Trượt đại học 2 lần, xin việc khắp nơi đều bị chối, Jack Ma đã xoay vần cuộc đời mình thành huyền thoại như thế nào?
Được viết theo lời kể của Duncan Clark, cố vấn của Alibaba từ những ngày đầu thành lập.
Khách du lịch đến Hàng Châu, Trung Quốc cuối thập niên 70 có thể vẫn còn nhớ một cậu thiếu niên gầy gò, hay cười, háo hức đứng ngoài cửa khách sạn Hàng Châu chỉ để bắt chuyện với họ hay tình nguyện dẫn họ du ngoạn khắp nơi trong thành phố. Cậu bé đó chính là Mã Vân với niềm đam mê lớn dành cho tiếng Anh từ khi còn nhỏ tuổi. Cậu thường nghe những bản radio kể truyện “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” bắt được trên đài hay không ngại đạp xe gần 1 tiếng đồng hồ vào trung tâm Hàng Châu để đứng trước cửa các khách sạn tìm gặp du khách nước ngoài.
Năm 1979, nhờ mối bang giao cựu tổng thống Mỹ Nixon thiết lập với Mao Trạch Đông, Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới. Từ lượng khách viếng thăm chỉ khoảng 728 người năm 1978, Hàng Châu vụt trở thành điểm du lịch với 40 ngàn du khách chỉ trong năm kế tiếp. Mã Vân, khi đó mới 15 tuổi, đã có rất nhiều “khách hàng” là các du khách muốn đi tour thưởng ngoạn thành phố.
Jack Ma cùng một du khách đến Hàng Châu
Thật tình cờ là một du khách Mỹ từng kết bạn với Mã Vân thời điểm đó có chồng và cha đều tên Jack. Bà đã gợi ý Mã Vân lấy tên đó làm biệt danh cho dễ liên lạc với bạn bè nước ngoài. Cũng từ đó mà cái tên này gắn liền với cậu, và mọi người hay gọi cậu là Jack Ma.
Đây chính là câu chuyện của một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới hiện nay. Thông minh, chín chắn và nhiều hoài bão nhưng con đường học hành của Jack Ma lại không hề suôn sẻ. Ông từng thi trượt đại học 2 lần, bị từ chối gần như mọi lần ông ứng tuyển vào các công việc, thậm chí còn không vào nổi KFC khi hãng này có cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Trung Quốc. Không ai nghĩ con người này có thể tạo nên tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba ngày nay.
Câu chuyện về quá trình đi lên của Alibaba cũng gắn liền với thời kỳ cải cách chuyển đổi đáng kinh ngạc ở Trung Quốc. Duncan Clark, cố vấn biên tập của trang The Guardian danh tiếng cũng kể một câu chuyện đầy cảm hứng “Alibaba: Ngôi nhà Jack Ma đã gây dựng” mà bạn sẽ được nghe ngay dưới đây.
Clark là cố vấn cao cấp của Alibaba từ những ngày đầu mới thành lập, ngay sau khi Jack Ma và nhóm bạn bè đồng nghiệp quyết định thành lập một công ty Internet từ căn hộ nhỏ bé bề bộn của họ ở Hàng Châu. Đây là một quyết định táo bạo và đi trước thời đại, vì khi đó mới là năm 1999, rất ít người Trung Quốc có mạng để dùng. Giới chức Trung Quốc vẫn rất nghi ngại các sản phẩm dịch vụ có thể khiến họ không kiểm soát được dòng chảy thông tin trong nước. Khi mới gặp Jack Ma, Clark là một chuyên viên tư vấn tại đại lục. Ma nói với ông rằng anh chẳng ham hố trở thành doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, mà muốn doanh nghiệp của mình phải là “số một toàn cầu”.
Và thời mới khởi nghiệp
Tâm thế này có thể gợi nhắc chúng ta về huyền thoại Steve Jobs với sự tự tin đôi khi mang chút ngạo mạn. Cũng như Jobs, Jack Ma sẵn sàng dành 15 năm cuộc đời xây dựng một công ty ban đầu nghe có vẻ ảo tưởng. Trước đó, ông đã khiến cho các đối thủ phải tự rút khỏi đường đua cũng như các nhà đầu tư từng nghi ngờ mình phải ngậm ngùi tiếc nuối vì đã không rót tiền vào Alibaba.
Ngày nay, đế chế kinh doanh của Alibaba bao gồm cả trang thương mại điện tử Taobao (tương tự Amazon) cho phân khúc bình dân và trang bán hàng Tmall cho phân khúc cao cấp với doanh thu hàng năm đã vượt cả chuỗi bán lẻ toàn cầu Wal-Mart. Alibaba cũng sở hữu Ali Pay, cổng thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới với lượng giao dịch hàng năm đạt ngưỡng 3000 tỷ USD.
