Tháo gỡ khó khăn về đơn hàng, vực dậy thị trường xuất khẩu

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Công ty may Hiếu Lộc, xã Bình Định, huyện Kiến Xương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

 

Dù đã linh hoạt trong sản xuất, lựa chọn các đơn hàng đơn lẻ, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi khách hàng đang có xu hướng thắt chặt tiêu dùng.

Sau thời gian phục hồi từ ứng phó dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam lại đối mặt với làn sóng lạm phát kinh tế thế giới, biến động địa chính trị, giá nhiên liệu, vận chuyển tăng cao, lãi suất ngân hàng vượt sức của doanh nghiệp…

Nhưng cho đến thời điểm này, cái khó thể hiện rõ nét nhất là sự thắt chặt tiêu dùng đã đè nặng toàn bộ hệ thống sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp.

Để có thể duy trì và vượt qua thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp luôn phải tìm hướng đi an toàn.

Đơn hàng dè dặt

Kể từ quý 2 năm 2023, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kể từ đầu năm 2023, kinh tế thế giới đã có biến động giảm chi tiêu, tiêu dùng.

Người tiêu dùng thế giới hướng đến chỉ tiêu dè dặt, chỉ mua sắm vật dụng thiết yếu, lương thực thực phẩm. Chính vì vậy, nhiều mặt hàng thiết yếu hoặc có thể sử dụng lại được thì người tiêu dùng sẽ hướng đến tiết kiệm như đồ da giày, quần áo, đồ gỗ…

Theo ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, hiện ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn do khách hàng giảm đơn hàng trong quý 2 năm 2023. Cụ thể, thị trường Mỹ và châu Âu giảm khoảng 40%, thị trường Nhật Bản giảm 17%.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì không có đơn hàng và dẫn dến không có việc làm cho người lao động.

Không riêng ngành dệt may, nhiều ngành hàng khác cũng rơi vào sản xuất cầm chừng và phải nỗ lực tiêu thụ để giữ doanh nghiệp ổn định trong giai đoạn này. Đặc biệt là ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng giao hàng chậm lại, doanh số giảm xuống.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản liên tục sụt giảm (từ 10-50% tùy từng ngành hàng) kể từ sau khi lập đỉnh của năm 2022.

Trong số đó, ngành chế biến và xuất khẩu tôm đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm mạnh nhất 34% so với cùng kỳ năm 2022. Kế đó là xuất khẩu cá tra (1 tỷ USD) giảm 30%, xuất khẩu cá ngừ (380 triệu USD) giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, với hơn 50%, tiếp đến là thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.

Lý giải sự sụt giảm nhập khẩu từ các thị trường, các chuyên gia ngành thủy sản đều đưa ra nhận định chung là do lạm phát kinh tế, thu nhập bị cắt giảm, trong khi đó giá tiêu dùng tăng cao nên người tiêu dùng thế giới hướng đến cắt giảm các mặt hàng xa xỉ.

Đối với các loại thực phẩm giá trị cao như tôm, thủy sản cũng bị loại dần trong bữa ăn hàng ngày. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang thực phẩm có giá trị thấp hơn như cá tra, nhưng cũng bị giảm số lượng trong bữa ăn.

Điều này đã tác động mạnh mẽ trong toàn ngành, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận xét.

Khơi thông nguồn vốn

Trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để duy trì nhà máy, giữ chân lao động thì các doanh nghiệp rất cần một nguồn vốn lưu động.

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, dù trải qua 4 tháng lãi suất cho vay giảm dần, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến và xuất khẩu, trải đều trong các ngành hàng thủy sản, chế biến gỗ, chế biến điều…

 

Thao go kho khan ve don hang, vuc day thi truong xuat khau hinh anh 2
Sản xuất tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, trong hai năm trở lại đây số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam có hiệu quả chỉ chiếm từ 30- 40% nên gây lãng phí vốn của cả ngư dân lẫn vốn nhà nước cho vay.

Khi đội ngũ tàu khai thác xa bờ mang lại hiệu quả thấp hơn mong muốn, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nguồn vốn để nhập khẩu nguyên liệu.

Bên cạnh đó, về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dự trữ, số hóa trong việc khai thác điện tử cũng cần một nguồn vốn đầu tư để thực hiện hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu, Mỹ.

Trong tương lai, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đề xuất nhà nước cân nhắc vấn đề nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Vì hiện nay nguồn nguyên liệu khai thác ngày càng giảm nhiều, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Nhà nước cần đánh giá lại số lượng tàu thủyền phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Những tàu thủyền đánh bắt không hiệu quả thì khuyến khích chuyển đổi nghề như chuyển sang nuôi trồng.

Các doanh nghiệp nhận thấy nguồn nguyên liệu trong nước bị thiếu nên đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Trải qua hơn 10 năm nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, các doanh nghiệp đảm bảo được truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu chứng từ đảm bảo trong khai thác bất hợp pháp.

Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu và chủ động được đầu ra khi ký các hợp đồng giao hàng cho nước ngoài.

Thông qua nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cũng là cách tạo thời gian để có thể tái tạo được nguồn nguyên liệu trong nước, bà Cao Thị Kim Lan chia sẻ thêm.

Tìm kiếm thị trường mới

Qua thống kê kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của các ngành hàng nông nghiệp, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 24,6 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng đã nỗ lực, tích cực tìm thị trường để nâng cao kết quả xuất khẩu.

Bên cạnh 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, các doanh nghiệp cũng đã năng động tìm thị trường khác như Trung Đông, châu Á…

Các ngành hàng khác cũng phải tìm cách chuyển hướng sang các dòng sản phẩm đặc trưng bản địa để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo hoạt động của nhà máy, giữ chân người lao động để chờ đợi qua biến cố thị trường hiện nay.

Điển hình như ngành gỗ hiện đang lách khó khi vào thị trường châu Âu bằng cách tìm đến các sản phẩm ngách đặc trưng bản địa.

Ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam đánh giá, đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD.

Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ “đánh” vào một số đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường EU.

Hoặc như sản phẩm ngách đang có nhiều triển vọng trong ngành gỗ là xuất khẩu viên nén. Sản phẩm này vừa giúp tận dụng phế phẩm ngành gỗ và vừa bù vào chỗ khuyết của xuất khẩu đồ gỗ giữa khó khăn về đơn hàng.

Ông Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Phụng, Bến Tre cũng nhấn mạnh, trước những khó khăn bủa vây doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây cũng hướng đến các thị trường nhỏ, còn bị bỏ lỡ để khai thác giá trị của các thị trường này, bù vào chỗ khuyết, cầm chừng của các thị trường lớn.

Hiện nhiều đơn vị doanh nghiệp của Bến Tre, Vĩnh Long hướng sản phẩm đến các thị trường nhỏ như Trung Đông, Trung cận Đông để chiếm lĩnh thị trường. Những thị trường này ít được chú ý nhưng mức tiêu thụ và sẵn sàng tiêu thụ không nhỏ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn hàng Phú Phụng vốn không đủ để đáp ứng cho khách hàng tại đây nên Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Phụng phải hợp tác với nhiều đơn vị khác để đặt hàng theo đơn xuất khẩu./.

Nguồn: VietNamPlus
17/07/2023

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928