“Hồi là cậu bé vùng quê, tôi không nghĩ có thể trở thành giáo sư ở trường đại học hàng đầu thế giới”, ông Freddy Boey nhớ về thời kỳ chuyển mình thần kỳ của Singapore sau độc lập.
Theo giáo sư Boey, Singapore 50 năm trước đây không có nhiều đất, nước sinh hoạt ít ỏi, an ninh quân sự gần như số không, không có ngành công nghiệp đáng kể, nền giáo dục và các dịch vụ khác như chăm sóc y tế đều chưa tốt, an ninh rối ren, và cũng không có những chính sách hòa hợp tôn giáo.
“Những băng nhóm kín thường xuyên đi thu nợ tại khu phố Tàu, Geylang… Những người bán hàng rong bất hợp pháp đầy rẫy trên phố, bệnh dịch lây lan…”, ông nhớ lại
“Đó là Singapore mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Chúng ta bị buộc rời khỏi một nước khác và trở thành quốc gia độc lập trong bối cảnh tình hình khu vực phức tạp. Nếu các bạn cũng được sinh ra cách đây 50 năm, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng đất nước có thể phát triển ngoạn mục như ngày nay”,vị giáo sư chia sẻ.
Giáo sư Freddy Boey hiện là phó chủ tịch Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore). Ngôi trường này vừa được trang Times Higher Education xếp hạng 55/100 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2016.
Phát triển thành trung tâm tài chính , giao thương
Câu chuyện “lột xác” của Singapore luôn được xem như một kinh nghiệm điển hình về sự phát triển thành công của một quốc gia trong thế kỷ 20.
Đảo quốc Singapore vốn không nhiều đất và nghèo tài nguyên, nhưng sau khi độc lập vào năm 1965, cựu thuộc địa của Anh hướng theo mục tiêu phát triển trở thành một trung tâm sản xuất và tài chính lớn. Những buổi ban đầu, các chính sách thuế thấp, ít hạn chế dòng vốn, cởi mở trong chính sách nhập cư khiến nơi đây trở thành điểm nóng thu hút nhà đầu tư .
Còn chuyên gia Josh Kurlantzick (Hội đồng quan hệ đối ngoại CFR) đánh giá trên kênh NPR (Mỹ) rằng Singapore chủ trương thương mại tự do và áp đặt rất rất ít rào cản thuế quan. “Lãnh đạo Singapore từng tự hào rằng bạn có thể thành lập doanh nghiệp tại đây chỉ trong 3 tiếng”.
Ông Tony Nash, phó tổng giám đốc công ty tư vấn Delta Economics (Anh) ấn tượng với bộ máy chính phủ gồm nhiều những nhà kỹ trị xuất chúng của Singapore. “Họ quyết tâm thực hiện các chính sách để nâng cao cạnh tranh, thu hút nhân tài, và đánh giá dựa trên kết quả”.
Nhắc đến sự thành công của Singapore ngày nay không thể không kể đến “người cha lập quốc”, cố thủ tướng Lý Quang Diệu . Ông Lý được cho là nắm vai trò trung tâm trong công cuộc biến đổi Singapore.
Tạp chí Economist nhận xét, ông Lý luôn nỗ lực hành động để đạt được những mục tiêu tăng trưởng cao đề ra, khao khát biến Sinapore trở thành một điểm đến thu hút trong giới đầu tư, cũng như đối với nguồn nhân lực đẳng cấp thế giới.
Dưới thời ông Lý, Singapore nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách thuế thấp và minh bạch, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và hiệu quả, khuôn khổ pháp luật cứng rắn, đặc biệt là duy trình một Singapore “xanh và sạch”. Tất cả những nền tảng này đã góp phần vào câu chuyện thành công kinh tế vượt bậc của Singapore.
Theo chuyên gia Kurlantzick, một trong những ngành công nghiệp nội địa quan trọng nhất của Singapore như đóng tàu, điện tử, ngân hàng thương mại… đã có nền móng khởi đầu vững chắc do chính phủ Singapore khi đó đã dùng đáng kể ngân sách để đầu tư trực tiếp vào những lĩnh vực này.
Theo Channel News Asia, một trong những câu chuyện thể hiện tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu là “canh bạc” 1 tỷ SGD vào năm 1975 để xây sân bay Changi mới. Khi đó, châu Á vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ 1973, tình hình khu vực Đông Nam Á có nhiều biến động, nhưng ông Lý Quang Diệu vẫn dồn tâm huyết vào dự án này.
Ga đi tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: Straits Times
Ông ra lệnh phá hàng loạt các tòa nhà, san lấp đầm lầy, bồi lấp đất để phục vụ dự án. Kết quả, công trình sân bay hoàn thành trong 6 năm thay vì 10 năm như kế hoạch.
