự từ thế kỷ 17 tại quận thứ 7 sang trọng ở khu tả ngạn sông Seine của Paris. Ông khởi đầu mỗi buổi sáng bằng việc nghe nhạc cổ điển, điểm qua tin tức trong ngành và nhắn tin cho các thành viên gia đình và các giám đốc thương hiệu.
“Mỗi sáng, điều hiện diện trong tâm trí tôi là niềm khao khát giữ cho thương hiệu vẫn sẽ lớn mạnh như vậy trong mười năm nữa. Đó là bí quyết thành công,” ông nói.
Đến 8 giờ sáng, ông có mặt tại văn phòng của mình ở số 22 đại lộ Montaigne, và ở lại đó muộn nhất là 9 giờ tối. Thỉnh thoảng, ông sẽ tạm dừng 20 đến 30 phút để chơi nhạc trên chiếc đại dương cầm Yamaha trong căn phòng dưới sảnh từ văn phòng tầng chín của mình.
“Ông ấy làm việc suốt 24 giờ,” Delphine Arnault, 44 tuổi, cho biết. Ông là con trai cả của Arnault, con của người vợ đầu tiên, và hiện là phó chủ tịch điều hành của Louis Vuitton. “Khi ngủ, ông ấy mơ về những ý tưởng mới.”
Mỗi thứ bảy, Arnault thị sát các cửa hàng bán lẻ của mình, sắp xếp lại cách trưng bày túi xách và đưa ra gợi ý cho nhân viên bán hàng. Ông ghé thăm khoảng 25 cửa hàng, bao gồm cả cửa hàng đối thủ, trong một buổi sáng. Con trai của ông, Frédéric, 25 tuổi, làm việc tại thương hiệu đồng hồ hàng đầu của LVMH, TAG Heuer, cho biết: “Đó là nghi thức.”
Arnault trao đổi chi tiết những chuyến ghé thăm cửa hàng của mình cho các giám đốc thương hiệu. Gần đây, ông đã cảnh báo cho CEO Michael Burke của Louis Vuitton rằng chiếc túi mới độc nhất, chiếc túi Onthego trị giá 2.480 USD, không có trong kho tại cửa hàng ở quảng trường Vendôme. “Ông ấy phàn nàn khi có quá nhiều hàng lưu kho được bán hết,” Burke, người đã làm việc với Arnault từ năm 1980, cho biết.
Ít nhất mỗi tháng một lần, Arnault sử dụng máy bay Bombardier của mình đi đến thăm một số nhánh của đế chế. Hồi tháng 10, ông ghé thị trấn nhỏ Keene, Texas, nơi ông và Donald Trump cắt băng khánh thành xưởng gia công đầu tiên trong số hai xưởng của Louis Vuitton dự kiến sẽ tạo ra 1.000 việc làm trong năm năm tới. (Thương hiệu này đã mở xưởng gia công tại California.)
“Tôi không ở đây để đánh giá các kiểu chính sách của ông ấy. Tôi không có vai trò chính trị,” Arnault nói với các phóng viên. Tuy nhiên, sự kiện này đã gây ra một cuộc tranh cãi trong đội ngũ nhân viên của chính ông. Giám đốc nghệ thuật thời trang nữ của Vuitton, Nicolas Ghesquière, đã viết trên Instagram: “Tôi là một nhà thiết kế thời trang phản đối hiệp hội này #trumpisajoke #homophobia.”
Arnault không phản hồi lời chỉ trích cay độc của Ghesquière. Cuối tháng 10, Arnault, Burke và CEO của Dior, Pietro Beccari, lên lịch bay đến Seoul để thị sát các cửa hàng, bao gồm một cửa hàng Vuitton mới do Frank Gehry thiết kế.
Đó là cửa hàng Vuitton thứ sáu có một phòng trưng bày nghệ thuật bên trong, trưng bày các sản phẩm tuyển lựa từ bộ sưu tập phong phú của bảo tàng nghệ thuật Fondation Louis Vuitton do LVMH tài trợ, và cũng thay đổi luân phiên với các bộ sưu tập thuộc bảo tàng của Fondation ở Paris trị giá 135 triệu USD (cũng do Gehry thiết kế).
HÌNH ẢNH MỚI MẺ CỦA LVMH Arnault thường xuyên tuyển dụng các nhà thiết kế mới. Ca sĩ nhạc pop Rihanna đã tổ chức sự kiện giới thiệu thương hiệu Fenty ở Manhattan vào mùa hè vừa qua.
