Tạo lập vương quốc sôcôla “Made in Vietnam”

Ảnh: Quý Hòa
 
* Tôi được biết ông có xuất phát điểm là thạc sĩ chuyên ngành khoa học chính trị. Có vẻ khởi nghiệp bằng việc kinh doanh sôcôla là rất trái tay?
 
– Nếu đứng ở góc độ một người học khoa học chính trị và ra kinh doanh nguyên liệu sôcôla, hiển nhiên sẽ không có mối liên hệ nào rõ rệt. Với tôi, đơn giản là do tôi thích kinh doanh, vì kinh doanh có thể tạo ra cơ hội và việc làm cho nhiều người và ít nhất cũng có thể tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân.
 
Khi quyết định kinh doanh trong ngành ca cao, tôi đã xem đây là một cuộc phiêu lưu. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, những gì tôi học được từ nhà trường lại trở nên hữu dụng không ngờ.
 
* Tôi vẫn chưa hiểu rõ về sự hữu dụng này…
 
– Khi nhìn vào tên và khái niệm thì thấy giữa khoa học chính trị và kinh doanh sôcôla có vẻ như không liên quan gì đến nhau, nhưng những điều tôi được học chính là sự điều tiết mối quan hệ giữa con người với con người, dù giữa hai con người với nhau hay giữa hai chính phủ với nhau.
 
Do đó, tôi đã ứng dụng triệt để những gì được học vào việc kinh doanh, từ thiết lập mối quan hệ giữa con người đến hệ thống quản lý. Và mục tiêu của tôi là làm sao để hệ thống này có thể tự vận hành được ngay cả khi không có tôi.
 
* Kinh doanh tại Việt Nam đối với ông là một sự tình cờ hay một quyết định mạo hiểm?
 
– Đến Việt Nam từ năm 1993, lúc ấy tôi mới 33 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Và năm 1994, tôi bắt đầu công việc kinh doanh tại đây, tính đến nay cũng gần 20 năm rồi. Tôi đến Việt Nam chỉ là tình cờ, không hề có sự chuẩn bị cũng như điều nghiên thị trường trước.
 
Thấy thị trường sôcôla tại đây đang bỏ ngỏ, nên một năm sau tôi bắt đầu kinh doanh và chuyển cả gia đình sang đây. Thời điểm đó chỉ có 10 người mang quốc tịch Bỉ sinh sống tại Việt Nam, mà gia đình tôi đã là 5 người. Có thể nói, với bản thân tôi và gia đình thì đây rõ ràng là một cuộc phiêu lưu.
 
Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình, bởi thị trường Việt Nam có khả năng nuôi sống nhà máy với quy mô 200 nhân viên và công ty chúng tôi đi tiên phong trong việc khai phá thị trường này. Tôi gặt hái những điều ngọt ngào nhất từ đất nước mà tôi mến yêu.
 
* Việt Nam không có nhiều lợi thế để phát triển ca cao chất lượng cao và sản lượng tốt như ở Brazil, Malaysia, Bờ biển Ngà…, vậy tại sao ông lại chọn Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất?
 
– Việt Nam với dân số gần 90 triệu người là một yếu tố thu hút tôi. Theo tôi, đây là thị trường tiềm năng để kinh doanh dưới hình thức cung cấp sôcôla nguyên liệu.
 
Nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên là Việt Nam tham gia vào mảng phát triển cây ca cao cách đây hơn 5 năm đã giúp tôi quyết định đẩy mạnh chiến lược phát triển từ hạt cao cao thành sôcôla.
 
Nếu Chính phủ Việt Nam không tham gia vào ngành ca cao thì chúng tôi cũng không có lý do gì để đi tiên phong trong vấn đề này. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Việt Nam thua kém một số nước về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, hay sản lượng, chất lượng hạt ca cao…, bởi các điều kiện là tương đồng nhau.
 
Trong ngành ca cao, một trong những điều quan trọng là phải lựa giống cây sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng vì ca cao có rất nhiều giống.
 
Việt Nam đã và đang rất thành công với cây cà phê, loại cây công nghiệp dài ngày, và cây ca cao cũng có những đặc điểm như thế, nên khi thấy Việt Nam thành công với cây cà phê thì tôi không còn nghi ngờ gì về khả năng thành công của cây ca cao. Điều quan trọng là làm sao để giữ vững được niềm tin của người nông dân trong việc trồng loại cây mới này.
 
* Đã từng tham quan nhiều mô hình trồng cây ca cao ở Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… nên tôi thấy ông khá mạo hiểm, bởi người nông dân Việt Nam chưa xem cây ca cao như cây cà phê, vì thế họ không tập trung đầu tư. Ông có nghĩ vậy không?
 
– Bạn đang đề nghị tôi thay đổi mô hình kinh doanh? (cười). Những quan sát của bạn ở một chừng mực nào đó đúng với những gì đang diễn ra.
 
Nhưng cách tiếp cận của chúng tôi trong lĩnh vực này là đi theo hướng chất lượng, cho giá trị thặng dư nhiều hơn và có thể mang đến thu nhập cao hơn cho người nông dân.
 
Đứng ở góc độ người kinh doanh, tôi hiểu rằng kinh doanh chắc chắn không tránh khỏi rủi ro, nhưng tôi tin cách tiếp cận của chúng tôi trong lĩnh vực này là đúng.
 
Rất nhiều lần chúng tôi đã mang theo những thành phẩm từ sôcôla khi xuống thăm nông dân và đã nhận được những tín hiệu tốt.
 
* Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm khi vào Việt Nam thường chú trọng phát triển hệ thống phân phối, trong khi Puratos Grand – Place Việt Nam lại chú trọng đến chất lượng, quy trình sản xuất và không dành nhiều chi phí cho quảng cáo, ông nghĩ sao về vấn đề cạnh tranh này?
 
