G.S Amnon Shashua – ĐH Hebrew, người sáng lập Cognitens, OrCam và Mobileye. Ảnh: Israel21c. |
Đó không phải là vấn đề tài chính
Đây là một kết luận bất ngờ mà trang Israel21c đưa ra sau nhiều cuộc gặp gỡ với các doanh nhân đã có kinh nghiệm thành lập ít nhất 3 công ty tại Israel.
“Tôi cho rằng giá trị chung cơ bản mà những người liên tục tạo ra các công ty khởi nghiệp nằm ở sự đam mê tạo ra giá trị mới chứ không phải đam mê kiếm tiền. Kiếm tiền chỉ là một yếu tố phụ, không phải là mục tiêu phấn đấu của những doanh nhân tiếp nối ở Israel”, GS. Amnon Shashua của Đại học Hebrew, người sáng lập ra các công ty Cognitens, OrCam và Mobileye nói.
G.S Amnon Shashua cho biết niềm đam mê hiện thực hóa những ý tưởng công nghệ của ông phức tạp tới mức người ta nghĩ rằng khó có thể thực hiện được. Ông nói rằng công ty Mobileye của ông từng mất khá nhiều thời gian thiết kế một con chip điện tử thông báo tầm nhìn gắn trên xe ô tô để giúp lái xe an toàn hơn. Kết quả, sản phẩm này đã được cài đặt trên 1,5 triệu phương tiện giao thông vào năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục được đưa vào dây chuyền sản xuất xe ô tô.
“Kinh doanh có lợi là một phương thức để đạt mục tiêu”, G.S Amnon Shashua nhấn mạnh. “Mục tiêu cuối cùng là tạo ra tác động, tạo ra những giá trị lớn lao hơn cho cuộc sống – điều mà sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên và gây ảnh hưởng tốt”, ông nói thêm.
Điều này cũng được áp dụng với nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ khác nhau do những doanh nhân Israel sản xuất, phần lớn trong số họ đều từng vượt qua thất bại để đến với thành công.
Những tên tuổi có thể kể đến như: Dov Moran từ M-Systems (DiskOnKey); Avishai Avrahami từ Wix – một công ty nền tảng xuất bản web cá nhân lớn nhất thế giới; Yaron Samid từ BillGuard, nằm trong Top Finance App năm 2013 của TechCrunch; Israel Fraier – người sở hữu công ty khởi nghiệp ScanTask cung cấp phần mềm thu thập dữ liệu từ đám đông dành cho nông dân; Bob Rosenschein, người được biết đến với Answers.com ; và Itamar Shafir từ Maverick (trước đây là Appforma), một nền tảng marketing tự động hóa dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Luôn luôn sáng tạo
Doanh nhân và nhà đầu tư vốn mạo hiểm Elie Wurtman (đã đầu tư vào DeltaThree, NomadIQ, GreenRoad Technologies, Fulcrum Materials, trung tâm khởi nghiệp PICO, công ty NJOY sản xuất thuốc lá điện tử và Bat Shlomo Vineyards,…) cho biết, ông luôn có rất nhiều dự án cùng thực hiện một lúc.
|
Doanh nhân Elie Wurtman. Ảnh: Israel21c. |
“Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi là người tạo ra những công ty lớn dẫn đầu thị trường và tôi có khát vọng thực hiện điều này một cách liên tục”, ông cho biết thêm.
“Điều khiến bạn thích thú không phải ở việc tạo ra của cải, mà là tạo ra những cái mới”, Wurtman giải thích.
“Đặc điểm của những doanh nhân tiếp nối là họ không bao giờ ngừng liên kết những ý tưởng mới vào doanh nghiệp mới và họ coi trọng cuộc hành trình của mình hơn là cái đích. Theo tôi, đây là một đặc điểm mang tính dân tộc, vì bản thân tôi đã luôn xem những gì tôi làm như là một phần của cuộc hành trình để phục vụ nhà nước Do Thái. Thành công, theo tôi, được đo bởi số lượng việc làm có chất lượng được tạo ra”, Wurtman khẳng định.
