Pimco xoay xở ra sao khi thiếu Bill Gross

Gross là gương mặt đại diện cho Pimco trước công chúng trong nhiều năm trời, đã góp phần lớn đưa Pimco trở thành tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới hiện nay.

 

Pimco xoay xở ra sao khi thiếu Bill Gross

 

Tại buổi tiệc mừng lễ của tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới Pimco tổ chức tại Hyatt Regency Huntington Beach Resort & Spa vào đầu tháng 12, hơn 1.000 nhân viên và gia đình đã cùng ngắm vẻ đẹp của biển Thái Bình Dương. Không ai mở miệng nói lời nào, nhưng đều cảm nhận được bữa tiệc năm nay vui hơn năm ngoái rất nhiều, bởi năm nay không có nhà quản lý quỹ Bill Gross.

Gross là gương mặt đại diện cho Pimco trước công chúng trong nhiều năm trời, đã góp phần lớn đưa Pimco trở thành tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới hiện nay. Vì thế, việc cuối tháng 9 vừa qua, ông rời khỏi công ty do ông đồng sáng lập cách đây 43 năm để về làm cho Janus Capital Group đã khiến cho giới đầu tư sửng sốt và hoang mang.

Thế nhưng, đối với các nhà điều hành Pimco và các nhân viên trong Tập đoàn, đó là một sự nhẹ nhõm sau nhiều tháng trời mối quan hệ giữa ông với các nhà điều hành khác trở nên tồi tệ (do tính chuyên quyền của ông như một số tờ báo nhận xét).

Trong bài phát biểu ngắn tại buổi tiệc,Tổng Giám đốc Douglas Hodge của Pimco không hề nhắc gì đến Gross, nhưng không vì vậy mà Gross lại không hiện diện trong công việc hàng ngày của Pimco. Bởi lẽ sau khi ông ra đi thì hàng chục tỉ USD của các nhà đầu tư cũng rời khỏi Pimco do các đối thủ ra sức chiêu dụ, giành lấy khách hàng.

Thực vậy, hoang mang trước thông tin Gross rời khỏi Pimco, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt rút vốn, khiến Tập đoàn gặp khó khăn về dòng tiền trong suốt vài tuần đầu tiên. Tính đến cuối tháng 10/2014, nhà đầu tư đã rút khỏi quỹ Total Return của Pimco khoảng 50 tỉ USD và Tập đoàn cần xoay tiền ngay để trả cho họ.

Một số người cho rằng Pimco sẽ khó vượt qua được cơn khủng hoảng này. Thế nhưng, Pimco đã xoay xở thành công và sau vài tháng, tình hình đã lắng dịu. Bằng chứng là dòng vốn rút ra đã chậm lại thấy rõ. Các nhà điều hành Pimco đã làm điều này như thế nào?

Khi nhiều nhà đầu tư rời khỏi Pimco, các đối thủ nghĩ rằng Pimco sẽ buộc phải bán một số trái phiếu. Thế nhưng, thay vào đó, các nhà điều hành Pimco đã quyết định mua thêm tài sản ít ai quan tâm như nợ Mexico, Ý và Tây Ban Nha. Giá các chứng khoán này không lâu sau đó đã tăng trở lại, mang về cho Tập đoàn khoản lợi nhuận hơn 200 triệu USD tính đến nay.

Con số này chẳng thấm vào đâu so với Pimco, vốn đang quản lý 1.900 tỉ USD giá trị tài sản, nhưng nó đã giúp gia tăng niềm tin của các nhà điều hành Pimco.

Các nhà điều hành Pimco tự tin đối phó cơn sóng dữ này một phần khác cũng là vì họ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch chuyển giao quyền lực ngay từ khi Gross còn tại vị (Gross không hề hay biết việc này). Pimco đã chuẩn bị ngay từ đầu năm, sau khi không thuyết phục được Gross giảm bớt sự can thiệp vào công việc điều hành ở Pimco và sau khi mối quan hệ giữa ông với các nhà điều hành khác trở nên căng thẳng.

Theo các nguồn tin thân cận, nhiều tuần lễ trước khi Gross nghỉ việc, ông Hodge và các nhà điều hành khác của Pimco đã lập ra một “ủy ban chuyển giao” và chia nhau phụ trách một danh sách các tài khoản khách hàng lớn nhất của Gross. Sự chuẩn bị trước này đã giúp Pimco có được một cuộc chuyển giao quyền kiểm soát khá trôi chảy, nhờ đó đã thuyết phục được một số nhà đầu tư ở lại, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Các nhà điều hành cũng ráo riết theo dõi tình hình để có biện pháp đối phó kịp thời, đồng thời trấn an nhà đầu tư. Kể từ khi Gross ra đi, các nhà điều hành Pimco đã có hơn 40.000 cuộc gặp mặt hoặc cú điện thoại với các nhà đầu tư, theo một ước tính nội bộ. Mỗi giờ, các nhà điều hành Pimco nhận một báo cáo tổng kết xem đã có bao nhiêu tiền ra vào khỏi 90 quỹ tương hỗ của Tập đoàn và các danh mục đầu tư khác, tăng từ mức 2 lần mỗi ngày trước đó.

