Khi quỹ chỉ số ra đời năm 1976, những người ủng hộ nó từng bị chê cười. “Họ nghĩ chúng tôi bị điên”, một người tiên phong nhớ lại. Giờ đây chẳng còn ai có thể chê cười loại hình đầu tư này nữa.
Index fund (quỹ đầu tư theo chỉ số) là loại hình quỹ được xây dựng nhằm mang lại cùng một mức thu nhập như mức mà nhà đầu tư mong muốn khi sở hữu tất cả các cổ phiếu trong một bảng chỉ số riêng nào đó – ví dụ như chỉ số S&P500. Đây thường được coi là loại hình đầu tư thụ động, đối lập với đầu tư chủ động theo cách thông thường.
Ban đầu, ý tưởng về một quỹ đầu tư chỉ số được coi là một trò đùa. Bạn có sẵn sàng mua vào hàng trăm cổ phiếu một lúc và sau đó để mặc cho thị trường quyết định mức lợi suất mà mình sẽ thu được?
40 năm trước, khi mà hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển và máy tính còn hiếm hoi, ý tưởng ấy càng trở nên điên rồ hơn. Ngoài ra quỹ đầu tư chỉ số còn làm phật ý những nhà đầu tư luôn tự hào về khả năng chọn ra những cổ phiếu tốt nhất trong hàng nghìn cổ phiếu trên thị trường.
Khi mới ra đời, quỹ chỉ số chỉ nhận được sự thích thú từ các giáo sư kinh tế và một số sinh viên tài chính được cho là dị biệt. “Gần như tất cả những người còn lại đều nghĩ rằng đó là một ý tưởng điên rồ”, Oldrich Vasicek nhớ lại. Ông là nhà toán học nằm trong nhóm những người làm việc với một trong những quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới.
Năm 1960, tạp chí Financial Analysts Journal đăng tải một bài báo của hai sinh viên tốt nghiệp ĐH Chicago kêu gọi mô hình đầu tư không có quản lý. Trong bài viết có đoạn: “Các quỹ đầu tư chẳng thể chiến thắng được mức lợi suất trung bình mà các cổ phiếu đại diện cho các nhóm ngành mang lại, vậy thì tại sao lại không xây dựng một danh mục sẽ tự động mua vào các cổ phiếu của chỉ số công nghiệp Dow Jones hay của những chỉ số khác?”.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng nói luôn dễ hơn làm. Phải đến đầu những năm 1970, Vasicek và những nhà đầu tư khác ở ngân hàng Wells Fargo mới bắt đầu sử dụng máy tính để xây dựng các danh mục đầu tư theo chỉ số. Và phải đến ngày 31/8/1976 (tức là vừa tròn 40 năm trước), quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên mới chính thức ra đời.
Đó chính là sản phẩm của Vanguard Group – một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với 3.600 tỷ USD tài sản. Mua quỹ chỉ số cũng đã trở nên phổ biến. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua, theo ước tính của Morningstar, các nhà đầu tư đã rút 317 tỷ USD ra khỏi các quỹ đầu tư chủ động trong khi đổ thêm 373 tỷ USD vào các quỹ đầu tư chỉ số thụ động.
Quay trở lại năm 1976, một giám đốc quỹ đầu tư đã viết rằng hầu như tất cả mọi người đều tin rằng “các quỹ chỉ số chỉ là xu hướng kỳ cục nhất thời và do đó sẽ sớm biến mất”.
Người ta cho rằng những fan hâm mộ lớn nhất của quỹ chỉ số trong những năm 1970 hầu hết là những kẻ chỉ biết đến lý thuyết suông. Trong một bài viết đăng trên tờ Newsweek, nhà kinh tế học đạt giải Nobel Paul Samuelson ca ngợi các quỹ đầu tư chỉ số, nhà đầu tư “thật lỗi thời khi ảo tưởng rằng mình có thể chọn được những cổ phiếu giúp tiền của họ tăng gấp bốn lần”.
