Phải làm chậm lại, thậm chí đảo ngược xu hướng phát thải nhiều khí thải từ năng lượng hóa thạch hơn để tạo ra một USD giá trị kinh tế này càng sớm càng tốt. Nếu không, Việt Nam sẽ có rất ít thời gian để đạt được các mục tiêu phát thải đã cam kết, ngay cả trong trường hợp áp dụng các biện pháp ‘hãm đột ngột’ thường gây ra chi phí kinh tế và xã hội đáng kể…
CBAM của EU đang khiến nhiều nhà xuất khẩu phải chuyển đổi xanh. Ảnh : VNeconomy
Báo cáo tóm tắt về tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với Việt Nam do Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên môi trường) thực hiện đã đánh giá tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng trong ngành điển trong lộ trình thực hiện NDC hướng tới Netzero.
CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG CÓ THỂ TẠO RA 248 TRIỆU USD TỪ ĐỊNH GIÁ CARBON VÀ CBAM
Để định lượng tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng trong ngành điện vào việc giảm phát thải khí nhà kính góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong NDC cũng như Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi xanh của Việt Nam, nhóm thực hiện báo cáo đã xem xét cơ cấu dự kiến của tổng sản lượng điện vào năm 2030 gồm các nguồn: thủy điện, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện đốt lò FO, dầu diesel, khí đốt, năng lượng tái tạo.
Với những gì đã diễn ra vào năm 2019 so sánh với mục tiêu đặt ra vào năm 2030 trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho thấy mức giảm cường độ phát thải của Việt Nam ước tính sơ bộ là 13% trong 11 năm (*).
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng con số ước tính này để hiệu chỉnh quá trình chuyển đổi năng lượng cho ngành điện. “Để định lượng tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng theo lộ trình của ngành điện đối với các ngành mục tiêu CBAM, chúng tôi đã giảm 13% lượng phát thải từ điện cho mỗi ngành trong vòng 11 năm và sử dụng tỷ lệ phát thải từ điện trên tổng lượng phát thải để tính mức giảm về cường độ phát thải trong mỗi ngành mục tiêu CBAM”.
Theo tính toán của nhóm báo cáo, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ năm 2026 đến năm 2035, quá trình chuyển dịch năng lượng trong ngành điện sẽ tạo ra lợi ích ước tính lần lượt là 209 triệu USD chỉ từ việc định giá carbon và 248 triệu USD từ việc áp dụng cả định giá carbon và CBAM.
Từ năm 2028 khi giá carbon được áp dụng, GDP sẽ tăng theo thời gian. Điều này là do quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ phân bổ các nguồn lực kinh tế sang các ngành không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khi nguồn năng lượng này sẽ dần trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam có thể dành nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng và đạt được kết quả như mong đợi, nhưng nếu không áp dụng định giá carbon (ví dụ trước năm 2028), Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu khí hậu vào năm 2030 do phải bỏ chi phí cho việc phân bổ lại các nguồn tài nguyên sang các ngành không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể là khi lượng phát thải từ năng lượng hóa thạch bình quân đầu người tăng lên, Việt Nam sẽ phát thải nhiều khí thải từ năng lượng hóa thạch hơn để tạo ra một USD giá trị kinh tế gia tăng.
CHÌA KHÓA CHO NETZERO LÀ ĐỊNH GIÁ CARBON
Do đó, trên cơ sở các giả định, tham số khác nhau và các định hướng phát triển trong tương lai, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số phát hiện và khuyến nghị mà các cơ quan hoạch định chính sách có thể xem xét.
Thứ nhất, Báo cáo khẳng định cơ chế CBAM ở hình thức hiện tại chỉ tác động trực tiếp đến một phần nhỏ của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, phạm vi của CBAM có thể mở rộng (ví dụ: gốm sứ, bột giấy và giấy thuộc EU-ETS), song tác động này chỉ đáng kể với các nhà xuất khẩu sang EU.
