Toyota thành lập một hãng phần mềm để tạo ra công nghệ mới, nhưng lại chật vật tìm cách kết hợp với các thói quen và năng lực đã cũ.
Toyota là công ty bán được nhiều xe hơi nhất thế giới. Họ từng nuôi tham vọng tạo ra một startup công nghệ của riêng mình năm 2021. Họ chọn một chuyên gia công nghệ nổi tiếng của Mỹ để điều hành startup này và kỳ vọng tạo ra phần mềm cho các mẫu xe của mình, trở thành tiêu chuẩn cho toàn ngành công nghiệp.
Tham vọng này lớn đến mức một trong các dự án thời đó của Toyota là xây dựng một thành phố hoàn toàn mới dưới chân núi Phú Sĩ để thử nghiệm xe tự lái, robot và tạo ra điện từ khí hydro. CEO Toyota khi đó là Akio Toyoda cho biết công ty mới này sẽ giúp Toyota vượt qua “thời kỳ có nhiều thay đổi nhất từ trước đến nay”, khi xe hơi chuyển sang chạy điện, kết nối Internet, tự lái và phụ thuộc vào phần mềm.
Toyota cho biết công ty phần mềm này có tên Woven Planet (Hành tinh Dệt), ám chỉ xuất phát điểm là nhà máy dệt của hãng xe này thập niên 20. Ông mua 5% cổ phần của startup mới để thể hiện sự cam kết.
Nhưng hiện tại, các tham vọng của Woven Planet vẫn chưa thành hiện thực. Dù công ty vẫn duy trì tầm nhìn trên, thời gian ra mắt phần mềm cho xe hơi đã bị lùi lại. Thành phố mới cũng chưa mở cửa. Sau 3 năm chậm tiến độ và phần mềm bị đánh giá là quá tham vọng để có thể ra mắt đúng hạn, chuyên gia công nghệ người Mỹ chọn cách rời đi.
Trên Wall Street Journal, nhiều cựu lãnh đạo và lãnh đạo hiện tại của Toyota đã tiết lộ về các bước đi sai lầm ngay từ đầu. Họ cho rằng đây chính là bài học cho các công ty truyền thống. Những doanh nghiệp này biết rằng họ cần công nghệ mới, nhưng chật vật nghĩ ra cách kết hợp chúng với các thói quen và năng lực cũ.
CEO Toyota Koji Sato phát biểu về Arene tại triển lãm ôtô tuần này ở Tokyo. Ảnh: WSJ
Toyota là một trong các trụ cột của kinh tế Nhật Bản, khi tạo ra việc làm cho hàng triệu người, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong hơn 50 năm qua, họ đã thiết lập tiêu chuẩn cho các hãng xe toàn cầu, với các quy tắc nhấn mạnh vào hiệu suất, giảm lãng phí và liên tục cải tiến.
Tuy nhiên, văn hóa của công ty này được xây dựng bằng các mốc thời gian sản xuất nghiêm ngặt và kiểm soát chặt ngân sách. Phần lớn lãnh đạo hàng đầu của hãng – kể cả CEO Koji Sato – đều là những người đã dành cả thanh xuân ở Toyota để gây dựng sự nghiệp và tránh sai lầm. Đồng phục của công ty này cũng không phải kiểu độc đáo, như áo phông chui đầu hay áo đen cao cổ, mà là áo của lao động trong nhà máy mà Sato thường mặc ở các cuộc họp nội bộ.
Toyota không phải là hãng xe duy nhất gặp khó về phần mềm. General Motors tuần này phải dừng hoạt động của mảng xe tự lái vì các lo ngại về an toàn từ giới chức.
Volkswagen – hãng xe lớn nhì thế giới – cũng chi hàng tỷ USD và tuyển hàng loạt kỹ sư để làm dự án phần mềm. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó, khiến nhiều mẫu xe bị lùi thời gian ra mắt, phần nào khiến CEO Herbert Diess phải ra đi.
So với các đối thủ mới, VW và Toyota đã tụt lại trong mảng này. Tesla, BYD và nhiều công ty khác dùng phần mềm để kiểm soát các tính năng của xe. Điều này đồng nghĩa mọi thứ, từ thời lượng pin đến các tính năng xe tự lái đều có thể được cải thiện thông qua cập nhật phần mềm, như các ứng dụng trên điện thoại vậy.
Trong một cuộc họp nội bộ năm 2020, Toyoda thúc giục nhân viên phải có ước mơ lớn. Ông cho biết rất khó khuyến khích sáng tạo trong Toyota, vì công ty quá lớn. Và các quyết định thường được đưa ra dựa trên tiền lệ.
