Ông Fukurohata Yoshihisa: Một làn sóng đầu tư mới đã, đang và sẽ vào Việt Nam

* Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, trong đó tập trung khá nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Ông nhận định thế nào về động thái này?
 
– Nhật Bản đầu tư nhiều vào Việt Nam, với hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản mong muốn nâng cao năng lực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Trước đây, khi đầu tư vào Việt Nam, các DN lớn của Nhật Bản muốn mua được các linh kiện đảm bảo chất lượng với giá rẻ, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không đáp ứng được.
 
Thứ hai, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản trước đây chỉ hoạt động trong nước, nhưng bây giờ khách hàng của họ đã chuyển ra nước ngoài, buộc họ phải tìm cách chuyển theo. Ở Nhật Bản, việc DN nhỏ và vừa tự đầu tư xây dựng nhà máy là rất khó khăn.
 
Bằng cách đầu tư sang Việt Nam, các DN này liên kết với DN của Việt Nam, có thể là mua bán hay sáp nhập, để sản xuất các sản phẩm phụ trợ cung cấp cho khách hàng của mình.
 
                  "Một làn sóng đầu tư mới đã, đang và sẽ vào Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam không chủ động tìm hiểu nhu cầu của đối tác, chứng minh được năng lực, quảng bá thế mạnh sản  phẩm… thì sẽ rất khó triển khai các bước tiếp theo để tạo được những giá trị gia tăng sau đó”, ông Fukurohata Yoshihisa, chuyên gia công nghiệp của JICA, nhận định.                                

Một yếu tố nữa, quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, gần đây không được tốt, nên các DN Nhật Bản có xu hướng chuyển đầu tư sang Việt Nam hay các nước láng giềng của Việt Nam. Vì vậy, trong hai năm gần đây, ngày càng nhiều DN của Nhật Bản sang Việt Nam để khảo sát các DN Việt Nam, mua sản phẩm hoặc liên kết đầu tư.

 
* Dưới góc nhìn của một chuyên gia Nhật Bản làm việc tại Việt Nam trong hai năm qua, ông nhận định thế nào về khả năng định vị chất lượng sản phẩm của các DN Việt Nam?
 
– Từ trước đến nay, DN Việt Nam chủ yếu sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, chỉ xuất khẩu được một số sản phẩm. Những sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường trong nước. Vì vậy, các DN Việt Nam phải tăng chất lượng sản phẩm lên thì mới xuất khẩu được.
 
Mười năm trước đây, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhân công giá rẻ, nếu bây giờ vẫn chỉ dựa vào điều này thì rất khó. Điều quan trọng trong thu hút đầu tư hiện nay không chỉ ở nhân công giá rẻ mà còn ở cách nước sở tại đáp ứng những yêu cầu liên quan.
 
Nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam nhưng họ vẫn lo ngại các vấn đề liên quan đến lạm phát, quản lý trong khi kỹ thuật chưa cao… Do đó, theo quan điểm của tôi, Chính phủ và các DN Việt Nam cần suy nghĩ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đến Việt Nam.
 
* Vậy DN Việt Nam phải làm gì để đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thưa ông?
 
– Vấn đề nằm ở chất lượng, tính ổn định của sản phẩm, thời gian giao hàng cho đối tác… Những điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ quản lý của DN. Vì vậy, các DN vừa phải nỗ lực nâng cao trình độ quản lý của ban giám đốc và quản lý tầm trung, vừa phải có chính sách đào tạo nhân sự cấp dưới.
 
Về phía Chính phủ Việt Nam, tôi không thể nói chắc chắn là phải có thêm các hỗ trợ gì cho DN phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại Việt Nam, tôi đã thấy những khó khăn họ gặp phải. Muốn sản xuất tốt hơn, DN phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị mới nhưng hầu hết các DN không có tiền đầu tư mà phải đi vay, và điều kiện tiếp cận vốn ở Việt Nam rất khó khăn.
 
Nhiều DN không vay được tiền, một số vay được thì phải chịu lãi suất rất cao. Với điều kiện như hiện nay, DN sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng.
 
* Cảm ơn ông!
 
Theo TRÌNH TIÊU
Doanh nhân Sài Gòn Online
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928