Hầu như tất cả những người thành công trên thế giới đều học hỏi tri thức mới một cách có chủ đích, bằng cách dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để đọc sách.
Những người thành công lỗi lạc trên thế giới đều ít nhiều áp dụng quy tắc 5 giờ. Ảnh: Toodia.
Cụ thể, một người có thể được xem là bận rộn nhất thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vẫn dành hẳn 1 tiếng đồng hồ để đọc sách khi còn tại nhiệm. Huyền thoại đầu tư Warren Buffett dành khoảng 80% thời gian để đọc sách và suy ngẫm. Còn tỷ phú Bill Gates đọc ít nhất 1 cuốn sách mỗi tuần cũng như dành riêng 2 tuần mỗi năm chỉ để xả hơi và đọc sách trong suốt sự nghiệp. Hầu như tất cả những người giàu có và thành công khác, từ Elon Musk, Oprah Winfrey, Ben Franklin, Mark Cuban… đều có thói quen này.”Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy một người khôn ngoan nào mà lại không đọc sách cả. Không một ai hết!”. Charlie Munger – tỷ phú tự thân kiêm đối tác làm ăn lâu năm với nhà đầu tư Warren Buffett – đã chia sẻ như vậy. Và, nhận định trên không phải là không có cơ sở.
Và, sau khi nghiên cứu tiểu sử của nhiều người giàu có và thành công trên thế giới, Michael Simmons – một doanh nhân trẻ và là cây viết thường xuyên cộng tác với các tạp chí như Entrepreneur, Inc., v.v… đã chỉ ra một đặc điểm chung của họ, đó là: Dù bận rộn đến đâu họ cũng dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, để học hỏi tri thức mới một cách có chủ đích. Michael Simmons đã gọi đó là “quy tắc 5 giờ”.
Tại sao quy tắc 5 giờ này lại quan trọng đến vậy? Câu trả lời tưởng phức tạp hoá ra lại rất đơn giản: Những người thành công hiểu và nhận thức được rằng thói quen học hỏi liên tục là khoản đầu tư có lãi nhất trong đời. Như Benjamin Franklin – một trong những “founding fathers” (người cha lập quốc) của Hoa Kỳ – từng nói: “Đầu tư cho kiến thức là khoản đầu tư sinh lời cao nhất”.
Có thể nói, sự hiểu biết về tầm quan trọng và giá trị của việc học hỏi không ngừng là một trong những yếu tố quyết định cho thành công của mỗi người, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự ý thức được điều này.
Thời đại tri thức là tiền bạc
Nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones từng nói: “Vốn tri thức luôn luôn ăn đứt vốn tài chính”. Song, có một sự thật là hầu như cuộc sống của hầu hết mọi người thường xoay quanh việc kiếm tiền, tiêu tiền và lo lắng vì nó. Khi chúng ta nói “không có thời gian” để tiếp thu tri thức mới, thì nguyên nhân cũng thường xuất phát từ việc “phải lo kiếm tiền”. Dầu vậy, ngày nay, mối tương quan giữa tiền bạc và tri thức đang dần bị biến đổi.
Theo doanh nhân nổi tiếng người Mỹ Peter Diamandis, chúng ta đang sống ở giai đoạn đầu của thời đại mà hiện tượng “phi tiền tệ hóa” đang diễn ra chóng mặt. Cụ thể hơn, các thành tựu công nghệ hiện nay – sản phẩm của tri thức – đang từng bước biến những thứ vốn từng rất đắt đỏ trở nên rẻ mạt, thậm chí là miễn phí. Trong cuốn sách Abundance: The Future Is Better Than You Think, Peter Diamandis đã minh chứng như sau:
Minh chứng của Peter Diamandis cho việc tri thức đang từng bước biến những thứ vốn đắt đỏ thành miễn phí
Một ví dụ nữa là việc những cơ sở giáo dục giảm chi phí thông qua các khoá học trực tuyến. Ngoài ra, các hệ thống chẩn bệnh bằng trí thông minh nhân tạo như CRISPR sẽ giúp giảm chi phí trong việc xác định trình tự gen và được dự báo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong tương lai, chi phí chăm sóc sức khoẻ sẽ được giảm mạnh, khi mà các loại bệnh tật sẽ được chẩn đoán và phòng ngừa từ trước. Và, có thể thấy, quá trình phi tiền tệ hóa này sẽ tiếp tục tăng tốc trong tương lai. Phương tiện tự lái sẽ dần thay thế cho xe hơi – một trong những khoản chi lớn của một người. Công nghệ thực tế ảo rồi sẽ đem lại trải nghiệm không khác gì so với khi trực tiếp đi nghe hoà nhạc hay chơi golf…, song mức giá lại rẻ hơn nhiều. Dù rằng sự khác biệt giữa hiện thực và thực tế ảo ở thời điểm này là chưa cao, nhưng tiềm năng của nó là rất lớn.
