Phượt thủ mở công ty khởi nghiệp tỷ đô đầu tiên của Nhật

Năm 2012, Shintaro Yamada 35 tuổi, độc thân và bế tắc với công việc. Vì vậy, anh rời khỏi thành phố Tokyo, Nhật và bắt đầu hành trình khám phá thế giới.

Rời khỏi thành phố tiện nghi và thoải mái, Yamada dấn thân vào các chuyến du lịch giá rẻ. Suốt chuyến đi, anh thường ở cùng với người địa phương, sống trong các phòng trọ không có nước nóng với giá 5 USD một đêm và di chuyển bằng cách xin quá giang hoặc bắt xe bus.

Theo Bloomberg, sau 6 tháng, người đàn ông này đặt chân tới 23 quốc gia, ở lại trong nhà của người du mục tại rìa sa mạc Sahara, ngắm nhìn những con rùa ở quần đảo Galapagos (Ecuado) và thăm nơi Đức Phật niết bàn ở Ấn Độ.

Chuyến đi khiến Yamada nhận ra rằng điện thoại di động đã phủ sóng tới những ngôi làng nghèo nhất và mọi người khao khát học hỏi công nghệ để khám phá thế giới rộng lớn.

Điều này khiến anh quyết tâm mở một công ty có thể giúp người dân ở nhiều quốc gia có thể kết nối với nhau và Mercari Inc., một trang web thương mại điện tử – thứ kết nối giữa người mua và người bán, ra đời.

Gần đây, công ty của anh trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên của Nhật đạt giá trị ít nhất 1 tỷ USD.

Phuot thu mo cong ty khoi nghiep ty do dau tien cua Nhat hinh anh 1

Sau 6 tháng khám phá thế giới, Yamada trở về Nhật Bản và mở công ty khởi nghiệp. Ảnh: Bloomberg

“Chuyến đi khiến tôi mở rộng đầu óc và thôi thúc tôi làm một thứ gì đó hữu ích tại bất kỳ nơi nào trên thế giới”, người đàn ông 38 tuổi chia sẻ.

Diện chiếc áo sơ mi màu hồng nhạt và ngồi tại trụ sở công ty ở thủ đô Tokyo, Yamada cho hay: “Tôi bắt đầu nghĩ về một sân chơi cho phép mọi người trao đổi mọi thứ trên điện thoại di động”.

Bên cạnh đó, trước khi hợp tác với 2 nhà sáng lập khác để tạo ra Mercari vào năm 2013, Yamada phải học hỏi thêm kiến thức liên quan đến ý tưởng. Ngoài ra, công ty cũng bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, gồm Mitsui & Co. và Globis Capital Partners, để gây quỹ 74 triệu USD. Hiện tại, Mercari toạ lạc tại khu Roppongi Hill cùng với Google và Goldman Sachs Group.

Chú kỳ lân đơn độc

Theo CB Insight, hiện tại, thế giới có khoảng 155 “chú kỳ lân”, cách gọi của các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, 92 ở Mỹ, 25 ở Trung Quốc và 8 tại Ấn Độ. Dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản có rất ít công ty khởi nghiệp và sự thành công của Mercari càng làm nổi bật tình trạng khan hiếm này.

Nguyên nhân là thiếu quỹ đầu tư mạo hiểm và văn hoá sợ rủi ro tại xứ sở hoa anh đào. Những người giỏi và thông minh nhất thường đầu quân cho các tập đoàn lớn và làm việc ở đó cả đời.

Tuy nhiên, Yamada cho rằng vấn đề không quá nghiêm trọng như các nhà quan sát nhận định. Nhiều công ty công nghệ của Nhật trở thành công ty đại chúng trước khi đạt giá trị 1 tỷ USD. Và đất nước này tồn tại các quy định dễ dàng dành cho những doanh nghiệp nhỏ có tốc độ tăng trưởng cao khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Thị trường TSE Mothers chỉ yêu cầu 10 triệu USD tiền vốn hoá và không có điều kiện khắt khe về thu nhập. Trong khi đó, những công ty muốn niêm yết trên thị trường công nghệ cao Nasdaq cần phải có ít nhất 50 triệu USD tiền vốn hoá hoặc 750 USD lợi nhuận.

