Thương hiệu: Sức bật của DN chế biến thực phẩm

Nhưng để làm được điều này thì các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước cần có chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng, đặc biệt là đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.
Đây cũng là vấn đề đặt ra tại Hội thảo "Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững" do Báo Công Thương tổ chức sáng 11/6, tại Hà Nội.
 
Tiềm năng về thị trường rất lớn
 
Theo Bộ Công Thương, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng. Ước tính, Lượng tiêu thu thực phẩm hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP cho thấy đây là một ngành công nghiệp tiềm năng.
 
Đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng này thì ngành bia-rượu-nước giải khát được coi là một trong những ngành sản xuất phát triển có hiệu quả kinh tế cao chiếm 4,69% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.
 
Báo cáo của Vụ Công Nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), sản lượng sản xuất bia năm 2012 là 2.832 triệu lít, tăng 7% so với cùng kỳ. Năm 2012 cả nước có 78 doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, với năng lực sản xuất 107,22 triệu lít/năm.
 
Tương tự, lĩnh vực nước giải khát hiện có 1.013 doanh nghiệp sản xuất các loại nước giải khát, với năng lực sản xuất lên đến 2.129 triệu lít/năm.
 
Việt Nam cũng là nước có mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa rất lớn, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn duy trì trên 20%/năm, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỷ suất lợi nhuận vốn đầu tư của ngành từ năm 2000 trở lại đây luôn cao hơn 15%, tốc độ tăng lợi nhuận hàng năm của ngành trong giai đoạn từ 2001-2010 đạt 19,94%/năm.
 
Theo Ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công Nghiệp nhẹ, sau 10 năm từ 2000-2010, sản lượng các sản phẩm sữa trong nước đều tăng rất mạnh, trong đó sản phẩm như pho mát tăng 60 lần; sữa thanh, tiệt trùng tăng 6 lần, bơ và sữa chua tăng khoảng 3 lần, sữa đặc và kem tăng 1,7 lần.
 
"Các doanh nghiệp không chỉ chú trọng về khẩu vị mà còn chú trọng về mặt dinh dưỡng của sản phẩm nhằm mang đến sức khoẻ cho người tiêu dùng. Các sản phẩm đa dạng và phong phú về chủng loại, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng đối tượng," ông Thắng nói.
 
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, đã có hàng trăm nhà máy chế biến thực phẩm quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động trên cả nước. Đồng thời đây cũng là khu vực thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
 
Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng
 
Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, mặc dù có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng theo ý kiến tại hội thảo, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn chưa xây dựng được nhiều thương hiệu lớn trên tầm quốc tế.
 
Ông Bùi Trường Thắng cho rằng, do phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Đơn cử như, ngành sữa phải nhập khẩu tới 75% nguyên liệu từ nước ngoài; còn dầu ăn phải nhập khẩu 90%…
 
Một số doanh nghiệp nhỏ do địa phương quản lý, thiếu vốn làm ăn chộp giật đã đầu tư thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm có thương hiệu uy tín.
 
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của thương hiệu trong hoạt động kinh doanh như nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường để thu hút khách hàng.
 
Do đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu của doanh nghiệp chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới.
 
Đồng quan điểm này, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc TH True Milk cũng nhấn mạnh, để xây dựng uy tín thương hiệu thì các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm càng phải quan tâm đến việc tạo lập uy tín chất lượng sản phẩm.
 
"Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay thì người tiêu dùng khó có thể bảo vệ mình nếu nhà sản xuất gian dối, bưng bít thông tin. Vì thế, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin trên bao bì, nhãn mác sản phẩm," ông Hải nếu ý kiến.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng chỉ ra những yếu kém của ngành chế biến thực phẩm trong nước hiện nay như, khả năng liên kết từ khâu sản xuất, thu gom đến phát triển vùng nguyên liệu và chế biến còn lỏng lẻo. Một số công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu trong khi việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn bất cập… đã ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
 
Do vậy, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, theo thứ trưởng, Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp; trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ…
 
Hiện Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, để hình thành ngành kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.
 
Nguồn: VietnamPlus

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928