Ông Hồ Đức Lam – Chủ Tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Cổ phần Rạng Đông – “Cần một chiến lược bài bản để xây dựng thương hiệu cho người lãnh đạo”

Đối với đa số các công ty, việc “lên sàn” là một cột mốc rất quan trọng. Theo ông, sự khác biệt giữa một công ty “lên sàn” và “chưa lên sàn” là gì?

Điểm khác biệt lớn nhất, theo tôi, đó là: một công ty “chưa lên sàn” thì mọi hoạt động đa phần là mang tính nội bộ, ban giám đốc chỉ phải làm sao đạt được mục tiêu đề ra của hội đồng quản trị & mang lại lợi nhuận cho các cổ đông; còn một khi đã “lên sàn” thì mọi thứ đều cần phải tuân thủ theo đúng quy tắc minh bạch của Ủy ban Chứng khoán. Điều đó đòi hỏi một cách lãnh đạo phù hợp, phải thay đổi tư duy quản lý so với thời chưa lên sàn, hệ thống kế toán phải rõ ràng, dữ liệu phải đúng ngày giờ theo quy định và quan trọng nhất là “đả thông” tư tưởng cho nhân viên từ trên xuống dưới, cần phải chuyên nghiệp hóa để đáp ứng đúng guồng máy của một doanh nghiệp “lên sàn”.

Như vậy, được và mất của doanh nghiệp “lên sàn” thì như thế nào, thưa ông?

Tôi cho là khi công ty “lên sàn” chỉ toàn nhận những cái được mà không mất gì cả, ngoại trừ một thách thức của việc bị thu tóm doanh nghiệp bởi đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên, đây chỉ là nguy cơ, và việc này hiện tại vẫn chưa phải là một vấn đề lớn tại thị trường Việt Nam. Niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngoài việc mang lại một nguồn huy động vốn cho doanh nghiệp để triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh thì còn mang lại lợi ích về mặt uy tín và hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp. Để được xuất hiện trên sàn, công ty phải đáp ứng được những điều kiện gắt gao của Ủy ban Chứng khoán; thêm nữa, khi lên sàn, thông tin của doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, chiến lược, để thuyết phục các đầu tư. Chính những điều đó đã tạo nên cái được cho doanh nghiệp khi lên sàn chứng khoán.

Tại các quốc gia phát triển, chủ tịch HĐQT & tổng giám đốc /CEO là 2 người khác nhau. Nhưng thực tế tại Việt Nam thì ngược lại, đa phần các công ty có 1 người đảm trách cả 2 vị trí này. Điều này nên được lý giải như thế nào, theo quan điểm của ông?

Thực tế bạn vừa nêu ra là khá phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc CTHĐQT kiêm TGĐ thường xuất hiện ở các công ty khi mà người đứng đầu chính là người thành lập doanh nghiệp hoặc có quá nhiều kinh nghiệm. Điều đó khiến họ hiểu được văn hóa, bản chất, hoài bão của doanh nghiệp tường tận “đến tận gốc rễ”, do đó, sẽ thuận lợi hơn trong công việc điều hành; nhờ thế, doanh nghiệp được vận hành tốt và phát triển nhanh. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp Việt Nam có mô hình hoạt động vừa & nhỏ nên công việc của CTHĐQT & TGĐ đôi khi không mấy khác biệt nhau. Một lý do nữa lý giải cho thực tế này là Việt Nam chưa có các CEO chuyên nghiệp và bản thân doanh nghiệp cũng chưa thật sự thích ứng với việc thuê CEO chuyên nghiệp.

Việc kiêm nhiệm có gây ra những cản trở hay khó khăn gì đối với công tác điều hành doanh nghiệp không? Kinh nghiệm xử lý của bản thân ông như thế nào?

