Thương hiệu là một trong những tài sản vô hình quan trọng, được định giá trong tâm trí khách hàng và lan tỏa trong cộng đồng.
Tài sản vô hình đó thực ra là một dòng giá trị đang lưu chuyển bên trong doanh nghiệp (DN), là vật bảo chứng cho DN.
Đi từ năng lực cốt lõi
Trong khi những tài sản hữu hình, những con số như doanh thu, lợi nhuận có thể nhận biết được trong các báo cáo tài chính của DN, thì các tài sản vô hình không thể nhìn thấy. Trong chu kỳ của một dự án, tài sản hữu hình còn lại được xác định theo nguyên lý tài chính, chẳng hạn, một cơ sở y tế sau ba năm hoạt động, máy móc đã hao mòn và lạc hậu, có máy còn 50% giá trị, có máy thấp hơn nữa; nhân sự cũng thay đổi, chỉ còn 30% nhân viên cũ từ ban đầu, 50% làm việc được một năm và 20% nhân viên mới.
Cho dù hoạt động ổn định, một tổ chức vẫn phải có một tỷ lệ nhân viên mới. Hiểu biết về quy luật nhân sự này sẽ giúp nhà quản lý tối ưu được những giá trị của nhân sự. Máy móc sẽ được thay thế, địa điểm hoạt động có thể thay đổi, đội ngũ cũng sẽ có người nghỉ việc. Một tổ chức có tầm nhìn, trước tiên cần thấu hiểu về dòng giá trị vận động qua sự đổi thay đó, nghĩa là xây dựng thành công năng lực lõi, lợi thế cạnh tranh và khả năng thích ứng, những gì tạo nên ba yếu tố này sẽ tạo thành một “dòng giá trị”.
Trong khi văn hóa của tổ chức là thứ trừu tượng, thì dòng giá trị đó là kho tàng tri thức và kỹ năng lại hiện diện khá rõ ràng. Mỗi ngày, nhà quản lý phải đối mặt với câu hỏi “làm sao để tồn tại?”, họ đồng thời cũng trả lời câu hỏi “ngày hôm nay để lại giá trị gì?” trước khi tìm lời giải cho câu hỏi “làm sao để phát triển?”. Như vậy, những giá trị cần được ưu tiên và cách thức tạo ra chúng đều cần sự hợp tác và chia sẻ trong toàn tổ chức.
Sự vận hành DN xuất phát từ năng lực lõi được hoạch định ban đầu. Chẳng hạn, cơ sở y tế này chọn lĩnh vực chuyên sâu là tế bào gốc để phát triển vượt trội, cơ sở khác lại chọn phương thức cung cấp dịch vụ khác biệt để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, như dịch vụ khám chữa bệnh từ xa…
Mỗi nơi đều tập trung làm gia tăng năng lực lõi đó để tạo lợi thế cạnh tranh bằng nhiều cách, ví dụ như tìm kiếm người có năng lực, nếu có thể, mua bản quyền sáng chế, thiết kế hệ thống vận hành để đạt được năng lực lõi một cách nhanh nhất.
Phải biết cách dùng người
Những DN nhỏ và vừa dù không có đủ nguồn lực để lập phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng tích lũy dòng giá trị là việc nên làm ngay từ lúc mới thành lập. Nên ghi nhận những tình huống và những bài học kinh nghiệm, có những nghiên cứu bắt đầu từ các bài báo cáo, những công trình nhỏ, đến khi có điều kiện nâng dần lên mức độ cao.
Tìm phương thức để nhân viên cùng lập nên những quy trình hoạt động có sức sống là cách viết nên dòng giá trị của tổ chức, đảm bảo mỗi người đều biết cách thực hành để thành công trong công việc và tránh lặp lại những sai lầm đã được xác định.
Những quy trình được hình thành như thế sẽ thấm sâu trong thực hành, được lưu thành tài liệu, không chỉ để báo cáo cấp trên mà tích hợp thành giáo trình thiết thực huấn luyện cho nhân viên, đặc biệt nhân viên mới, giúp họ hòa nhập vào tổ chức một cách nhanh nhất.
Hãy hình dung khi một thành công của tổ chức được quảng bá ra bên ngoài, nhưng nội bộ vẫn lặp đi lặp lại những sai lầm cũ sẽ làm tăng chi phí và suy giảm uy tín của tổ chức đó. Mô hình quản lý chất lượng tinh gọn, xuyên suốt phải nằm trong sự vận hành để tạo ra dòng giá trị nhờ sự cải tiến liên tục, đóng khung những hành động, đóng gói các hoạt động theo tiêu chuẩn.
Dòng giá trị đó là những giá trị gợi mở, cập nhật và tiên phong đón nhận sự thay đổi cách vận hành bên trong và kết nối với bên ngoài để phát triển năng lực lõi chuyên sâu và học hỏi liên tục để thích ứng nhanh với thời đại.
Chẳng hạn, khi nền y tế chuyển đổi cùng nền công nghiệp 4.0, nhiều tiêu chuẩn cũ không còn phù hợp, những tiêu chuẩn mới được xác lập. Khi đó quản lý chất lượng khám, chữa bệnh từ xa là một thách thức đối với các nhà quản lý y tế, đòi hỏi tư duy đổi mới với công nghệ 4.0 phải đi trước để những ứng dụng và thực hành được triển khai ở bước tiếp theo.
Như vậy, dòng giá trị là tài liệu tri thức quý giá được lưu chuyển trong mỗi thành viên và giao thoa với bên ngoài để gia tăng giá trị, tạo thành lõi trí tuệ của DN.
Trong một tổ chức thường có những nhân viên “tai mắt” trung thành với lãnh đạo để bảo vệ tài sản hữu hình và an toàn nội bộ, nhưng có người chỉ làm việc hưởng lương thời vụ. Sẽ tốt hơn nếu tổ chức có những nhân viên gắn bó là những người có nhiều giá trị và sẵn sàng chia sẻ với những thành viên mới. Bên cạnh đó, những nhân viên mới sẽ mang đến nguồn tri thức mới, kỹ năng mới, là sự bổ sung cần thiết để tổ chức đó không bị già cỗi.
Giá trị của DN có thể được đo lường bởi những nguyên tắc được định giá chuẩn mực, nhưng với những người đã từng tạo ra dòng giá trị thì là vô giá.
Các giá trị đó đều đến từ triết lý “trầm tích tinh hoa”, đòi hỏi việc “dùng người” cho dòng giá trị đó theo cách không thể giữ người bằng mọi giá mà nên giữ được những giá trị họ đã tạo ra, và bằng cách nào để giữ những người có giá trị. Tổ chức dù quy mô nhỏ hay lớn, hãy hành động với tư duy “trầm tích”, vận động để khơi thông dòng giá trị tiềm ẩn, giúp nó lưu chuyển bền vững!
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!