Keynes, tác giả của những lý thuyết kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn lao (mặc dù bên cạnh đó chúng còn là những câu chuyện gây nhiều tranh cãi), đã trở thành người đi đầu trong rất nhiều quan niệm về đầu tư mà ngày nay chúng ta coi là hiển nhiên.
Keynes đã đầu cơ tiền tệ và hàng hóa ở thời điểm hàng thập kỷ trước khi Soros và Jim Rogers nổi tiếng với hoạt động này. Ông cũng đã coi trọng phương pháp đầu tư giá trị trước khi chúng trở thành “đặc điểm nhận dạng” của Graham và Buffett; hiểu thấu vai trò cực kỳ quan trọng của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trước khi Harry Markowitz đưa ra nhận định này. Keynes đã tiến hành một cuộc cách mạng trong phương pháp đầu tư của các tổ chức trước khi Swensen ở ĐH Yale hay Jack Meyer ở ĐH Harvard thực hiện.
John Maynard Keynes luôn thu được mức lợi nhuận đáng kinh ngạc, dễ dàng đánh bại các chỉ số chứng khoán kể cả khi thị trường biến động khó lường (ông đã từng mất hai khoản tiền lớn trong những năm 1920). Tuy nhiên, chính những khoản lỗ lớn này lại khiến Keynes chú tâm vào đầu tư hơn là đầu cơ.
Trong cuốn sách mới với tựa đề “ Keynes’s Way to Wealth” (tạm dịch: Đường tới giàu có của Keynes), cựu phóng viên tài chính John F. Wasik đã phác họa một câu chuyện đầy hấp dẫn về cách đầu tư của Keynes. Với những tài liệu thu thập được từ thư viện của King’s College (trực thuộc ĐH Cambridge), Wasik đã đưa ra những lập luận hết sức thuyết phục để chứng minh rằng Keynes chính là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 cũng như những bài học mà nhà đầu tư ngày nay có thể áp dụng.
Điểm đặc biệt mà Wasik muốn chia sẻ thông qua cuốn sách của ông là cuộc đời của Keynes bên ngoài việc đầu tư. Những gì còn lại của cuộc đời ông thú vị hơn nhiều. Là một trí thức theo học tại Eton và Cambridge theo chương trình học bổng, ông nhận rất nhiều ảnh hưởng từ nhà kinh tế học Alfred Marshall, nhà tâm lý học G.E. Moore và nhà toán học Bertrand Russell. Tất cả đều là những người nổi tiếng ở Cambridge trong thời gian đó.
Keynes trở thành một phần của Bloomsbury – một nhóm xã hội nổi tiếng bao gồm cả tiểu thuyết gia vĩ đại Virginia Woolf. Tư tưởng chủ đạo của Bloomsbury là chủ nghĩa duy tâm và cấp tiến.
Tư tưởng của Keynes được phản ánh rất rõ nét trong cuốn “ The Economic Consequences of the Peace” (tạm dịch: Hệ quả kinh tế của hòa bình) được xuất bản năm 1919. Phê phán mạnh mẽ hòa ước Versailles Treaty, cuốn sách này cảnh báo phe thắng trận rằng họ đang kiểm soát nước Đức quá chặt và điều này sẽ sớm dẫn đến lạm phát. Lời tiên đoán của Keynes đã trở thành sự thực, hòa ước Versailles và siêu lạm phát ở Đức đã dọn đường cho thời kỳ Adolf Hitler lãnh đạo nước Đức.
“ The Economic Consequences of the Peace” mau chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới và cũng từ đây Keynes rút ra được cách thức kiếm tiền. “Tin rằng lạm phát trong thời hậu chiến sẽ làm tổn hại giá trị của đồng franc Pháp, đồng reichsmark Đức và đồng lira Italia, Keynes đã bán những đồng tiền này”, Wasik viết. Tuy nhiên, lợi nhuận của ông nhanh chóng bốc hơi khi đồng mark tăng giá mạnh trong sự lạc quan nhất thời của thị trường.
