Thanh toán điện tử: Di động là tương lai

Ông Garry Lyons, Tổng Giám đốc Sáng tạo của MasterCard
 
Phóng viên: Là một trong số những tập đoàn phát hành thẻ thanh toán lớn nhất thế giới, MasterCard nhìn thấy cơ hội nào trong xu hướng thanh toán trên di động?
 
Ông Garry Lyons, Tổng Giám đốc Sáng tạo của MasterCard: Sau tiền mặt và thẻ thanh toán, thanh toán qua di động chính là tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi vì thanh toán di động không chỉ giúp người dùng thanh toán thuận tiện hơn, mà còn mang đến cho họ một cuộc sống dễ dàng hơn. Hãy nhớ rằng người dùng không có nhu cầu phải trả tiền. Nhu cầu của người dùng là đi từ điểm A đến điểm B, ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối… Đơn giản hóa khâu thanh toán cho những hoạt động đó bằng các giải pháp nhanh gọn và an toàn là điều chúng tôi hướng đến.
 
Đội nghiên cứu của tôi đã phát triển khá nhiều giải pháp thanh toán di động trên nền tảng thanh toán điện tử MasterPass của MasterCard. Ví dụ như ứng dụng ShopThis! cho phép người dùng dễ dàng mua sản phẩm khi thấy món hàng đó trên một bài báo hoặc tạp chí họ đang đọc; hay ứng dụng Qkr cho phép đặt hàng và thanh toán nhiều sản phẩm/dịch vụ thiết yếu khác nhau chỉ bằng smartphone.
 
Nhu cầu và kỳ vọng của người dùng đang ngày càng phức tạp. Họ muốn được giao dịch nhanh chóng, dễ dàng và an toàn hơn trong mọi hoàn cảnh. Tôi tin rằng công nghệ có thể hiện thực hóa điều đó, trước mắt là với phương thức thanh toán di động.
 
Theo hãng nghiên cứu Javelin, tiền mặt vẫn còn chiếm đến 65% khối lượng giao dịch thương mại trên toàn thế giới trong năm 2013. Làm thế nào để thanh toán điện tử và thanh toán di động trở thành phương thức thanh toán chính?
 
Trong tương lai xa, tiền mặt sẽ biến mất hoàn toàn. Xa hơn nữa, thanh toán qua thẻ cũng sẽ biến mất và chỉ còn thanh toán điện tử nói chung. Chúng tôi, các nhà kinh doanh và cả các chính phủ đều nhìn thấy tiềm năng cực lớn của phương thức thanh toán điện tử vì có quá nhiều lợi ích. Thanh toán điện tử sẽ thuận tiện, minh bạch hơn và giảm thiểu tội phạm nhờ dễ dàng kiểm soát sự lưu thông của dòng tiền.
 
Tuy nhiên, ở từng quốc gia, quan điểm của các nhà kinh doanh với phương thức thanh toán điện tử là rất khác nhau vì tùy thuộc vào mức sống hay khác biệt văn hóa. Vì thế, phải có chiến lược riêng cho từng thị trường. Mỗi quốc gia, thanh toán điện tử phải được địa phương hóa để phù hợp với nhu cầu cụ thể ở mỗi nơi.
 
Ví dụ, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Nigeria để nước này cấp thẻ công dân mới có công dụng như một chiếc thẻ thanh toán MasterCard. Bằng cách này, Chính phủ Nigeria có thể chi trả bảo hiểm hay trợ cấp cho từng công dân một cách dễ dàng qua tài khoản đi kèm với thẻ công dân của họ. Quan trọng hơn, khi mỗi công dân đều có thẻ thanh toán, các nhà kinh doanh nước này lập tức nhận ra nhu cầu phải trang bị các phương tiện thanh toán điện tử để phục vụ khách hàng.
 
Mức độ sẵn sàng của một thị trường đối với các phương thức thanh toán trên di động sẽ dựa trên những yếu tố nào?
 
Cần đánh giá dựa trên 2 điều kiện là mức độ thâm nhập của smartphone và độ sẵn lòng sử dụng dịch vụ thanh toán di động từ phía nhà kinh doanh. Đối với nhà kinh doanh, họ phải nhìn thấy được rằng trong 5-10 năm nữa, thay vì dùng tiền mặt hay thẻ tín dụng, khách hàng sẽ muốn dùng đồng hồ thông minh (smartwatch) hay smartphone để thanh toán. Tôi tin đây sẽ là xu hướng thanh toán của tương lai trên toàn thế giới; và các thiết bị di động cá nhân sẽ trở nên không thể tách rời với hoạt động thương mại.
 
Giao dịch tiền mặt vẫn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của smartphone, theo nghiên cứu mới đây của Google và TNS, đã lên đến 36%. Liệu Việt Nam có thể đi thẳng từ thanh toán bằng tiền mặt lên thanh toán di động, bỏ qua giai đoạn thẻ hay không?
 
Trên lý thuyết, đi trực tiếp từ tiền mặt lên các phương thức thanh toán điện tử như Apple Pay hay MasterPass là khả thi. Nhưng thực tế sẽ rất khó. Bởi vì sẽ không có nhiều nhà kinh doanh dễ dàng chấp nhận thanh toán điện tử qua smartphone, khi mà mới ngày hôm qua họ còn quen với văn hóa tiền mặt. Các bạn vẫn cần một giai đoạn chuyển tiếp để các nhà kinh doanh quen với thanh toán thẻ và thanh toán điện tử. Thật ra, khi ứng dụng thanh toán điện tử qua các thiết bị di động ở nhiều nước phát triển, tôi thấy thói quen của người dùng là vẫn mang theo thẻ bên cạnh smartphone để phòng trường hợp gặp trục trặc. Thế nên, trước mắt, thẻ vẫn sẽ là phương tiện thanh toán chủ đạo cùng tiền mặt.
 
Như vậy, có phải trở ngại mà thanh toán điện tử gặp phải chính là quan điểm của người tiêu dùng và nhà kinh doanh?
 
Theo tôi, trở ngại mà thanh toán điện tử phải giải quyết là cần có những sự kiện diễn ra nhằm tạo đà phát triển cho loại hình thanh toán này. Đó có thể là mức độ thâm nhập của smartphone, sự chấp nhận của nhà kinh doanh hay cam kết của các ông lớn trong làng công nghệ và tài chính. Sự kiện Apple ra mắt Apple Pay là bước tiến mới nhất đẩy mạnh phương thức thanh toán điện tử qua smartphone. Sẽ cần rất nhiều những bước tiến như vậy xảy ra nữa trước khi chúng ta bước vào thời đại thanh toán điện tử 100%.
 
 
Theo nhipcaudautu.vn
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928