Có thể thấy, trong khi các sản phẩm và dịch vụ ngày nay “giảm giá”, thì giá trị của tri thức ngày một tăng, mà một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện. Chứng minh cho điều này, Sebastian Thrun – nhà sáng lập Google X và dự án xe tự lái của Google – chỉ ra việc Uber chấp nhận chi 700 triệu USD cho Otto – một startup 6 tháng tuổi với cỡ 70 nhân viên.
Hay việc ông lớn GM dốc hầu bao 1 tỷ USD để thâu tóm Cruise. Hành động này chủ yếu xuất phát từ mong muốn sở hữu những nhân tài có tri thức. Thrun kết luận rằng, với ngành công nghiệp ô tô điện, “mức thu nhập hiện nay cho những cá nhân xuất sắc có thể lên đến 10 triệu USD”.
Việc làm không thiếu, chỉ thiếu người đủ sức làm việc
Sự thật là, dù có làm việc chăm chỉ đến đâu đi nữa, thì những cá nhân không biết dành thời gian tiếp thu tri thức mới sẽ sớm rơi vào nhóm chịu rủi ro thất nghiệp. Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu cùng sự phát triển nhanh chóng của tự động hoá sẽ đẩy nhiều người lâm vào cảnh mất việc về tay robot hay trí thông minh nhân tạo (AI). Tình trạng này cũng giống như điều đã diễn ra từ năm 2000-2010, khi mà máy móc thay thế khoảng 85% công nhân ngành sản xuất.
Thoạt nhìn, dường như lượng công việc ngày càng ít đi, khi mà mọi thứ đều được tự động hoá. Thế nhưng, vấn đề thực sự lại không phải nằm ở chỗ “thiếu việc”, mà nằm ở chỗ “thiếu người có đủ kỹ năng và tri thức để làm việc”. Có nghĩa là, công việc vẫn còn đó, thậm chí ngày một nhiều lên, song việc bạn có đủ tri thức để được tuyển vào làm hay không lại là chuyện khác.
Hệ quả của điều này là việc những cá nhân ở top dưới của nấc thang giá trị – những lao động thuần chân tay, những người chưa hoặc không chịu thích ứng với tri thức mới – sẽ khó kiếm việc hơn và được trả lương ít hơn. Trong khi đó, những cá nhân không ngừng học hỏi để tiếp cận với tri thức mới lại được săn đón và trả lương hậu hĩnh hơn.
Một bài viết trên tờ The Atlantic đã chỉ ra nghịch lý này như sau: “Người sử dụng lao động thuộc nhiều ngành công nghiệp và khu vực trên cả nước (Mỹ) đã và vẫn đang than vãn về việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng. Và, sự phàn nàn của họ không phải là không có cơ sở khi nó được đối chiếu với các thống kê về tình hình lao động Hoa Kỳ.
Trong năm 2015, số lượng tin tuyển dụng đã lên mức kỷ lục là 5,8 triệu. Tỷ lệ % số người thất nghiệp trên tổng số lực lượng lao động cũng thấp hơn mức trung bình trong thời hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Mặc dù vậy, vẫn có hơn 17 triệu người Mỹ hiện không có việc làm nhưng rất muốn tìm việc hoặc là đang làm việc bán thời gian nhưng muốn được chuyển sang toàn thời gian”. Qua đó, có thể thấy, lượng công việc không hề thiếu, có chăng là thiếu lao động đủ kỹ năng và tri thức mà thôi.