Ngày nay, “canh bạc” của ông Lý Quang Diệu đã được đền đáp to lớn, khi Singapore trở thành một điểm đến quan trọng của kinh tế, du lịch, đầu mối giao thông hàng không trọng điểm trong khu vực.
Tony Nash nhận định, việc trở thành một đầu mối giao thông hàng không và trung tâm vận chuyển đường biển của khu vực, cùng với nền quản trị công minh bạch và hiệu quả, đã giúp nâng cao vị thế của Singapore trở thành nơi đặt cơ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại châu Á.
Ông Lý cũng là người nhanh nhạy với những biến động của thế giới, từ đó biến rủi ro thành cơ hội để phát triển. Điển hình như giai đoạn “Cú sốc Nixon” năm 1971, khi giá USD rớt xuống mức thấp nhất kể từ Thế chiến 2, buộc Mỹ phải đơn phương phá giá USD và đình chỉ khả năng quy đổi USD ra vàng.
Ông Lý đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để biến Singapore trở thành một trung tâm khu vực về giao dịch ngoại hối.
Kể từ năm 1968, chính phủ Singapore đã thực thi hàng loạt chính sách thu hút và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư tài chính quốc tế, để hướng tới xây dựng “Thị trường đô la châu Á”.
Các chính sách này hoạt động hiệu quả giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính vượt qua cả đối thủ gần nhất trong khu vực là Hong Kong. Đến năm 1990, Singapore trở thành 1 trong 4 trung tâm tài chính thế giới, chỉ sau London, New York và Tokyo.
Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Ảnh: Today
Chính sách xã hội hiệu quả
Chính phủ Singapore quan tâm đẩy mạnh các chính sách xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục. Do vậy cuộc sống người dân luôn được chăm lo và bảo đảm ở những điều kiện tốt nhất.
“Tôi nghĩ không còn nền kinh tế nào khác, ngay cả một số nước được cho là các con hổ ở châu Á, có nhiều chỉ số thống kê tốt về tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ việc làm cao, và các chỉ số xã hội tích cực khác như tuổi thọ trung bình, giáo dục và nhà ở, đều tốt đẹp trong 20 năm đầu sau khi lập quốc”, Linda Lim, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan (Mỹ).
Lim cũng cho rằng, sự tăng trưởng thần kỳ của Singapore gắn chặt với những giá trị về sự hòa hợp ở một đất nước đa dạng tôn giáo, đa dạng sắc tộc. “Từ năm 1965, chúng ta đã có một xã hội đoàn kết vững chắc, được hỗ trợ bằng hệ thống chính sách phát triển nhân tài, để thúc đẩy hướng tới nền giáo dục tiêu chuẩn cao ở mọi cấp”.
Giáo dục cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Lý Quang Diệu nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế cận có chất lượng cao . “Ông đã xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng đẳng cấp thế giới, từ bậc tiểu học cho đến đại học. Điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”, giáo sư Boey nói.
“Tôi không bao giờ dám mơ rằng một cậu bé nhà quê lại có thể đạt được như ngày hôm nay, ở đảo quốc Singapore nhỏ bé này, khi trở thành giáo sư của một trường đại học đẳng cấp thế giới. Công cuộc biến đổi Singapore của ông Lý Quang Diệu không chỉ giúp thay đổi đời tôi, mà còn cho các con, các cháu tôi”, giáo sư Boey chia sẻ.
Trẻ em Singapore trong Ngày trồng cây. Ảnh: Straits Times
Ngoài ra, hình ảnh một Singapore xanh và sạch đã được ông Lý Quang Diệu vạch ra từ 50 năm trước. Khi đó, ông tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước thế giới thứ 3 chỉ bằng biện pháp đơn giản: trồng nhiều cây cối để phủ xanh đảo quốc.
Vị thủ tướng đầu tiên của đảo quốc luôn nhấn mạnh việc mở rộng độ che phủ của cây xanh để giảm hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa , đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngày 16/6/1963 là dấu cột mốc quan trọng trong chiến dịch trồng cây ở Singapore, khi ông Lý Quang Diệu tự tay cuốc đất để trồng một cây thành ngạnh.
Các nhà sử học ví hành động trồng cây của ông Lý Quang Diệu giống như việc gieo những hạt giống đầu tiên của giấc mơ “khu vườn Singapore” xuống mảnh đất cằn cỗi trong quá khứ.
Poon Hong Yuen, chủ tịch Ủy ban quản lý công viên quốc gia Singapore (NParks), nói chiến dịch phủ xanh phải là phần thiết yếu trong quá trình xây dựng đất nước.
“Một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. Hơn nữa, nó cũng truyền cảm hứng đến người dân Singapore, khiến họ tự hào rằng họ đang sống trong một ‘thành phố vườn'”, ông Poon khẳng định.
Zing.vn
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!