“Trong môi trường biến động như hiện tại, không phải điều gì cũng làm theo logic thông thường được”, ông nói. Khi đứng trước công ty mới, ông khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta có thể làm những điều tuyệt vời. Tôi tin chúng ta có thể thay đổi thế giới”, ông nói.
Sau khi thành lập tháng 1/2021, Woven Planet chào mời mức lương cao để thu hút các kỹ sư phần mềm hàng đầu ở nước ngoài và mua hàng loạt startup, trong đó có mảng tự lái của hãng gọi xe Mỹ Lyft.
Woven mở văn phòng theo phong cách Thung lũng Silicon. Nhân viên được phép dùng các loại xe trượt 2 bánh. Các quy định cũng được nới lỏng hơn. Họ thuê văn phòng trong một tòa nhà cao tầng ở trung tâm Tokyo, cách trụ sở gần 300 km – nơi nổi tiếng tiết kiệm điều hòa và giảm sử dụng thang máy để cắt giảm chi phí.
Bên trong văn phòng của Woven Planet tại Tokyo. Ảnh: Toyota
Để điều hành Woven Planet, Toyoda chọn James Kuffner – một chuyên gia về tự động đã làm việc với hãng xe này từ năm 2016. Trước đó, ông từng làm cho mảng xe tự lái của Google. Kuffner năm nay năm 52 tuổi. Ông quản lý hơn 2.000 nhân viên của Woven Planet và cũng nhận trách nhiệm đào tạo con trai của Toyoda – Daisuke (35 tuổi). Kuffner được trả gần 9 triệu USD trong năm kết thúc vào tháng 3/2023, nhiều hơn cả sếp của ông – Toyoda – khoảng 2 triệu USD.
Một trong các dự án tham vọng của Woven là thành phố đặt tại chân núi Phú Sĩ có tên Woven City trị giá hàng tỷ USD, dùng điện tạo ra từ khí hydro. Đây là nơi hàng nghìn người sẽ sống và thử nghiệm xe tự lái, cũng như thử nghiệm nhà thông minh được trang bị robot.
Một dự án khác là tạo ra phần mềm hàng đầu ngành xe hơi cho các ôtô của Toyota. Hãng đặt tên phần mềm này là Arene – hệ điều hành cho xe hơi được kỳ vọng giúp các tài xế tải về các bản cập nhật thông qua mạng Internet, tương tự Tesla. Các xe chạy Arene sẽ kết nối với một đám mây. Hệ thống này thu thập và chia sẻ dữ liệu của hàng triệu xe, nhà thông minh và cơ sở hạ tầng trong thành phố.
Các nhà phát triển ngoài Toyota cũng có thể sử dụng phần mềm này để viết ứng dụng cho xe hơi. Arene sẽ là hệ điều hành mở cho các hãng xe khác, tương tự Android với thiết bị di động.
Tuy nhiên, tham vọng này quá lớn và khó theo kịp thời hạn ra mắt xe đã được cố định. Nhiệm vụ càng khó khăn hơn khi Toyota muốn phần mềm này hoạt động trên quá nhiều thiết bị, cả xe điện và xe lai điện xăng.
Chính các nhân viên Toyota và Woven Planet cũng cho rằng tầm nhìn này quá khó hiểu. 6 tháng trước, trong một cuộc họp toàn nhân viên tại Woven, câu hỏi được đưa ra nhiều nhất với các lãnh đạo là “Arene là gì?”.
Kuffner đã dừng lại vài giây, sau đó trả lời về ước mơ của ông với Arene. Nó giúp bảo vệ con người bằng tính năng an toàn tự động, hơn là chỉ kiểm soát chức năng lái của xe.
Các lãnh đạo tại Woven Planet và Toyota cũng tranh luận về câu hỏi này. Việc phát triển nền tảng kéo dài hơn ước tính ban đầu của Toyota. Có thời điểm, mục tiêu ra mắt phiên bản hoàn chỉnh bị lùi đến năm 2025, thậm chí 2027.
WSJ trích các nguồn tin thân cận cho biết tại một cuộc họp về phát triển sản phẩm năm ngoái, Toyoda nổi giận khi nghe các lãnh đạo Woven Planet nói rằng nhiều bản cập nhật phần mềm mà Toyota muốn ra mắt năm 2025 đã không hoàn thành đúng hạn.
Năm ngoái, Woven Planet bắt đầu chuyển hướng tập trung sang phát triển phần mềm có thể ra mắt sớm. Điều này đồng nghĩa tạo ra loại phần mềm chuyên cho xe Toyota. Các lãnh đạo có kinh nghiệm về xe hơi cũng được đưa vào công ty. Với lần đầu ra mắt, Arene được định hướng là tập trung vào trải nghiệm trên xe hơi, với các tính năng cho phép người lái tùy chỉnh nhiều thứ, như âm thanh giống xe thể thao, hay hộp số sàn giả lập.