Cho dù tập đoàn hiện diện ở mức độ dày đặc trên toàn thế giới – 4.590 cửa hàng tại 68 quốc gia – việc khai trương và đóng cửa các cửa hàng thường phụ thuộc nhiều vào ý muốn của Arnault và hoàn cảnh xung quanh cũng như các số liệu truyền thống hơn, ví dụ như doanh số trên mỗi diện tích cửa hàng.
Tại Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của LVMH, ông giới hạn số lượng cửa hàng Louis Vuitton để kiểm soát tốc độ mở rộng. Năm ngoái, Louis Vuitton đã đóng cửa một cửa hàng ở Fort Lauderdale, Florida, bởi vì các cửa hàng liền kề, nhà hàng và bãi đậu xe không đủ lộng lẫy.
Arnault đã đến khảo sát một bất động sản trên đại lộ Champs-Élysées nhiều lần trước khi ông chấp thuận cho khai trương một cửa hàng Dior mới gần Khải Hoàn Môn vào tháng 7, mặc dù dữ liệu cho thấy người thuê trước đó có tình trạng kinh doanh chậm. “Ông ấy đẩy người khác để cảm thấy yên tâm,” Becari, giám đốc của Dior cho biết. “Ông ấy muốn thử thách người khác, đó là chiến thuật của ông ấy.”
THỂ HIỆN TRƯỚC CÁC ĐỐI THỦ là một chiến thuật khác. Vào tháng 7, khi các thương hiệu may mặc đang cạnh tranh để xem ai có ý thức sinh thái nhất, ông đã tuyên bố hợp tác với nhà thiết kế thời trang người Anh Stella McCartney (con gái của Paul), người từ lâu đã kiên trì với nỗ lực bền vững của mình (thậm chí bà còn tuyên bố từ chối sử dụng keo trong dòng sản phẩm sneaker của mình vì keo là thành phẩm từ việc luộc các bộ phận của động vật).
Arnault đã mời McCartney làm cố vấn đặc biệt của ông, sau khi bà kết thúc mối quan hệ hợp tác 17 năm với tập đoàn xa xỉ Kering của gia đình Pinault (chủ sở hữu của Gucci) vào năm 2018. Bà chấp nhận lời mời, bất chấp quyết định tiếp tục sản xuất các sản phẩm bằng da và lông thú (và keo) của LVMH.
Arnault cũng từ chối tham gia công ước thời trang Fashion Pact, do Kering dẫn đầu và có sự tham gia của 32 nhà sản xuất trang phục, bao gồm Chanel, Hermès, đại gia thời trang hàng hiệu bình dân H&M và thậm chí McCartney, những người này đều cam kết giảm lượng khí thải carbon.
Sau đó, Arnault đã thực hiện một loạt hoạt động ủng hộ sinh thái của riêng mình trong Tuần lễ thời trang, khi các phương tiện truyền thông hội tụ về Paris để đưa tin về các chương trình. Tại chương trình của Dior vào ngày thứ ba, nơi các người mẫu trình diễn trên một sân khấu được trang trí bằng 170 cái cây trong túi vải bố đầy bụi bẩn, báo chí đã được thông báo rằng chủ đề của chương trình là sự bền vững và điện tại sự kiện được sản xuất bằng máy phát điện chạy bằng dầu canola.
Tối hôm sau, LVMH đã mời 50 nhà báo tham dự một sự kiện kéo dài hai tiếng rưỡi trong một khán phòng tại trụ sở công ty. Arnault và mười giám đốc thương hiệu LVMH đã lần lượt bước lên một sân khấu rực rỡ, đọc các cam kết của họ đối với việc quản lý môi trường, các bài thuyết trình của họ xen kẽ với các video quay những người mẫu bước xuống sàn catwalk và dê cashmere đang nô đùa trên thảo nguyên Mông Cổ.
Giữa sự kiện, Arnault được yêu cầu chia sẻ suy nghĩ của mình về các nhà hoạt động khí hậu trẻ như Greta Thunberg, 16 tuổi. “Tôi là người lạc quan tự nhiên,” ông nói, “không giống như Greta, người có vấn đề lớn, và thông điệp của cô bé đưa ra cực kỳ bi quan mà không có giải pháp thực sự nào.”
