Trước khi trở thành tỷ phú, tài sản duy nhất mà Elon Musk có chính là sự thông minh nhạy bén và sự kiên trì vượt qua mọi thất bại: “Hiện tại các bạn nhìn thấy tôi là một doanh nhân rất thành đạt và có rất nhiều tiền đúng không? Nhưng tôi không phải là người tài giỏi tuyệt đối về mọi mặt, tôi cũng từng mắc rất nhiều sai lầm và thất bại”, tỷ phú Elon Musk chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ Foundation rằng bản thân ông đã gặp nhiều thất bại trong cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Elon Musk cũng nộp đơn xin việc ở khắp nơi nhưng lại kết quả lại không như mong đợi: “Khi tôi đến Netscape để phỏng vấn, tôi không dám bắt chuyện với bất cứ ai. Tôi là một kẻ nhút nhát nên chỉ đứng đó và nhìn người ta nói chuyện. Cuối cùng, tôi đã bị Netspace từ chối”.
Năm 2000, sau khi thành lập hệ thống thanh toán trực tuyến Paypal, Musk muốn sử dụng phần mền Microsoft chứ không phải Unix như cộng sự CTO Max Levchkin yêu thích. Sự cạnh tranh căng thẳng cùng với khoảng thời gian Paypal gặp khó khăn thâm hụt 10 triệu USD mỗi tháng đã khiến sự nghiệp của Musk đi xuống nghiêm trọng. Vì thế, Musk quyết định nhượng quyền điều hành Paypal lại cho eBay.
“Lẽ ra tôi không nên có quyết định bỏ việc khi gặp khó khăn. Tôi đã từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình trong lúc toàn thể công ty phải đối mặt với căng thẳng. Tôi đã nhận ra rằng bản thân nhút nhát nhường nào khi trốn tránh thất bại”, Musk nói.
Sau thất bại với Paypal, Elon Musk lại tiếp tục thành lập công ty thứ ba của ông là SpaceX. Để nó trở thành một trong những tập đoàn trị giá tỷ đô như hiện nay thì Musk cũng gặp không ít thất bại. Ông đã đổ vào công ty 100 triệu USD với mục đích chế tạo tên lửa nhưng ba chiếc tên lửa đầu tiên đã phát nổ trước khi tiến vào quỹ đạo bay.
May mắn, chiếc thứ 4 thành công giúp công ty kiếm về hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với NASA. Thế nhưng giai đoạn đầu phát triển, khó khăn liên tiếp khó khăn, những sản phẩm mới như tên lửa Falcon 9 trị giá 50 triệu USD lại phát nổ lại một lần nữa khiến người ta tưởng rằng SpaceX có thể bị sụp đổ tại thời điểm đó.
Tuy nhiên không giống với những lần trước, Musk không nản trí và trở nên tuyệt vọng mà ngược lại ông đã miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân tên lửa liên tục phát nổ trước khi vào không gian. Thật đáng kinh ngạc bởi vì chỉ trong vòng hai tháng, vị CEO đầy tâm huyết của SpaceX đã tìm ra điểm lỗi cốt lõi trong việc thiết kể và sản xuất những chiếc tên lửa này.
Sau tất cả những nỗ lực để vượt qua những thất bại đó, người ta đã nhìn nhận Elon Musk là thiên tài công nghệ của thế kỉ 21. Jim Cantrell, người đồng sáng lập SpaceX cũng phải công nhận sự học hỏi và phấn đấu vì mục tiêu của anh bạn mình: “Một khi Elon đã có mục tiêu rồi thì anh ấy lao vào học, học liên tục. Cũng nhờ Elon rất thông minh và nhanh nhạy nên anh ấy học hỏi mọi thứ rất nhanh. Anh ấy học ở mọi nơi, từ mọi người, từ kiến thức sách vở cho tới kinh nghiệm thực tế.
Elon Musk thành công không phải chỉ nhờ có tầm nhìn xa trông rộng, thông minh kiệt xuất hay vì anh ấy làm việc cực kỳ chăm chỉ mà có một điều cực kì quan trọng làm nên sự khác biệt của anh ấy. Đó là khả năng đương đầu với thất bại. Trong từ điển của anh ấy dường như không có từ thất bại hay từ bỏ”.
Elon Musk là người có thể dạy cho bất cứ doanh nhân nào bài học về nghệ thuật thất bại. Ai cũng trải qua những lần thất bại trong cuộc sống. Thậm chí, số lần chúng ta thất bại còn nhiều gấp vạn lần thành công. Thomas Edison trước khi trở thành nhà phát minh vĩ đại của lịch sử cũng từng gặp vô số thất bại. Abraham Lincoln từng là người thua cuộc trong chiến dịch bầu cử trước khi trở thành tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Tất cả những con người vĩ đại đó đều đã thất bại không dưới một lần. Họ thất bại nhưng không có nghĩa là họ không thể đứng lên và bước tiếp.
“Thất bại ở đây là một sự lựa chọn. Nếu không có thất bại thì sẽ không có đủ động cơ để đổi mới. Vì thế, nếu điều gì đó đủ quan trọng thì cứ thử đi, thậm chí kết quả có thể là sự thất bại thì cũng đừng e ngại”, Elon Musk nói.
Nguyễn Linh (Trí thức trẻ)