Ông phản ứng bằng cách đầu tư vào hàng hóa. Sau khi nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu tại thư viện Cambridge library, Wasik kinh ngạc phát hiện ra Keynes đã linh hoạt như thế nào. “Có hàng nghìn giao dịch hàng hóa”.
Tuy nhiên, mọi thứ lại một lần nữa sụp đổ vào năm 1929. Keynes đã phán đoán sai trong phần lớn giao dịch khi lượng cầu đổ vỡ. Những phán đoán về nền kinh tế vĩ mô và mối liên hệ với tiền tệ và hàng hóa của Keynes đã đi chệch hướng.
Mất 80% tài sản dường như là một hồi chuông cảnh tỉnh. “Keynes học được rằng thứ mà ông gọi là “tinh thần động vật” (animal spirit) là không thể dự đoán được”, Wasik nói.
Bởi vậy, Keynes thay đổi hoàn toàn phương pháp đầu tư và chuyển sang tập trung vào vốn cổ phần. Đối mặt với cơn bán tháo tồi tệ nhất trong lịch sử, Keynes lại là người đi ngược xu hướng khi mua các cổ phiếu có diễn biến giá không tốt so với mức trung bình. Ông tập trung vào các công ty trả lợi tức cao với chuỗi kinh doanh chắc chắn như các công ty điện nước và khai khoáng. Ngoài ra, Keynes cũng mua các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ và trung bình. Năm 1938, Keynes nhấn mạnh vào mức giá rẻ và giá trị tiềm năng của các cổ phiếu.
Keynes cũng là một nhà cách mạng trong mảng quản lý tiền tệ. Trước Keynes, đầu tư tổ chức có nghĩa là “mua và nắm giữ trái phiếu”. Các định chế công của nước Anh chỉ có 3% tài sản là cổ phiếu vào năm 1920. Đến năm 1937 tỷ lệ được nâng lên mức khiêm tốn 10%. Quản lý danh mục cho King’s College và hai công ty bảo hiểm, Keynes phá vỡ quy luật này và đầu tư phần lớn vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, ông cũng là người tin vào khái niệm “rủi ro tiềm ẩn” khi nắm giữ các tài sản như trái phiếu, bất động sản và vàng. Đây là tiền đề cho việc chú trọng vào đa dạng hóa danh mục trong các lý thuyết đầu tư hiện đại.
Danh mục mà ông quản lý cho King’s College đã trở thành điểm sáng trên thị trường trong suốt những năm 1930, ngoại trừ năm 1938 – khi ông mất 2/3 tài sản. Khi ông qua đời năm 1946, tài sản của ông có giá trị khoảng 36 triệu USD.
Một nghiên cứu được công bố năm 1983 cho thấy độ lệch chuẩn trong danh mục của King’s College lên tới 29% – cao hơn gấp đôi so với thị trường. “Keynes đã sử dụng quá nhiều đòn bẩy, thậm chí đi vay tiền để mua cổ phiếu”, Wasik nói.
Rõ ràng đây là điều mà các nhà đầu tư không nên làm theo. Tuy nhiên, mua các cổ phiếu giá thấp, tập trung vào giá trị, đa dạng hóa danh mục và đầu tư vào những cổ phiếu có cổ tức cao là bài học hữu ích.
Vẫn còn một bài học nữa: Keynes luôn có một kế hoạch. “Nếu bạn có kế hoạch, hãy kiên định với nó và bỏ qua những nhiễu loạn trên thị trường. Hầu hết mọi người không thể làm được điều này”, tác giả chia sẻ.
Keynes đã làm được điều đó, và đó cũng là lý do tại sao trong đầu tư và kể cả trong kinh tế học, tất cả mọi người đều học theo Keynes.
Theo Thu Hương
CafeF/Trí thức trẻ/Marketwatch