Phương cách hoàn thành mục tiêu nhanh hơn

Thành công là các mục tiêu, còn tất cả những cái khác chỉ là sự giải thích
 
“Lý do hàng đầu cho sự thất bại chính là việc người ta không xây dựng những kế hoạch mới thay thế cho những kế hoạch không hiệu quả”. (Napoleon Hill).
Có 3 bước ngoặt trong đời tôi: Thứ nhất, tôi phát hiện ra tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, và về bất cứ điều gì xảy ra với tôi. Tôi học được rằng, cuộc sống này không phải là nơi để diễn tập cho điều gì đó. Nó là thực tiễn.
 
Bước ngoặt thứ hai đến khi tôi 24 tuổi, đó là phát hiện của tôi về những mục tiêu. Không thực sự biết mình đang làm gì, tôi ngồi xuống và liệt kê ra 10 điều tôi thực sự muốn hoàn thành trong tương lai gần. Tôi nhanh chóng làm mất danh sách đó. Nhưng 30 ngày sau, toàn bộ cuộc đời tôi đã thay đổi. Gần như mọi mục tiêu trong danh sách đó tôi đã đạt được hoặc đạt được phần nào đó.
 
Bước ngoặt thứ 3 trong đời là khi tôi khám phá ra rằng, “Bạn có thể học hỏi bất cứ điều gì bạn cần phải học, để hoàn thành mọi mục tiêu bạn đặt ra cho mình”.
 
Không ai thông minh hơn bạn và cũng không ai giỏi giang hơn bạn. Tất cả những kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng và kỹ năng kiếm tiền đều có thể học được.
 
Mọi người đều giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào mà họ đã từng không giỏi trước đây. Những người đứng đầu trong mọi lĩnh vực tại thời điểm nào đó đều đã từng không giỏi trong lĩnh vực ấy hoặc thậm chí còn không biết tới sự tồn tại của lĩnh vực đó. Và những gì mà hàng trăm, hàng ngàn người khác đã làm được thì bạn cũng có thể làm được.
 
Quá trình thiết lập mục tiêu
 
1. Xác định điều mình muốn
 
Hãy bắt đầu bằng cách lên ý tưởng. Hãy tưởng tượng rằng không có bất cứ giới hạn nào trong việc bạn có thể là ai, có thể có gì và có thể làm gì. Hãy tưởng tượng bạn có tất cả thời gian và tiền bạc, tất cả bạn bè và những mối quan hệ, tất cả sự giáo dục và kinh nghiệm cần thiết để đạt được các mục tiêu bạn đặt ra cho mình.
 
Hãy tưởng tượng bạn có thể vẩy một cây đũa thần và làm cho cuộc sống của mình hoàn hảo trong từng phần ở 4 lĩnh vực chủ chốt nhất của đời sống:
 
1/ Thu nhập – Bạn muốn mình kiếm được bao nhiêu tiền trong năm nay, năm tới và 5 năm nữa?
2/ Gia đình – Bạn muốn kiến tạo cho mình và gia đình mình kiểu sống như thế nào?
3/ Sức khỏe – Bạn muốn sức khỏe của mình sẽ khác biệt như thế nào nếu nó hoàn hảo trên mọi phương diện?
4/ Tích lũy – Bạn muốn tiết kiệm và tích lũy được bao nhiêu tiền trong quá trình làm việc suốt đời?
 
Phương pháp 3 mục tiêu: Trong gần 30 giây, hãy viết ra 3 mục tiêu quan trọng nhất của đời bạn, ngay bây giờ. Hãy viết thật nhanh.
 
Dù câu trả lời của bạn với phương pháp liệt kê nhanh này là gì thì đó có thể là bức tranh chính xác về những điều bạn thực sự muốn trong đời.
 
2. Viết ra
 
Mục tiêu của bạn cần phải được viết ra. Chúng phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết và có thể ước lượng được. Bạn phải viết ra những mục tiêu của mình như thể bạn đang xếp đặt thứ tự cho chúng để được sản xuất ở một nhà máy từ xa. Hãy miêu tả chúng thật rõ ràng và chi tiết.
 
Chỉ có 3% số người trưởng thành viết ra các mục tiêu, những người khác làm việc vì chúng.
 
3. Đặt ra thời hạn
 
Tiềm thức của bạn sử dụng các thời hạn như “hệ thống bắt buộc” để thúc giục bạn, một cách có ý thức và vô thức, khiến bạn đạt được mục tiêu theo kế hoạch.
 
Nếu mục tiêu của bạn khá lớn, hãy đặt ra các tiểu thời hạn. Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu tự do tài chính, bạn có thể phải đặt mục tiêu từ 10 đến 20 năm, và rồi phá bỏ nó, theo từng năm, để bạn biết mình sẽ phải tiết kiệm và đầu tư hàng năm bao nhiêu tiền.
 
