Có lẽ ít ai biết người sáng lập chuỗi nhà hàng Haidilao đang “làm mưa làm gió” khắp châu Á lại từng là một người thợ hàn có xuất thân từ nông thôn nghèo khó. Trương Dũng đã gây dựng nên thương hiệu tỉ đô từ 2 bàn tay trắng và trở thành ông trùm ngành F&B nổi tiếng toàn cầu.
Trong bảng danh sách “Những người giàu nhất thế giới năm 2019″ do Hurun Research Institute công bố, Trương Dũng – người sáng lập chuỗi nhà hàng Haidilao – đứng vị trí thứ 192 với tổng tài sản lên tới hơn 56,5 tỷ nhân dân tệ, đồng thời Haidilao cũng trở thành chuỗi nhà hàng có giá trị lớn nhất toàn cầu. Ít ai biết rằng Trương Dũng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn mới tạo dựng được sự nghiệp thành công như ngày hôm nay.
Ông trùm chuỗi nhà hàng Haidilao có xuất thân nghèo khó
3 lần khởi nghiệp thất bại, bi quan tin vào số phận
Trương Dũng được sinh ra và lớn lên tại thành phố Giản Dương, tỷnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bố ông là đầu bếp cho một nhà máy, còn mẹ là giáo viên tiểu học.
Thời đi học, thành tích học tập của Trương Dũng rất kém, chính vì vậy sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở ông đã quyết định chuyển sang học nghề ở một trường kỹ thuật, sau đó làm công nhân trong một nhà máy kéo ở Tứ Xuyên trong suốt nhiều năm, cuộc sống vô cùng vất vả và tẻ nhạt.
Thuở ấy, bên cạnh nhà Trương Dũng có một bà lão, 2 vợ chồng bà sinh sống chủ yếu nhờ vào việc kinh doanh món thịt ngỗng quay. Một ngày nọ, ông vô cùng bất ngờ khi biết được vợ chồng bà đã kiếm được hàng chục nghìn tệ chỉ nhờ vào việc bán những con ngỗng quay, trong khi mỗi tháng ông đi làm vất vả cũng chỉ kiếm được 90 tệ (khoảng 315.000 đồng). Điều này đã trở thành nguồn động lực giúp ông bắt đầu nhen nhóm ý định lập nghiệp.
Trong một lần tới Thành Đô, ông cảm thấy vô cùng kỳ lạ khi chứng kiến rất nhiều người vây quanh chiếc máy trò chơi để tìm vận may. Vậy là ông liền nảy ra suy nghĩ: “Hay là mình cũng mua lấy một chiếc rồi để ở Giản Dương nhỉ, như vậy không phải tiền cứ thế mà đổ vèo vèo vào túi hay sao?”
Thế là chàng thanh niên Trương Dũng đã sử dụng số tiền 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) mà mình tích cóp được trong suốt 2 năm lao động vất vả, cộng với tiền vay được từ một số bạn bè và người thân, gom góp được tổng cộng 5.000 tệ (khoảng 17,5 triệu đồng), số tiền vừa đủ để mua cỗ máy.
Nhưng Trương Dũng đâu thể ngờ, trên đường đi tới Thành Đô ông đã bị một tên lừa đảo dụ dỗ mua chiếc đồng hồ làm bằng vàng giả, vậy là 5.000 tệ cứ thế không cánh mà bay, kế hoạch khởi nghiệp đầu tiên cũng nhanh chóng thất bại trong tiếc nuối.
Không vì thế mà nản lòng, Trương Dũng nhanh chóng vực dậy và bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh doanh tiếp theo.
Thời điểm ấy, xăng dầu không được mua bán rộng rãi như hiện giờ mà bắt buộc phải có phiếu mới có thể mua được. Loại phiếu này chỉ phát cho tài xế của những công ty quốc doanh hoặc chính phủ. Vậy là Trương Dũng liền nảy ra ý nghĩ kiếm lời nhờ việc thu mua và bán lại xăng dầu.
Ông nhanh chóng viết một tấm bảng thật to ghi chữ rao bán và thu mua xăng dầu. Mỗi khi có xe ô tô đi qua, ông liền giơ cao tấm biển này. Nhưng tiếc rằng suốt 2 ngày mệt nhọc chẳng những không có lấy nổi 1 vị khách, mà ông còn bị một tên tài xế nhổ nước bọt rồi phóng xe vụt mất.
Lần thứ 3, ông quyết định mở một quán ăn nhỏ bán malatang – một loại canh khá giống với lẩu, có nguồn gốc từ tỷnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được rất nhiều người ưa chuộng.
Trương Dũng khi ấy đã kiếm được hơn 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng) nhờ vào việc bán món canh này. Công việc kinh doanh tưởng như đang rất thuận lợi, nào ngờ Trương Dũng lại bị một cô gái lừa mất toàn bộ số tiền và tiếp tục trở về với 2 bàn tay trắng.
Sau khi trải qua 3 lần thất bại, ông đau khổ cho rằng người chẳng học thức cũng chẳng có gì như ông thì số mệnh cũng chỉ được như vậy mà thôi. Đã từng có lúc ông buông bỏ tất cả và tin vào số phận, có lẽ người như ông chẳng thể nào thành công được.
