Ngày càng có nhiều ngân hàng cam kết hỗ trợ khách hàng của mình bằng cách điều chỉnh dòng tiền tài chính để đạt được “mức phát thải ròng bằng 0″ vào năm 2050, tuy nhiên việc chưa đi đúng hướng cộng với chính sách chưa đủ mạnh là những lý do quan trọng làm giảm hiệu quả của công cụ tài chính…
Quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư hàng nghìn tỷ đô la trong những thập kỷ tới. Ảnh: Business Hsbc
Nắm giữ sức mạnh tài chính, bằng cách ưu tiên các dự án khí hậu và loại bỏ dần các khoản tài trợ có hại cho môi trường, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế…
NGÂN HÀNG LÀ MỘT PHẦN TRONG CHUỖI PHI CARBON HÓA
Theo báo cáo của McKinsey, thế giới cần nhanh chóng huy động vốn cho năng lượng tái tạo, giao thông sạch, các tòa nhà ít carbon, sản xuất bền vững… Để tài trợ cho sự chuyển đổi sang các mô hình và hoạt động kinh doanh bền vững, các công ty thường sẽ dựa vào các dịch vụ tài chính và cho vay của ngân hàng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng thế giới cần đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ USD hàng năm vào năm 2030 chỉ riêng cho năng lượng sạch. Thêm vào đó là chi phí tái cấu trúc giao thông, hệ thống thực phẩm, công nghiệp, vận chuyển và nhiều lĩnh vực khác.
Ngoài giúp các công ty tiếp cận thị trường vốn, huy động nợ và vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư ngày càng tập trung vào mục tiêu bền vững, các ngân hàng có thể tư vấn và thúc đẩy khách hàng lập, triển khai kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Mối quan hệ sâu sắc với các công ty thuộc mọi lĩnh vực của các ngành công nghiệp cho phép các ngân hàng thương mại tác động đến khách hàng trên toàn bộ chuỗi giá trị để phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Nhận thức được những vai trò trên, trong vài năm qua, ngày càng có nhiều ngân hàng cam kết hỗ trợ khách hàng của mình bằng cách điều chỉnh dòng tiền tài chính để đạt được “mức phát thải ròng bằng 0″ vào năm 2050.
Bản thân nhiều ngân hàng đã công khai cam kết cắt giảm “phát thải tài chính” (financed emissions)- nghĩa là lượng khí thải nhà kính được tạo ra gián tiếp thông qua các khoản đầu tư và cho vay của tổ chức tài chính. Đây là một phần của Phát thải Phạm vi 3 (loại 15) theo Giao thức Khí nhà kính (GHG Protocol).
Cam kết này được thể hiện qua số lượng các ngân hàng tham gia Liên minh Ngân hàng Không phát thải (NZBA), tăng từ 43 lên 122 ngân hàng, chiếm 40% tài sản ngân hàng toàn cầu, chỉ trong hơn một năm.
Tư cách thành viên yêu cầu các ngân hàng cam kết chuyển đổi lượng khí thải từ danh mục cho vay và đầu tư của mình để phù hợp với lộ trình phát thải ròng bằng 0. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã tiến hành đánh giá nội bộ về phát thải tài chính của mình.
Tuy nhiên, quá trình đánh giá và đặt mục tiêu cho lượng khí phát thải tài chính không hề đơn giản bởi liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp phát sinh từ sự khác biệt giữa các ngành nghề, giữa các khu vực địa lý, từ kế hoạch thay đổi của các bên đối tác và môi trường dữ liệu mới nổi đang phát triển nhanh chóng. Điều này nhiều ngân hàng cũng đang cân nhắc việc đo lường và đặt mục tiêu cho lượng phát thải tài chính của mình.
Chính sách của các ngân hàng được nhìn nhận vẫn chưa đủ mạnh như cần thiết. Ảnh: McKinney.
Hơn nữa, các hành động mà các ngân hàng thực hiện để đạt được mục tiêu thường tạo ra áp lực lên các mục tiêu khác, chẳng hạn như tăng trưởng doanh thu trong các lĩnh vực kinh doanh. Điều này đòi hỏi họ phải thay đổi các quy trình và chính sách quan trọng.
Cuối cùng, các ngân hàng phải cân bằng giữa việc tài trợ cho việc giảm phát thải với việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát thải có trách nhiệm – những đơn vị cần vốn để khử cacbon cho doanh nghiệp của mình.
KHÔNG ĐI ĐÚNG HƯỚNG, CHÍNH SÁCH CHƯA ĐỦ MẠNH
Mặc dù số lượng các ngân hàng có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đã tăng lên, nhưng một số chuyên gia cho rằng họ không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu của mình và nhìn chung các chính sách của họ vẫn chưa đủ mạnh như cần thiết.