John Absmeier hiện là Giám đốc Công nghệ của Woven. Ông được đưa đến đây năm ngoái, nhờ có kinh nghiệm cả trong ngành xe hơi và công nghệ. Ông nói rằng tầm nhìn của Arene vẫn vậy. “Điều thay đổi trong năm qua là nó sẽ không phải cú nổ lớn nữa, mà sẽ đi từng bước”.
Các thay đổi này càng được nhấn mạnh hồi tháng 1, khi Toyoda quyết định giao hãng xe này cho Sato. Với vị trí mới là CEO Toyota, nhiệm vụ của Sato là tăng tốc quá trình chuyển sang xe điện vốn đang rất chậm chạp tại đây.
Vài ngày sau khi nhậm chức, Sato cam kết ra mắt 10 mẫu xe điện mới cho đến năm 2026. Ông muốn Arene được phát hành hoàn chỉnh dần với tiến độ ra mắt các mẫu xe này.
Vì thế, Sato giục Woven chuyển hướng tập trung sang các phần mềm có thể được phát hành sớm. Woven Planet sau đó đổi tên thành Woven by Toyota để gắn với thương hiệu Toyota. Các lãnh đạo lâu năm của Toyota, như cựu Giám đốc Tài chính Kenta Kon và giám đốc Koji Kobayashi gia nhập hãng phần mềm này. Toyoda cũng chuyển giao cổ phần của mình cho Toyota, khiến Woven by Toyota hoàn toàn trở thành công ty con của hãng xe Nhật Bản.
Tháng này, Kuffner từ chức, nhường lại cho Hajime Kumabe từ Denso – nhà cung cấp hàng đầu cho Toyota. Hãng xe Nhật cho biết Arene sẽ xuất hiện trong một số mẫu xe từ năm 2025. Phiên bản hoàn chỉnh sẽ phát hành năm 2026. Ban đầu, phần mềm này sẽ chỉ hoạt động trên xe của Toyota.
“Toyota đã học được bài học từ thất bại. Họ giờ đã định nghĩa rõ ràng mình cần làm gì, cái gì cần ưu tiên và có kế hoạch sản phẩm cụ thể cho năm 2026”, Takaki Nakanishi – nhà phân tích ngành xe hơi tại Nhật Bản cho biết trên Wall Street Journal.
“Câu hỏi hiện tại chỉ là liệu rằng Toyota có thể tìm được mẫu xe thành công trong dài hạn hay không. Thời của Kuffner qua rồi. Công ty khởi đầu là startup theo kiểu Thung lung Silicon thì giờ đã có giám đốc người Nhật và hoàn toàn là một công ty Nhật”, Nakanishi nhận định.
Tại Woven by Toyota, một số nhân viên cho biết họ gặp khó trong việc thích ứng với văn hóa mới. Sáng tạo phần mềm không phải là việc có thể đặt hàng và bàn giao đúng thời hạn như làm phanh xe hay ống bô. Dù vậy, số khác lại cho biết khi Toyota tham gia, họ tự tin hơn vào khả năng ra mắt sản phẩm đúng hạn.
Absmeier nói rằng ông tin tưởng mảng này vẫn duy trì được văn hóa khởi nghiệp, dù hiện tại “đang phải tuân thủ theo các khuôn mẫu của Toyota”. Toyota cũng như cả ngành ôtô, “đôi khi gặp khó khi nỗ lực thay đổi”, ông nhận xét. Tuy nhiên, Absmeier cho rằng công ty đã có nền tảng và lộ trình cho mảng phần mềm, giờ chỉ cần thực thi.
Dưới sự giám sát của Daisuke Toyoda, việc xây dựng khu vực đầu tiên của Woven City dự kiến hoàn thành năm sau. Woven cũng đang tìm các cư dân tiềm năng.
Tân CEO của Woven – Kumabe – cũng từng làm việc với Kuffner trong các dự án phần mềm. Ông cho biết sẽ không từ bỏ tầm nhìn của lãnh đạo cũ, mà sẽ biến chúng thành hiện thực.
Trong tiệc chia tay tháng trước, Kuffner tỏ ra mệt mỏi. Khi phát biểu, ông nghẹn ngào nói cảm ơn mọi người vì trải nghiệm của mình ở đây. Kuffner nói sẽ rất nhớ các đồng nghiệp cũ, và nhớ cả việc ông đã rụng bao nhiêu tóc vì đảm nhận vị trí này.
Hà Thu (theo WSJ)
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!