Trải qua nhiều thăng trầm, Larry Ellison người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn công nghệ quốc tế Oracle vươn lên nằm trong top 10 danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới theo bình chọn của Forbes.
Năm 2019, tỷ phú Larry Ellison – nhà đồng sáng lập tập đoàn công nghệ Oracle đứng thứ 7 trong số những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản đạt 62,5 tỷ USD. Năm nay, dẫu tài sản sụt giảm, song thứ hạng của ông lại tăng lên 2 bậc.
Bên cạnh vai trò chèo lái và giúp đưa Oracle trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm, Ellison đồng thời là CEO tại vị lâu nhất ở Silicon Valley.
Cậu bé độc lập và nổi loạn
Larry Ellison sinh ngày 17/8/1944, tại Lower East Side, New York (Mỹ). Sau khi mắc bệnh viêm phổi khi còn quá bé, cậu bé Ellison đã được mẹ – lúc ấy là một phụ nữ 19 tuổi – gửi đến sống với dì và chú ở Nam Chicago. Ellison đã không gặp lại mẹ ruột của mình cho đến khi ông 48 tuổi.
Tỷ phú Larry Ellison thời thơ ấu.
Ngay khi còn là một cậu bé, Ellison đã bộc lộ tính cách độc lập, nổi loạn và thường xung đột với cha nuôi. Niềm đam mê và năng khiếu về toán và khoa học cũng được phát hiện ở Ellison ngay khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khi lớn hơn, ông từng hai lần theo học đại học nhưng đều dở dang. Lần thứ nhất, ông theo học trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign. Tại đây, ông được nhiều thầy cô và bạn bè đánh giá là một sinh viên thông minh và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Nhưng dòng đời quá nghiệt ngã, ông phải thôi học vào năm thứ hai sau khi mẹ nuôi qua đời. Ông theo học tại Đại học Chicago vào mùa thu sau, nhưng bỏ lại sau kỳ đầu tiên bởi kinh tế gia đình khó khăn.
Trong 8 năm sau đó, Ellison làm rất nhiều việc, từ kỹ thuật viên cho Fireman’s Fund và ngân hàng Wells Fargo. Khi đảm nhận vai trò lập trình viên tại Tổng công ty Amdahl, ông tham gia vào nhóm xây dựng cơ sở dữ liệu IBM System R.
Nhìn lại quãng đời thơ ấu của mình, Larry Ellison nói, chính cuộc sống khó khăn đã tôi luyện cho tôi sức bền trước những thách thức, sự tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Và điều may mắn hơn cả, tôi đã tìm ra được nguồn sống của cuộc đời mình. Chẳng ngờ, niềm vui, nguồn sống ấy lại “quẩn” lấy cuộc đời ông đến tận bây giờ.
Những bước đi đầu tiên…
Trong suốt những năm 1970, Ellison từng làm việc cho Ampex Corporation. Một trong các dự án của ông là xây dựng một cơ sở dữ liệu cho CIA, mà ông đặt tên là “Oracle”. Đến năm 1977, ông mạnh dạn thành lập Oracle, với số vốn ban đầu vỏn vẹn 2.000 USD, số tiền ông dành dụm được sau một thời gian dài tích góp, nhưng dưới tên “Phát triển phần mềm phòng thí nghiệm (Software Development Laboratories – SDL)”.
Hướng đi của công ty chịu ảnh hưởng bởi học thuyết của Edgar F. Codd – nhà khoa học máy tính nổi danh thuộc IBM, học thuyết đó xoay quanh một thứ gọi là “Mối quan hệ trong các cơ sở dữ liệu” – đó là cách mà các hệ thống máy tính lưu trữ và truy cập thông tin hết sức quen thuộc mà chúng ta hiện đang sử dụng hàng ngày hiện nay. Vào thời điểm những năm 70 thì đây là một học thuyết mang tính cách mạng lớn trong ngành công nghệ.
Những nhà đồng sáng lập của Oracle với Larry Ellison (ngoài cùng bên phải) (Ảnh: Oracle).
Năm 1979, công ty được đổi tên thành Relational Software Inc. Sau này, cái tên Oracle mới chính thức được xuất hiện khi ông tiến hành đổi tên vào cùng năm.
Năm 1980, công ty của Ellison chỉ có 8 nhân viên và doanh thu ít hơn 1 triệu USD mỗi năm. Nhưng một năm sau, doanh thu bán hàng của Oracle đã tăng gấp đôi và duy trì đà như vậy trong 7 năm tiếp theo. Năm 1982, cái tên Oracle được định vị cho đến nay.
Oracle phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 1986, đẩy doanh thu của công ty tăng thêm 31,5 triệu USD. Tuy nhiên, những nhân viên trẻ của Ellison tạo ra những doanh thu ảo. Năm 1990, công ty thua lỗ. Vốn hóa thị trường của Oracle giảm 80% và công ty xuất nằm trên bờ vực phá sản.
