S&P cập nhật đánh giá về kinh tế Việt Nam

Mức xếp hạng này phản ánh Việt Nam là nền kinh tế thu nhập thấp, tình hình tài khóa còn yếu, khung tiền tệ và tài chính vẫn trong giai đoạn đang phát triển. Khung chính sách đang hoàn thiện cũng có thể khiến các chỉ số đánh giá rủi ro bị hạ xuống. Các chỉ số bên ngoài phản ánh thanh khoản ở mức vừa phải và mức độ nợ nước ngoài khá khiêm tốn. Đây là yếu tố hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm quốc gia. 

Theo S&P, những rủi ro về ổn định vĩ mô và tài chính của Việt Nam đã giảm bớt kể từ đầu năm. Chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng từ thời điểm đó dường như đã giúp cải thiện niềm tin vào quyết tâm bình ổn giá của chính phủ. Dòng vốn trong nước đầu tư vào các tài sản nước ngoài đã lắng xuống, khiến tỷ giá ổn định và hỗ trợ khu vực ngân hàng. 

Những bước tiến triển này đã làm giảm bớt hoặc đảo ngược sự suy giảm của 1 vài chỉ số chính.  Tính đến hết tháng 9/2012, lạm phát đã quay trở lại mức dưới  6,5%, giảm mạnh so với mức đỉnh 23% hồi tháng 8/2011. Cán cân thương mại thặng dư 34 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Dự trữ ngoại hối tăng lên 20 tỷ USD. Đồng thời, lãi suất ngân hàng cũng giảm xuống. 

Tuy nhiên, những rủi ro đe dọa đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô vẫn còn đó. Do chính phủ đã nới lỏng chính sách, những lo ngại mới về sự ổn định của giá cả đang xuất hiện. Điều này có thể xóa hết những bước tiến gần đây. Lượng cầu từ nước ngoài giảm mạnh hơn dự báo cũng là 1 rủi ro. 

Mức thu nhập thấp (khoảng 1.552 USD/người trong năm 2012) vẫn là nhân tố gây nhiều căng thẳng nhất cho mức xếp hạng tín nhiệm. S&P dự báo trong vòng 2 -3 năm tới, chỉ số này sẽ tăng trưởng chậm hơn so với quá khứ.  Điều này phản ánh chính sách khiến đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng chậm lại. 

S&P cũng dự báo đến cuối năm nay tổng nợ sẽ tăng lên 36% GDP. Lạm phát cao trong quá khứ cũng đã khiến cơ quan điều hành tiền tệ bị hạn chế trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và giảm bớt các cú sốc kinh tế. 

Tổ chức này đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn ở mức khá khiêm tốn và trong vòng 3 năm tới tỷ lệ vẫn ở mức dưới 50% nguồn thu cán cân vãng lai. 

Triển vọng ổn định mà S&P dành cho Việt Nam phản ánh quan điểm cho rằng Việt Nam vẫn sẽ duy trì chính sách chặt chẽ cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng về sự ổn định của nền kinh tế, điển hình là tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức 1 con số. Điều này sẽ cho phép các chỉ số về tài khóa, nợ nước ngoài và các chỉ số kinh tế khác ở sát mức hiện nay hoặc được cải thiện trong vòng 2 đến 3 năm tới. 

S&P có thể hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu như chính sách được nới lỏng quá sớm dẫn đến các chỉ số chủ chốt bị ảnh hưởng. Xếp hạng có thể được nâng lên nếu nền kinh tế lấy lại được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững và kinh tế vĩ mô ổn định. Nếu Việt Nam có thể duy trì được tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở mức trên 6% trong suốt 5 đến 10 năm nữa, S&P sẽ nâng bậc xếp hạng của Việt Nam. 

 

Thu Hương

Theo TTVN/Reuters

 

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928