Không có gì đáng ngạc nhiên đối với một tập đoàn lớn, ông ấy không thích gặp rắc rối. “Ông ấy không thích nghe từ ‘không,’ ” Anna Wintour, biên tập viên lâu năm của tạp chí Vogue nói. “Từ đó không có trong vốn từ vựng của ông ấy.”
Cũng không thích nghe từ đó từ các đối thủ, các mục tiêu mua lại hay thậm chí là những tên tuổi ảnh hưởng về môi trường. McCartney là một trong nhiều tên tuổi lớn mà ông đã mời về. Năm 2017, LVMH đã cho ra mắt dòng mỹ phẩm Fenty Beauty, kết hợp với ngôi sao nhạc pop Rihanna, phân phối các sản phẩm thông qua 2.600 cửa hàng của chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm làm đẹp Sephora.
Arnault cho biết, nhờ tận dụng các dịch vụ dành cho đối tượng khách hàng rộng lớn của Fenty – kem nền của thương hiệu này có đến 40 sắc thái da – và tận dụng 77 triệu người theo dõi trên Instagram của Rihana, dòng sản phẩm này sẽ đạt doanh thu 550 triệu USD trong năm nay.
Ông cũng tin Fenty Fashion, bộ sưu tập trang phục LVMH hợp tác ra mắt với Rihanna vào tháng năm, sẽ đạt được thành công tương tự. “Cô ấy mang đến một tầm nhìn khác về thời trang. Trong tương lai, việc kết nối với thế hệ Thiên niên kỷ rất hữu ích đối với chúng tôi.”
ĐỂ GIỮ SỰ HIỆN ĐẠI CHO THƯƠNG HIỆU CỦA MÌNH, ông cũng trông chờ vào năm người con từ hai cuộc hôn nhân của ông, bốn người trong số họ làm việc tại LVMH: Delphine, 44 tuổi; Antoine, 42 tuổi; Alexandre, 27 tuổi và Frédéric, 25 tuổi. Con út của ông, Jean, 21 tuổi, có thể sẽ gia nhập công ty khi anh học xong, Alexandre cho biết.
Ngay sau khi bắt đầu làm giám đốc chiến lược và kỹ thuật số tại thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ TAG Heuer 13 tháng trước, Frédéric Arnault đã đề xuất một ý tưởng cho cha mình trong bữa tối.
BỐN TRONG SỐ NĂM NGƯỜI CON của Arnault đang làm việc ở các nhánh của đế chế LVMH. Từ trái sang: Delphine, Alexandre, Antoine, Frédéric.
Để phát triển thương hiệu đồng hồ thông minh dành cho người chơi golf, anh muốn mua một công ty khởi nghiệp của Pháp, FunGolf, đã tạo ra một ứng dụng với dữ liệu địa hình chi tiết của 39.000 sân golf. Người chơi có thể sử dụng nó để đo khoảng cách từ bẫy cát hoặc đồi quả.
“Những người trong bộ phận M&A nghĩ tôi bị điên,” anh kể lại. Nhưng khi anh trình bày kế hoạch này với cha mình, Frédéric kể, “Ông nói, ‘Cứ làm đi.’”
Alexandre Arnault cho biết Bernard đã nhanh chóng phê duyệt các thỏa thuận công nghệ mà Alexandre quản lý tại nhánh đầu tư của gia đình, Groupe Arnault, bao gồm việc đầu tư vào Spotify, Slack, Airbnb, Uber và Lyft. Sau đó, vào năm 2016, anh thuyết phục LVMH chi 719 triệu USD mua 80% cổ phần của hãng sản xuất hành lý Rimowa 121 năm tuổi của Đức, được các ngôi sao hạng A như David Beckham và Angelina Jolie ưa chuộng.
Sau đó, tại Rimowa, Alexandre điều hành việc hợp tác sản phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như dòng sản phẩm trượt ván Supreme của Mỹ. Trong khi đó, Delphine, điều hành tổ chức Young Fashion Designer Prize sáu năm tuổi của LVMH, mỗi năm chọn ra một nhà thiết kế trong số hàng ngàn ứng viên để trao thưởng.
Virgil Abloh của Louis Vuitton là người giành giải thưởng năm 2015 (anh đã thực tập tại Fendi năm 2009 cùng với người bạn Kanye West). Và LVMH đã khởi động một chương trình tăng tốc cho tối đa 50 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng trong lĩnh vực hàng xa xỉ tại vườn ươm khởi nghiệp Station F ở Paris.
