Bạn hãy tự xếp hạng độ kỳ dị của mình theo thang từ 1-10? – Tony Hsieh, CEO của Zappos
Chia sẻ với Business Insider, Tony Hssieh, CEO của Zappos đã nói: “Một trong những giá trị cốt lõi của Zappos là “tạo ra niềm vui, và một chút quái dị”.
Để chắc chắn họ đã tìm được ứng viên phù hợp với công ty, Hsieh thuờng hỏi ứng viên: ”Bạn hãy tự xếp hạng độ kỳ dị của mình theo thang từ 1 -10?”.
Ông cho rằng, con số mà ứng viên tự đánh giá không quá quan trọng, quan trọng là cách mà ứng viên trả lời câu hỏi của ông.
Tuy nhiên, “nếu bạn tự đánh giá mình ở mức 1, bạn đã hơi một chút câu nệ so với văn hoá ở Zappos. Còn nếu ở mức 10, tinh thần của bạn đã hơi bấn loạn so với mức của chúng tôi”, Hsieh nói.
Một câu hỏi ưa thích khác của Hsieh đó là: “Bạn hãy tự đánh giá mức độ may mắn của bạn trong cuộc sống theo thang từ 1-10?”.
Một lần nữa, những con số không quá làm nên chuyện, song nếu bạn tự đánh giá mình ở mức 1, bạn là người bối rối, thắc mắc, không hiểu tại sao nhiều chuyện không may lại đến với mình, (có lẽ bạn sẽ thường xuyên đổ lỗi tại người khác) và nếu ở mức 10, bạn không hiểu nổi tại sao những điều tốt đẹp dường như luôn đến với bạn, (bạn lúc này lại có vẻ như hơi thiếu tự tin).
Hãy kể về thời điểm mà bạn nhận ra bạn có được sức mạnh để làm điều gì đó thật ý nghĩa. – Simon Anderson, CEO của DreamHost.
DreamHost là một nhà cung cấp các trang chủ và dịch vụ đăng ký tên vùng. CEO của DreamHost, Simon Anderson, thường xuyên hỏi một câu mà theo ông là có thể nhìn ra động lúc thúc đẩy của những ứng viên: “Hãy kể về kinh nghiệm lần điều tiên trong đời bạn có được sức mạnh để thay đổi hoặc sức mạnh để làm điều gì đó thật ý nghĩa”.
Ông đã chia sẻ với tạp chí New York Times rằng, “Đây là một câu hỏi rất mở. Vài người có thể kể về câu chuyện khi họ lên 5, họ phải chịu trách nhiệm chăm sóc em bé trong nhà.
Cũng có thể, họ sẽ kể về câu chuyện từ những tháng ngày niên thiếu, điều tồi tệ nào đó xảy ra ở trường học, họ đứng lên bảo vệ bạn học của mình, và lúc đấy họ cảm thấy bản thân như được tiếp thêm sức mạnh để mạnh dạn hơn và hành động”.
Bạn hãy dùng một từ để nói về bản thân mình? Dara Richardson-Heron, CEO của YWCA
Những ứng viên sáng giá nhất là người biết được họ là ai và đang đứng tại vị trí nào. Đó là lý do tại sao Richard-Heron, CEO của tổ chức phụ nữ YWCA luôn luôn hỏi những ứng viên câu hỏi này.
Richardson-Heron nói rằng bà không đánh giá con người dựa trên một từ mà họ chọn, mà bà sẽ nhìn vào cách mà ứng viên gói gọn một con người với bao tính cách và hành động vào chỉ một từ.
Bà đã chia sẻ với phóng viên Adam Bryant của tờ New York Times rằng, bà thích những ứng viên dành thời gian suy nghĩ, cân nhắc về câu hỏi rồi mới trả lời nó thật thận trọng.
Bạn sẽ làm gì trong trò chơi “những thây ma sống dậy” (Zombie Apocalypse)? – Ashley Morris, CEO của Capriotti’s
Đây dường như là một câu hỏi rất kỳ cục, nhưng nó sẽ giúp nhìn ra nhân viên triển vọng nhất để làm việc tại cửa hàng sandwich của Capriott’s.
CEO của công ty, Ashley Morris nói rằng đây là cách tốt nhất để thấy được, dưới áp lực nhất định, ứng viên sẽ phản ứng ra sao. Morris giải thích rằng, “ sẽ không có câu trả lời chính xác cụ thể nào, vì thế đây sẽ là câu hỏi thú vị để lấy được ý kiến của một người và hiểu được cách họ tư duy.
Chúng tôi đang tìm kiếm những ứng viên có tính hướng nội, biết nhìn ra điều quan trọng nhất đối với họ là gì, mặt đạo đức của họ đề cao điều gì nhất, liệu họ có thực sự phù hợp với văn hoá của công ty hay không”.
Hãy nói về người gần nhất mà bạn sa thải – Marc Barros, CEO của Contour
Nhà đồng sáng lập, đồng thời cũng là cựu CEO của công ty camera Contour, Marc Barros, hoàn toàn đặt tin tưởng vào câu hỏi này.
Ông nói, “trong tất cả những cách tôi phỏng vấn những vị trí quản lý, câu hỏi này, đi kèm với những gì tôi và ứng viên bàn luận xung quanh nó, sẽ bật mí những tiêu chí quan trọng nhất cho khả năng lãnh đạo của một ứng viên”.
Barros tin rằng, ứng viên khẳng định không bao giờ sa thải bất kỳ ai sẽ là sự lựa chọn tồi cho vị trí lãnh đạo. Ông cho răng, nếu không thường xuyên tái cơ cấu và tổ chức lại đội ngũ thì sẽ không thể gây dựng được một đội làm việc thật hiệu quả.
