Khởi nghiệp từ hơn 20.000 USD tiền tiết kiệm với nhóm bạn, startup chia sẻ xe Ofo của Trung Quốc hiện được định giá 2 tỷ USD.
Một startup chia sẻ xe đạp có tên Ofo của Trung Quốc tuyên bố được định giá lên tới hơn 2 tỷ USD.
CEO Dai Wei – 26 tuổi tiết lộ về con số này trong một bài phỏng vấn với tờ CNBC. Nếu như vậy, giá trị của công ty này hiện gấp đôi so với con số công bố cách đây ít hơn 2 tháng.
Có được mức giá trị như vậy không hề khiêm tốn đối với một công ty mới 2 năm tuổi được khởi nghiệp từ khoản tiết kiệm 150.000 NDT (tương đương 21.800 USD) của các nhà sáng lập.
Dai cho biết anh không quá bận tâm về giá trị của công ty mình. Anh thậm chí còn thấy đó là một con số khá lạ lùng đối với một công ty còn quá non trẻ. Điều quan trọng với anh là Ofo có thể làm gì cho các khách hàng.
“Khi tạo dựng một doanh nghiệp, bạn phải giải quyết các vấn đề, cung cấp dịch vụ cho người dùng. Chúng tôi phải tìm ra những vấn đề chính cần phải giải quyết – điều đó quan trọng hơn là công ty được định giá bao nhiêu”.
Hiện tại đã có hơn 3 triệu chiếc xe đạp trong thiết kế màu vàng của Ofo xuất hiện tại hơn 50 thành phố khác nhau ở Trung Quốc cũng như ở cả London và Singapore. Tính đến cuối năm, Ofo nhắm tới mục tiêu mở rộng sang thêm 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Philippines.
“Chúng tôi nghĩ xe đạp là ‘ngôn ngữ toàn cầu’. Dân số toàn thế giới đều biết đi xe đạp”, Dai chia sẻ.
Viêc phất lên nhanh chóng của Ofo là lời tuyên chiến đối với cuộc chiến ứng dụng chia sẻ xe đạp đang diễn ra khốc liệt tại Trung Quốc trong bối cảnh đường phố tại những thành phố lớn ở đây càng ngày càng trở nên đông đúc. Các thành phố hiện đang dần được điểm xuyết bởi những chiếc xe đạp màu sắc, mỗi màu đại diện cho một công ty khác nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh càng nhiều công ty hướng đến việc giúp người dân đi lại dễ dàng hơn thì một câu hỏi đặt ra là: Khi nào những công ty này có thể có lãi? Và họ sẽ làm gì khi mà mỗi một chuyến xe đạp chỉ có giá 2 cents?
“Mô hình kinh doanh này có chút khó hiểu… Nó rất nhạy cảm về vốn”, Paul Gillis – một giáo sư và đồng giám đốc tại Trường quản lý Guanhua của Đại học Peking nói. “Với mức giá quá rẻ, tôi không thể thấy cách nào các công ty có thể kiếm được tiền và tạo ra dòng tiền dương vào thời điểm này”.
Một rủi ro khác khi điều hành những công ty như Ofo là nếu một nhóm khách hàng mất niềm tin vào công ty và tìm cách đòi lại khoản tiền đặt cọc.
Dẫu vậy, những nhà đầu tư lớn vẫn tiếp tục rót tiền vào ngành công nghiệp này.
Ofo có nhiều quỹ đầu tư lớn “chống lưng” gồm DST Global – công ty từng đầu tư vào Facebook, Twitter, Didi Chuxing.
Cũng dễ hiểu tại sao các khách hàng bị thu hút bởi mô hình chia sẻ xe đạp vì tính thuận tiện. Không giống những phương tiện khác, người dùng có thể bỏ chúng ở bất kỳ đâu. Hơn nữa, đây là lựa chọn tốt nếu muốn đi xung quanh những thành phố tràn ngập tòa nhà cao tầng của Trung Quốc. Những hàng dài xe đạp được để ở đường và người dùng không sợ bị mất trộm.
Thành công của Ofo đã thu hút sự chú ý của CEO Apple là Tim Cook. Cụ thể Tim Cook đã đích thân ghé thăm văn phòng của công ty trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây sau khi ứng dụng xe đạp này trở thành ứng dụng phổ biến nhất trong kho ứng dụng tại Trung Quốc của Apple thu hút hơn 1 nửa triệu lượt tải về mỗi ngày.
Tuy nhiên, việc nổi tiếng quá nhanh chóng cũng làm nảy sinh một vấn đề khác: Xe đạp hiện gây phiền hà tại những quảng trường công cộng khi chúng lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ.
Dẫu vậy không thách thức nào kể trên khiến Dai lùi bước, anh tin rằng ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp và chính phủ có thể hợp tác để cùng giải quyết những vấn đề này.
Và nếu Dai có thể thực hiện được theo cách này thì trong 5 năm tới, cư dân thành phố sẽ không cần mua xe đạp để di chuyển nữa. Dai muốn chứng kiến “mỗi thành phố trên thế giới, ở mọi góc ngách đều có thể tìm thấy xe Ofo giúp bạn tới những nhà hàng, siêu thị gần nhất và ga tàu điện gần nhất – hoặc chỉ đơn giản là đạp xe dạo quanh thành phố”.
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!