Triết lý của nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới

Khởi đầu sự nghiệp với mức lương 1 USD mỗi ngày nhưng triết lý “kiên trì là chiến thắng” đã giúp Chu Quần Phi xây dựng một đế chế công nghệ trị giá hàng trăm tỷ USD.

Chu Quần Phi có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018 với danh hiệu “Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới”. Bà là người phụ nữ giàu thứ 5 Trung Quốc và thứ 221 thế giới, với giá trị tài sản lên đến hơn 15 tỷ USD, tính đến ngày 1/10/2020.

Công ty Lens Technology của Chu Quần Phi có trụ sở tại Silicon Valley với hơn 82.000 nhân viên, sản xuất mặt kính cho các hãng Apple, Samsung và Huawei.

 Chu Quần Phi là người sáng lập nên Lens Technology, công ty chuyên cung cấp màn hình điện thoại cảm ứng cho các ông lớn trong làng điện tử thế giới. Ảnh: Lens Technology.

Chu Quần Phi là người sáng lập nên Lens Technology, công ty chuyên cung cấp màn hình điện thoại cảm ứng cho các “ông lớn” trong làng điện tử thế giới. Ảnh: Lens Technology.

Sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo khó tại tỉnh Hồ Nam, từ nhỏ bà Chu đã cùng anh chị em nuôi lợn, vịt, gà… để phụ giúp gia đình. Năm bà lên 5 tuổi, mẹ qua đời, trong khi bố bị mù, Chu phải lo chạy ăn từng bữa và không biết tương lai mình trôi về đâu. Sau này khi thành danh, Chu luôn hãnh diện nói rằng thời niên thiếu khó khăn là nguồn động lực giúp bà đạt được thành công.

Năm 15 tuổi, Chu bỏ học đến Thâm Quyến đi làm. Thời gian đầu cô gái trẻ làm bảo vệ nhà kho ở một công trường xây dựng, nhưng sau 4 tháng không nhận được tiền công mới biết mình bị lừa. Chu vẫn quyết trụ lại thành phố và tìm đến một xưởng sản xuất thấu kính, màn hình bên cạnh trường đại học Thâm Quyến xin làm công nhân.

Dù làm việc 12 tiếng với với mức lương tương đương một USD mỗi ngày, nhưng Chu vẫn dành thời gian để học thêm về kế toán và thương mại tại những khóa học bán thời gian… Năm 1993, với khoản tiền tiết kiệm hơn 20.000 đôla Hong Kong (60 triệu đồng), Chu đã lập một xưởng sản xuất màn hình trong căn hộ đi thuê 3 phòng ngủ với 7 anh chị em của mình. Dù chưa từng học qua đại học, nhưng thời điểm lập nghiệp, cô đã có đủ hành trang kiến thức về kế toán, tin học, thậm chí là bằng lái xe tải… để bắt đầu ước mơ lập nghiệp. Với Chu, học thêm được một kỹ năng nghĩa là đường mưu sinh sẽ nhiều thêm một ngả.

Thời gian đầu, Chu Quần Phi phải vất vả tìm kiếm khách hàng. Không ít lần, bà nhận lại sự lạnh nhạt và những lời từ chối, thậm chí có những nơi còn chưa kịp trình bày đã bị bảo vệ đuổi.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, Chu nói rằng bản thân luôn có niềm tin khi đối mặt với thất bại: “Chúng tôi khởi nghiệp rất khó khăn, tiền không có, kinh doanh dậm chân tại chỗ. Có ngày tôi chỉ có tiền lo bữa trước mà chẳng có bữa sau. Nhưng tôi vẫn kiên trì làm mọi thứ có thể và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh”.

Sinh ra trong một ngôi làng nghèo, nơi rất nhiều cô gái bỏ học, lựa chọn việc kết hôn và an phận nhưng Chu không “đi vào vết xe” đó. Cô nói: “Với nhiều người, đây là một lựa chọn an toàn. Nhưng tôi đã chọn kinh doanh và tôi không hối tiếc”.

 Chu Quần Phi khi mới thành lập xưởng sản xuất màn hình trong căn hộ đi thuê năm 1993. Ảnh: Lens Technology

Chu Quần Phi khi mới thành lập xưởng sản xuất màn hình trong căn hộ đi thuê năm 1993. Ảnh: Lens Technology

Sau 10 năm hoạt động, Chu Quần Phi thành lập công ty Lens Technology, chuyên nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm ống kính, đặt trụ sở tại Hồ Nam. Thời điểm mới thành lập, hãng điện thoại Motorola đã gọi điện cho Chu và yêu cầu công ty thiết kế loại ống kính chống xước cho chiếc điện thoại Razr V3 của họ. Đây cũng chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của bà.