TS. Ze'ev Ganor, một giảng viên cao cấp tại Viện Công nghệ Technion-Israel và đồng sáng lập của Urginea Ventures, người đã phân tích dữ liệu về các doanh nhân nối tiếp ở Israel từ năm 2005 nói rằng: Hiện tượng một doanh nhân thành lập nhiều công ty rất phổ biến ở Israel. Khoảng 10% doanh nhân Israel có ít nhất hai công ty trở lên, gấp đôi con số 5% ở Mỹ.
Tương tự như vậy, có khoảng 7,5% các doanh nhân Israel khởi nghiệp từ ba công ty hoặc nhiều hơn, trong khi chỉ có 3,75% các doanh nhân Mỹ làm như vậy.
Người Israel là những doanh nhân tiếp nối lý tưởng
TS. Ze'ev Ganor cho rằng có một số lý do về việc này.
“Người Israel luôn có xu hướng làm kinh doanh theo nền văn hóa Do Thái và hệ thống sinh thái doanh nghiệp tại đây. Họ dễ dàng tiếp thu những công nghệ mới và hình dung ra những cái mới. Họ suy nghĩ sáng tạo, năng động và luôn sẵn sàng làm việc trong môi trường có tính rủi ro”.
Những cân nhắc thực tế cũng cho thấy hiện tượng thoát ra (exit) sớm (khi tất cả số tiền giải ngân đã được thu hồi về an toàn theo đúng mục tiêu về lợi nhuận và thời điểm) cũng là một yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nối.
TS. Ganor gọi đó là những “yếu tố thúc đẩy”, ví dụ như nhu cầu vươn ra thị trường nước ngoài và sự khan hiếm nguồn đầu tư trong nước.
Hơn nữa, ông cho biết, người Israel không thích một doanh nghiệp lớn và cũng có xu hướng không gắn bó với một doanh nghiệp duy nhất.
Shashua bổ sung rằng người Israel không sợ khó khăn trở ngại “đôi khi đến mức họ không biết sự tồn tại của trở ngại đó vì niềm tin mạnh mẽ rằng họ chắc chắn có thể vượt qua được”, ông nói.
“Không có điều gì là bạn không thể thực hiện”
Boaz Arnon, một doanh nhân tiếp nối trong lĩnh vực điện quang học và thiết bị y tế, đã sáng lập ra công ty riêng là Real Imaging sau khi mẹ ông qua đời năm 2004. Ông muốn cung cấp giải pháp chụp thay thế không có tia xạ với độ chính xác cao hơn.
“Tôi sử dụng những ý tưởng mới liên tục nảy sinh trong tâm trí tôi, thực hiện chúng và biến chúng thành công việc kinh doanh mới”, Arnon cho biết.
Ông đã có hơn 20 bằng sáng chế kể từ khi rời quân ngũ, nơi ông đã thiết kế ra nhiều công nghệ sáng tạo.
“Điều bạn học được từ quân ngũ là không có điều gì mà bạn không thể thực hiện. Nếu bạn thấy mình cần phải làm việc gì, hãy thực hiện nó”, Arnon nói.
Với Arnon, tài chính cũng chỉ là thứ yếu. Ông nói rằng: “Một người có phẩm cách” mới là điều quan trọng nhất. Điều này ông đã học được từ một doanh nhân trẻ là sinh viên trường đại học Jerusalem College of Technology Eyal Shekel (người sáng lập ra nhiều công ty, trong đó có Chiaro Networks).
“Chắc chắn không dễ dàng gì khi khởi đầu một doanh nghiệp mới, và luôn có cái giá phải trả – tôi chỉ có 24 giờ mỗi ngày, và tôi còn có gia đình của mình – nhưng một doanh nhân tiếp nối không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi tiến đến một điểm mà họ cảm giác đã sở hữu điều gì đó trong tay và không thể đánh mất”, Boaz Arnon khẳng định.
Theo Israel21c