Nếu vì lý do nào đó bạn không đạt được mục tiêu theo như tiến độ, đơn giản là hãy đặt ra một thời hạn mới. Không có những mục tiêu vô lý, chỉ có những thời hạn vô lý.
 
4. Xác định những trở ngại phải vượt qua
 
Sẽ luôn có một nhân tố giới hạn hoặc hạn chế tốc độ để bạn đạt được mục tiêu của mình.
 
Nguyên tắc 80/20 áp dụng cho các hạn chế. Gần 80% lý do khiến bạn không đạt được mục tiêu nằm trong chính bản thân bạn. Chúng bao gồm việc thiếu một kỹ năng, một phẩm chất hay một bộ phận kiến thức nào đó. Chỉ có 20% lý do để bạn không hoàn thành mục tiêu đến từ bên ngoài. Hãy luôn bắt đầu với chính bạn.
 
5. Xác định những thứ cần có để đạt được mục tiêu
 
Hãy xác định những kỹ năng bạn cần xây dựng để trở thành 10% người đứng đầu trong lĩnh vực của mình.
 
Khám phá lớn nhất: Kỹ năng kém nhất nhưng cũng quan trọng nhất sẽ quyết định mức thu nhập cũng như thành công của bạn. Bạn có thể cải thiện bằng cách rèn luyện thêm về kỹ năng đã cản bước bạn này hơn bất cứ kỹ năng nào khác.
 
Câu hỏi trọng yếu: “Kỹ năng nào, nếu được xây dựng và thực hiện nó một cách hoàn hảo, sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực lớn lao nhất với cuộc đời bạn?”.
 
Kỹ năng nào, nếu bạn xây dựng và thực hiện nó liên tục và một cách hoàn hảo, sẽ giúp bạn đạt được tốt nhất mục tiêu quan trọng của mình? Bất kể đó là kỹ năng nào, hãy viết nó ra, lên kế hoạch và thực hiện nó mỗi ngày.
 
6. Xác định người sẽ giúp đỡ và sự hợp tác bạn cần để đạt được mục tiêu
 
Hãy lập danh sách tất cả những người trong cuộc đời bạn sẽ phải làm việc cùng hoặc liên quan tới để đạt được mục tiêu của mình. Hãy bắt đầu với những thành viên trong gia đình, những người mà bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ và hợp tác của họ.
 
Lên danh sách sếp của bạn, đồng nghiệp và cấp dưới. Và nhất là, hãy xác định những khách hàng bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ của họ để bán sản phẩm hay dịch vụ và kiếm được khoản tiền bạn muốn.
 
Sau khi đã xác định được những người chủ chốt này, hãy tự hỏi mình câu hỏi, “Họ được gì trong việc này?”. Hãy là người “cho đi” hơn là người “nhận lại”.
 
Để đạt được những mục tiêu lớn, bạn phải có sự trợ giúp và hợp tác của rất nhiều người. Những người thành công nhất là những người có thể gây dựng và duy trì được một mạng lưới lớn nhất những người có thể giúp đỡ mình và ngược lại.
 
7. Lên danh sách mọi thứ phải làm để đạt được mục tiêu
 
Hãy kết hợp những trở ngại bạn phải vượt qua, kiến thức và kỹ năng bạn cần xây dựng và những người bạn cần sự hợp tác lại với nhau. Khi nghĩ ra những vấn đề mới, hãy bổ sung vào danh sách cho tới khi hoàn thiện.
 
Khi bạn đưa ra được danh sách tất cả những việc cần làm để đạt được mục tiêu, bạn bắt đầu thấy rằng, mục tiêu này có tính khả thi hơn bạn nghĩ rất nhiều. “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Bạn có thể xây dựng một bức tường lớn nhất thế giới chỉ với một viên gạch bắt đầu.
 
8. Tổ chức lại danh sách việc cần làm
 
Hãy tổ chức danh sách trên bằng cách sắp xếp các bước theo thứ tự và ưu tiên.
 
Thứ tự – những gì bạn phải làm trước để có thể làm tiếp những việc khác.
 
Ưu tiên – những gì là quan trọng hơn và những gì ít quan trọng hơn.
 
Nguyên tắc 80/20 cho rằng, 80% kết quả đến từ 20% hoạt động của bạn. Nguyên tắc 20/80 cũng nói rằng, 20% thời gian đầu tiên bạn dành cho việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện mục tiêu sẽ tương đương với 80% thời gian và nỗ lực để đạt được mục tiêu.
 
