Ba động lực giúp tăng trưởng GDP Việt Nam đứng đầu ASEAN hai năm tới:
Ông Peter Redhead, giám đốc nghiên cứu công ty HSC chia sẻ về xu hướng và dự báo kinh tế Việt Nam
Ông Peter Redhead, giám đốc nghiên cứu công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ trong sự kiện CEO Club diễn ra vào tối 20.3, GDP Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục đạt 6,1% trong năm nay và nâng lên 6,7% trong năm kế tiếp nhờ ba yếu tố: sự trở lại tích cực của đầu tư, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu ngành hàng điện tử và chi tiêu nội địa.
Nếu có thể đạt 6,1%, đồng nghĩa, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực ASEAN, theo dự báo của HSC. Công ty chứng khoán này dự báo, mức tăng trưởng sẽ trên 6% trong nửa đầu năm, sau đó, dần ổn định trong nửa năm sau.
“Năm 2023, dù tăng trưởng GDP không thể đạt được như mục tiêu nhưng nhìn vào tổng thể, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh màu xám của nền kinh tế toàn cầu,” bà Đặng Minh Phương, chủ tịch CEO Club nhận xét. “Nhìn về phía trước, Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan về vốn đầu tư FDI, xuất khẩu. Đồng thời, các chính sách ngoại giao kinh tế của chính phủ với nhiều nền kinh tế lớn cũng đã mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực, nổi bật là ngành công nghiệp bán dẫn” bà Minh Phương nói thêm.
Các cơ hội cũng dần rõ ràng hơn cho Việt Nam trong năm nay: chính sách vĩ mô hỗ trợ, Việt Nam có nhiều động lực thúc đẩy tiêu dùng do nợ công/GDP của quốc gia thuộc nhóm thấp nhất ASEAN, đầu tư công vào các tuyến cao tốc quốc gia cho thấy các tiến triển. “Cơ sở hạ tầng sẽ nối dài các cánh tay của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam,” ông Peter nhấn mạnh.
Các chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế, theo ông Peter. Ngoài ra, tiêu dùng nội địa, động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, dự kiến tiếp tục đóng vai trò quan trọng với GDP quốc gia nhờ môi trường lãi suất thấp kỷ lục và chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Nền kinh tế Việt Nam hồi phục từ quý 4.2023 nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu 7.9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự kết thúc của chuỗi giảm liên tiếp trong bốn quý trước đó. “Sản xuất xuất khẩu Việt Nam đang đi theo mô hình đàn nhạn bay,” ông Peter nhận định. Mô hình đàn nhạn bay (flying geese), ám chỉ các nước đang phát triển dần bắt kịp các nước tiên tiến.
Với 13 hiệp định thương mại được ký kết kể từ năm 1993 và mới nhất là RCEP vào năm 2022, Việt Nam đã không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu. Các hiệp định thương mại song phương và đa phương Việt Nam ký kết gần đây đã giúp quốc gia đa dạng hóa rủi ro và đối phó tốt hơn với biến động từ bên ngoài.
Dẫu vậy, doanh nghiệp cũng sẽ đối diện những thách thức từ tình trạng thiếu hụt điện – có thể làm giảm đà phục hồi của ngành sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đầu tư FDI. Bên cạnh đó là sự suy giảm của đồng nội tệ. Nếu Việt Nam đồng tiếp tục suy giảm, đây sẽ sẽ là năm giảm thứ ba liên tiếp. Bên cạnh đó, một rủi ro cũng nên chú ý, dù đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực là thị trường trái phiếu, theo HSC.
Chia sẻ về triển vọng nền kinh tế lâu dài của kinh tế Việt Nam, đại diện HSC nhìn thấy, dân số và đô thị hóa sẽ là những chìa khóa chính cho sự thành công của Việt Nam về dài hạn. Quốc gia Đông Nam Á này đang trải qua giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” (tỉ lệ người trong độ tuổi lao động gấp đôi người phụ thuộc), được dự báo kéo dài đến năm 2035. Dân số trẻ và quá trình đô thị hóa đang tạo ra cơ hội phát triển đáng kể cho nhiều quốc gia. Trong khi lực lượng lao động trẻ mang theo năng lượng và sự sáng tạo, đô thị hóa tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh, công nghệ và giao thương.
“Dân số vàng và đô thị hóa là hai chủ đề quan trọng tại Việt Nam, vốn đã cho thấy hiệu quả ở các nước khác tại châu Á. Nếu Việt Nam đuổi kịp sẽ mang lại cơ hội,” ông Peter chia sẻ.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Từ năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines và dự kiến sẽ vượt qua Indonesia vào năm 2027.
CEO Club
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!