– Chúng tôi hoạt động theo hình thức B2B, tức cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy bánh kẹo, làm kem… nên nhu cầu về marketing không nhiều lắm. Vì thế, vai trò của chúng tôi là làm sao đảm bảo cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt.
 
Trong B2B không có khái niệm chất lượng cao giá rẻ, nguyên liệu ở mức chất lượng nào sẽ có mức giá đó, nên chúng tôi chỉ còn cách cố gắng hạn chế chi phí quảng cáo, marketing, mà tập trung đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy.
 
Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều chủng loại nguyên liệu sôcôla cung ứng theo công thức riêng cho từng khách hàng.
 
* Nếu như Cargill và các tập đoàn lớn đã có công kích thích trồng cacao và chuẩn hóa chất lượng, những nhà chế biến như Grand – Place giúp người trồng bán hạt cacao của họ với giá cao hơn…
 
– Các chương trình đầu tư nghiên cứu và cải thiện hương vị, phương pháp canh tác cacao tại Việt Nam đã được chúng tôi triển khai trong nhiều năm qua.
 
Ngoài nhà máy cacao mà Grand – Place xây dựng như một sự đảm bảo hợp tác lâu dài với người nông dân và cũng nhằm góp phần làm cho chương trình phát triển cacao của Việt Nam mang tính lâu dài và bền vững.
 
Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo cho người nông dân có được thu nhập cao hơn. Gần đây, chúng tôi nghiên cứu cách sử dụng vỏ cacao làm phân bón để bà con nông dân bón cho cây cacao, thay vì dùng các loại phân khác, và qua đó gián tiếp giảm thiểu tỷ lệ kim loại nặng trong hạt cacao Việt Nam.
 
* Việc liên doanh giữa Puratos Grand – Place có gì khác so với Grand – Place Việt Nam trước đây, thưa ông?
 
– Việc hợp tác này giúp chúng tôi xúc tiến công việc nhanh hơn so với kế hoạch đã đề ra. Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi dự kiến đầu tư 10 triệu USD vào việc mở rộng công suất của nhà máy sôcôla tại VSIP Bình Dương, xây dựng trung tâm hậu cần để phục vụ cho công tác giao nhận hàng hóa của Grand-Place và Puratos.
 
Ngoài ra, việc liên doanh này cũng mở ra cơ hội cho Puratos Grand – Place tiếp cận mạng lưới rộng khắp của Puratos, vì hầu như họ đã có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới.
 
Chúng tôi cũng quan tâm đến dự án xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Giao Long tại tỉnh Bến Tre. Nhà máy được xây dựng trên mảnh đất 3ha với công suất dự kiến 2.000 tấn hạt/ năm cho giai đoạn đầu và đạt đến 8.000 tấn hạt/năm cho giai đoạn hai. Dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu sôcôla tại Việt Nam.
 
* Trong một lần tham quan nhà máy Grand – Place Việt Nam, tôi đã được nghe không ít lời ngợi khen ông từ nhân viên của ông. Theo ông, thế nào là một người quản lý tốt?
 
– Tôi thấy người Việt Nam rất sáng tạo và độc lập, do đó, cách quản trị của tôi là khuyến khích nhân viên phát huy tính sáng tạo và độc lập, chứ không áp đặt. Tôi nghĩ đây chính là yếu tố giúp tôi thành công trong việc quản lý nhân viên và được họ đánh giá tốt.
 
Tôi luôn tin tưởng những cộng sự của mình, sẵn sàng để họ chủ động trong mọi quyết định và cũng kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, khi nhân viên lợi dụng lòng tin của tôi hoặc lạm quyền để làm việc không tốt, gây hậu quả xấu thì chắc chắn tôi sẽ có cách xử lý thích đáng. 
 
 
*…Và tiêu chuẩn của một người thành công trong cuộc sống?
 
– Tôi nghĩ rằng mình sẽ thành công khi bản thân có thể thực hiện những gì mà mình mơ ước, kỳ vọng, cho dù nó không thực tế lắm. Nhưng một khi ước mơ đó chưa làm được thì tôi vẫn chưa cho rằng mình thành công. Tất nhiên đôi khi nó không liên quan đến tiền, nhưng đó là cả niềm đam mê và sự phấn khích.
 
* Ông quản lý nhân viên tốt và rất được lòng họ, vậy ông giáo dục các con ra sao?
 
– Giữa thế hệ của tôi và các con có sự khác biệt quá lớn. Trong khi tôi không có cơ hội đi nhiều, mọi thứ đều phải tự tìm tòi, xây dựng thì các con tôi đã đến rất nhiều quốc gia trên thế giới và mọi thứ gần như đều có sẵn, thế nên chúng rất dễ có tâm lý ỷ lại và không nỗ lực để đạt được thành công.
 
Tôi nghĩ mỗi đứa trẻ nên được nuôi dạy để hiểu rằng chúng phải tự tìm thấy ước mơ và nỗ lực để đạt được ước mơ đó.
 
* Tôi thấy ông trưng bày rất nhiều tượng Phật ở khuôn viên nhà máy và trong văn phòng. Gần 20 năm sống ở Việt Nam, ông thấy mình có bao nhiêu phần trăm Á đông?
 
– Tôi không theo tôn giáo nào, nhưng thật lạ lùng là tôi cảm thấy những bức tượng Phật mang lại cảm giác bình yên. Tôi rất quan tâm đến giáo lý nhà Phật, vì tôi nghĩ nó giúp con người sống tốt và hướng thiện.
 
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 
 
ĐỖ PHƯƠNG thực hiện
Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928