SOHO China có 18 khu phát triển dự án ở Bắc Kinh, phần lớn trong số đó là các tòa cao ốc tiêu biểu của thành phố và gần đây còn lan rộng sang Thượng Hải – nơi công ty bà đã mua và xây dựng 11 khối tài sản BĐS. Từ khi bà Zhang và chồng là Pan Shiyi thành lập năm 1995, đến nay SOHO China đã trở thành tập đoàn phát triển BĐS thương mại lớn nhất Trung Quốc, sở hữu 5,2 triệu m2 trong các dự án chính ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
|
Hai trong số các dự án của SOHO ở Bắc Kinh – một đã hoàn thành năm 2012 và một vẫn đang thi công – được thiết kế bởi kiến trúc sư Zaha Hadid, người đã đoạt "Giải Nobel kiến trúc" Pritzker Prize danh giá nhất thế giới.
Sinh ra tại Bắc Kinh trước khi có cuộc Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, giai đoạn mà những người trí thức như cha mẹ bà được đưa đi "cải tạo". Sau đó, bà trở về Bắc Kinh cùng mẹ và vật lộn với cuộc sống nghèo túng.
"Tôi sinh ra và lớn lên khi thành phố này hoàn toàn yên tĩnh: không xe hơi, không cửa hiệu, không đèn điện, không máy móc. Mọi người khi đó chỉ đi xe đạp", CNN trích lời bà. Đến năm 14 tuổi, Zhang cùng mẹ chuyển đến Hong Kong và bà đã tiếp nhận một công việc lương thấp ở một nhà máy sản xuất đồ chơi, quần áo và đồ điện trong 5 năm, để tiết kiệm tiền đến Anh du học.
"Là một người nhập cư trên đất Hong Kong, không được đi học, không có kiến thức và thậm chí không nói được ngôn ngữ địa phương lẫn tiếng Quảng Đông, chúng tôi đã rất vất vả để sinh tồn ở đây", bà Zhang chia sẻ.
Sau 5 năm, bà có đủ tiền mua vé máy bay đến London và tham gia một khóa tiếng Anh. Bà Zhang giành được học bổng vào đại học, nghiên cứu lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Cambridge và kiếm được công việc đầu tiên tại Goldman Sachs ở New York, Mỹ.
Thay vì an phận với cuộc sống thoải mái tại Phố Wall, bà trở lại Bắc Kinh, gặp người đàn ông của đời mình. Cả hai kết hôn và cùng nhau khởi nghiệp với SOHO China.
Nói về lý do về lại Trung Quốc, bà nói: "Tôi cảm thấy hưng phấn khi mọi người nói về cách làm thế nào để thay đổi đất nước này, và đó chính là khoảng thời gian tinh thần sục sôi. Tôi nhận ra đất nước tôi đang thực sự bước vào cuộc chuyển đổi và tôi muốn là một phần trong sự chuyển mình này".
Câu chuyện kinh doanh của doanh nhân Zhang rất đáng được khâm phục nhưng bà vẫn không phải là người phụ nữ duy nhất của Trung Quốc nổi tiếng giàu có. Trong danh sách 24 nữ tỉ phú tự lập của tạp chí Forbes 2013, có đến 6 người đến từ Trung Quốc (gồm 1 người Hong Kong), nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trừ Mỹ.
"Tôi tin rằng những người phụ nữ của thế hệ chúng tôi đã trải qua cuộc Cách mạng văn hóa, đi qua gian khó với xuất phát điểm là con số 0 và bỗng dưng một ngày nhìn thấy cơ hội tuyệt vời ở đất nước này. Tại thời điểm đó họ chỉ còn việc chạy đến nắm lấy cơ hội", bà Zhang nói.
"Tôi luôn nghiêm khắc chuyện tiền bạc với con"
Hiện bà Zhang có hơn 5 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc, nơi bà chia sẻ quan điểm kinh doanh, các vấn đề hiện tại và kiến trúc. Dù thành công trong kinh doanh với tài sản kếch sù, bà vẫn giữ đạo Baha'i để tránh những cám dỗ thái quá của vật chất, thậm chí còn gợi ý cho con trai hãy bắt đầu tìm một công việc trong các cửa hàng McDonand's hay KFC.
"Chúng tôi cố gắng hết sức để cho các con một cuộc sống bình thường. Tôi luôn nghiêm khắc chuyện tiền bạc với con và không bao giờ đưa dư tiền. Nhưng tôi cho rằng dù sao cuộc sống của các con cũng không thể nào so sánh với cách mà chúng tôi đã trưởng thành và hoàn cảnh chúng tôi đã sinh ra".
|
Theo Minh Đăng
Tuổi trẻ/CNN