Những ngày cuối của các CEO

Steve Ballmer, người đã điều hành Microsoft được 13 năm
 
Steve Ballmer, người đã điều hành Microsoft được 13 năm (từ năm 2000 đến tháng 2.2014), đã cố gắng chứng tỏ mình vẫn nắm thực quyền sau khi tuyên bố vào mùa hè vừa qua rằng ông sẽ rời vị trí CEO trong vòng 1 năm. “Nếu bạn là một CEO sắp mãn nhiệm, công ty của bạn sẽ bị ngưng trệ trong một khoảng thời gian. Và bạn sẽ không muốn mình bị rơi vào giai đoạn ì ạch ấy đâu”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
 
Ai nắm thực quyền?
 
Chủ tịch kiêm CEO Robert Iger của hãng Walt Disney, Chủ tịch kiêm CEO Joe Tucci của tập đoàn đa quốc gia Mỹ EMC Corp hay Robert Alderson của Kirkland, chuỗi bán lẻ các mặt hàng trang trí nội thất Mỹ, gần đây đều tuyên bố sẽ rời khỏi công ty trước thời điểm nghỉ hưu dự kiến của họ ít nhất 1 năm. Khoảng thời gian dài này sẽ giúp hội đồng quản trị tìm được người thay thế.
 
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, các công ty thường buộc các CEO sắp ra đi phải giữ đúng lộ trình nghỉ việc của mình, không được thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào về mặt chiến lược và hạn chế tối đa tình trạng đấu đá trong nội bộ giữa những ứng cử viên tiềm năng của vị trí CEO. Thế nhưng, các CEO đương nhiệm vẫn muốn bám lấy quyền lực bằng cách giữ mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên hội đồng quản trị và can thiệp mạnh vào việc tìm kiếm người kế vị họ.
 
Ballmer là một ví dụ. Trong vòng 2 tuần sau khi ông tuyên bố kế hoạch nghỉ hưu, Microsoft đã ký một thương vụ 7 tỉ USD mua lại bộ phận thiết bị di động của hãng sản xuất điện thoại Phần Lan Nokia. Ballmer cũng thực hiện một cuộc lọc máu dàn quản lý nhằm xóa bỏ mâu thuẫn, xung đột nội bộ.
 
Không chỉ Ballmer, tâm lý chung của các ông chủ tại các công ty lớn là làm sao để giữ vững tay chèo trong suốt thời gian dài chờ nói lời tạm biệt với nhân viên. Hồi tháng 9.2012, Joe Tucci của EMC, một tập đoàn cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu, đã đồng ý sẽ rời vị trí CEO với ngày nghỉ hưu dự kiến là tháng 2.2015 (Tucci vẫn có ý định tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị). Trong khoảng thời gian đó, Tucci khăng khăng đòi mình vẫn là người điều hành Công ty. “Tôi không hề nghĩ rằng mình là CEO sắp phải ra đi. Không ai đối xử khác biệt với tôi. Tôi vẫn là CEO và tôi cực kỳ bận rộn”, vị CEO 66 tuổi này cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
 
Người ở lại hoang mang
 
Khoảng thời gian tạm biệt kéo dài cũng là chuyện phổ biến khi một CEO sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc một công ty đang bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng như thoát khỏi cảnh phá sản. Theo George Davis Jr., một nhà tuyển dụng CEO hàng đầu tại công ty tìm kiếm lãnh đạo cấp cao Egon Zehnder International Inc., khoảng thời gian tạm biệt kéo dài sẽ giúp các CEO “ra đi một cách hiên ngang và đánh bóng được sự nghiệp. Nó tạo ấn tượng tốt lên các ông chủ sau này của họ”.
 
Tuy nhiên, CEO sắp ra đi nhưng vẫn tiếp tục nắm quyền thêm một thời gian dài nữa có thể tạo ra tâm lý hoang mang trong doanh nghiệp. “Không ai biết rõ người nào nắm quyền thực sự. Mọi người rất dè dặt trong việc ủng hộ các sáng kiến, kế hoạch của vị CEO sắp mãn nhiệm”, Tiến sĩ David Nadler, Phó Chủ tịch vừa nghỉ hưu của Marsh & McLennan, nhận xét.
 
Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn nếu hội đồng quản trị chưa tìm được người kế vị. Bởi vì trong nội bộ doanh nghiệp có thể sẽ diễn ra một cuộc chạy đua giành chức CEO. Walt Disney, chẳng hạn, có thể sẽ đối mặt với tình trạng này khi ông Robert Iger sẽ nghỉ hưu vào tháng 6.2016.
 
Steve Ballmer tin rằng ông giữ quyền lực vì ông sở hữu khoảng 4% cổ phần Microsoft và vẫn sẽ là thành viên Hội đồng Quản trị. Hơn nữa, ông đã giành được sự ủng hộ của Hội đồng Quản trị để hoàn thành các kế hoạch, chiến lược ông đặt ra, trong đó có thương vụ Nokia.
 
Nhưng không phải ai ở Microsoft cũng cảm thấy hài lòng với thời điểm tuyên bố nghỉ hưu của Ballmer. Một số nhân viên ở trụ sở chính cho biết họ cảm thấy bị mất phương hướng vì không biết ai sẽ là CEO mới của họ và họ cũng không biết liệu CEO mới có tiếp tục các dự án do Ballmer thông qua hoặc còn dang dở hay không.
 
Trên thực tế, Microsoft chỉ mới đề bạt Satya Nadella, người đã có hơn 20 năm làm việc tại Microsoft, lên vị trí CEO vào tháng 2 vừa rồi. Trong suốt quá trình tìm kiếm CEO, Ballmer cho biết ông đã cố tình “không triển khai bất cứ dự án dài hạn nào”. Ông cũng thừa nhận rằng mình bắt đầu cảm thấy giống như một vị CEO sắp bị cho ra rìa vào cuối năm ngoái khi Microsoft cho biết sẽ xướng tên người kế nhiệm vào đầu năm 2014. “Tôi cứ làm việc của mình thôi. Nhưng đến tháng 1 thì tôi đã ít xử lý công việc ở văn phòng hơn”, ông nói.
 
 
(Theo WSJ)
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928