Việt Nam có thể phải đối mặt với chi phí gián tiếp do CBAM do doanh nghiệp có thể sẽ phải tăng giá thành sản phẩm nhằm bù đắp lại chi phí thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính và xây dựng hệ thống báo cáo.
Giải pháp cho bài toán này là Việt Nam cần đàm phán với các đối tác phát triển để cung cấp nghiên cứu sâu hơn về chuyển dịch năng lượng nhằm làm giảm cường độ phát thải của các hàng hóa phát thải cao, bao gồm cả các hàng hóa mà Việt Nam không xuất khẩu; xem xét hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn và thu thập dữ liệu toàn diện về danh sách các mặt hàng khác nằm trong ETS của EU trong tương lai gần (2-3 năm).
“Hơn nữa Việt Nam cũng cần tham gia đàm phán với các đối tác thương mại chính của mình để ngăn chặn việc áp dụng CBAM bên ngoài EU” nhóm nghiên cứu khuyến cáo.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, nhóm nghiên cứu khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể giảm cường độ phát thải trong các ngành chịu CBAM.
Cùng với nhận định “có sự khác biệt đáng kể về cường độ phát thải giữa mức trung bình của Việt Nam và toàn cầu cũng như là giữa các doanh nghiệp của từng ngành riêng lẻ”, kết quả khảo sát doanh nghiệp của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy khả năng cải thiện hiệu quả năng lượng vì các doanh nghiệp có cường độ phát thải cao có thể bắt kịp các doanh nghiệp cùng ngành.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy tiến bộ công nghệ nhằm đạt hiệu quả tổng thể, tạo ra nhiều sản phẩm hơn trong khi sử dụng ít nguyên liệu đầu vào hơn.
Bên cạnh đó các công cụ kinh tế cũng có vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa việc giảm cường độ phát thải thông qua thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa
Thứ ba, Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh định giá carbon là cần thiết để giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Định giá carbon làm chi phí phát thải tăng lên sẽ trực tiếp tạo sức ép khiến doanh nghiệp tư nhân phải thay thế nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc hàng hóa tiêu dùng có phát thải cao bằng các lựa chọn thay thế phát thải thấp.
“Định giá carbon cũng có thể tạo ra doanh thu hàng tỷ đô la mỗi năm và số tiền này có thể được sử dụng để hỗ trợ việc chuyển đổi công nghệ sạch, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó cung cấp khuôn khổ để các bên trong cả khu vực công và tư thực hiện giảm phát thải khí nhà kính”.
“Vì vậy, việc áp dụng định giá carbon cần được xem xét trong bối cảnh rộng hơn đó là toàn bộ quá trình chuyển dịch năng lượng, phát triển carbon thấp của Việt Nam và các đồng lợi ích liên quan khác (môi trường, sức khỏe, v.v.)”, Báo cáo đề xuất.
Thứ tư, định giá carbon là một ưu tiên trong việc thực hiện NDC của Việt Nam.
Việc áp dụng cơ chế định giá carbon chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu NDC của mình, mặc dù những công cụ khác như trợ cấp cho năng lượng tái tạo cũng có thể giúp đạt được mục tiêu NDC.
Cuối cùng, cần xem xét việc đẩy nhanh các hành động và chính sách hướng tới các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam khi thích hợp.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng phát thải từ sử dụng năng lượng hóa thạch (dầu, than, khí đốt) tại Việt Nam tăng từ 148 triệu tấn CO2 năm 2014 lên 296 triệu tấn CO2 năm 2020, tăng 12% hàng năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng dân số.
Khi lượng phát thải từ năng lượng hóa thạch bình quân đầu người tăng lên, Việt Nam sẽ phát thải nhiều khí thải từ năng lượng hóa thạch hơn để tạo ra một $ giá trị kinh tế gia tăng. Nếu xu hướng này tiếp tục, Việt Nam sẽ ngày càng khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải của mình.
(*) Các con số được tính giá trị theo năm 2019.
Nguyệt Hà (Nguồn: vneconomy.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!