“Siêu anh hùng” Carlos Ghosn và sứ mệnh vực dậy Mitsubishi

Ghosn từng hồi sinh hai hãng xe Renault và Nissan, giờ đây, ông phải đóng vai “siêu anh hùng” một lần nữa để giải cứu Mitsubishi.

“Siêu anh hùng” Carlos Ghosn và sứ mệnh vực dậy Mitsubishi

Carlos Ghosn

Khi Carlos Ghosn được mời về giải cứu hãng xe nặng nợ Renault vào năm 1996, ông chỉ mất 1 năm để hồi sinh hãng xe Pháp này. 20 tỉ franc chi phí cắt giảm được từ quá trình này đã mang đến cho ông danh hiệu “Le Cost Killer”. 3 năm sau đó, Ghosn lại được phái đến để vực dậy đối tác của Renault là Nissan Motor, vốn đã không có lời 7 trong số 8 năm trước đó và là hãng xe nặng nợ nhất thế giới. Đến năm tài chính 2003, Nissan Motor đã trở thành hãng xe lớn sinh lợi nhất trên toàn cầu. Cuộc hồi sinh Nissan của Ghosn cho đến nay vẫn được xem là câu chuyện thành công phi thường trong ngành ôtô. Ghosn thậm chí trở thành nhân vật trong một loạt truyện tranh nổi tiếng của Nhật khi thu hút tới 300.000 độc giả Nhật trong các đợt phát hành hằng tháng vào năm 2001.

Giờ ông lại phải đóng vai “siêu anh hùng” một lần nữa. Hãng xe cần được giải cứu lần này là Mitsubishi Motors, vốn đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm tới 40% sau vụ bê bối diễn ra hồi tháng 4. Giờ trách nhiệm giải cứu thuộc về Ghosn, sau một thỏa thuận giữa Nissan với Mitsubishi vào tháng 5 mà theo đó, Nissan sẽ trả 2,2 tỉ USD để nắm giữ số cổ phần kiểm soát trong Mitsubishi.

Ghosn, hiện là Tổng Giám đốc tại cả Nissan lẫn Renault, sẽ cần phải nhanh chóng dọn dẹp mớ bòng bong tại Mitsubishi để vực dậy hình ảnh của hãng xe này. Tiếng tăm của Mitsubishi đã bị tổn hại khi gần đây Công ty thừa nhận trong hơn 20 năm qua, Công ty đã sử dụng các phương pháp đánh giá mức tiêu hao nhiên liệu không thích hợp và kể từ năm 2011 Công ty đã thổi phồng mức tiêu hao nhiêu liệu của những chiếc xe cỡ nhỏ (minicar) được bán ra ở Nhật. Không chỉ lấy lại danh tiếng cho Mitsubishi, Ghosn cũng sẽ phải ra tay cắt gọt chi phí một lần nữa ở công ty này nhằm xóa bỏ sự chồng chéo trong khâu thu mua và phát triển ôtô.

Một hãng Mitsubishi đang rối ren cũng đối mặt với các khoản chi phí khổng lồ liên quan đến vụ bê bối gian lận mức tiêu hao nhiên liệu tại Nhật. Khoản lỗ trong sản xuất, các mức phạt và bồi thường cho khách hàng có thể lên tới 376 tỉ yen (3,4 tỉ USD), theo ước tính của chuyên gia phân tích Kota Yuzawa thuộc Goldman Sachs. Tuy nhiên, nói cho cùng Mitsubishi không ở trong tình trạng tài chính tồi tệ giống như Renault và Nissan ngày trước, khi Ghosn ra tay giải cứu vào thập niên 1990. Mitsubishi sở hữu lượng tiền mặt ròng khoảng 450 tỉ yen tính đến ngày 31.3.2016 và đã làm ăn sinh lời trong 7 năm trời.

Vì thế, nếu Ghosn có thể dẹp được vụ bê bối đang diễn ra và cắt giảm chi phí một cách hợp lý, giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thì Nissan chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn từ thương vụ đầu tư vào hãng xe này và “bảo vệ” được nguồn cung đều đặn dòng xe cỡ nhỏ mà Mitsubishi bán dưới nhãn hiệu Nissan.

“Chúng ta không thể nói những gì sắp xảy ra sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng chứng kiến. Chắc chắn sẽ rất gian nan. Nhưng phần thưởng sẽ rất lớn nếu chúng ta thành công”, Ghosn nói.

Tăng/giảm hằng năm về lượng xe Mitsubishi bán ra.

Một liên minh giữa Renault-Nissan-Mitsubishi, vốn tạo ra hãng xe lớn thứ 4 thế giới, có thể giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể bằng cách sáp nhập khâu thu mua linh kiện, phụ tùng và nguyên vật liệu, dùng chung hệ bánh răng truyền động và cùng phát triển những dòng xe cỡ nhỏ, theo chuyên gia phân tích Masahiro Akita, thuộc Credit Suisse. “Nếu bày mọi thứ ra trước mặt, có thể thấy thương vụ này là một quyết định rất thông minh”, Thomas Glendinning, chuyên gia phân tích ngành ôtô tại BMI Research, nhận xét.