Việc lên kế hoạch là rất quan trọng.
 
9. Lên kế hoạch
 
– Lên kế hoạch mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng từ trước.
– Lên kế hoạch từng tháng vào đầu mỗi tháng.
– Lên kế hoạch mỗi tuần vào ngày cuối tuần trước đó.
– Lên kế hoạch mỗi ngày vào buổi tối trước đó.
 
Kế hoạch càng cẩn thận và chi tiết bao nhiêu, bạn càng tốn ít thời gian để hoàn thành công việc bấy nhiêu.
 
Nguyên tắc là, mỗi phút dành cho việc lên kế hoạch sẽ tiết kiệm 10 phút cho khi thực hiện. Điều này có nghĩa, bạn sẽ thu lại kết quả 1000% lợi ích trong việc đầu tư thời gian vào việc lên kế hoạch cho mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng của mình từ trước.
 
10. Chọn nhiệm vụ số 1 cho mỗi ngày
 
Hãy đặt ra các ưu tiên cho danh sách công việc của bạn, sử dụng nguyên tắc 80/20.
 
Hãy tự hỏi mình câu này: “Nếu tôi chỉ có thể làm một việc trong danh sách này, hoạt động nào là quan trọng nhất?”. Dù câu trả lời của bạn là gì, hãy cứ đánh số 1 vào cạnh công việc đó.
 
Tiếp đó, hãy hỏi mình câu này: “Nếu tôi chỉ có thể làm một việc khác trong danh sách này, nhiệm vụ nào sẽ đáng để mất thời gian nhất?”. Và viết tiếp số 2 vào cạnh công việc đó.
 
Hãy tiếp tục hỏi câu này, “Việc gì nữa đáng để tôi dành thời gian nhất trong danh sách này?”. Cho tới khi bạn có được 7 công việc ưu tiên hàng đầu, được sắp xếp theo thứ tự và ưu tiên.
 
Đây là một câu hỏi khác, “Nếu tôi có thể làm một việc gì đó suốt cả ngày, việc nào sẽ đóng góp nhiều giá trị nhất cho công việc của tôi và cho các mục tiêu của tôi?”.
 
Hãy tập trung và chú ý là những chìa khóa của thành công. Tập trung có nghĩa bạn biết chính xác mình muốn hoàn thành điều gì. Chú ý đòi hỏi bạn phải dành toàn tâm toàn ý vào những việc giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu của mình.
 
11. Xây dựng thói quen kỷ luật
 
Khi bạn đã quyết định được nhiệm vụ quan trọng nhất với mình, hãy chỉ tập trung vào nó cho tới khi hoàn thành công việc này 100%.
 
Chọn công việc quan trọng nhất, sau đó tập trung toàn bộ tâm trí vào nó sẽ làm tăng gấp đôi hoặc gấp 3 chất lượng và số lượng sản phẩm.
 
Chỉ giải quyết một việc là kỹ năng quan trọng hơn cả trong những kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa, khi bắt đầu công việc, bạn sẽ tránh mọi sự phân tán và chỉ tập trung vào nó cho tới khi hoàn thành.
 
Khi bạn đã xây dựng được thói quen hoàn thành công việc, bạn sẽ kiếm được nhiều hơn gấp 2, gấp 3 hoặc thậm chí gấp 5 lần so với những người khác.
 
12. Luyện tập sự hình dung về các mục tiêu
 
Hãy tạo nên những bức tranh rõ ràng, sinh động, thú vị và đầy cảm xúc về những mục tiêu của bạn, như thể chúng đã là hiện thực.
 
Hãy nhìn về mục tiêu của bạn như thể nó đã đạt được. Hãy tưởng tượng như bạn đang tận hưởng các thành tựu của mục tiêu này. Trong khi hình dung, hãy dành vài phút để tạo nên cảm xúc sẽ đồng hành với các thành tựu đạt được trong mục tiêu của mình. Một bức tranh tinh thần gắn với cảm xúc sẽ có tác động to lớn lên tiềm thức và cả phần siêu ý thức trong bạn.
 
Khả năng hình dung có lẽ là công cụ mạnh mẽ nhất có sẵn ở bạn giúp bạn đạt được những mục tiêu nhanh hơn bạn nghĩ.
 
Khi bạn dùng cách kết hợp những mục tiêu rõ ràng với khả năng hình dung hóa, cảm xúc hóa, bạn sẽ kích hoạt tới phần siêu ý thức trong mình. Khi đó, phần siêu ý thức sẽ giải quyết mọi vấn đề trong quá trình bạn hướng tới mục tiêu.
 
