Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chậm nới lỏng chính sách tiền tệ buộc các ngân hàng trung ương của ASEAN duy trì lãi suất ở mức cao hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp và gia đình khó vay vốn hơn, dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu cho các ngân hàng.
Theo hãng phân tích tín dụng Criat, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ASEAN có thể xấu đi trong 3 quý tới do rủi ro vỡ nợ từ các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Criat dự báo các doanh nghiệp SME sẽ gặp khó khăn về thanh khoản trong môi trường lãi suất cao hiện nay.
Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN ở Singapore gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea – Chinese Banking Corp. (OCBC) đang phản ứng trái ngược nhau trước tình hình hiện nay. OCBC và DBS giữ nguyên tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền để thu hút và giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, OCBC cũng cảnh báo về khả năng gia tăng nợ xấu và cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ danh mục cho vay của mình.
Ngược lại, UOB đã giảm lãi suất cho một số sản phẩm tiết kiệm nhằm giảm chi phí huy động vốn. Ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý 1 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng tài sản, khoản vay không thể thu hồi tăng lên so với quý trước.
Trong báo cáo gần đây, cơ quan nghiên cứu tín dụng CreditSights nêu rõ tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng Malaysia (CIMB Bank, Maybank và RHB Bank) đều giảm. Tương tự, Bangkok Bank và Krung Thai Bank tại Thái Lan cũng đang ghi nhận chi phí tín dụng tăng cao, trong khi tăng trưởng của các khoản vay vẫn ảm đạm.
Trước đó, vào đầu tháng 5, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này. Các ngân hàng ASEAN đang chờ đợi lập trường nới lỏng tiền tệ rõ ràng hơn của FED. Nếu FED tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn, lợi nhuận của ngành ngân hàng khu vực có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online
15/05/2024
Footer Subheading
Message Submitted!