Tôi đã học thành triệu phú bán hàng như thế nào

Grant Cardone làm nghề này chỉ vì thất nghiệp sau khi ra trường, từng ghét nó tới 8 năm và tự nhận mình có tố chất bán hàng rất kém cỏi.

Grant Cardone là triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ với ba công ty trị giá hàng triệu USD. Ông đã viết nhiều cuốn sách nằm trong top bán chạy của New York Times. Cardone cũng dẫn chương trình radio tên Cardone Zone, được coi là “Chuyên gia bán hàng hàng đầu” và “Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu” để theo dõi trên Twitter. Ông đã chia sẻ quá trình rèn luyện kỹ năng bán hàng của mình trên Entrepreneur:

Tôi chọn làm nhân viên kinh doanh vì bắt buộc, chứ không phải muốn thế. Mọi người nói: “Anh đúng là sinh ra để làm nghề này”. Nhưng họ sai rồi. Tôi là người có tố chất bán hàng kém cỏi nhất họ từng gặp đấy. Và tôi ghét nghề này trong 8 năm đầu làm nó cơ.

Ở tuổi 17, việc bán hàng đầu tiên của tôi là trong một cửa hàng quần áo. Tôi ghét nó, vì ghét phải nói chuyện với người lạ. Câu nói “Tôi có thể giúp gì cho anh/chị” làm tôi cảm thấy rất ngại và hay bị líu lưỡi. Tôi sợ phải tiếp xúc với mọi người, ghét cảm giác bị từ chối, và kết quả lại hoàn toàn dựa vào may mắn. Tức là gặp đúng khách hàng hay không ấy. Hồi đó tôi đã nghĩ như vậy.

toi-da-hoc-thanh-trieu-phu-ban-hang-nhu-the-nao

Grant Cardone đã trở thành triệu phú khi mới 30 tuổi. Ảnh: WPB Magazine

Tôi làm nghề này không phải vì muốn, mà là vì để sống. Nghề được định sẵn cho tôi thì lại chẳng giúp kiếm được xu nào. Bán hàng là công việc duy nhất tôi được gọi đi làm lúc đó. Và tôi ghét nó. Tôi đã nói với chú mình: “Cháu học đại học đâu phải để đi bán hàng”. Và ông ấy đáp lại rằng: “Thì cháu cũng đâu có đi học để bị thất nghiệp”.

Thế là tôi làm nhân viên kinh doanh. Và suốt 2 năm sau đó, tôi ghét nó. Tôi ghét phải gây dựng quan hệ với khách hàng, hỏi câu hỏi điều tra, ghét phải đưa ra đề nghị, ghét bị từ chối và rất nhiều thứ khác nữa.

32 năm sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với Fran Tarkenton – cựu cầu thủ bóng đá Mỹ nổi tiếng và cũng là một doanh nhân cực kỳ thành công, ông ấy đã hỏi tôi: “Anh có tài bán hàng đấy. Làm thế nào được như vậy?”.

Câu hỏi rất hay. Làm thế nào từ một gã cực kỳ ghét bán hàng lại thành người có thể viết 5 cuốn sách dạy bán hàng bán rất chạy và mở cả chục chương trình đào tạo như thế.

Câu trả lời là khi tôi nhận ra cuộc sống của mình phụ thuộc vào nghề này và quyết định ngừng than thở, tập trung làm việc cho tốt, mọi thứ đã thay đổi. Một ngày, một người tên Ray nói với tôi: “Anh ghét bán hàng vì anh chẳng biết gì về nó cả đấy. Nghe đoạn băng này thử xem”. Sau đó, anh ta đưa tôi một cuốn băng cassette của một người dạy bán hàng. Ông ấy nói về nghề này như một công thức, từng bước từng bước, từ khi gặp khách hàng đến khi kết thúc.

