Tỷ phú lông dê

Hãy tưởng tượng một chiếc áo khoác cardigan làm từ len cashmere có giá thấp nhất… 3.000 USD! Rồi hãy lắng nghe người đàn ông đứng sau nó nói về giá trị của chiếc áo để hiểu vì sao ông gọi đó là hàng “siêu xa xỉ” mà ông cho rằng những người trẻ mới hiểu rõ về nó. Ông ấy là Brunello Cucinelli – người tự nhận “tôi là gã đàn ông len cashmere”.

 

 

Ông vua cashmere

Hằng năm cứ đến mùa xén lông dê là người ta lại thấy một người đàn ông Ý tầm 60 tuổi thơ thẩn trên cao nguyên Mông Cổ, nói chuyện với những người chủ đàn gia súc để tìm ra loại len tốt nhất phục vụ cho nhà mốt mang tên ông – Brunello Cucinelli. Và câu chuyện đi lên từ hai bàn tay trắng của ông bắt đầu năm 1978 với quyết tâm “tôi muốn làm ra cái gì đó mà về lý thuyết không bao giờ chết” với số vốn hơn 500 USD mượn từ một người bạn.

Cucinelli chọn len cashmere bởi “tôi luôn bị len cashmere và chất lượng vượt thời gian của nó hút hồn. Bạn khó mà vứt đi loại len này”. Thế là anh chàng Cucinelli 25 tuổi đã thuyết phục một anh bạn cùng quê 28 tuổi làm nghề nhuộm giúp anh biến ý tưởng “nhuộm lông dê” thành hiện thực. “Không, không. Đây là len cashmere. Mày không thể nhuộm nó. Mày điên hả?” là phản ứng đầu tiên của anh bạn này, nhưng sau khi bị Cucinelli dụ dỗ thì anh bạn đã gắn bó với Cucinelli tận thêm 30 năm nữa.

Lô hàng đầu tiên của Cucinelli năm đó là 53 chiếc áo len cashmere cho một nhà bán lẻ ở miền bắc nước Ý. Đó là lúc ông giã từ “quãng đời vui vẻ” mà ông vẽ ra cho mình từ năm 15 đến 24 tuổi bởi “suốt ngày chỉ lai vãng ở các quán cà phê. Tôi không học hành gì nhiều. Năm 1968 chứng kiến các cuộc cách mạng văn hóa nên cuộc sống quán bar ở Ý sôi nổi với những tranh cãi, triết lý xoay quanh tôn giáo, chính trị và nữ quyền. Đó là trường đại học cuộc đời của tôi. Tôi là một thanh niên híp py”. Và đó cũng là lúc cậu sinh viên đại học ngành cơ khí quyết định bỏ học nửa chừng.

Từ cột mốc 53 chiếc áo đó ông tiến lên thành lập công ty mang tên ông năm 1985 rồi tiến đến đợt mở bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) rất thành công năm 2012, sau đó công ty vẫn như con thuyền phăm phăm tiến về phía trước bất chấp những cơn gió mạnh của khủng hoảng kinh tế. Doanh thu nửa đầu năm 2014 tăng 11,6% lên 175,8 triệu euro và lợi nhuận sau thuế tăng 18,6% lên 15,6 triệu euro. Mạng lưới hơn 90 cửa hàng mang tên Brunello Cucinelli trải dài từ châu Mỹ (New York), châu Âu (Paris), châu Á (Hồng Kông) sang Nam Mỹ (Brazil). Đầu năm 2015 này, Cucinelli nhắm đến thị trường tiềm năng Ấn Độ. Đây sẽ là thị trường xuất khẩu thứ 63 của công ty trong hành trình đạt đến con số 70 trước khi Cucinelli nghỉ hưu.

Tuy được ca ngợi là ông vua cashmere của Ý nhưng Cucinelli không nghĩ rằng mình sẽ giống người đồng hương nổi tiếng Giorgio Armani là điều hành việc làm ăn cho đến 80 tuổi. Ông cho biết: “Khi quãng đời làm người trông coi công ty của tôi kết thúc, tôi sẽ bước sang một bên. Những ông già chẳng thể nào nói gì được về tương lai”. Và ông cũng xua tan những nghi ngại rằng ông sẽ để cho 2 cô con gái, hiện đang làm trong công ty, tiếp quản cơ ngơi của mình. “Bạn không thể thừa hưởng một công ty. Bạn có thể giành được quyền sở hữu nhưng không thể nào giành được khả năng điều hành nó. Tôi sẽ để các con của mình làm những gì chúng muốn”, ông nói rõ.

Người bảo hộ của Solomeo

Lớn lên trong một ngôi nhà “không nước, không điện đến nỗi lũ trẻ con quen rồi yêu luôn sự tĩnh lặng”, Cucinelli không mặc cảm về sự nghèo khó mà lại được nuôi dưỡng trong tình thương dành cho đất đai và động vật. Bởi đó là nguồn sống của một đại gia đình gồm 27 người sống trong một căn nhà không có gì khác ngoài một vách ngăn. Nhưng rồi cha ông bỏ ruộng lên phố với ước mơ làm việc cho nhà máy mà rồi sự mệt mỏi của lao động chân tay cùng với sự vỡ tan những ảo mộng của người cha đã gây ra cú sốc với cậu bé 15 tuổi Cucinelli.

“Ông ấy phạm lỗi và bị sỉ nhục. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của ông ấy”, Cucinelli kể lại. “Từ đó tôi bắt đầu say mê cuộc sống của thầy tu và thích thú với cuộc sống tinh thần. Tôi chưa bao giờ bị cuốn hút bởi những gì diễn ra hằng ngày. Và năm 15 tuổi tôi đã tìm thấy con đường và căn nguyên của mình. Tôi muốn được và muốn sống như một người bảo hộ của nhân phẩm”, ông nói cách đây 2 năm.

Và đúng như Cucinelli khẳng định, triết lý kinh doanh của ông chủ đế chế 1,5 tỉ USD này vẫn tiếp tục “mang phẩm giá đạo đức và kinh tế đến cho công việc thủ công và làm sao để nhân viên của ông được làm việc trong môi trường thoải mái nhất. Toàn bộ nhân viên của ông đều được trả lương cao hơn 20% so với những người làm việc đồng cấp ở các công ty khác.

Không chỉ thế, Cucinelli còn là người bảo hộ của ngôi làng Solomeo nằm trên ngọn đồi ở Umbria. Tòa lâu đài từ thế kỷ thứ 14 vốn bị bỏ hoang sau một cuộc khủng hoảng đã được ông mua lại để làm đại bản doanh cho tập đoàn. Như một cách trả ơn cho quê hương, một ước mơ lớn khác của đời ông là khôi phục lại ngôi làng này và xem đó là dự án kéo dài 30 năm.

Ông vua cashmere ấy xây dựng một đế chế thời trang xa hoa như thế nhưng cho biết “cuộc sống của tôi không hề thay đổi, nó đơn giản chứ chẳng hề phức tạp”. Vẫn sống ở ngôi làng này nhưng không trang bị cho cá nhân những biểu tượng của giàu sang như du thuyền, máy bay riêng mà ngược lại ông đầu tư xây dựng một sân vận động cho Solomeo cũng như thư viện, trường học nhằm bảo tồn những ngành nghề thủ công đang có nguy cơ bị mai một như may, đan, mộc…

Theo Thanh niên
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928