Thành công đến từ sự khác biệt
Nhưng cuối cùng, Trương Dũng vẫn quyết tâm không chịu bỏ cuộc. Sau 3 lần khởi nghiệp thất bại, Trương Dũng chợt nhận ra có lẽ là do ông luôn vội vàng muốn đi “đường tắt” để tới thành công, muốn kiếm tiền nhanh chóng mà lại chẳng muốn kinh doanh vất vả.
Vậy là ông quyết định sẽ chậm rãi từng bước kinh doanh giống như bà lão bán ngỗng quay ngày xưa. Trương Dũng cùng một số người bạn tích cóp được 8.000 tệ (khoảng 28 triệu đồng) và bắt đầu mở một cửa hàng lẩu.
Khi ấy, cửa hàng lẩu của Trương Dũng chỉ có vỏn vẹn 4 chiếc bàn. Mấy ai tin được 20 năm sau, 4 chiếc bàn ấy đã tạo dựng nên chuỗi nhà hàng Haidilao đình đám, tạo nên kỳ tích thay đổi vận mệnh cho chàng trai trẻ Trương Dũng ngày nào.
Điều gì đã tạo nên được thành công của Haidilao? Có lẽ đến từ tiêu chí kinh doanh trước sau không đổi của Trương Dũng, đó là phải phục vụ khách hàng thật tốt và phải thật coi trọng nhân viên. Khách hàng tốt, nhân viên tốt, chỉ có như vậy thì việc kinh doanh mới có thể ngày một tốt hơn.
Khách hàng và nhân viên là 2 yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho Haidilao
Tứ Xuyên được coi là quê hương của lẩu, ở đây có vô vàn cửa hàng lẩu với nhiều mức giá khác nhau và hương vị riêng biệt. Chính vì vậy, mở một cửa hàng lẩu ở Tứ Xuyên chẳng đơn giản chút nào.
Trương Dũng hiểu rằng mình khó có thể thành công nếu như chỉ dựa vào mùi vị món ăn. Dựa vào những kinh nghiệm kinh doanh trước đó, ông cho rằng nếu muốn thành công thì phải mang những giá trị khác biệt đến với khách hàng, phải đem đến cho khách những trải nghiệm tuyệt vời mà không một cửa hàng nào làm được, chỉ có như vậy mới có thể tạo được sự thu hút.
Vậy phải phục vụ như thế nào mới có thể nhận được sự quan tâm từ khách hàng?
Ở Haidilao, khách hàng được phục vụ vô cùng chu đáo
Một ngày nọ trời mưa rất to, có một vị khách quen ghé qua quán lẩu của Trương Dũng. Thấy giày của khách lấm lem bùn đất, Trương Dũng bèn giúp khách lau sạch giày. Lần khác, một vị khách khen rằng tương ớt của quán rất ngon, thấy vậy Trương Dũng lập tức gói một ít cho khách mang về.
Chính kiểu phục vụ độc đáo này đã giúp Trương Dũng thu hút được vô số khách hàng, cửa hàng của ông cũng càng ngày càng trở nên nổi tiếng. Ông cho rằng, phục vụ không chỉ là cố gắng làm hài lòng khách hàng, mà còn là cố gắng mang đến những niềm vui bất ngờ cho họ, tạo cho họ những trải nghiệm vượt quá cả mong đợi.
Tất cả những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt ấy hoá ra lại có thể khiến khách hàng sẵn sàng trở thành đại sứ tuyên truyền cho thương hiệu. Đến nay, Haidilao được rất nhiều người biết đến và được yêu thích chính bởi dịch vụ chăm sóc khách hàng vô cùng chu đáo này.
Nếu đi một mình, khách hàng thậm chí còn được tặng gấu bông để… đỡ thấy cô đơn
Phải chăm sóc nhân viên thật tốt
Trương Dũng luôn được coi là một ông chủ rất quan tâm đến nhân viên. Trong ngành F&B, ngoài chất lượng phục vụ, Haidilao còn được biết đến bởi chế độ đãi ngộ nhân viên hậu hĩnh mà khó có nơi nào sánh bằng.
Được biết, thù lao của nhân viên Haidilao luôn nằm trong mức khá. Tại một số thành phố ở Trung Quốc, nhân viên chuỗi nhà hàng này có thể nhận được mức lương lên tới 8.000 tệ (khoảng 28 triệu đồng)/tháng. Thậm chí họ còn được bao ăn, ở và có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Sau khi trở thành nhân viên chính thức, mỗi nhân viên đều sẽ được hỗ trợ vé tàu xe đi lại. Nếu làm đủ 3 năm, họ thậm chí còn được nhận gói hỗ trợ giáo dục cho con cái từ 2.000-5.000 tệ (khoảng 7-17,5 triệu đồng) cùng nhiều đãi ngộ khác.
Vậy là chỉ với 4 chiếc bàn nhỏ, từ một cửa hàng khiêm tốn được mở ra với số vốn ít ỏi, giờ đây Haidilao đã trở thành một chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất Trung Quốc.
Haidilao có thể phát triển rực rỡ như ngày hôm nay, một phần không thể thiếu chính nhờ sự quản lý tài ba và ý chí quyết tâm, không ngừng nỗ lực của Trương Dũng. Ông đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho rất nhiều người từng nếm trải thất bại và đang có ý định lập nghiệp khác.
Link bài gốc
Footer Subheading
Message Submitted!