Tháng 01/2023 là thời điểm trùng với mùa mua sắm cuối năm và thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng so với tháng trước đó. Tuy nhiên cũng có một số ngành dịch vụ giảm do số ngày làm việc giảm, như giáo dục, y tế, kinh doanh bất động sản…
Năm 2023 là năm bản lề TP.HCM hướng đến mục tiêu khơi thông các nguồn lực hiện có, đổi mới trong tư duy quản lý, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế, vượt qua các khó khăn và thách thức.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 dự ước đạt 90.520 tỷ đồng, giảm 5,7% so với tháng trước; trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 4,6%, dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 2,1%, dịch vụ du lịch lữ hành giảm 4,8%, dịch vụ khác giảm 24%.
So với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 5,7%. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tăng 7,8%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 61%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 98,7%, dịch vụ khác giảm 9,9%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 56.887 tỷ đồng, chiếm 62,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và tăng 4,6% so với tháng 12/2022.
Các nhóm hàng hóa có tỷ trọng lớn và tăng trưởng mạnh đứng đầu là lương thực – thực phẩm. Theo đó, nhóm này chiếm tỷ trọng 19,1% và tăng 5,6%. Kế tiếp là nhóm hàng đồ dùng thiết bị gia đình, chiếm tỷ trọng 12,5% và tăng 6,4%. Xe cộ và phương tiện đi lại (gồm cả dịch vụ sữa chữa) chiếm tỷ trọng 16,2% và tăng 4,7%. Xăng dầu và nhiên liệu khác chiếm tỷ trọng 11,7% và tăng 2,3%; hàng may mặc chiếm 8,6% và tăng 6,8%…
So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng đầu năm 2023 tăng 7,8%; trong đó có ba nhóm hàng tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực tăng 12,3%; thực phẩm tăng 12,4%; ô tô và phương tiện đi lại khác tăng 12,9%.
Về dịch vụ, doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 01/2023 ước đạt 802 tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước và tăng 98,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng ước đạt 24.765 tỷ đồng giảm 24% so với tháng trước. Riêng ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 59,4% và giảm 25,6%. Nếu so sánh cùng kỳ thì doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác giảm 9,9%, trong đó ngành kinh doanh bất động sản giảm 14,6%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, nhìn chung Thành phố bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau tết nguyên đán, không xảy ra biến động tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Ông Hoàng cũng cho biết, các đơn vị hoạt động lữ hành liên tục đưa ra nhiều chương trình tour khuyến mãi hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du xuân của người dân; đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch, tham quan, mua săm, ăn uống về đêm tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng như liên kết với các địa phương nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển trở lại.
Tết nguyên đán năm nay đến sớm (Tết rơi vào tuần thứ 3 của tháng 01/2023), thời gian hoạt động sản xuất trong tháng vì vậy cũng ít hơn so với tháng 12/2022. Do đó ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 uớc tính giảm 21,4% so với tháng trước.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,0%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 8,4%. Tất cả 30/30 ngành công nghiệp cấp 2 đều giảm so với tháng cuối năm 2022; trong đó có 15/30 ngành giảm trên 20%.
Chi tiết một số ngành như sau: Hoạt động khai khoáng khác giảm 30,1%; sản xuất đồ uống giảm 31,0%; sản xuất trang phục giảm 29,2%; chế biến gỗ giảm 27,7%; in và sao chép bản ghi giảm 23,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 42,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 46,5%; sản xuất kim loại giảm 20,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 44,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 30%; sản xuất xe có động cơ giảm 46,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 30%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 37%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 36,3%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 21,4%.
IIP trên địa bàn TP.HCM tháng 01/2023 giảm 15,0% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 2,2%. Trong 30 ngành công nghiệp cấp 2 chỉ có bốn ngành tăng so với với cùng kỳ năm trước. Đó là các ngành: Sản xuất đồ uống tăng 71,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 57%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 15,2%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,3%. Còn lại đều giảm, có ngành giảm trên 20%.
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, IIP tháng 01/2023 giảm 5,5% so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 34,3%; ngành cơ khí giảm 28,4%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 22,5%, ngành hóa dược tăng 0,8%.
Đối với ba ngành công nghiệp truyền thống, ghi nhận IIP tháng 01/2023 giảm 26,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 22,0%; sản xuất trang phục giảm 36,6%; ngành dệt giảm 7,8%.
Các chỉ số khác cũng giảm so với cùng kỳ. Như chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước tính giảm 18,9% so với tháng 12/2022. Tính chung tháng 01 năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, ở mặt ngược lại, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước tính tăng 6,6% so với cùng thời điểm này năm ngoái; trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Đó là các ngành: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 83,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 81,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 63,5%; sản xuất trang phục tăng 61,7%.
Một số ngành có mức tồn kho giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, như: Sản xuất sản phẩm da và các sản phẩm có liên quan giảm 61,5%; sản xuất đồ uống giảm 48,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 29,6%…
“TP.HCM tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn giá, đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho người dân trong dịp tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 5,06% so với cùng kỳ. So với tháng trước, có hai nhóm giảm là nhà ở vật liệu xây dựng và bưu chính viễn thông; 9 nhóm còn lại tăng, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về nhóm giao thông , đạt 1,92%.” (Cục Thống kê TP.HCM).
Nguồn: VNeconomy
8/2/2023
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!