Nếu ứng viên đã từng sa thải ai đó thì Barros sẽ tập trung hỏi về diễn biến của sự việc đó để được biết nhiều hơn về khả năng giao tiếp của ứng viên. Liệu ứng viên đã từng gửi hồi âm cho người bị sa thải và lý giải nguyên nhân họ đưa ra quyết định ấy?
Barros nói, “những nhà lãnh đạo tài năng giống như một huấn luyện viên vậy, luôn luôn đưa ra nhận xét của mình”.
Hãy nói về những thất bại của bạn – Jenny Ming, CEO của Charlotte Russe.
Câu trả lời khôn ngoan của câu hỏi khó khăn này quả thực rất quan trọng bởi lẽ nó sẽ tiết lộ rằng, ứng viên không e ngại đối mặt với những mối đe doạ và sẽ biết thừa nhận thất bại nếu sự việc không được như ý.
Jenny Ming, CEO của chuỗi cửa hàng quần áo Charlotte Russe đã nói, “thất bại đó không hẳn chỉ trong công việc, mà có thể là thất bại trong cuộc sống đời thường, những bài học mà ứng viên nhận được từ cuộc sống.
Những điều này rất đáng nói và chia sẻ. Sau đó họ đã làm gì? Họ đã vượt qua thất bại đó như thế nào? Tôi luôn tìm kiếm những ứng viên thấy thoải mái khi thừa nhận sự thất bại của mình”.
Mọi người luôn thích nói về những thành công rực rỡ của mình, nhưng họ luôn luôn không muốn tiết lộ về những điều đã xảy ra không như ý muốn của họ.
Hãy nói về bộ trang phục gần nhất mà bạn đã mặc? – Dave Gilboa và Neil Blumenthal, CEO của Warby Parker.
Trang phục mà họ đã mặc không thực sự quan trọng, vấn đề là ở lý do tại sao họ lại chọn bộ trang phục ấy.
Nếu lý do của ứng viên phù hợp với những giá trị cốt lõi mà Warby Parker đang tìm kiếm: “mang sự vui vẻ và tính dí dỏm vào công việc, cuộc sống và bất kỳ hành động nào”, thì ứng viên nhất định đã dành được một vị trí cho công việc tại Warby Parker.
Nhà đồng sáng lập, CEO David Gilboa đã nói với Iris Mansour rằng, “chúng tôi tìm kiếm những người đồng hành sẽ khiến cho môi trường làm việc tại đây thật vui vẻ, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp thật thân thiện và dễ dàng.
Nếu chúng tôi lựa chọn người có kinh nghiệm chuyên môn xuất sắc nhất nhưng phong cách làm việc của họ lại không phù hợp với Warby Parker, họ chắc chắn sẽ không thể thành công ở nơi này”.
Hãy kể về thành quả trọn vẹn nhất của bạn? – Lou Adler, CEO của Tập đoàn Adler.
CEO của công ty cung cấp các dịch vụ cho thuê Adler cho biết ông luôn luôn yêu cầu các ứng viên nói về những thành quả trọn vẹn nhất của, hoặc những thành tựu ý nghĩa nhất mà họ đã đạt được.
Câu hỏi này không chỉ giúp bạn có được cái nhìn nhanh nhất về tiềm lực của ứng viên mà còn nhận ra sở trường, niềm đam mê của họ liệu có phù hợp với công ty của bạn không.
Adler đã chia sẻ với Business Insider rằng, “bạn sẽ biết được những động lực luôn thôi thúc người ứng viên nếu bạn chỉ cần dành 20 phút để thấu hiểu được câu chuyện về thành quả ý nghĩa nhất của họ”.
Hãy kể về dự án cuối cùng mà bạn thực hiện? có những ai tham gia? Cản trở lớn nhất là gì? – Jana Eggers, CEO của Spreadshirt.
Để có được cảm nhận về cách làm việc của mỗi ứng viên, cựu CEO của công ty thời trang may mặc Spreadshirt, Jana Eggers rất thích hỏi ứng viên về những dự án mà họ đã trải qua.
Trên tờ New Yorks Times đã dẫn lời bà: “Tôi rất quan tâm đến cách tự tổ chức, sắp xếp của ứng viên, suy nghĩ của họ về những dự án đó, về cả những đồng nghiệp xung quanh. Hiện nay có rất ít công việc mà chỉ cần một người thực hiện từ đầu tới cuối. Luôn luôn cần có sự hợp tác, giao lưu giữa nhiều người để hoàn thành công việc”.
Hãy nói về cách bạn giải quyết một vấn đề khó khăn – Laszlo Bock, Phó giám đốc điều hành cấp cao của Google.
Laszlo đã nói rằng công ty luôn khai thác triệt để những câu hỏi phỏng vấn khôn ngoan để nhìn nhận một cách gần nhất về khả năng trí não và ứng xử của ứng viên.
Bock đã trả lời tạp chí New York Times rằng, câu hỏi về cách ứng xử của ứng viên luôn luôn rất thú vị, ứng viên cần phải kể về những kinh nghiệm của bản thân mình và bạn sẽ dựa vào câu trả lời đó để khải thác được hai loại thong tin.
Một là cách họ phản ứng thực sự trong một tình huống có thật trong cuộc sống. Một thông tin quý giá khác nữa là cách họ cảm nhận, tình huống thế nào thì được họ coi là khó khăn”.
PHONG LINH/TRÍ THỨC TRẺ