Thật kỳ diệu. Tôi đã gọi đến công ty đó và hỏi họ còn tài liệu nào như thế không, rồi đầu tư hẳn 3.000 USD vào 12 cuốn băng. Mỗi ngày, tôi dành 30 phút đến 1 tiếng để xem video người đàn ông này giảng giải về việc bán hàng,

Chỉ trong 30 ngày, tôi bán được số hàng gấp đôi. Thú vị nhất là, điều tôi ghét suốt 8 năm qua giờ lại thành cái khiến tôi thích thú. Trong 9 tháng, tôi vào top 1% nhân viên xuất sắc nhất trong ngành và yêu thích bán hàng. Và trong 5 năm, tôi mở một công ty dạy các cá nhân và tổ chức cách thức bán hàng mới.

Nhiều năm qua, tôi đã nói chuyện với hàng chục triệu nhân viên bán hàng chuyên nghiệp từ tất cả các ngành. Có lần, tôi gặp gỡ hàng nghìn nhân viên kinh doanh bảo hiểm ở Scottsdale (Arizona, Mỹ). Trong phòng hôm đó gồm toàn những người trung bình kiếm được 970.000 USD một năm. Tôi đã hỏi họ: “Có bao nhiêu người trong các anh làm nghề này vì yêu thích?”. Gần như chẳng ai giơ tay cả. Lần khác, tôi nói chuyện với 3.000 nhân viên marketing ở Vegas, cũng với câu hỏi tương tự, và gần như chẳng có cánh tay nào đưa lên.

Vấn đề là, bạn không cần phải thích nghề này. Bạn cần tự hiểu toàn bộ tương lai của mình phụ thuộc vào nó và dừng chống lại nó đi. Rất ít người sinh ra đã thích bán hàng. Mọi người tôi biết rằng thích nghề này đều là vì họ thành công với nó. Trong 25 năm, tôi chưa gặp ai thất bại mà lại thích bán hàng cả.

Những người thích nghề nghiệp của mình đều có 2 điểm chung – kiếm được tiền và biết mình đang làm gì. Tôi đã gặp hàng nghìn người thành công, hướng nội có, hướng ngoại có, nam có, nữ có, người già có, người trẻ có. Họ sở hữu đủ nét tính cách, từ hiếu chiến, thích trực tiếp, coi trọng kết quả cho đến thận trọng, khiêm tốn.

Tôi đã giúp hàng nghìn người bán hàng học cách yêu nghề nghiệp của mình. Và đây là kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Để yêu thích và kiếm được tiền từ nghề này, bạn bắt buộc phải làm 2 điều.

Một là, luôn nhớ rằng đây là cần câu cơm của mình. Bạn không cần muốn làm nó, yêu thích nó. Những việc này sẽ xảy ra sau khi bạn thấy kết quả. Quan trọng là bạn phải gắn bó với nó, coi như không có lựa chọn nào khác.

Hai là học cách bán hàng. Kể cả có năng khiếu, bạn vẫn phải học từng bước. Tôi biết rất nhiều người cho rằng họ là người bán hàng bẩm sinh. Nhưng sau này, khi tôi đã học được luật chơi, họ vẫn phải tìm đến tôi.

Và một khi quyết định gắn bó, bạn sẽ có rất nhiều cái phải học. Như cách gây dựng quan hệ với khách hàng, cách điều chỉnh thái độ, làm nổi bật bản thân, khi nào nên nói và khi nào nên nghe,…

Trước khi làm nghề này, tôi nghèo lắm. Nhưng khi nghiêm túc học về bán hàng, tôi bắt đầu kiếm được tiền thực sự, lần đầu tiên trong cuộc đời đấy. Và giờ tôi đã là triệu phú rồi.

Bạn có thể có mọi thứ trên đời nếu biết cách bán hàng. Nhiều người sau khi tốt nghiệp, nhận một “công việc tốt”, họ có thể có 60.000 – 80.000 USD một năm. Còn nếu làm nghề này, bạn có thể kiếm 60.000 – 80.000 USD một tháng, nhưng vẫn phải học.

Bạn chỉ có thể học nếu thực sự quyết tâm. Và điều này cần sự hy sinh. Nếu sẵn sàng trả giá hôm nay, bạn có thể trả giá cho mọi thứ sau này.

Hà Thu (theo Entrepreneur)

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928