Kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2016, Ripple đã bán được 2,5 triệu chai sữa chiết xuất từ cây với doanh thu 20 triệu USD. Mới đây, Công ty nhận được 44 triệu USD vốn đầu tư từ Google và một số nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mintel, năm 2015, tổng doanh thu ngành sữa của Mỹ giảm 7% (17,8 tỷ USD) và dự báo sẽ giảm thêm 11% vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu sữa hạnh nhân từ năm 2011 tới 2015 tăng tới 250%, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, những sản phẩm mới này có một số điểm yếu như: sữa đậu nành có vị khá nhạt và hạt đậu nành thì thường bị gắn mác biến đổi gien; hay sữa hạnh nhân dù giàu protein nhưng chỉ bằng 1/8 so với sữa bò truyền thống và cần dùng lượng nước lớn trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, sữa gạo dù có vị ngon dịu nhưng lại ít protein.
Hiểu được những điều đó, startup Mỹ có tên Ripple tung ra loại sản phẩm sữa hoàn toàn mới được chiết xuất từ đậu Hà Lan vàng (yellow pea) – loại cây dễ trồng và cho hương vị thanh đáng kinh ngạc.
2 nhà đồng sáng lập startup này là Adam Lowry và Neil Renninger. Trước khi cùng thành lập Ripper, Adam Lowry đồng sáng lập Công ty sinh thái Ethod với doanh thu hơn 100 triệu USD và sau đó bán cho Công ty Ecover của Bỉ vào năm 2012. Còn Neil Renninger từng xây dựng Công ty Amyris Biotechnologies chuyên dùng công nghệ để tạo ra nhiên liệu tái chế với nguồn đầu tư ban đầu từ Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates.
Năm 2014, Lowry và Renninger nhìn thấy cơ hội trước những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến sữa. “Hệ thống sản xuất thực phẩm chiếm tới 20% lượng khí thải carbon trên thế giới và 25% trong số đó là từ sữa. Tác động tới môi trường là rất lớn. Nhiều hơn thịt bò và gà, sữa là nguồn thải carbon lớn nhất tính theo số lượng. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ”, Renninger cho biết.
Lowry và Renninger bắt đầu tìm kiếm một sản phẩm vừa có vị ngon vừa giảm tác động tới môi trường hơn so với các loại sữa truyền thống và chế phẩm thay thế sữa hiện có.
“Chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn và còn nhiều ‘đất’ dành cho cải tiến thực phẩm bằng công nghệ. Thế giới đang ngày càng nhận ra rằng chúng ta cần có nhiều sản phẩm làm từ cây hơn, giống như burger không thịt vậy. Tuy nhiên phần lớn thực phẩm là từ cây, đặc biệt là sữa, lại cho hàm lượng protein thấp và vị không ngon”, Renninger nói.
Sử dụng công nghệ do Renninger phát triển, họ bắt đầu thử chiết xuất sữa từ nhiều loại cây nổi tiếng với hàm lượng protein cao nhưng đa số lại có vị khó uống. Sau đó, họ thử đậu Hà Lan vàng – loại cây dễ trồng, không đắt mà vị lại không gắt như các cây khác. Kết quả thu được loại thức uống có vị giống sữa bột cô đặc, sánh và mịn.
Mỗi chai sữa của Ripple chứa lượng protein tương đương với sữa bò truyền thống (nhưng cao hơn nhiều so với sữa hạnh nhân). Tuy nhiên, điểm khiến Ripple trở nên khác biệt là có lượng khí thải ra môi trường thấp hơn hẳn so với các phương pháp sản xuất sữa hiện tại.
Theo nghiên cứu của họ, mỗi chai Ripple hơn 1,4 lít (chai đựng làm 100% từ vật liệu tái chế ) giúp giảm được hơn 1.500 gram khí thải carbon dioxide và 3,5m3 nước so với một chai sữa truyền thống có thể tích tương đương.
Theo đó, 2,5 triệu chai Ripple đã bán ra giúp giảm được 3.500 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương giảm hơn 600 xe hơi mỗi năm. Trong khi đó, để có được lượng protein tương đương, quy trình sản xuất sữa hạnh nhân cần tới gần 250 triệu m3 nước.
Hiện tại, 5 loại sữa gồm “cơ bản” và “thêm vị” của Ripple được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị như Whole Foods và Target Corp. Ripple dự kiến sẽ tung ra thêm loại sữa chua làm bằng tinh chất chiết xuất từ cây và thêm các vị như dâu tây, việt quất, vani… theo kiểu Hy Lạp trong thời gian tới.
“Chúng tôi đang thử các hương vị mới từ cây thích và chanh giấy”, Lowry nói. Sữa chua là bước đi tiếp theo hợp lý cho Ripple để được xếp vào danh mục món tráng miệng, ăn vặt.
“Hầu hết khách hàng muốn dùng các loại thực phẩm xanh hơn và xu hướng này đang ngày càng lớn hơn”, Renninger cho biết.
Nói về giá cả, Renninger cho biết, sản phẩm của Ripple đang ở mức cao hơn so một số loại sữa thông thường nhưng họ sẽ tìm cách giảm giá thành trong vài năm tới.
Kim Tuyến (VnEconomy)
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!