Giám đốc Điều hành Tập đoàn AirAsia Tony Fernandes (thứ 3, bên phải) và các đối tác Nhật công bố việc tái thành lập mô hình hàng không giá rẻ tại nước này sau thất bại lần đầu với All Nippon Airways. |
Ngay sau khi Rakuten tuyên bố sẽ góp 18% vốn để tái lập Hãng Japan AirAsia hôm 1.7, cổ phiếu của Rakuten đã tăng gần 3%, còn cổ phiếu của AirAsia cũng nhích thêm 2,7%. Vì sao tập đoàn hàng không giá rẻ này quyết định gá nghĩa với một đối tác thuộc lĩnh vực hoàn toàn mới là câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay?
Sau chưa đầy 2 năm hoạt động, Japan AirAsia – liên doanh giữa Tập đoàn AirAsia và Hãng hàng không lớn thứ hai của Nhật là All Nippon Airways (ANA) đã phải rã đám vì thua lỗ.
Theo Trung tâm Hàng không CAPA đặt trụ sở tại Singapore, Japan AirAsia đã lỗ tới 31 triệu USD trong năm 2012 và tiếp tục lỗ 21 triệu USD trong quý I/2013 với tỉ lệ ghế có khách chỉ đạt 70%. Tình hình tệ hại hơn khi tỉ lệ này tiếp tục rơi xuống mức 56% trong tháng 4.2013. “Liên doanh này là một thảm họa. Đối tác đã không hiểu chúng tôi muốn gì”, ông Tony Fernandes, nhà sáng lập AirAsia, cho biết. Nguyên nhân là ban lãnh đạo liên doanh không thể quản lý chi phí hoạt động, dẫn tới thua lỗ, Japan AirAsia đã phải ngưng hoạt động từ cuối tháng 10 năm 2013 và bán lại 33% vốn góp trong AirAsia cho đối tác ANA.
Đi sâu vào nguyên nhân đổ vỡ của cuộc hôn nhân này, một vị lãnh đạo ANA nói rằng cách tiếp cận phân khúc giá rẻ của Japan AirAsia tại thị trường Nhật là không hợp lý. Bởi lẽ, người Nhật thích dịch vụ phải tỉ mỉ, cao cấp hơn và nếu theo đúng tiêu chuẩn đó thì chi phí hoạt động sẽ tăng lên rất cao và không phù hợp với mô hình giá rẻ.
Sau gần một năm ngưng hoạt động, nay ông Tony quyết định thử thời vận lần thứ hai tại xứ sở Mặt trời mọc bằng cách liên doanh với nhà bán lẻ trực tuyến Rakuten và một số đối tác khác để hồi sinh thương hiệu Japan AirAsia tại đây.
“Chúng tôi vẫn chưa từ bỏ giấc mơ thay đổi thói quen đi lại bằng hàng không của người Nhật bằng dịch vụ giá rẻ”, ông cho biết.
Dự kiến, liên doanh Japan AirAsia mới sẽ gồm 49% cổ phần của AirAsia; Rakuten góp 18%; Hãng dược phẩm và mỹ phẩm Noevir 9%; nhà sản xuất thiết bị thể thao, quản lý sân golf và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Alpen 5%; Octave Japan góp 19%.
Cơ cấu cổ đông này cho thấy cả AirAsia và các đối tác sẽ chọn chiến lược kinh doanh liên kết thương hiệu để tạo dây chuyền dịch vụ khép kín.
Với Rakuten, thỏa thuận này sẽ giúp Hãng lần đầu tiên bước chân vào ngành hàng không. Hãng này vốn có lợi thế nhờ mạng lưới đại lý du lịch có sẵn và dữ liệu khách hàng khổng lồ từ mảng kinh doanh thương mại điện tử. Trong quý I năm nay, Hãng đã đạt mức lợi nhuận lên tới 159 triệu USD.
Theo kế hoạch, liên doanh Japan AirAsia mới sẽ có số vốn ban đầu là 69 triệu USD và dự kiến bắt đầu bay thương mại tại Nhật từ mùa hè 2015.
Hôm 12.6, hãng giá rẻ AirAsia India cũng đã chính thức đi vào hoạt động tại Ấn Độ. Đây là hãng hàng không đầu tiên có vốn nước ngoài được phép hoạt động tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. AirAsia India là liên doanh giữa Tập đoàn Tata của Ấn Độ với AirAsia.
Dự kiến, AirAsia India sẽ gây ra cuộc chiến vé máy bay tại Ấn Độ. Thông tin từ AirAsia India cho hay giá vé cho đường bay từ thành phố Bangalore đến tiểu bang Goa chỉ ở mức 17 USD. Hãng cũng khẳng định, họ sẽ luôn duy trì chính sách giá vé rẻ, chi phí thấp như mô hình mà AirAsia đã áp dụng tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Úc, Philippines.
“Chúng tôi mới khởi đầu với chỉ 2 máy bay, nhưng sẽ cố gắng đạt điểm hòa vốn khi đội bay được nâng lên 6 chiếc”.
Nhưng mọi việc sẽ không đơn giản vì thị trường Ấn Độ hiện là cuộc chiến không khoan nhượng giữa các hãng Jet Airways, SpiceJet và IndiGo. Hãng nắm giữ thị phần nội địa lớn nhất Ấn Độ là IndiGo đang có kế hoạch tăng gấp đôi đội bay lên 150 chiếc vào năm 2023, theo ông Aditya Ghosh, Chủ tịch Hãng. Nhằm đối phó với AirAsia India, IndiGo đã công bố chương trình giảm tới 25% giá vé đoàn và khuyến mãi cho đường bay Bangalore tới Goa với giá chỉ 0,016 USD/vé. “Không Hãng nào có lãi với mức giá như vậy”, ông Amber Dubey thuộc Công ty Kiểm toán KPMG tại New Delhi, nhận định.
Hồi năm 2007, AirAsia từng xúc tiến kế hoạch liên doanh bằng 30% vốn góp vào VietJet để khai thác thị trường nội địa tại Việt Nam. Nhưng kế hoạch này đã bị Vietnam Airlines chặn lại với lý do hoạt động của liên doanh này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của Hãng. Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn NCĐT tại Jakarta, Indonesia, ông Tony đã khẳng định: “Kế hoạch lập liên doanh tại Việt Nam vẫn thuộc chiến lược hành động của tôi trong tương lai”.
Bảo Vinh