Đây là “đứa con tinh thần” của tỉ phú người Pháp Xavier Niel, người cũng tình cờ là bạn trai lâu năm của Delphine và họ có với nhau hai con. Vậy những người con của Arnault nói gì về việc ai trong số họ có khả năng lãnh đạo công ty trong tương lai? Như thể được đọc cùng một kịch bản, tất cả họ đều bỏ qua câu hỏi.
“Cha của chúng tôi còn rất trẻ,” Delphine nói.
“Ông ấy sẽ còn làm việc thêm 30 năm nữa,” Alexandre tuyên bố.
“Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ dừng lại,” Antoine, người đứng đầu bộ phận truyền thông của công ty LVMH và giám đốc của Berluti cho biết.
“Đây không phải là chủ đề mà chúng tôi nghĩ đến,” Frédéric phát biểu. “Chúng tôi hi vọng ông ấy sẽ giữ vai trò này càng lâu càng tốt.”
“Người ta cứ hỏi tôi suốt,” Arnault chia sẻ. “Điều quan trọng nhất đối với tập đoàn là chúng tôi xác định được người tốt nhất, và chúng tôi sẽ xem liệu đó là người trong gia đình hay bên ngoài gia đình.”
Ông sẽ làm việc trong bao lâu nữa? “Tôi chưa có ý định dừng lại.”
Mặc dù ông không tuyên bố ai là người có khả năng kế thừa mình, nhưng ông rất hào hứng chia sẻ về tài năng của họ. Ông khoe một đoạn video trên iPhone 11 quay cảnh Frédéric đang chơi bản giao hưởng Liszt để chuẩn bị biểu diễn tại lễ hội âm nhạc bên ngoài Paris cùng với mẹ của mình.
Nghệ sĩ dương cầm gốc Canada Hélène Mercier-Arnault, 59 tuổi, thường xuyên biểu diễn với tư cách nghệ sĩ độc tấu và nghệ sĩ thính phòng. Arnault nói về kỹ năng của Frédéric: “Giống như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi không chơi nhạc được như vậy.”
Khi nhắc đến sự cạnh tranh giữa các anh chị em ruột, Arnault và các con vẽ nên một bức chân dung gia đình hòa thuận. Các anh chị em thường tụ tập ăn trưa vào thứ bảy với bố mẹ và họ dành một vài ngày trong tháng tám để ở cùng nhau tại khu phức hợp Arnault ở SaintTropez.
Chỉ có Frédéric thừa nhận rằng sự bất hòa trên sân tennis. Anh cho biết: “Có thể khá căng thẳng. Cha của chúng tôi là người ưa cạnh tranh. Ông ấy không thích thua. Đây là điều mà ông ấy truyền lại cho chúng tôi.”
Không một người nào gần gũi với gia đình này đưa ra dự đoán về người kế thừa. Nhưng theo một nhà quan sát lâu năm, đến thời điểm mà Arnault cuối cùng cũng phải từ chức thì đó sẽ là ‘cuộc chiến vương quyền.’”
Arnault nhận thấy tương lai hoàn toàn khác, tin chắc sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình sẽ giúp LVMH có lợi thế trong nhiều năm tới. Ông nghĩ mình sẽ không chỉ vượt qua được các đối thủ trong lĩnh vực xa xỉ mà còn vượt mặt những gã khổng lồ trên toàn cầu.
Ông gọi Microsoft là ‘công ty xinh đẹp’, nhưng lưu ý Gates chỉ giữ một số lượng nhỏ cổ phần. Arnault nói: “Về lâu dài, ông ấy sẽ không ở vị thế đó nữa.” Trước khi tuyên bố tầm nhìn dành cho tập đoàn, ông tự kềm mình lại. “Về mặt nào đó, tôi không nên nói vậy, bởi vì bạn có thể nghĩ rằng tôi đang tự phụ,” ông nói.
Nhưng sau đó ông lại thả lỏng: “LVMH là một tượng đài của nước Pháp. Bởi vì đây là thương hiệu đại diện cho nước Pháp trên thế giới. Mọi người đều biết rõ về Louis Vuitton, Christian Dior, Dom Pérignon, Cheval Blanc, hơn những thương hiệu khác. Có lẽ người ta cũng biết đến Napoleon? Hay tướng de Gaulle? Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tập đoàn này sẽ tồn tại lâu dài và do một gia đình người Pháp kiểm soát.”
(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 79, tháng 12.2019
Footer Subheading
Message Submitted!