Không thể tránh khỏi việc kiêm nhiệm đôi khi sẽ thường dẫn đến việc lẫn lộn, không rõ ràng giữa hai vai trò, khi nào nên là CTHĐQT, khi nào nên là CEO. Ở vai trò người đứng đầu HĐQT, anh phải có nhiệm vụ tạo ra môi trường tốt cho ban giám đốc thực thi công việc điều hành của mình, và quan trọng nhất là phải có tầm nhìn cao & rộng để đề ra đường hướng đi cho doanh nghiệp. Còn CEO là người dẫn cả đoàn tàu đi sao cho đúng hướng với những hoạch định, chiến lược đã được HĐQT thông qua. Thêm nữa, sự nhập nhằng về vai trò có thể xuất hiện trong quá trình đánh giá, thẩm định công việc. Vì vậy, với tôi, yêu cầu khó nhất và quan trọng nhất là phải tách bạch được hai vai trò, phải biết mình đang ngồi ở vị trí nào, đứng ở tư thế nào & phát biểu với chức danh gì. Bên cạnh đó tôi còn duy trì hệ thống báo cáo cụ thể chi tiết từ các phòng ban, qua đó, phản ánh được khả năng làm việc và điều hành của người lãnh đạo. Theo quan điểm của tôi, mô hình kiêm nhiệm 2 vai trò này vẫn sẽ còn thích hợp với đặc điểm doanh nghiệp Việt Nam trong ít nhất 3-5 năm nữa. Tuy nhiên, về lâu dài, sự tách bạch vai trò vẫn là quan trọng và phải thực hiện.

Vậy tại Rạng Đông, ông có chuẩn bị cho sự tách bạch vai trò này?

Việc này đã được triển khai từ nhiều năm nay tại Rạng Đông. Đó là một sự chuẩn bị công phu và to lớn, không chỉ là vấn đề tìm kiếm CEO phù hợp mà doanh nghiệp cũng phải chuyển mình đế phù hợp với văn hóa mới, quan trọng nhất là làm sao tạo được sự phù hợp giữa CEO với các cấp bên dưới, cũng như sự kết nối giữa CEO với các thành viên của HĐQT. Thuê một người chưa từng có thời gian gắn bó dài với doanh nghiệp về để thực hiện điều hành sẽ là một sự xáo trộn lớn mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ càng. Vì thế, tôi đang cố gắng chuyên nghiệp hóa văn hóa Rạng Đông, ngày một bài bản hơn, theo một quy trình được chuẩn mực và quốc tế hóa. Có vậy, thì sự chuyển đổi giữa cấp lãnh đạo mới không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho công ty.

Khi đã tách bạch vai trò, ông sẽ lựa chọn và đánh giá một CEO như thế nào? Ông nhận xét gì về việc đánh bóng tên tuổi cho các vị lãnh đạo doanh nghiệp?

Tôi cần ở người CEO một sự hiểu biết đa dạng, phong phú về mọi ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, thương mại, sản xuất, … bởi nó giúp ích cho việc hoach định mang tính dài hơi, đưa ra những chính sách và quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm. Ngoài ra, CEO cần phải là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, chính sở trưởng, thế mạnh đó sẽ là lợi thế cho doanh nghiệp trên thương trường. Về phía HĐQT, CEO cần phải được giao quyền, tin tưởng hoàn toàn để anh ta có thể làm tốt công việc điều hành của mình, mức độ can thiệp được quy định rõ ràng để tránh những vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành của doanh nghiệp.

Nói về vấn đề đánh bóng hình ảnh & tên tuổi cho người lãnh đạo doanh nghiệp, tôi cho là rất cần thiết và cần một chiến lược bài bản hẳn hoi. Khi họ xuất hiện trước công chúng, xây dựng được một hình ảnh uy tín và tốt đẹp thì ai là người hưởng lợi sau cùng, không ai khác chính là doanh nghiệp. Xuất hiện trước công chúng, tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với cộng đồng, … là những điều nên làm đối với người lãnh đạo. Trong chiến lược xây dựng hình ảnh cho công ty thì xây dựng hình ảnh cho người dẫn đầu là một điều không thể thiếu & không thể tách rời.

Cám ơn những chia sẻ quý báu của ông.

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928