Doanh nhân – một tầng lớp xã hội
Ở nước ta, khái niệm "doanh nhân" với nghĩa là một tầng lớp xã hội chỉ được khẳng định từ công cuộc đổi mới, chấp nhận nền kinh tế thị trường với việc phát triển kinh tế tư nhân.
Năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp tư nhân và tiếp theo là Luật Doanh nghiệp 1999 có thêm một số tiến bộ, song lúc đó, phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế.
Một bước chuyển biến cơ bản trong tư duy kinh tế đối với kinh tế tư nhân đã được khẳng định từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) "Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 98).
Tiếp theo là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa IX "Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa" (Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 58).
Sự chuyển biến trong nhận thức về vị trí của kinh tế tư nhân đòi hỏi thực hiện quyền bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Sự cần thiết này dẫn đến việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm bảo đảm khung pháp lý bình đẳng cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần sau thời hạn bốn năm kể từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1/7/2006). Tuy nhiên, đến nay, quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đang yêu cầu sự bình đẳng trong kinh doanh cần được tiếp tục thể hiện trong thực tế. Những quan niệm về "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là những "công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô", là "quả đấm thép" v.v… đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tiềm năng của kinh tế tư nhân, hạn chế sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.
Sự chuyển biến trong tư duy kinh tế đã khẳng định vị trí của tầng lớp doanh nhân. Từ Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) còn dùng khái niệm "nhà doanh nghiệp" đến Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) đã dùng khái niệm "doanh nhân", đến nay khái niệm này đã được sử dụng phổ biến và từ năm 2004, ngày 13 tháng 10 hằng năm đã được lấy làm "Ngày Doanh nhân".
Có thể coi đây là một bước tiến quan trọng về tư duy: từ chỗ muốn xây dựng một cơ cấu xã hội "thuần nhất" chỉ còn có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và đội ngũ trí thức đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó có tầng lớp doanh nhân.
Thực tế là trong những năm qua, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, hăng hái đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước yêu cầu của thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hiến pháp cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để điều hành, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.
Một số ý kiến cụ thể
Dưới đây, xin nêu một số ý kiến cụ thể trên cơ sở bản Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) – dưới đây gọi tắt là "Dự thảo".
Về vị trí của doanh nhân trong xã hội
Thực tiễn của những năm đổi mới vừa qua đã cho thấy động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; hơn nữa, doanh nhân đã trở thành một tầng lớp xã hội ngày càng có vị trí quan trọng.
Vì vậy, trong Điều 2 Dự thảo, không nên quy định "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" mà chỉ cần quy định "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.
Về thể chế kinh tế
Điều 54 Dự thảo quy định "1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".
Quy định này không nhắc lại luận điểm lâu nay là "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" mà thực tế đã chứng minh là không phù hợp; có thể coi đây là một bước đột phá quan trọng, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Xin đề nghị: nên tiến thêm một bước, khẳng định kinh tế tư nhân là bộ phận chủ lực của nền kinh tế.
Về quyền sở hữu và tự do kinh doanh
Về nguyên tắc, kinh tế thị trường đòi hỏi tôn trọng ba quyền tự do của dân: tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh; Nhà nước phải cam kết tôn trọng ba quyền tự do ấy.
Điều 34 Dự thảo quy định "1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh" và Điều 56 Dự thảo quy định "1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa…".
Điều 55 Dự thảo quy định "1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường…" là một điểm mới rất quan trọng về chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, khác với Điều 26 Hiến pháp 1992.
Đó là những quy định hợp lý, cần thiết rất đáng hoan nghênh. Đề nghị (i) Sau khoản 2 "Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh" cần bổ sung "Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trong sản xuất kinh doanh"; (ii) có những điều khoản để bảo đảm thực hiện các quy định này trong thực tế, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định này.
Về đất đai, cần sửa Điều 58 Dự thảo theo hướng bảo đảm quyền chính đáng của người đang có quyền sử dụng đất; chỉ trưng mua đất để thực hiện những dự án về quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia (không dùng từ "thu hồi").
Quyền tham gia quản lý nhà nước
Quyền này cần được thể hiện cả trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Về chính trị, Điều 29 Dự thảo quy định "1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân". và Điều 30 Dự thảo quy định "Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân".
Các điều này rất quan trọng, nhằm thu hút được trí tuệ của doanh nhân vào việc hình thành hệ thống thể chế, chính sách. Xin đề nghị thêm: cơ quan nhà nước thực hiện tranh luận công khai, bình đẳng và giải trình đầy đủ khi còn những ý kiến khác nhau, tránh áp đặt những quy định thuận tiện cho cơ quan quản lý, gây khó cho doanh nghiệp.
Về kinh tế, hoan nghênh Điều 31 Dự thảo quy định "1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác".
Đề nghị bổ sung: Tòa án độc lập trong xét xử, chỉ theo Hiến pháp và luật, để bảo đảm công lý, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của doanh nhân.
Được bảo vệ bằng các tổ chức xã hội công dân. Để khắc phục sự lạm quyền có thể xảy ra của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.
VŨ QUỐC TUẤN/DNSGCT