Phần siêu ý thức cũng sẽ kích hoạt luật hấp dẫn và bắt đầu hút vào cuộc sống của bạn những con người, hoàn cảnh, ý tưởng và tài nguyên có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình nhanh chóng hơn.
 
13. Bài tập thiết lập mục tiêu
 
Hãy lấy một tờ giấy trắng và viết lên đó từ “mục tiêu” ở đầu trang cùng với ngày tháng của hôm nay. Hãy bắt mình viết ra ít nhất 10 mục tiêu bạn muốn hoàn thành trong năm tới, hoặc trong một tương lai gần.
 
Hãy bắt đầu mỗi mục tiêu bằng chữ “tôi”. Chỉ khi bạn dùng chữ “tôi”, theo sau chữ “tôi” là một động từ chủ động, bạn sẽ hành động như một mệnh lệnh từ ý thức cho tới cả phần tiềm thức của bạn.
 
Hãy miêu tả các mục tiêu của bạn ở thời hiện tại, như thể chúng đã đạt được rồi. Cuối cùng, khi đã viết ra những mục tiêu rồi, bạn hãy viết chúng ở thể khẳng định. Thay vì nói “Tôi sẽ bỏ thuốc lá”, bạn sẽ nói, “Tôi là người không hút thuốc lá”.
 
Cách làm này kích hoạt tiềm thức và siêu thức trong bạn để thay đổi những hiện thực bên ngoài sao cho nó tương thích với những mệnh lệnh bên trong.
 
14. Quyết định về từng mục đích trọng yếu
 
Sau khi đã viết ra danh sách gồm 10 mục tiêu, bạn hãy hỏi mình câu này, “Nếu tôi có thể vẩy một chiếc đũa thần và hoàn thành bất cứ mục tiêu nào trong danh sách trong vòng 24 giờ, mục tiêu nào sẽ có tác động tích cực lớn nhất với cuộc đời tôi?”.
 
Dù câu trả lời của bạn là gì thì hãy cứ khoanh tròn vào mục tiêu đó. Sau đó, hãy chuyển mục tiêu này lên vị trí đầu tiên của tờ giấy trắng.
 
1. Hãy viết nó ra rõ ràng và chi tiết.
 
2. Đặt ra thời hạn và cả những tiểu thời hạn nếu cần.
 
3. Xác định những trở ngại cần vượt qua để đạt được mục tiêu và xác định mục tiêu quan trọng nhất, cả bên trong và bên ngoài.
 
4. Xác định những kiến thức và kỹ năng sẽ cần để đạt được mục tiêu, và kỹ năng quan trọng nhất để trở thành xuất sắc.
 
5. Xác định những người cần sự trợ giúp và hợp tác của họ, nghĩ về những điều bạn có thể làm để xứng đáng với sự hỗ trợ đó.
 
6. Lên danh sách tất cả những điều bạn cần để đạt được mục tiêu của mình. Thêm vào danh sách khi bạn nghĩ ra được những điều mới khác.
 
7. Tổ chức danh sách của bạn theo thứ tự và ưu tiên, theo những việc bạn phải làm trước và những gì quan trọng nhất.
 
8. Lập kế hoạch bằng cách tổ chức danh sách việc cần làm thành từng bước từ đầu đến cuối, sau đó tổ chức hành động theo kế hoạch, làm từng ngày một.
 
9. Lên kế hoạch từ trước về mục tiêu của bạn theo những hoạt động bạn phải thực hiện để đạt được nó, hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.
 
10. Đặt ra những ưu tiên trong danh sách việc cần làm và xác định việc quan trọng nhất bạn có thể làm mỗi ngày để tiến nhanh hơn tới mục tiêu.
 
11. Thực hiện kỷ luật với bản thân để tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc quan trọng nhất bạn có thể làm hôm nay cho tới khi nó hoàn thành 100%. Tập luyện sự tập trung đó dần dần với từng việc chính yếu.
 
Kết luận
 
Sự kiên trì chính là tính kỷ luật trong hành động. Mỗi lần bạn kiên nhẫn và vượt qua những thất bại và thất vọng tưởng như không tránh khỏi, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm và trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ phát triển được cá tính mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Bạn sẽ tăng thêm lòng tự trọng và tự tin vào bản thân. Mục tiêu của bạn rốt cuộc sẽ trở thành “không thể ngăn cản được”.
 
Hãy quyết định chính xác về điều bạn muốn, viết nó ra, lên kế hoạch và làm việc với nó mỗi ngày. Nếu bạn làm đi làm lại điều này cho tới lúc nó trở thành thói quen, bạn sẽ hoàn thiện được nhiều mục tiêu hơn trong những tuần và những tháng tiếp theo.
 
Hãy bắt đầu từ hôm nay.
 
 
DƯƠNG KIM THOA
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928