Khi sản phẩm của Motorola ra mắt, một loạt công ty sản xuất điện thoại di động đình đám khác như Samsung, Nokia, HTC cũng bắt đầu liên hệ. Không lâu sau, Apple cũng đặt mua ống kính cho các mẫu iPhone của họ.

Một trong những thử thách lớn nhất mà Chu gặp phải chính là đánh bại các đối thủ để giành được hợp đồng với Motorola năm 2003. Một đối thủ ghen tỵ, đã liên kết với đơn vị cung cấp nguyên liệu thô để cố loại Chu ra khỏi cuộc chơi. Nhà cung cấp nguyên liệu đã ra yêu cầu rất cao và buộc Lens Technology phải thanh toán toàn bộ chi phí trước khi giao nguyên liệu.

“Tôi bế tắc đến nỗi đứng ở nhà ga Hung Hom ở Hong Kong và có ý định nhảy xuống tự tử. Lúc đó chỉ nghĩ rằng nếu như chết đi, mọi rắc rối sẽ không còn”, Chu nhớ lại.

Tuy nhiên cuộc điện thoại của con gái đã kéo bà trở về hiện thực. Người phụ nữ này nhận ra: “Không thể bỏ cuộc mà phải tiếp tục cố gắng, vì gia đình và nhân viên của mình”. Kết quả là với sự hỗ trợ của Motorola, Chu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng về tài chính. Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu bản cho mẫu máy V3 của Motorola – loại màn hình điện thoại phẳng với lời chào “Hello Moto”. Đến năm 2007, Lens Technology đã đánh bại các đối thủ khác để trở thành nhà cung cấp chính của “gã khổng lồ” Apple.

Vào tháng 3/2015, dấu mốc 22 năm kể từ khi thành lập, Công ty Lens Technology chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng. Công ty của Chu Quần Phi có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau tại Trung Quốc với hơn 90.000 nhân viên.

“Kiên trì là chiến thắng”. Hơn 30 năm qua, quyết tâm của Chu Quần Phi vẫn không thay đổi.

Nữ tỷ phú cho rằng, nếu bỏ cuộc giữa chừng, sẽ chẳng đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa từ điểm xuất phát. “Chỉ có kiên trì, bạn mới có thể đạt được thành công. Đừng bao giờ từ bỏ vì một chút thất bại”.

 Chu từng chia sẻ, bà luôn lắng nghe người khác nói rồi mới thận trọng đưa ra quyết định của riêng mình. Ảnh: sohu.

Chu từng chia sẻ, bà luôn lắng nghe người khác nói rồi mới thận trọng đưa ra quyết định của riêng mình. Ảnh: sohu.

Câu này được Chu nói trong một buổi team-buiding với 20 quản lý của công ty. Họ cùng nhau leo núi Dawei ở tỉnh Hồ Nam, cao hơn 1.524 m. Tất cả đều muốn bỏ cuộc khi leo được lưng chừng nhưng Chu thì không. Bà nhấn mạnh rằng tất cả đều cần phải tiếp tục.

“Tôi tin chắc rằng không có nhà vô địch toàn năng trên thế giới. Nhiều công ty chuyển nhân viên của họ từ vị trí này sang vị trí kia, cố gắng biến anh ta thành “người biết tất cả”. Tôi nghĩ điều này là không thể. Chúng tôi không thể để một nhà vô địch bóng rổ chơi bóng đá, cũng không thể bắt một nhà vô địch bóng bàn chơi bóng rổ. Bởi vậy tôi yêu cầu ban lãnh đạo làm thật tốt công việc của mình. Họ cũng luôn phải trau dồi, vượt qua chính mình và theo đuổi sự cải thiện mỗi ngày”.

Năm 2016, tạp chí Fortune đã đưa Chu vào danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á – Thái Bình Dương. Câu chuyện khởi nghiệp của bà còn là nguồn cảm hứng cho hàng triệu lao động nữ và các doanh nhân mới khác trên khắp thế giới.

Vy Trang (Theo SMCP, CNBC)

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928