Vì sao các hãng bán lẻ thế giới không thể phát triển tại Trung Quốc?

Nội dung nổi bật:
 
– Trung Quốc từng được coi như một thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng hiện nay nhiều hãng bán lẻ lớn phương Tây lại chỉ dành được thị phần nhỏ và buộc phải rút lui. 
 
– Nguyên nhân: Chi phí thuê địa điểm, nhân lực cao và cạnh tranh thiếu công bằng, quá khốc liệt. 
 
– Bài học: "Đối với bán lẻ, điều quan trọng là địa phương chứ không phải quy mô toàn cầu". 
 

Sau khi quyết định rời khỏi thị trường Mỹ, Tesco gần đây đã đồng ý sáp nhập các cửa hàng của mình tại Trung Quốc vào hệ thống siêu thị Vanguard, một công ty con của doanh nghiệp nhà nước China Resources Enterprise. Trong liên doanh này, Tesco chỉ nắm 20% cổ phần và cái tên Tesco biến mất khỏi thị trường Trung Quốc.

Trường hợp của Tesco là ví dụ mới nhất về thất bại của các doanh nghiệp bán lẻ phương Tây tại thị trường Trung Quốc. Tesco vào Trung Quốc năm 2005 và mở rộng được 131 cửa hàng. Tuy nhiên, nhà bán lẻ Anh này chỉ đứng vị trí thứ 8 theo kích cỡ trong phân khúc siêu thị bán lẻ của Trung Quốc và chỉ chiếm 2% thị phần. Thất bại khác của các công ty phương Tây trong lĩnh vực bán lẻ tại Trung Quốc có thể kể đến là Home Depot và Best Buy. Home Depot gia nhập thị trường Trung Quốc năm 2006. 

Trong năm 2012, hãng này quyết định đóng cửa tất cả 7 cửa hàng. Best Buy cũng vào Trung Quốc năm 2006, nhưng thị phần trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng của Hãng chưa đầy 2%. Hai đối thủ địa phương Gome và Suning đã có số cửa hàng lên tới 3.000. Các nhà phân tích cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu Best Buy cũng sớm rút chân khỏi thị trường 1,4 tỷ dân này.
 
Tập đoàn bán lẻ Metro cho biết, đã dành ra số tiền lớn để dự phòng cho chi phí của rút khỏi Trung Quốc. Theo một số tính toán, con số này lên tới khoảng 130 triệu USD. Ngay cả người khổng lồ bán lẻ của Pháp là Carrefour cũng có tin đồn là đang tìm cách rút dần khỏi Trung Quốc.
 
Cách đây chỉ vài năm, các hãng bán lẻ phương Tây coi Trung Quốc như một thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Thế nhưng, đã có rất nhiều công ty buộc phải rút khỏi đây trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả thiếu công bằng. Ông David Lung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc, Công ty Deloitte, cho biết: "Thách thức lớn nhất chính là chi phí thuê địa điểm, nhân lực cao và cạnh tranh quá khốc liệt"
 
Những vấp ngã tại thị trường như Trung Quốc, Clive Black, nhà phân tích tại Shore Capital nói rằng sự phát triển của ngành siêu thị hiện đang bị chặn lại bởi "một bức tường vô hình". Chiến lược "U-turn" của Tesco tại Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy đầu tư của các siêu thị trên thế giới. 
 
Thay vì đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, các chuỗi siêu thị nổi tiếng như Wal-Mart hay Tesco lại co cụm, chỉ tập trung lại ở các địa phương có thị trường và kinh doanh có hiệu quả. Chẳng hạn, Wal-Mart tập trung Trung Quốc và Mỹ, Carrefour ở Tây Âu và châu Mỹ Latin, Tesco ở các quần đảo thuộc Anh, châu Âu và Đông Nam Á.
 
"Bức tường vô hình" mà Clive Black đề cập là sự khác biệt về quy mô địa phương và toàn cầu trong lĩnh vực bán lẻ liên quan đến chi phí sản xuất và dịch vụ vận chuyển, mức độ thích ứng địa phương.
 
Trong trường hợp của ngành công nghiệp bán dẫn, quy mô toàn cầu trong R&D và sản xuất là nền tảng cho lợi thế cạnh tranh, vì chi phí vận chuyển là rất nhỏ so với chi phí R&D. Trong khi đó, nhiều phân khúc của ngành bán lẻ (ví dụ siêu thị) đại diện cho một chiều hướng khác. 
 
Hầu hết các mặt hàng (sữa, thịt, dưa hấu, kem dưỡng ẩm…) đều có nguồn gốc địa phương ngay cả khi các nhà cung cấp là công ty của Coca-Cola hay Procter & Gamble. Tất cả các hoạt động khác, chẳng hạn như quản lý cửa hàng, lao động và hậu cần… gần như 100% địa phương. 
 
"Như vậy, đối với bán lẻ, điều quan trọng là địa phương chứ không phải quy mô toàn cầu", Business Week dẫn lời của các nhà phân tích. Đây là lý do tại sao ngay cả những tập đoàn hùng mạnh Wal-Mart Stores phải rút khỏi Hàn Quốc trước các đối thủ lớn của địa phương nhưng nhỏ về quy mô toàn cầu.
 
Theo Hà Cúc
 
Doanh nhân Sài Gòn
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928