Pimco biết rõ thách thức lớn nhất là làm thế nào trả lại tiền cho các nhà đầu tư muốn rời khỏi Pimco mà không phải bán đi các khoản đầu tư đang nắm giữ với giá rẻ. Cái khó là ở chỗ, thị trường trái phiếu có tính thanh khoản thấp hơn thị trường cổ phiếu nên để bán ngay các trái phiếu với giá tốt là không dễ. Vì thế, các nhà quản lý quỹ tại Pimco đã phải làm cật lực để tìm kiếm người mua.

May mắn là hồi đầu năm 2014, Pimco đã quyết định tăng tỉ trọng các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn an toàn và có tính thanh khoản cao, đồng thời giảm tỉ trọng nắm giữ các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản chế chấp và trái phiếu “junk bond” (trái phiếu có độ rủi ro cao nhưng lợi nhuận cao). Nhưng bán quá nhiều chứng khoán một lúc có thể đẩy giá xuống thấp hơn, làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các quỹ khác ở Pimco và có thể khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại mà tiếp tục rút vốn.

Các chuyên viên giao dịch Pimco cho biết lúc đó, họ đã nhận được những lời đề nghị mua lại giá thấp đối với một số trái phiếu thế chấp rủi ro mà Tập đoàn sở hữu. Thế nhưng, Pimco vẫn giữ lập trường và thay vào đó, bán một số trái phiếu gắn liền với chỉ số (loại trái phiếu này bảo vệ nhà đầu tư trước sự biến động của một chỉ số trái phiếu nào đó, đảm bảo cho họ nhận được một khoản lợi nhuận nhất định). Dẫu vậy, vì mỗi ngày có quá nhiều nhà đầu tư rút vốn, Tập đoàn cũng đã buộc phải bán một số trái phiếu chính phủ Mỹ. Và Pimco đã gặp may vào ngày 15/10, vì giá đã tăng mạnh khi lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong một phiên giao dịch kể từ tháng 5/2013.

Sau vài tháng chống chọi đưa ra các biện pháp quyết liệt kịp thời, các nhà điều hành Pimco đã giảm được mức độ thiệt hại. Bằng chứng là dòng vốn rút ra đã giảm mạnh thấy rõ.

Tính đến ngày 30/1/2014, Total Return, quỹ lớn nhất của Pimco, chỉ còn 162,8 tỉ USD giá trị tài sản được quản lý, giảm tới 45% kể từ mức đỉnh 292,9 tỉ USD vào tháng 4/2013, thời điểm Bill Gross vẫn còn nắm quyền quản lý quỹ này, theo hãng nghiên cứu Morningstar Inc. Thế nhưng, hiện tại, dòng vốn chảy ra ngoài trung bình chưa tới 1 tỉ USD mỗi ngày, giảm từ mức cao có lúc lên tới 8 tỉ USD/ngày trước đó.

Các chuyên gia phân tích tại Morningstar cũng nhận xét: “Quỹ Total Return cho đến nay đã có thể xoay xở đủ vốn mà không phải hy sinh lợi nhuận”. Mức sinh lời của Total Return là 0,99% trong tháng 11, cao hơn 99% các quỹ tương hỗ tương tự. Tháng vừa qua, dòng tiền rút khỏi Quỹ đã giảm mạnh, chỉ còn 9,5 tỉ USD, so với con số rút ra tới 27,5 tỉ USD trong tháng 4.

Ông Hodge của Pimco cũng bày tỏ sự lạc quan rằng điều tồi tệ nhất tại Pimco đã qua đi. Dẫu vậy, các nhà điều hành Pimco vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục nhà đầu tư rằng các vấn đề ở Pimco đã chấm dứt.

Hồi tháng 11, Ủy ban Đầu tư Quỹ lương hưu ở Wilton, Connecticut đã bỏ phiếu nhất trí chuyển toàn bộ 9,6 triệu USD tài sản tại Pimco để giao cho Vanguard quản lý. Sandy Dennies, Giám đốc Tài chính của quỹ này, cho biết những thành viên trong Ủy ban lo ngại “có nhiều quỹ hưu bổng và các tổ chức đầu tư khác sẽ rút vốn khỏi Pimco trong vòng vài tháng tới”.

 

Theo NGÔ NGỌC CHÂU

Nhịp cầu đầu tư/WSJ

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928