Ông Clark cũng đưa ra các số liệu có lẽ chúng ta vẫn thường nghe về thị trường Trung Quốc thời kỳ này: tính riêng năm ngoái đã có khoảng 330 triệu người mua bán trên các trang của Alibaba với mức chi trung bình khoảng 1200 USD. Alibaba không hề sản xuất bất cứ thứ hàng hóa nào mà chỉ đưa ra một sàn giao dịch online, một chiếc ví điện tử và một số dịch vụ Internet khác, không hề thu phí người rao bán. Doanh thu khoảng 10 tỷ USD hàng năm của công ty hầu hết đến từ quảng cáo trên các trang bán hàng của mình.
Nếu Google từ khóa “Jack Ma”, bạn sẽ thấy không thiếu những kết quả là video quay cảnh ông đang chơi Mohawk, xỏ khuyên mũi và hát nghêu ngao ca khúc Can you feel the love tonight của Elton John trước một loạt nhân viên công ty. Không giống Steve Jobs, ông luôn tỏ ra vui vẻ và đặc biệt thích các câu cách ngôn, chẳng hạn như “Hãy tin vào chính mình cũng như giấc mơ của mình”, “Khách hàng là thượng đế, tiếp đến là nhân viên, sau cùng mới đến các cổ đông”. Ông cũng thường lôi chính những yếu điểm của mình ra bông đùa: “Tôi vẫn không thể hiểu nổi công nghệ Internet vận hành thế nào”. Nếu hỏi về bộ phim yêu thích thì Jack Ma sẽ trả lời đó là Forrest Gump, vì “mọi người nghĩ anh ta ngốc, nhưng thực ra anh ta luôn biết rõ mình đang làm gì”.
Jack Ma có một phẩm chất nổi bật là luôn táo bạo, dám dấn thân. Những ngày đầu thành lập công ty, ông ra sức “bán” tầm nhìn của mình với việc dẫn lời Bill Gates: “Mạng Internet sẽ sớm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta”. Nghe cũng khá hay, chỉ có điều Bill Gates thực ra chưa bao giờ phát biểu câu này. Về sau, Jack Ma giải thích: “Nếu tôi nói là ‘Jack Ma đã nói mạng Internet sẽ sớm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta’ thì ai thèm tin chứ? Tôi tin là một ngày nào đó chính Bill Gates sẽ phải thốt ra câu này”.
Nếu lấy Jack Ma làm nhân vật chính cho một bộ phim thì chặng đường từ lúc còn vật lộn với công ty mới khởi nghiệp cho đến khi trở thành CEO tập đoàn được định giá hàng trăm tỷ USD như hiện nay có đủ các tiêu chí biến bộ phim thành bom tấn. Không khó để hình dung ra cảnh Jack Ma khi mới đặt chân tới Mỹ, bị chĩa súng đe dọa, thắng 600 USD ở một sòng bạc Vegas rồi nhảy một chuyến bay đến Seattle nơi lần đầu tiên ông được chạm tay vào máy tính. Khoảnh khắc vô giá là khi tư vấn viên của hãng Seattle Internet giúp Jack Ma tạo một website cho công ty phiên dịch của ông hồi đó (đây là năm 1994 nên web chỉ đơn giản toàn chữ, không có hình) rồi vui mừng thông báo “Jack, ông có 5 email mới!”. Vị CEO nổi tiếng của giới công nghệ khi đó đã ngây ngô thốt lên “Email là cái gì vậy?”.
Với sự phất lên nhanh chóng của các gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon, nhiều nhà đầu tư tiềm năng khi đó đã không thèm đoái hoài gì đến công ty của Jack Ma. Goldman Sachs bán ra 33% cổ phần của mình năm 2004, ngay cả người kể câu chuyện này thuở đó cũng khước từ lời để nghị mua hàng trăm ngàn cổ phiếu chỉ ở mức giá 30 cent (khoảng gần 7.000 đồng) từ Alibaba. Theo lời Clark, “ đây là một sai lầm không thể chấp nhận” vì tính đến thời điểm Alibaba chào bán cổ phiếu lần đầu trước công chúng (IPO), số cổ phần đó đã trở thành 30 triệu USD!
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của câu chuyện. Điều thú vị nhất chính là việc Alibaba cũng mang trong chính nó bóng dáng của Trung Quốc hiện đại. Bạn có thể đọc trên đọc trên các tờ báo mạng hay các báo cáo chính thức, nhưng chứng kiến một doanh nhân 35 tuổi chạy vạy khắp nơi tìm nhà đầu tư để rồi mở phiên IPO lớn nhất trong lịch sử phố Wall 15 năm sau đó thực sự là một trải nghiệm đáng thưởng thức.
