Từ tiệm tạp hóa đến đế chế siêu thị của ông chủ Walmart

Với chiến lược kinh doanh giá rẻ nhất có thể, hướng về thị trường nông thôn, Sam Walton xây dựng thành công hệ thống siêu thị Walmart lừng danh.

Khi mở tiệm tạp hóa nhỏ vào năm 1945 tại thị trấn Newport, một khu vực hẻo lánh của nước Mỹ, Sam Walton đã mang trong mình khát vọng chinh phục thị trường nông thôn, nơi nhiều “ông lớn” lĩnh vực bán lẻ lúc đó bỏ quên.

Chiến lược bán hàng giá thấp, tiết kiệm chi phí tối đa đã đưa ông trở thành tỷ phú và đặt nền tảng cho đế chế siêu thị hàng đầu Walmart vươn ra toàn nước Mỹ, chinh phục thị trường thế giới.

Số nhân viên của Walmart hiện nay hơn 2 triệu người, làm việc tại 8.500 siêu thị toàn cầu và phục vụ hơn 200 triệu khách hàng ghé đến mỗi tuần.

Quay trở về năm 1945, sau khi xuất ngũ, chàng trai trẻ 24 tuổi Sam Walton mở cửa hàng tạp hóa đầu tiên cùng vợ tại thị trấn nhỏ của bang Arkansas để kiếm sống. Đó là cửa hàng nhượng quyền thương mại của thương hiệu Ben Frankin. Ông sớm bắt đầu bán hàng giảm giá và nhận ra một bài học kinh doanh vô cùng đơn giản: bằng việc cắt giảm giá, ông đẩy mạnh được doamh số bán đến mức có thể kiếm được nhiều hơn so với việc bán sản phẩm giá cao.

“Trong lĩnh vực bán lẻ, điều đó có nghĩa là bạn hạ giá nhưng lại kiếm nhiều hơn nhờ số lượng bán ra”, Walton chia sẻ. Ông tin rằng, cửa hàng giảm giá sẽ có sức sống lâu bền ở những thị trấn nhỏ, nơi dân số khoảng tầm 5.000 người hay thậm chí ít hơn.

Điều này xuất phát từ đối tượng mà cửa hàng của ông muốn hướng đến. Đó là tầng lớp lao động bình dân, trung lưu, những người ít khi để tâm đến thương hiệu mà chỉ cốt yếu tìm mua nhu yếu phẩm giá rẻ.

Chiến lược của Walton đã thành công, chỉ trong 3 năm, doanh số bán hàng đã tăng từ 80.000 USD lên 225.000 USD và thu hút lượng lớn khách hàng đến mức chủ đất đã tăng giá thuê lên để buộc Walton phải rời đi.

 

Sam Walton (giữa), người sáng lập và phát triển đế chế siêu thị Walmart. Ảnh: Walmart.

Ông cùng vợ chuyển đến thị trấn Bentoville và mở của hàng thứ hai của mình, vẫn nhượng quyền thương hiệu Ben Frankin. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ông dành số tiền tiết kiệm mua lại một tòa nhà và mở cửa hàng tại đó. Doanh số tăng trưởng hàng năm đều đặn, năm sau gấp đôi năm trước.

Với những thành công bước đầu, ước muốn mở rộng thị trường càng thôi thúc Walton. Ông cùng em trai mình đi nhiều nơi để tìm địa điểm mở các cửa hiệu tạp hóa tiếp theo. Họ thậm chí đã mua lại một chiếc máy bay cũ để mở rộng việc tìm kiếm.

Vào năm 1954, ở tuổi 36, ông thành lập một cửa hàng tại bang Missouri, khởi đầu cho chiến lược mở rộng ra toàn quốc. Để những người quản lý cửa hàng toàn tâm toàn lực với kế hoạch kinh doanh tham vọng của mình, ông cũng hứa để họ mua lại cổ phần công ty.

Với sự giúp đỡ của anh em, bố vợ và anh vợ, Walton đã sở hữu 16 cửa hàng tại ba tiểu bang, 15 trong số đó mang thương hiệu Ben Franklin. Lúc này, ông nhận thấy cơ hội mở rộng tại những khu vực xa xôi khi kinh tế đang ngày càng khá lên và tỷ lệ dân số cũng ngày một đông.

Ông cố gắng thuyết phục anh em nhà Butler, chủ thương hiệu Ben Frankin cắt giảm thêm giá bán sản phẩm, nhưng họ từ chối bởi không tin tưởng vào chiến lược của ông. Đó là lúc Walton nhận ra, mình cần tách ra và thành lập một thương hiệu riêng, cũng là khởi nguồn cho một thương hiệu bán lẻ lừng danh sau này.

Vào tháng 7/1962, cửa hàng Walmart đầu tiên được mở cửa tại thành phố nhỏ Ozarks, bang Arkansas. Bởi bán hàng giá rẻ trong những thị trường nhỏ, việc cắt giảm chi phí ở nhiều khâu là điều cực kỳ thiết.