Dù vậy, người đàn ông này nghĩ Nhật Bản cần nhiều doanh nhân hơn, những người như Steve Jobs và Mark Zuckerberg. “Không nhiều người Nhật cố gắng tự lập công ty vì sợ thất bại. Có thể nếu tôi làm điều này, nhiều người sẽ tin tưởng hơn về khả năng thành công”, anh nói.

Đi những con đường không ai chọn

Phuot thu mo cong ty khoi nghiep ty do dau tien cua Nhat hinh anh 2

Hiện tại, Yamada muốn phát triển kinh doanh tại thị trường Mỹ. Ảnh: Bloomberg

 

Trước đây, Yamada học toán tại trường Đại học Waseda, một ngôi trường uy tín – nơi mà các sinh viên sau khi tốt nghiệp thường đến làm việc cho các ngân hàng hàng đầu đất nước hoặc những công ty thuộc nhóm blue-chip trên sàn chứng khoán. Anh tham gia phát triển một trang bán đấu giá cho Rakuten Inc. với tư cách nhân viên tập sinh. Thời gian đó, anh gặp Hiroshi Mikitani, người sáng lập Rakuten, và quan sát người này xây dựng đế chế bán lẻ trị giá 14 tỷ USD.

Thay vì ở lại Rakuten sau khi tốt nghiệp, Yamada thành lập một công ty trò chơi gọi là Unoh Inc. vào năm 2001. Công ty này từng gặt hái một số thành công và bị thâu tóm bởi Zynga Inc. vào năm 2010.

Ngoài ra, anh giúp nội địa hoá các ứng dụng cho một công ty có trụ sở tại San Francisco, kẻ đi đầu trong thể loại trò chơi đơn giản như FarmVille. Công việc này kéo dài khoảng 18 tháng. Sau đó, Yamada muốn làm việc trong một dự án có quy mô toàn cầu. Điều này dẫn anh đến cuộc phiêu lưu kéo dài 6 tháng và thành lập nên Mercari cùng với 2 cựu sinh viên của trường Waseda là Tommy Tomishima và Ryo Ishizuka.

Lợi thế của Mercari là được thiết kế đặc biệt dành cho điện thoại di động, giúp các cá nhân dễ dàng xem hoặc bán sản phẩm của họ. Người ta bán mọi thứ, từ quần áo và đồ điện tử đến vé bóng chày. Trong khi sức mạnh hiện có của trang này vẫn chưa được chứng minh, ứng dụng của họ đã được tải về khoảng 32 triệu lần và tạo ra khoảng 10 tỷ yen trong giao dịch hàng tháng, Yamada chia sẻ.

“Thị trường cho dịch vụ kết nối doanh nghiệp với khách hàng đã khá phát triển nhưng các ứng dụng kết nối giữa người dùng với nhau vẫn còn nhiều khoảng trống. Mercari là công ty dẫn đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực này và nhận về nhiều lợi ích”, Tomoaki Kawasaki, một nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Iwai Cosmo, nói.

Trận chiến lớn

Yamada đang đặt ra một chiến lược nhằm thúc đẩy Mercari phát triển tại Mỹ – sân nhà của những người tiên phong trong ngành công nghiệp này là Amazon và EBay. Dịch vụ của Mercari xuất hiện từ tháng 9/2014 và được tải về 7 triệu lần nhưng những người sử dụng thường không giữ lại nó. Để thúc đẩy, Yamada giảm 10% chi phí giao dịch trên Mercari tại Mỹ và lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư để quảng bá thông qua các trang mạng xã hội như Facebook.

Nhờ vậy, Mercari đã leo lên top 10 bảng xếp hạng những ứng dụng mua sắm được tải về trên các thiết bị của Apple hồi tháng trước, theo dữ liệu từ App Annie. Yamada cho biết, anh không ảo tưởng về những khó khăn trong cuộc chiến sắp tới nhưng giành được vị trí tốt hơn ở Mỹ là điều cần thiết để trở thành một công ty toàn cầu.

“Nếu không phải chúng tôi thì những người khác sẽ chiếm lĩnh thị trường Mỹ và chúng tôi cuối cùng sẽ phải đối mặt với họ tại Nhật. Trong trường hợp này, tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”, anh chia sẻ.

 

 

Kim Ngân

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928