Dưới đây là những dự đoán của giới tỷ phú thế giới về năm 2022
Tỷ phú Jamie Dimon. Nguồn: Internet.
Tỷ phú Jamie Dimon
Trong nhận định đưa ra hồi đầu tháng 1, tỷ phú Jamie Dimon, CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất ít nhất 4 lần trong năm nay. Goldman Sachs dự báo khi kết thúc chu kỳ thắt chặt này, lãi suất tham chiếu của FED sẽ ở mức 2,5-2,75%.
Bảng cân đối kế toán của FED hiện vào khoảng 8.800 tỷ USD, với phần lớn trong số này được “tích lũy” trong đại dịch để đảm bảo thị trường tài chính ổn định và giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. FED lựa chọn tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát đang ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm.
Lần cuối cùng FED tăng lãi suất là vào cuối năm 2018, như một phần của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ vào thời kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ dần “hạ nhiệt”. Nhưng chỉ 7 tháng sau, FED giảm lãi suất trở lại do đà tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng trở nên mong manh. Sau đợt giảm đầu tiên vào tháng 7/2019, FED đã buộc phải đưa lãi suất về ngưỡng 0 vào đầu năm 2020 khi kinh tế Mỹ và thế giới hứng chịu cú sốc chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đồng USD đã khẳng định vị thế toàn cầu, bởi nó đứng số 1 trong “rổ tiền” có khả năng thanh toán quốc tế. Do vậy, các chính sách của FED, như việc tăng lãi suất, giảm mua trái phiếu chính phủ và tài sản thế chấp hàng tháng của tổ chức này, không chỉ tác động trực tiếp lên nền kinh tế Mỹ mà còn tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu.
Dù vậy, CEO JPMorgan Chasse cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khả quan cho dù FED có thể tăng lãi suất nhiều hơn những gì mà giới đầu tư kỳ vọng. Theo ông Jamie Dimon, nền kinh tế Mỹ đang bước vào năm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây và niềm tin của ông đến từ tình hình tài chính vững mạnh của người tiêu dùng.
Tỷ phú Bill Gates. Nguồn: Internet.
Tỷ phú Bill Gates
Là người đặc biệt quan tâm và đã tài trợ hàng tỷ USD cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tỷ phú Bill Gates đã liên tục đưa ra những nhận định và phán đoán về tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Mới đây nhất, trong bài đăng trên trang cá nhân Twitter, nhà sáng lập Microsoft cho rằng nhân loại đang bước vào giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.
Nhận định của tỷ phú Bill Gates được đưa ra trong bối cảnh “siêu biến chủng” Omicron đang lan rộng toàn cầu. Vị tỷ phú cho rằng không nên coi nhẹ Omicron ngay cả khi triệu chứng của biến chủng này chỉ nghiêm trọng bằng một nửa Delta bởi tính chất dễ lây lan của Omicron có thể gây ra đợt dịch bùng phát mạnh nhất từ trước tới nay.
Tỷ phú Bill Gates cho biết các nhà khoa học, trong đó có cả các nhóm nghiên cứu với sự tài trợ của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation, đang nỗ lực giải mã Omicron và sẽ sớm có thêm nhiều thông tin về biến chủng này.
Dù vậy, vị tỷ phú công nghệ vẫn dự đoán rằng “giai đoạn cấp tính” của đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm 2022. Ông nói thêm rằng đại dịch đã không kết thúc sớm như ông đã kỳ vọng ban đầu do sự xuất hiện của biến chủng Delta và việc nhiều nước chật vật thuyết phục người dân tiêm chủng.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk
Mới đây, một nhà báo Mỹ có tên Christopher Mims đã đăng danh sách các công ty kỳ lân toàn cầu từ các lĩnh vực khác nhau như AI, tiêu dùng – bán lẻ, ô tô – vận tải… lên Twitter và đặt câu hỏi: “Có 936 công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD trên thế giới hiện nay. Danh sách này liệu sẽ thay đổi thế nào trong 5 năm tới?”. Trả lời câu hỏi này, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk đã đưa ra dự đoán rằng: “Nếu lịch sử lặp lại, không nhiều công ty có thể sống sót sau cuộc suy thoái tiếp theo. Tức là chúng sẽ bị đóng cửa”.
Khi được hỏi rằng “ông nghĩ khi nào thì cuộc suy thoái tiếp theo sẽ diễn ra?”, vị tỷ phú công nghệ đã đưa ra dự đoán rằng thế giới sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái kinh tế trong năm 2022 hoặc muộn nhất là năm 2023. Tuy nhiên, Elon Musk đã không cho biết ông đã căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận này và cũng không nói rõ cuộc khủng hoảng đó sẽ giống như cuộc ‘Đại suy thoái’ hay chỉ như một động thái suy giảm bình thường.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chuỗi cung ứng chưa hồi phục.
Dự báo của WB đã đề cập đến sự hồi phục mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển vào năm 2021, sau khi sụt giảm vào năm 2020. Tuy nhiên, WB cảnh báo lạm phát kéo dài, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lực lượng lao động cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
PV (t/h)
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!