Cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, đủ điện và cải thiện chính sách, Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư yên tâm và tăng rót vốn vào Việt Nam.
Chủ trì Phiên Đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 lần thứ 5 (HEF), chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng rót vốn vào Việt Nam vì có “cơ chế thông thoáng, hạ tầng đang phát triển, con người và quản trị thông minh”.
“Các bạn hãy yên tâm vì Việt Nam đảm bảo lợi ích chính đáng của các bạn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự”, Thủ tướng khẳng định với các nhà đầu tư, tổ chức, định chế tài chính quốc tế cùng hàng trăm đại biểu là doanh nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo các địa phương trong và ngoài nước.
Thủ tướng cho rằng trong điều kiện hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất quan trọng và mang tính đột phá vì nguồn lực bên trong có hạn. Đầu năm đến nay, FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam nhận 21 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, cao nhất lịch sử. “Như vậy, việc thu hút của chúng ta có hiệu quả”, ông nhận xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên Đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 lần thứ 5 chiều 25/9. Ảnh: HEF
Theo người đứng đầu Chính phủ, để thu hút tốt FDI phải tập trung 3 vấn đề chính. Thứ nhất, thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.
Thứ hai, hạ tầng thuận tiện, thông suốt, kéo giảm chi phí logitstics từ mức 17-18% GDP xuống 11-12% GDP như các nước tiên tiến. Cuối cùng là đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo.
Để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Việt Nam có nhiều điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách, điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực và năng lượng.
Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Với năng lượng, đường dây 500 kV mạch 3 đang tăng tốc triển khai để không thiếu điện cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Thủ tướng cho biết sau giai đoạn đầu 2023 có thiếu điện cục bộ, Việt Nam đã không còn thiếu điện và sẽ chuyển dịch dần sang điện sạch. Theo ông, Net Zero trong năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm, với việc chuyển điện nền từ nhiệt than sang các loại năng lượng khác như điện mặt trời, gió, sinh khối, hydrogen, nhiệt điện khí và điện nguyên tử.
Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài cũng cho biết đang sửa toàn diện Luật Điện lực theo hướng thu hút được tất cả nguồn lực xã hội trong việc phát triển nguồn, thị trường bán buôn cạnh tranh, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và có ưu đãi đột phá cho điện gió ngoài khơi.
Khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành nói Việt Nam đang phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp xu thế thời đại.
Thủ tướng cho biết khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Để phát triển cần đổi mới toàn diện giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức đơn thuần sang kiến thức toàn diện. Đồng thời, sửa đổi các quy định nhằm phát triển thị trường khoa học công nghệ, để sản phẩm trí tuệ là hàng hóa có thể giao dịch công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân theo quy luật thị trường.
Phiên Đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 lần thứ 5 chiều 25/9. Ảnh: Viễn Thông
Tóm lại, để nền kinh tế tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Thủ tướng cho rằng vừa phải phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa cần tạo môi trường hòa bình, hợp tác. Sau khi ký kết 16 FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế đến Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi.
“Những vấn đề hiện nay trên thế giới tác động đến toàn cầu, toàn dân như Covid-19, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số thì không quốc gia nào tự mình giải quyết được mà cần đa phương, hợp tác quốc tế”, Thủ tướng nhận định.
Nhận xét tại Đối thoại, Chủ tịch Hội đồng cố vấn EuroCham Alain Cany, nói rất ấn tượng với các cam kết của chính phủ. “Châu Âu luôn sẵn sàng là một trong những đối tác hàng đầu hỗ trợ Việt Nam trên con đường chuyển đổi xanh, và chúng tôi đánh giá cao Quy hoạch điện VIII”, ông nói.
Tuy nhiên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng Quy hoạch được triển khai nhanh hơn trên thực tế. Liên quan đến quỹ hỗ trợ đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ông khuyến nghị mở rộng áp dụng cho ngành nông nghiệp, năng lượng.
Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại Diễn đàn chiều 25/9. Ảnh:HDB
Các doanh nghiệp lớn nội địa cũng đặt nhiều kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Sovico Group, đặt câu hỏi về những chiến lược dài hạn khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để có thể tạo thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong khi, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị CMC đề xuất có chiến lược về phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.
Phản hồi các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và đang được hoàn thiện thêm thể chế sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa phát huy nhiều hiệu quả. “Ngoài ra, còn có nhiều chính sách động viên, khuyến khích khác, cũng như việc trao đổi, chia sẻ giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Thực tế, chúng tôi đã, đang hoàn thiện thể chế và từng bước mang lại hiệu quả”, ông nói.
Viễn Thông (Nguồn: vnexpress.net)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!