* Là một “tân binh” trong thị trường nước giải khát tại Việt Nam, nếu tự đánh giá, ông thấy hiệu quả hoạt động của Kirin ra sao?
– Được cấp phép hoạt động vào giữa năm 2008 nhưng đến năm 2009, Kirin mới chính thức có sản phẩm trên thị trường. So với số vốn bỏ ra để có thể vận hành sản xuất thì rõ ràng là Kirin đang trong giai đoạn lỗ, nhưng xét ở khía cạnh tiêu dùng thì chúng tôi đang thành công trong mục tiêu đề ra của chính mình.
* Thành công ấy bao gồm cả cái chết của hai dòng sản phẩm Jcha và trà xanh Kira không, thưa ông?
– Tuy có lịch sử và bề dày ở thị trường Nhật Bản nhưng với Việt Nam, Kirin chỉ ở giai đoạn đầu. Trong giai đoạn này, việc thử nghiệm với thị trường là điều cần thiết và nếu có thất bại thì đó là bài học mà không tiền nào mua được.
Vả lại, chúng tôi vẫn có những sản phẩm thành công trong việc chinh phục thị trường như Latte, Ice+. Đó chính là kim chỉ nam cho Kirin trong những chiến lược tiếp theo sau này.
* Đang giữ một vai trò lớn trong Tổng công ty Kirin tại Nhật Bản, bước sang kinh doanh ở một thị trường non trẻ như Việt Nam, gặp liên tiếp khó khăn, ông có hối hận không?
– Đúng là tôi có thất vọng nhưng không phải ở bản thân hay sản phẩm bởi tôi và đội ngũ nhân viên Kirin đã cố gắng hết sức. Tôi thất vọng bởi Việt Nam chưa có kênh phân phối thuận tiện và quá khó để thâm nhập vào hệ thống phân phối truyền thống đang tồn tại ở Việt Nam.
Tại Nhật Bản, 35% sản phẩn của Kirin tiêu thụ qua các máy bán hàng tự động, phần lớn trong 65% còn lại thì vào siêu thị, chỉ 10% trong số đó tiêu thụ ở các tiệm bán lẻ.
Thói quen tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại giúp nhà sản xuất thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đưa hàng hóa ra thị trường. Trong khi đó, cả Việt Nam chỉ có đến khoảng 300 máy bán hàng tự động. Không có nền tảng, tất nhiên Kirin phải tự thân tạo dựng. Việc này khiến chúng tôi mất sức nhiều hơn, thay vì chỉ tập trung vào làm tốt khâu sản xuất.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, tôi cũng cảm thấy hài lòng vì sự thiếu hoàn thiện này tại Việt Nam. Nó khiến cho mọi người, từ chủ đến khách, đều phải cố gắng vận động để có thể thích nghi và phát triển. Ở phạm vi rộng hơn, điều này giúp ích cho bản thân mỗi con người rất nhiều trong quá trình trưởng thành.
* Khi thói quen tiêu dùng chưa có, chẳng phải vai trò của một doanh nhân là phải tác động thị trường bằng cách này hay cách khác sao, thưa ông?
– Chính xác thì trách nhiệm này là của doanh nhân. Tôi nghĩ, không riêng Kirin mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đều đang triển khai các hoạt động này.
Ví dụ như ngày trước, Việt Nam chưa có thói quen dùng thức ăn nhanh, nhưng nay các chuỗi cửa hàng này mọc lên khắp nơi. Đó là một trong những ví dụ cho thấy thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh và thay đổi rất nhiều trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc tạo thói quen tiêu dùng cho khách hàng cũng phải tương đồng với văn hóa đời sống bản địa. Cụ thể trong lĩnh vực nước giải khát, người Việt Nam luôn thích sự thuận tiện và họ di chuyển phần lớn bằng xe máy. Do đó, nước giải khát và các sản phẩm tiêu dùng sẽ dễ dàng tiêu thụ ở các cửa hàng tiện lợi trên đường đi.
Thời gian gần đây, cũng đã có nhiều cửa hàng tiện lợi như thế mọc lên ở TP.HCM. Loại hình này chắc chắn sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới. Kirin cũng sẽ tận dụng thói quen này để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.
Nhân lực tỏa sáng
* So với người Nhật, nhân lực tại Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều thứ, nhất là tác phong công nghiệp. Ông có gặp khó khăn khi điều hành đến 90% người Việt trong công ty?