Mitsubishi và Nissan đã lập ra liên doanh xe cỡ nhỏ vào năm 2011 và đang tăng cường mối dây liên kết, theo Ghosn. Vụ bê bối gian lận mức tiêu hao nhiên liệu chỉ càng thúc đẩy nhanh các cuộc thương thảo để xúc tiến vụ liên kết này. Ông chỉ ra những lĩnh vực mà Nissan và Mitsubishi có thể hợp tác sâu và chặt chẽ hơn như khung gầm xe thông dụng, chia sẻ các công nghệ xe điện và các dịch vụ tài chính… Ông cũng gửi các nhà quản lý Nissan sang điều hành bộ phận phát triển sản phẩm tại Mitsubishi.

Điều mà Ghosn mong muốn nhất từ mối liên kết này có thể liên quan nhiều hơn đến thị trường Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh, nơi Nissan vẫn đang bám đuôi Toyota Motor, Honda Motor và thậm chí cả Mitsubishi. Sau khi đóng cửa các nhà máy tại châu Âu và Mỹ, Mitsubishi đang tập trung bành trướng ở thị trường Đông Nam Á, nơi mà mẫu xe bán tải nổi tiếng của nó là Triton và chiếc xe SUV Pajero đang giúp Công ty bán được lượng xe gấp đôi số lượng tại Nhật. Mitsubishi đã nói rằng vụ bê bối nhiên liệu không dính đến thị trường Đông Nam Á.

“Họ đảm bảo với tôi rằng không có vấn đề gì ở bên ngoài nước Nhật. Đây là những người chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi đã làm việc với họ trong 4 năm trời và họ chưa bao giờ nói điều gì với chúng tôi mà không đúng sự thật”, Ghosn cho biết.

Chính các kỹ sư của Nissan là những người đã phát giác vụ việc, khi nhận thấy sự không nhất quán trong mức tiêu hao nhiên liệu của những chiếc xe cỡ nhỏ do Mitsubishi cung cấp. Và giờ cũng chính họ sẽ phải giúp đối tác của Nissan vượt qua cuộc khủng hoảng này. Các cuộc điều tra về việc Mitsubishi thổi phồng khả năng tiết kiệm nhiên liệu vẫn đang diễn ra và gần đây Công ty đã phát hiện các mẫu xe khác tại Nhật, không chỉ là xe cỡ nhỏ, cũng được kiểm tra theo phương pháp không phù hợp. Chủ tịch Mitsubishi Tetsuro Aikawa đã tuyên bố ông sẽ từ chức sau cuộc họp cổ đông vào tháng 6.

Mitsubishi có thể “đốt” hết số tiền mặt hiện có rất nhanh, theo Koji Endo, chuyên gia phân tích tại Advanced Research Japan. Đó là bởi vì Endo dự kiến lượng xe bán ra của Mitsubishi tại Nhật sẽ giảm khi tin tức về vụ bê bối lan truyền (bằng chứng là lượng xe cỡ nhỏ bán ra của Công ty đã giảm tới 45% vào tháng 4) và các trách nhiệm pháp lý là rất lớn liên quan đến vụ thổi phồng mức tiêu hao nhiên liệu. Trong trường hợp xấu nhất, theo Endo, Ghosn thậm chí có thể phải đóng cửa các cơ sở hoạt động của Mitsubishi tại Nhật và chỉ dựa vào hoạt động đang ăn nên làm ra của nó ở thị trường Đông Nam Á.

Theo thỏa thuận giữa Nissan với Mitsubishi, Ghosn có một năm để hoàn tất thương vụ đầu tư. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Glendinning của BMI Research, cho dù như vậy thì có thể không có đủ thời gian để thực hiện một cuộc điều tra sâu rộng và “thấy rõ mọi hành vi sai trái của ban điều hành doanh nghiệp này”.

Ghosn cho biết Nissan sẽ không “nhắm mắt làm liều” trong thương vụ với Mitsubishi và sẽ xác nhận tất cả các vấn đề trước khi hoàn tất thương vụ đầu tư trong vòng 4 tháng. Nếu làm thế nào đó mà Mitsubishi không xác nhận được tất cả các con số và dự báo của mình, ông cho biết, đó là một lý do để “chúng tôi ngưng tất cả những gì đang thực hiện”.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, các chuyên gia phân tích cho rằng một phong cách quản trị không hề “Nhật” chút nào – tức thời và tập trung vào vấn đề trọng tâm – mà Ghosn xưa nay nổi tiếng sẽ được nhìn thấy một lần nữa. “Ông ấy là người rất khác biệt. Ông quan sát mọi thứ dưới cái nhìn cực kỳ khách quan”, Edwin Merner, Chủ tịch Atlantis Investment Research tại Tokyo, nhận xét. Mitsubishi sẽ trực tiếp thấy được điều đó từ “phù thủy” Carlos Ghosn.

 

 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928