Một bước bành trướng của Amazon?
Bezos là người khá lập dị. Ông hầu như lúc nào cũng mặc một kiểu đồ: quần jean xanh, áo sơ mi màu xanh nhạt và áo blazer sẩm màu. Ông cho biết không muốn nghĩ đến việc phải mặc gì vào mỗi sáng.
Các khoản đầu tư của ông cũng khác người và đôi khi lập dị như con người ông.
Dự án kỳ cục nhất của ông lại nằm trên một ngọn núi thuộc phần đất do ông sở hữu ở miền Tây Texas. Đó là dự án xây dựng chiếc đồng hồ cao khoảng 61m gọi là “Đồng hồ Năm 10.000”.
Cho đến nay, ông đã bỏ ra ít nhất 42 triệu USD vào dự án. Chiếc đồng hồ vẫn chưa hoàn thành này sẽ đánh chuông cúc cu mỗi khi kết thúc một năm, một thập kỷ, một thế kỷ, một thiên niên kỷ và 10 thiên niên kỷ.
“Lý do tôi làm điều này là vì chiếc đồng hồ tượng trưng cho cách suy nghĩ dài hạn và ý tưởng về trách nhiệm dài hạn. Con người đã trở nên quá phức tạp về mặt công nghệ theo những cách khiến chúng ta trở nên nguy hiểm ngay cho bản thân mình. Việc nhìn một cách dài hạn hơn đối với tương lai sẽ ngày càng quan trọng hơn cho nhân loại”, ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 2011.
Cho đến nay, các khoản đầu tư này hầu như không có vai trò gì trong chiến lược truyền thông của Amazon.
Hay chỉ là đam mê?
Khoản đầu tư vào báo là một trong những niềm đam mê của Bezos. Những người thân cận với ông cho biết ông đọc báo mỗi ngày trên chiếc Kindle và là một người cực kỳ mê đọc.
Bezos đã thay đổi cách đọc sách với việc giới thiệu thiết bị đọc sách điện tử Kindle vào năm 2007 và ông cũng muốn thực hiện điều tương tự trong lĩnh vực báo chí. Đó là lý do năm 2009, ông đã giới thiệu phiên bản lớn hơn của thiết bị đọc sách. Mục đích là tạo ra điểm đến mới cho người đọc báo.
Rất tiếc là phiên bản lớn hơn của thiết bị đọc sách đã không được phổ biến như ông mong đợi. Tuy nhiên, Bezos vẫn không từ bỏ giấc mơ báo chí.
Năm 2011, ông ra mắt Kindle Singles, một dịch vụ web khuyến khích phóng viên viết các bài dài dạng tiểu thuyết. Hồi tháng 4, ông đã đầu tư vào trang tin tức Business Insider. Và nay, với việc mua lại The Washington Post, giấc mộng báo chí của ông đã tiến được thêm một bước nữa.
Số tiền 250 triệu USD mua lại The Washington Post là do Bezos bỏ ra. Số tiền này không đáng là bao so với khối tài sản đồ sộ của ông (Theo Forbes, Bezos có giá trị tài sản ròng lên tới 25 tỉ USD).
Hơn nữa, vì sở thích nên Bezos không mấy quan tâm đến một thực tế là ngành báo đang sa sút nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Báo chí Mỹ, doanh số quảng cáo báo giấy đã giảm 55% trong giai đoạn 2007-2012, khi các nhà quảng cáo và độc giả ngày càng chuyển sang báo mạng.
Theo Ken Doctor, chuyên gia phân tích tại Outsell, một công ty tư vấn và nghiên cứu cho ngành xuất bản, các tờ báo ngày nay chỉ trị giá khoảng 10% so với cách đây 10 năm.
Ngay cả tờ The Washington Post cũng làm ăn thua lỗ trong 2 năm qua. Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng không khả quan hơn.
Theo Công ty Washington Post Co., mặc dù tạo ra 138,4 triệu USD doanh thu nhưng bộ phận báo chí đã lỗ gần 50 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013. Lượng phát hành đã giảm khoảng 7% trong thời gian trên.
Năm ngoái, doanh thu của bộ phận báo thuộc Washington Post Co. là 582 triệu USD, giảm khoảng 35% kể từ năm 2007. Vì thế, khi nhận xét về thương vụ trên, ông Doctor cho rằng mức giá Bezos bỏ ra là một sự hào phóng.
Bezos không phải là người duy nhất mê báo. Tỉ phú Warren Buffett cũng thế. Năm ngoái, Tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett đã mua một loạt các tờ báo từ Media General. Buffett tin rằng các tờ báo có tính địa phương cao vẫn có đất sống.
Thực tế cho thấy, ngành báo giấy Mỹ dù đang sa sút nhưng một số tờ báo vẫn sống tốt nhờ thu phí nhiều hơn đối với nội dung trực tuyến hoặc nội dung báo giấy (bằng cách tăng giá bìa).
Năm ngoái tổng doanh thu của các tờ báo Mỹ đã giảm chỉ 2%. Một số cho rằng ngành báo Mỹ có thể đã chạm đáy. Có lẽ Bezos là một trong số những người tin như vậy.
Vậy ông sẽ làm gì để vực dậy tờ The Washington Post? “Internet đang thay đổi hầu như mọi mặt của ngành tin tức. Không hề có bản đồ định hướng lối đi. Và việc vẽ ra con đường trước mắt sẽ không dễ dàng. Chúng ta sẽ phải sáng tạo và điều đó có nghĩa sẽ phải thử nghiệm”, Bezos nói trong một lá thư gửi cho nhân viên The Washington Post.
Don Graham, Chủ tịch Washington Post Co., tin rằng Bezos sẽ là người tìm ra được lời giải đó vì có tiếng là một nhà cách tân và là người có đủ kiên nhẫn trong việc đưa các doanh nghiệp khó khăn sinh lợi trở lại
NGÔ NGỌC CHÂU/NCĐT