– Tôi khá bất ngờ khi biết rất nhiều người nước ngoài nghĩ rằng, người Nhật làm việc quên ăn quên ngủ và người Việt thì vẫn còn đậm tác phong… nông nghiệp.
Thực chất, hai thái cực này của cả hai dân tộc đều đã được dung hòa đáng kể. Hơn hai năm làm việc, hình như tôi đã quen và thích ứng với cách làm việc của người Việt.
Nhưng quen nghĩa là không còn bất ngờ chứ không có nghĩa là hài lòng. Để có đội ngũ nhân lực làm việc hiệu quả, đích thân tôi phải tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tuyển dụng.
Sau khi đã nhận họ vào làm, mỗi năm hai lần, tôi lại dành cho mỗi người khoảng 30 phút gặp gỡ, trao đổi để lắng nghe nguyện vọng của từng cá nhân.
Dựa trên nguyện vọng đó, bộ máy lãnh đạo sẽ sắp xếp công việc tương ứng cho họ. Sáu tháng sau, chúng tôi lại gặp nhau để xem sự sắp xếp ấy có hiệu quả không, rồi tiếp tục điều chỉnh tương ứng. Người điều hành doanh nghiệp chỉ có thể làm tốt nếu hiểu nhân viên mình đang cần gì, đang mong muốn thế nào…
* Việc lắng nghe này có liên quan thế nào đến việc ông muốn “tạo ra một công ty với những nhân viên luôn tỏa sáng” ở Việt Nam?
– Hiện tại, những nhân viên của Kirin đều đã và đang là thế hệ nhân viên tỏa sáng. Tôi khá tự tin với chính sách đào tạo nhân lực của mình. Trong đó, 70% là đào tạo theo hệ thống, nghĩa là cấp quản lý sẽ phải đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực cho nhân viên. Điều này giúp kỹ năng không là của cá nhân mà liên kết với tập thể, tạo sức mạnh cho việc hoàn thành những công việc chung.
Ngoài ra, nhân viên của Kirin khi có nhu cầu học tập bên ngoài, học tiếng Nhật đều được chúng tôi hỗ trợ ít nhất là 50% học phí. Với những người mới, tôi trực tiếp trang bị cho họ về lịch sử công ty, tinh thần làm việc… Tất cả, chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng tầm nhìn chung cho mọi người. Sức mạnh của một doanh nghiệp phụ thuộc vào điều đó!
* Trong thư gửi người tiêu dùng trên website của Kirin, ông có phát biểu tầm nhìn mục tiêu của Kirin là “Trở thành công ty hàng đầu sáng tạo ra nền văn hóa uống nước mới tại Việt Nam”. Trong khi các tập đoàn khác đều muốn đi đầu về mức độ chiếm lĩnh thị trường, ông có cho rằng mục tiêu này xa rời kinh doanh quá không?
– Quan sát đời sống con người Việt Nam, tôi thấy các bạn có nét văn hóa rất hay. Luôn có khả năng tiếp nhận các giá trị bên ngoài vào, rồi chuyển biến nó thành nét độc đáo của riêng mình. Không bài xích, tẩy chay mà cũng chẳng bị đồng hóa. Điều này rất thích hợp cho những người phương xa muốn mang sản vật của mình đến cho các bạn. Với nước giải khát cũng thế.
Do vậy, hai mục tiêu này nói thì khác nhưng thực chất chỉ là một. Chỉ cần chúng tôi sáng tạo được sản phẩm mới và người tiêu dùng chấp nhận nó, kể như chúng tôi đã xây dựng được thị trường của riêng mình.
Đường đi xa
* Trong bối cảnh các thương hiệu từ quốc tế đến bản địa đều đã có chỗ đứng, đặt mục tiêu cho Kirin cao như thế có thể khiến mọi người nghĩ rằng ông quá tham vọng?
– Thị trường nước giải khát trên thế giới hiện nay có đến 13 ngành hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ mới có 6 ngành hàng. Trong đó, chỉ có mỗi Pepsi là có đủ sản phẩm của 6 ngành hàng.
Nói như vậy để thấy rằng, còn rất nhiều khoảng trống tại thị trường Việt Nam mà nếu biết cách khai thác, doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá. Kirin sẽ khai thác những khoảng trống này.
Đã tham gia thị trường, mục tiêu và tầm nhìn không thể thấp được. Tất nhiên, nó cũng không thể quá to lớn nhưng phải là mục tiêu mà doanh nghiệp có thể hoàn thành nếu cố gắng!
