Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết nhiều doanh nghiệp đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn, chỉ còn 65% đơn vị duy trì mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) gửi UBND TPHCM về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố tháng 2 vừa qua, 83% người được hỏi cho biết đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn do không còn đơn hàng dự trữ. Chỉ còn 65% doanh nghiệp trả mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng, giảm 15% so với mức 80% của quý II/2022. “Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới”, lãnh đạo HUBA nhận xét.
Theo thống kê của HUBA, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tại TPHCM đều gặp khó khăn. Ngành dệt may hoạt động cầm chừng vì lãi suất cao, tỷ giá biến động. Ngành mỹ nghệ, chế biến gỗ tiếp tục giảm mạnh đơn hàng, dự kiến tình hình xấu còn kéo dài đến hết quý II với mức giảm khoảng 50-60%. Doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm phải ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao.
Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn, đi vào suy thoái, dừng đầu tư, ngừng thi công, thị trường gần như đóng băng. Ngành vật liệu xây dựng cũng sụt giảm doanh số xuất khẩu nghiêm trọng. “Doanh nghiệp nợ lẫn nhau, người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội”, đại diện HUBA quan ngại.
Trước tình hình khó khăn được dự báo vẫn còn tiếp diễn, HUBA đề xuất Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của các nhà băng ở mức 3% để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn nhà điều hành giữ lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%/năm vì mức trên 10%/năm hiện nay quá cao.
HUBA cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay trong năm 2023 với các khoản vay trung dài hạn, thời gian của hợp đồng vay được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ để giảm áp lực doanh nghiệp.
Với chính sách tài khóa, HUBA mong muốn miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương, tiếp tục áp dụng thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế đến hết năm 2023, hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp. HUBA cũng mong muốn Chính phủ quan tâm đến thuế suất trong hoạt động xuất nhập khẩu, không để tình trạng doanh nghiệp nhập nguyên thiết bị máy móc được miễn thuế hoặc chịu thuế dưới 10% nhưng doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng lại chịu thuế lên đến 15%.
Riêng với chính quyền TPHCM, HUBA mong muốn thành phố tập trung nghiên cứu giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, phải quy định nghiêm ngặt về thời gian hỏi ý kiến nhiều cơ quan để tăng tính trách nhiệm cho cơ quan tham mưu, chuyển biến đội ngũ công chức đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
TPHCM cũng cần chú ý hơn việc cải thiện một số chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng, hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh. HUBA cũng mong muốn tình hình kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực hiện nay được chấn chỉnh.
Nguồn: Dân Trí
4/3/2023
Footer Subheading
Message Submitted!