Vấn đề thực sự của nền kinh tế tri thức hiện nay không nằm ở chỗ “thiếu việc”, mà là “thiếu người có đủ kỹ năng và tri thức để làm việc”
Gút lại, có thể thấy, với một nền kinh tế như hiện nay, tri thức đang dần trở thành một loại tiền tệ quan trọng và độc nhất, được sử dụng làm phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị. Nói đơn giản hơn, người nào sở hữu nhiều tri thức là người có nhiều tiền. Chỉ những cá nhân biết liên tục học hỏi mới có khả năng trở thành người thành công. Đó là lý do vì sao quy tắc 5 giờ – một trong những phương pháp học hỏi hiệu quả – được nhiều người, đặc biệt là những cá nhân giàu có áp dụng.
Nếu như bạn vẫn chưa biết làm thế nào để áp dụng một cách phù hợp và tối ưu “quy tắc 5 giờ”, thì 4 bước đơn giản dưới đây là dành cho bạn.
1. Xác định tư tưởng học hỏi là quá trình cần được diễn ra liên tục
Để bản thân tập trung hơn vào việc tiếp thu tri thức mới, bạn nên dừng ngay suy nghĩ rằng kiến thức phổ thông, đại học hay các bậc giáo dục cao hơn đã “đủ xài”, “đủ để kiếm việc” suốt quãng đời còn lại. Để sống sót trong thời kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng như hiện nay, học hỏi phải là quá trình được diễn ra liên tục.
Nếu như ở thời đại công nghiệp, “làm việc không ngừng” là kim chỉ nam, thì ngày nay, “học hỏi không ngừng” mới là phương pháp tiến về phía trước.
2. Xác định tri thức thuộc lĩnh vực nào đang có giá trị
Nói đơn giản, điều này không khác mấy so với việc xác định nhu cầu thị trường. Giống như thị trường không bao giờ đứng yên, giá trị của tri thức cũng vậy.
Thông thường, khi công nghệ mới xuất hiện và làm biến đổi các ngành công nghiệp thì số lao động sở hữu tri thức cần thiết cho nó sẽ tạm thời bị thiếu hụt. Do đó, mức thu nhập của người có kỹ năng trong lĩnh vực mới này sẽ được đẩy lên cao. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người sẽ học hỏi và đủ khả năng tham gia thị trường, thu nhập sẽ giảm xuống. Thế nên, việc xác định tri thức thuộc lĩnh vực nào đang có giá trị là rất cần thiết để đi tắt, đón đầu thị trường.
3. Cân đo đong đếm và đầu tư có chọn lọc cho tri thức
Khi đã xác định được đâu là thứ cần học rồi, thì việc tiếp theo là lựa chọn và tìm kiếm các nguồn cung kiến thức sao cho hiệu quả nhất.
Bạn hãy lập ra một danh mục các đầu sách, khóa học online, chương trình đào tạo cần thiết, hợp với túi tiền. Đồng thời, hãy đặt câu hỏi rằng khi tôi lựa chọn học hỏi từ nguồn cung này, thì lợi ích thu về là bao nhiêu, rủi ro nếu có là gì và thời gian để đạt mục tiêu là bao lâu…
4. Ưu tiên và kiên trì với quy tắc 5 giờ
Hãy tìm ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để đọc sách và học hỏi, dù có bận đến đâu. Sau đó, hãy ưu tiên và kiên trì với khoảng thời gian đã đặt ra, tránh trì hoãn hay để những thứ khác chi phối. Hãy biệt riêng khung giờ đó ra cho mình và nếu có thể, bạn hãy báo với người khác để tránh bị làm phiền.
Cuối cùng, hãy tìm các bí quyết đã được kiểm chứng giúp cải thiện trí nhớ, nâng cao năng suất học tập để mỗi phút trôi qua đều đáng giá.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!