Chắc ai cũng còn nhớ thời điểm giảm giá ngày lễ độc thân năm ngoái ở Trung Quốc, Alibaba thực sự đã lập nên một kỳ tích khi chỉ trong 8 phút đầu tiên của ngày này, người dân Trung Quốc đã chi tới hơn 1 tỷ USD mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của Alibaba. Vào cuối ngày, con số này đã nhảy lên mức 14 tỷ USD, gấp 4 lần doanh số bán các sản phẩm trên toàn nước Mỹ ngày Cyber Monday (đồng loạt giảm giá các mặt hàng điện tử) cùng năm.
Vậy mọi người mua gì mà nhiều đến thế? Câu trả lời: Mọi thứ, từ trang sức, mỹ phẩm, đồ gia dụng cho đến ô tô hay nhà đất. Đàn ông thậm chí có thể thuê bạn gái tạm thời để ra mắt gia đình bè bạn. Clark cũng chia sẻ, ngoài sự phát triển nhanh chóng của người tiêu dùng online Trung Quốc, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến thành công của Alibaba chính là khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Mua sắm chưa bao giờ là món ăn khoái khẩu của người Trung Quốc. Lĩnh vực bán lẻ truyền thống cũng không đạt doanh số cao vì chất lượng dịch vụ nghèo nàn cũng như hạn chế lựa chọn cho người mua. Chính vì vậy mà các sàn thương mại điện tử thực sự là thiên đường mua sắm. Trong khi chỉ 10% người Mỹ mua sắm online thì ở Trung Quốc, con số này lên tới 40%. Theo lời ông chủ Alibaba thì “ở những nước khác, lượn các trang mua bán chỉ là một trong các phương thức mua sắm bình thường nhưng ở Trung Quốc, đó là một phong cách sống”.
Mặc dù Clark thuật lại câu chuyện dưới góc độ khách quan nhưng sự ngưỡng mộ ông dành cho Alibaba đã hiển hiện quá rõ ràng. Clark gọi CEO Alibaba là Jack và mô tả ông là một người cực kỳ giỏi trong việc thu hút vốn đầu tư cũng như nhân tài. Trong khi đó, ở phần cuối của câu chuyện, ông tiếp tục kể về những biến động tại thị trường Trung Quốc hiện nay cùng thương vụ mua lại tờ báo nổi tiếng South China Morning Post của Alibaba. Những chi tiết này cũng rất đáng lên tít lớn các báo thời gian tới.
Tuy nhiên những thứ đó vẫn không đáng nói bằng những quan ngại tới đây. Clark cũng rất tinh tường trong các nhận định của mình về Alibaba. Giá cổ phiếu công ty đã sớm tụt xuống ngay sau IPO, các vụ lùm xùm về quyền sở hữu trí tuệ với chính quyền Trung Quốc cũng như các vấn đề về cơ chế chống hàng nhái xâm nhập các sàn mua bán của Alibaba đã và đang ngày càng nghiêm trọng.
Điều gì sẽ tới với Jack Ma và Alibaba? Hiện công ty vẫn đang tích cực bành trướng sang các nước khác cũng như xuống các vùng nông thôn Trung Quốc. Jack Ma cũng đang dành mối quan tâm lớn cho các hoạt động thiện nguyện, nỗ lực gây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu như Bill Gates qua các khoản đầu tư vì xã hội hay vào nghiên cứu môi trường. Theo Jack Ma, Trung Quốc đang phải trả một cái giá rất lớn cho việc tự biến mình thành công xưởng của thế giới. “Nguồn nước đã không còn uống nổi, thức ăn cũng không thể dùng nổi…còn bầu không khí thì đã ô nhiễm đến mức che cả mặt trời”. Chính vì vậy, một phần cổ phiếu của Alibaba sẽ được trích vào một quỹ chuyên giúp cải thiện các vấn đề môi trường ở Trung Quốc.
Jack Ma hiện đang được coi như một tượng đài lý tưởng ở Trung Quốc thế kỷ 21. Clark kết thúc câu chuyện của mình bằng một câu hỏi bỏ ngỏ: Liệu Jack Ma và Alibaba vẫn sẽ tiếp tục tiến lên phía trước hay sẽ bắt đầu hứng chịu hậu quả của việc đi lên quá nhanh? Nói cách khác thì liệu Alibaba có thể tiếp tục phát triển hùng mạnh ngay cả với những sóng gió của nền kinh tế Trung Quốc và mô thức kinh doanh mà Clark gọi “chơi trò vờn bắt với chính phủ”? Business Week từng có bài viết nhận định “chiếc thảm thần kỳ của Alibaba sẽ không còn cất cánh lên được nữa”, tuy bài này đã ra đời từ năm 2001. Jack Ma thì vẫn rất cương quyết với câu nói “Quân tử dù thế nào cũng phải trụ đến cùng” mà có lẽ không ai có thể bác lại.
Trí Thức Trẻ/GenK
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!