“Bạn có thể phạm rất nhiều lỗi lầm và vẫn đứng lên được nếu bạn vận hành một hệ thống kinh doanh hiệu quả. Hoặc bạn có thể rất thông minh nhưng vẫn phá sản bởi hệ thống đó năng suất quá kém”, Sam Walton chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình.

Một trong những chi phí đắt đỏ nhất cho hệ thống của ông là việc vận chuyển. Khi Walmart phát triển, ông vạch ra tuyến đường đi tiết kiệm, đảm bảo tất cả cửa hàng cách nhà kho chứa hàng tối đa một ngày lái xe. Ông còn tự xây dựng đội xe tải vận chuyển để tiết kiệm tiền thuê mướn vốn dĩ đắt đỏ.

Càng có nhiều cửa hàng, ông càng tận dụng uy tín của mình để thương lượng giá cả với nhà sản xuất và đặt mua số lượng lớn để hàng hóa luôn bán ra với mức rẻ nhất.

Phương châm và cũng là kim chỉ nam của Walmart cho đến tận bây giờ mà Walton xây dựng là “Save money. Live better”, có nghĩa là tiết kiệm tiền để có cuộc sống tốt hơn. “Tôi thực sự mong rằng hàng hóa giá thấp có thể giúp dân lao động và người ở tầng lớp trung lưu không còn lo nghĩ quá nhiều về đời sống của họ”, vị sáng lập ngẫm nghĩ.

Chính những điều này đã đem lại sự thành công vượt bậc cho Walmart khi chỉ 7 năm sau ngày thành lập, Sam Walton sở hữu 38 cửa hàng với doanh thu hơn 44 triệu USD. Năm 1970, công ty chính thức bước lên sàn chứng khoán.

Thế nhưng, cổ phiếu mà Walton và gia đình sở hữu vẫn luôn cố định không hề bị chia nhỏ ra, bởi ông muốn giữ mối quan hệ mật thiết với bố vợ cũng là người hướng dẫn mình, ông Leland Stanford Robson.

“Qua nhiều năm, cổ phiếu của Walmart gắn bó với gia đình chúng tôi. Ban Quản trị đưa ra những quyết định dựa trên sự đồng thuận, dù đôi lúc có tranh cãi, nhưng chúng tôi biết cách kiểm soát số tiền chi trả cho mỗi thành viên trong gia đình. Bằng cách đó, chúng tôi dồn toàn lực cho sự phát triển công ty hơn là phung phí chúng vào lối sống cá nhân sa đọa”, Walton nhớ lại.

 

Walmart hiện là chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, đón 200 triệu lượt khách mua sắm mỗi tuần. Ảnh: Fortune.

Vào những năm 1970, Walmart tiếp tục duy trì vị thế và sự bành trướng của mình. Hàng loạt cửa hàng liên tiếp mở ra tại các bang Kansas, Louisiana, Tennessee, Mississippi và Texas và thâu tóm 16 cửa hàng bán lẻ thương hiệu Mohr. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho sự tăng trưởng vượt bậc của thương hiệu này. Năm 1985, Walton sở hữu con số 800 của hàng trên toàn nước Mỹ.

Ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Walmart cũng là khi hệ thống của hàng chính thức có mặt gần 1.200 địa điểm với doanh thu hàng năm 15,9 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 200.000 người.

Khi bước qua tuổi 69, Walton đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hậu cần đầy tham vọng của mình: một mạng lưới vệ tinh lưới kết nối cửa hàng, nhà kho, văn phòng trên khắp nước Mỹ với trụ sở chính tại Bentonville.

Mạng lưới này cho phép trụ sở theo dõi hàng tồn kho và doanh số bán ra từng phút tại từng cửa hàng. Vào thời điểm đó, đây là mạng lưới vệ tinh tư nhân lớn nhất thế giới.

Khoản đầu tư khổng lồ này đã được đền đáp khi Walmart thu về lợi nhuận cao hơn so với các đối thủ bán lẻ khổng lồ khác như Kmart và Sears vào năm 1988. Hai năm sau, Walmart vươn lên trở thành nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và đồng thời đưa Walton trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất.

Walton thôi giữ chức Giám đốc điều hành vào tuổi 70. Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã trao tặng ông Huân chương Tự do vào năm 1992, năm cuối cùng của cuộc đời ông trùm kinh doanh. Đại học Kinh doanh Arkansas cũng được đổi tên thành Cao đẳng Kinh doanh Sam M. Walton để vinh danh ông.

“Có lẽ tôi sinh ra là một thương nhân, đó là số phận hay không, tôi chẳng hề biết. Nhưng có một điều mà tôi biết chắc chắn: tôi thích ngành kinh doanh bán lẻ ngay từ ban đầu”, vị tỷ phú chia sẻ.

Vào thời điểm ông qua đời vào năm 1992, Walton đã để lại tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD cho những người thừa kế của ông. Ngày nay, gia đình Walton vẫn nằm trong danh sách những người giàu nhất ở Mỹ, với tổng giá trị ròng khoảng 140 tỷ USD kể từ năm 2017.

Nguyên Thanh (VnExpress)

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928