Chấp nhận sự cần thiết phải thay đổi mạnh mẽ, Ellison đã thay thế phần lớn các nhân viên cao cấp ban đầu bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm hơn.
Lần đầu tiên, ông giao việc quản lý kinh doanh cho các chuyên gia, và chuyển trọng tâm sang phát triển sản phẩm. Một phiên bản mới của cơ sở dữ liệu Oracle 7 phát hành vào năm 1992, đã “càn quét” thị trường phần mềm quản trị. Chỉ 2 năm, cổ phiếu của công ty đã tăng trở lại.
Ngông cuồng nhưng tỉnh táo – tư chất của một lãnh đạo
Ellison được xem là thủ lĩnh “máu lạnh” của Oracle, bởi ông thường không ngần ngại đe dọa, chê bai đối thủ công khai trên các phương tiện truyền thông, và thậm chí kiện đối thủ ra tòa.
Năm 2010, Oracle dưới thời Larry đã khởi xướng vụ kiện Google, cáo buộc bộ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới này sử dụng trái phép Java khi phát triển và xây dựng Android. Oracle đòi bồi thường 9,3 tỷ USD.
Vào năm 2013, trong cuộc đối thoại với các nhà phân tích của Wall Street, Larry Ellison tự tin khẳng định rằng Oracle đang làm tốt hơn đối thủ SAP và Workday rất nhiều, đồng thời cho biết mảng điện toán đám mây của Oracle trị giá tầm 1 tỷ đô, lớn hơn cả SAP và Workday cộng lại.
Theo Dheeraj Pandey, cựu nhân viên tại Oracle và sau này là CEO kiêm nhà đồng sáng lập của Nutanix, Ellison không bao giờ muốn ở xung quanh những người chỉ biết nói “đồng ý”. Những nhà điều hành kỳ cựu trước đây của công ty Oracle bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane.
“Tất cả những nhân sự này cuối cùng đều cạnh tranh với Oracle, nhưng nếu không có họ, Oracle sẽ không thể trở thành một Oracle mà chúng ta biết ngày hôm nay”, Pandey khẳng định.
Chia sẻ về một trong những bí quyết làm giàu, tỷ phú Ellison từng nói: “Trước khi bắt tay thực hiện những sáng kiến mang tính đột phá, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc bị cả thế giới nói rằng mình gàn dở”.
“Bạn sẽ thay đổi thế giới, cũng giống như thế giới sẽ thay đổi bạn”, tỷ phú Larry Ellison nói.
Cũng chính vì lẽ đó mà Ellison là một CEO không ngại thay đổi chiến lược. Ông từng chuyển từ quan điểm “Only built here” (tạm dịch: “Chỉ gây dựng ở đây”) sang những thương vụ M&A đầy tham vọng, rồi chuyển từ việc hỗ trợ hệ điều hành Unix sang Linux.
Ông thậm chí còn hợp tác với Microsoft, đối thủ cạnh tranh lâu năm và củng cố lại mối quan hệ với CEO của Salesforce – Marc Benioff, khách hàng đồng thời là đối thủ lớn của Oracle.
Với nguồn tài lực khổng lồ và óc nhạy bén trong kinh doanh, Ellison chuyển hướng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác ngay trước khi cơn sốt tên miềng (.com) hạ nhiệt. Vào năm 2014, Oracle thâu tóm nhà cung cấp phần mềm quản lý nhân lực PeopleSoft với giá 10,3 tỉ USD. Vào năm 2009, Oracle mua Sun Microsystems, một công ty máy chủ khởi nghiệp cùng thời điểm năm 1982 với Oracle. Thương vụ thâu tóm này đem lại cho Oracle rất nhiều công nghệ quan trọng, bao gồ, cả việc điều khiển cơ sở dữ liệu MySQL quen thuộc.
Vào năm 2014, Ellison chính thức rời bỏ chiếc ghế CEO của Oracle và nhường lại quyền lực đảm trách tập đoàn cho Hurd và Katz. Vào thời điểm đó, tỉ phú Larry Ellison đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Ở tuổi 75, sau khi từ chức CEO, ông vẫn là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của tập đoàn phần mềm nổi tiếng này.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ellison cùng CEO đương nhiệm Safra Catz cho biết, tập đoàn này sẽ xây dựng một hệ thống đám mây để giúp chính phủ đẩy nhanh tiến trình tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19. Vị tỷ phú giàu thứ 5 thế giới cũng cho biết Oracle đang phát triển một công cụ thu thập dữ liệu toàn cầu (được gọi là “hệ thống học tập trị liệu”) cho phép các bác sĩ và bệnh nhân ghi lại phản ứng của họ sau khi thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19.
Footer Subheading
Message Submitted!