Cuốn sách “Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall” xuất bản năm 1973 được viết bởi nhà kinh tế Burton Malkiel của ĐH Princeton đã góp phần truyền bá ý tưởng rằng một nhà quản lý quỹ chủ động gần như sẽ không có cơ hội đánh bại thị trường trong dài hạn.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ trong giai đoạn đầu không có quỹ tương hỗ nào tồn tại được để chứng minh cho thị trường về “bước đi ngẫu nhiên”. Và các ông lớn trên phố Wall không muốn xây dựng một sản phẩm sẽ làm giảm lợi nhuận của họ.
May mắn cho tương lai của quỹ chỉ số, vào đầu năm 1974, quỹ Wellington sa thải Chủ tịch kiêm CEO John Bogle. Bogle thành lập Vanguard Group và 1 năm sau đó đã thuyết phục hội đồng quản trị của Vanguard đi đến quyết định cho ra đời First Index Investment Trust, quỹ tương hộ được thiết kế để đi theo chỉ số S&P 500. Bogle nhớ lại rằng quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên của thế giới chỉ có trong tay 11,3 triệu USD so với 150 triệu USD mà Vanguard hi vọng có thể huy động được từ nhà đầu tư.
Ban đầu Vanguard quyết định quỹ chỉ số sẽ không thể sở hữu tất cả 500 cổ phiếu trong chỉ số S&P. Thay vào đó, First Index Investment Trust (sau này được đổi tên thành Vanguard 500 Index Fund) chỉ sở hữu 200 cổ phiếu lớn nhất trong S&P 500 cùng 80 cổ phiếu nhỏ hơn được chọn lựa như những đại diện cho các cổ phiếu khác.
Từ năm 1977 đến 1979, quỹ này chỉ đánh bại 25% các quỹ tương hỗ khác và trong giai đoạn 1980 – 1982 tỷ lệ cũng chỉ lên đến 50%. Sau đó mới là thời kỳ quỹ có hiệu suất vượt trội hơn 75% các quỹ còn lại.
Các công ty đầu tư bắt đầu thử nghiệm với quỹ chỉ số từ giữa những năm 1980, mặc dù họ thu mức phí cao hơn. Là người đi đầu, Vanguard tiếp tục hạ mức phí và cho ra đời những loại hình quỹ chỉ số mới để nắm bắt cơ hội từ các cổ phiếu nhỏ hơn, từ toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán thế giới cũng như thị trường trái phiếu.
Đến năm 1995, Vanguard có thể tuyên bố “chiến thắng của quỹ chỉ số” dù các số liệu sau đó chứng minh rằng đó là lời khẳng định quá sớm. Từ đó đến nay các nhà đầu tư cũng dồn tiền nhiều hơn cho các quỹ ETF – hiện tổng giá trị tài sản đã lên đến 3.000 tỷ USD mà phần lớn là các ETF dựa trên chỉ số. Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers dự đoán con số sẽ chạm mốc 7.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Tài sản của Vanguard cũng đã tăng hơn gấp 3 kể từ 2008 đến nay.
Suy thoái và khủng hoảng tài chính càng khiến quỹ chỉ số được ưa chuộng hơn, vì nhà đầu tư ngày càng lưỡng lự không muốn trả mức phí cao chót vót cho các nhà quản lý quỹ chủ động và nhờ những biện pháp kích thích tiền tệ mà chỉ số S&P 500 đã hồi phục mạnh mẽ trong mấy năm gần đây.
4 thập kỷ trước, công ty nghiên cứu tài chính Leuthold đã gửi tới các khách hàng trên phố Wall một tờ rơi có dòng chữ “Các quỹ chỉ số không thuộc về nước Mỹ” đặt trên hình ảnh chú Sam. Và vừa mới tuần trước, Sanford C. Bernstein & Co. cảnh báo quỹ chỉ số cản bước con đường vươn tới cách phân bổ nguồn vốn hiệu quả nhất.
Các quỹ chỉ số vẫn dễ dàng bị chỉ trích. Nhưng rõ ràng khó có thể cười nhạo ý tưởng này như người ta đã từng.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!