World Resources Institute (WRI) đã xây dựng một trình theo dõi trực tuyến để phân tích cách 25 ngân hàng đang tiến triển như thế nào trong việc thực hiện các cam kết môi trường của họ. 25 tổ chức này, bao gồm một số ngân hàng lớn nhất tính theo tổng tài sản và một số nhỏ hơn, đều đóng vai trò nổi bật trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0,
Sư dụng công cụ Mục tiêu xanh để xem xét 17 chỉ số khác nhau để có cái nhìn toàn diện về các cam kết về khí hậu hiện tại của các ngân hàng, WRI thấy rằng không chỉ các ngân hàng không đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà nhiều cam kết của họ còn ít tham vọng hơn so với giá trị thực tế.
Qua phân tích dữ liệu, WRI thấy rằng mặc dù các ngân hàng đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để tiến tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0, nhưng họ cũng cần tích hợp toàn diện hành động vì khí hậu vào mô hình kinh doanh của ngân hàng, từ việc khuyến khích ban lãnh đạo cấp cao theo đuổi hành động hướng tới net-zero, đến việc tận dụng ảnh hưởng của doanh nghiệp và chính sách công.
Họ cũng phải tính đến các tác động xã hội và môi trường, chẳng hạn như rủi ro liên quan đến thiên nhiên, giảm nạn phá rừng và bảo vệ người lao động và cộng đồng phụ thuộc vào các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon hoặc bị ảnh hưởng không cân xứng bởi biến đổi khí hậu (được gọi là “chuyển đổi công bằng- just transition”).
Để đánh giá chất lượng cam kết của các ngân hàng WRI cho rằng phải xem xét các chi tiết cụ thể, chẳng hạn như mốc thời gian để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và liệu các hoạt động trên thị trường vốn có được đưa vào các cam kết này hay không.
Ví dụ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố rằng điện than sẽ bị loại bỏ dần ở các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2030 và trên toàn cầu vào năm 2040. Bằng cách hạn chế cho vay và khả năng tiếp cận thị trường vốn đối với các công ty phụ thuộc vào than, các ngân hàng có thể tăng chi phí tài trợ và tạo điều kiện cho các nhà máy điện than ngừng hoạt động sớm.
TRÁNH “PHI CARBON HÓA TRÊN GIẤY”
Mặc dù nhiều ngân hàng đã cam kết về mốc thời gian để loại bỏ dần tài trợ cho các dự án gây ô nhiễm, một số ngân hàng đặt mục tiêu loại bỏ than trên toàn cầu sớm nhất là vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này là rất thách thức bởi ngưỡng doanh thu của ngành là quá cao.
Các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa để tiến tới phi carbon thực chất, thay vì chỉ cam kết trên giấy tờ. Nguồn ảnh: Morningstar Star.
Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc đặt ra các mục tiêu giảm phát thải cụ thể cho các lĩnh vực như dầu khí hay các lĩnh vực phát thải nặng như ô tô và hàng không, nhưng lại bỏ ngỏ các lĩnh vực phát thải quan trọng khác.
Bên cạnh đó, hầu hết các mục tiêu giảm phát thải của các ngân hàng không phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5°C để tránh các tác động nghiêm trọng đến khí hậu. Ví dụ, lượng khí thải trong ngành ô tô dự kiến sẽ cao gấp 3 lần so với mức cho phép vào năm 2030. Các ngân hàng cần tránh chỉ “phi cacbon hóa trên giấy tờ” và thay đổi cân bằng trong hoạt động cho vay bằng các nỗ lực phi cacbon hóa thực chất.
Mặc dù các ngân hàng đã cam kết số tiền đáng kể cho các dự án xanh và xã hội, nhưng tỷ lệ tài chính xanh thực tế của họ vẫn chưa đủ. Tỷ lệ tài chính xanh so với nhiên liệu hóa thạch trung bình chỉ là 1,3-1 thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 10-1 cần thiết. Sự khác biệt này nhấn mạnh rằng tài chính xanh không tăng trưởng đủ nhanh so với nhu cầu của doanh nghiệp và lộ trình đặt ra trong các mục tiêu hướng đến Netzero của Thế giới.
Ngoài ra, còn có sự không chắc chắn về việc liệu các mục tiêu tài chính xanh có được tích hợp đầy đủ vào các hoạt động kinh doanh và cơ cấu khuyến khích của ngân hàng hay không. Các số liệu tài chính bền vững ngày càng được đưa vào chế độ đãi ngộ của ban lãnh đạo cấp cao nhưng cần được áp dụng rộng rãi hơn trên toàn tổ chức để thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa và toàn diện.
Thái Chân (Nguồn: vneconomy.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!