Bên cạnh đó, Kirin có một lợi thế rất lớn là sự tinh gọn trong bộ máy. Đầu tư dây chuyền chiết rót vô trùng Aseptic, công nghệ chiết rót hiện đại nhất hiện nay, giúp chúng tôi không tốn nhiều nhân lực trong khâu sản xuất.
Hiện chỉ có khoảng 70 nhân viên để làm nên gần 5.000 thùng nước giải khát cung cấp ra thị trường mỗi ngày. Tất cả đều được tự động hóa để đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
Ngoài khoản tiết kiệm về nhân lực, dây chuyền này còn giúp chúng tôi bảo vệ môi trường. Nước thải từ hoạt động sản xuất của Kirin có thể thải thẳng ra sông mà không gây ô nhiễm.
* Xanh hóa là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn hướng đến, nhưng mức độ đầu tư cho ước mơ này không rẻ chút nào, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn?
– Đúng là ban đầu, để có được dây chuyền hiện đại ấy, Kirin đã chi đến 23.000.000USD, một con số khá lớn nhưng tính về lợi ích lâu dài, chúng tôi rất có lợi bởi tiêu hao nhiên liệu, năng lượng… không cao, tối ưu được sản xuất. Những chi phí phát sinh hầu như chúng tôi không phải đối mặt.
Kinh doanh không phải chuyện của hôm nay mà nó thuộc về tương lai. Tôi cho rằng, công nghệ xanh là đường đi xa, không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn cho cả sự phát triển chung của xã hội. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất bền vững trong tương lai, tôi nghĩ đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam nên chọn con đường dài hơn.
Tôi thực sự không muốn các bạn đánh đổi vẻ đẹp thiên nhiên của mình để lấy những giá trị không có tính chất lâu dài. Rõ ràng, chúng ta đã có cách khác để phát triển công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất mà vẫn “hòa bình” với môi trường.
Xây “móng” cho tâm hồn
* Có vẻ như ông có nhiều ưu tư về Việt Nam của chúng tôi?
– Trong bảy môn nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam tôi yêu thích tất cả nhưng đặc biệt yêu mến ẩm thực, hội họa và âm nhạc. Món ăn Việt Nam rất vừa miệng, hợp khẩu vị với tôi. Trong hội họa, tôi tìm thấy nhiều thông điệp ẩn trong những họa tiết, đặc biệt là nhiệt huyết của con người Việt Nam.
Các họa sĩ truyền tải khá tốt điều đó trong tác phẩm. Tôi đến với các triển lãm, mua tranh của họa sĩ Việt để thưởng thức. Tôi thích tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Sơn và hiện treo tác phẩm của anh trong phòng làm việc của mình. Văn hóa, nghệ thuật, con người… nơi đây, tất cả đều cuốn hút tôi.
Tôi là một người chú trọng các giá trị văn hóa nên cũng dành thời gian quan tâm tìm hiểu các loại hình nghệ thuật. Đừng nhìn đời sống công nghiệp ở Nhật mà cho rằng chúng tôi không chăm sóc đời sống tinh thần. Tôi cũng tham gia vào các câu lạc bộ ngâm thơ Haiku ở Nhật. Tiếc là ở Việt Nam, tôi không thấy kiểu sinh hoạt văn hóa như thế.
Nổi tiếng trên thế giới nhưng với người Nhật, Haiku đã có một biến thể khác là Shigin. Người Nhật học ngâm, học làm theo kiểu thơ biến thể này khá nhiều. Văn hóa là nền tảng, kinh tế là thượng tầng. Do đó, tôi không bao giờ tiếc thời gian xây dựng nền móng cho tâm hồn của mình.
* Nghĩa là ông có ý định gắn bó lâu dài với mảnh đất này?
– Đó là ý muốn của tôi nhưng khách quan, tôi vẫn là một thành viên của Kirin. Nếu có bất cứ quyết định nào từ những người điều hành Tổng công ty, tôi cũng phải tuân thủ chứ. Tất nhiên, nếu làm tốt ở thị trường Việt Nam, không có lý do gì khiến Ban điều hành quyết định điều đó.
Cũng như yêu thương một người, chỉ cần làm cho mình lẫn người mình yêu thương tốt đẹp hơn, không ai có thể chia cắt đôi tình nhân ấy. Tôi không chỉ muốn Kirin Việt Nam phát triển mà còn muốn Việt Nam thịnh vượng, xinh đẹp và bền vững…
* Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn có những điều tươi mới tại mảnh đất này!
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!