Sau bão Yagi, một số tổ chức quốc tế, chuyên gia và ngay cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng dự báo tăng trưởng bị ảnh hưởng, nhưng thực tế không u ám đến vậy.
Bà Nhung (63 tuổi) ở Hải An (Hải Phòng) dự định gom nốt tiền từ vụ hoa Tết năm nay rồi nghỉ an dưỡng tuổi già, ở nhà chơi với cháu. Thế nhưng, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam đầu tháng 9 khiến bà phải đổi kế hoạch. Yagi quét theo 30 vạn cành hoa lay ơn của gia đình, khiến họ mất trắng 300 triệu đồng. “Số đó gồm cả cây giống, hệ thống điện, đèn chiếu tại ruộng, và thuốc trừ sâu, phân bón dự trữ từ đầu vụ bị hư hỏng do nước ngập”, bà nói.
Gia đình này chỉ là một trong số hàng triệu người dân tại 26 tỉnh thành phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Đến 27/9, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 81.500 tỷ đồng, gấp gần 30 lần những gì mà thiên tai gây ra năm ngoái. Nhiều công trình công cộng, hạ tầng lớn của địa phương bị hư hỏng nặng nề.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023-2024, theo khu vực kinh tế
Các địa phương chịu ảnh hưởng chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Nhiều tổ chức, chuyên gia lo ngại nền kinh tế sẽ chịu “cú bồi” nặng nề sau bão. Song, theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản đặt ra trước đó (6,7%). Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%.
“Dữ liệu kinh tế GDP quý III gây ấn tượng với nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank bình luận. Theo ông, con số này nằm trong kịch bản khả quan nhất, cũng là quý tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái.
“Lũy kế 9 tháng, GDP tăng khoảng 6,8%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ 2023 (khoảng 4,4%). Mức tăng cao của GDP cho thấy ảnh hưởng của bão Yagi không quá lớn và kinh tế đang đà phục hồi mạnh mẽ”, ông Sơn nói.
Một góc Khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng sau bão Yagi vào ngày 18/9. Ảnh: Lê Tân
Dưới góc độ cơ quan quản lý, theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), bão Yagi gây thiệt hại chủ yếu tới ngành nông nghiệp nhưng khu vực này chiếm tỷ trọng chưa tới 12% trong cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, riêng 26 tỉnh thành bị ảnh hưởng chỉ chiếm hơn 20% tổng giá trị toàn ngành nông, lâm, thủy sản toàn quốc. “Tức là, khu vực bị thiệt hại chỉ chiếm dưới 3% tổng GDP cả nước. Do đó, không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung toàn của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản”, bà nói.
Tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm, giai đoạn 2011-2024
Nhìn tổng thể, đóng góp tăng trưởng GDP quý III chủ yếu đến từ trụ đỡ công nghiệp và xây dựng, tăng 9,1% và đóng góp 48,1% vào mức tăng GDP. Trong đó, chế biến chế tạo tăng 11%, mức cao nhất so cùng kỳ trong khoảng 6 năm trở lại đây. “Điều này khá bất ngờ cho giới đầu tư bởi hoạt động sản xuất có khoảng 1 tuần bị tác động trước và sau bão”, ông Sơn nói, cho rằng nguyên nhân có thể do quá trình phục hồi kinh tế sau bão nhanh nên bị không ảnh hưởng quá nhiều.
Thực tế, bão Yagi có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp trong tháng 9. Chẳng hạn, tại Hải Phòng, một trong hai địa phương chịu thiệt hại nặng nhất, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp và trên địa bàn đều bị ngừng trệ một thời gian. Việc này làm nhỡ tiến độ xuất hàng, khiến chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp, theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Phòng. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP tháng 9 của địa phương này ước tăng thấp nhất từ đầu năm, chỉ đạt 3,48% so với cùng kỳ.
Song, tính chung 9 tháng, Hải Phòng vẫn có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,77%, đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (6,82%). Tương tự, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi vẫn giữ được GRDP 9 tháng ở mức cao, như Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…
Nguyên nhân được lý giải là nhờ sức bật tích lũy từ những tháng đầu năm. Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho hay những địa phương ảnh hưởng bởi bão chiếm hơn 50% sản lượng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng mức độ thiệt hại không lớn. Theo bà, ảnh hưởng có thể chia làm hai dạng. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp như thành phẩm chưa kịp bán ra thị trường, vẫn ở trong kho nên bị ngập lụt, hư hỏng. Ảnh hưởng gián tiếp, ví dụ ngừng sản xuất do mất điện, lao động ở vùng lụt không thể đi làm.
Chưa kể, theo bà Nga, bão chỉ ảnh hưởng chủ yếu ở 2 địa phương là Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương khác không đáng kể. “Tuy nhiên, các tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trên 2 con số nên tháng 9 vẫn tăng cao. Nếu không có bão sẽ tăng cao hơn”, bà nói.
Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đều là những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 9 tháng qua.
Ngoài ra, những thiệt hại về kinh tế không phản ánh toàn bộ trong cách tính GDP cũng là một nguyên nhân. Con số hơn 81.800 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD) sẽ tương đương 0,76% GDP năm 2023 (430 tỷ USD). Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương sẽ chỉ tác động làm giảm 0,15 điểm % tốc độ tăng trưởng GDP năm nay.
Về phương pháp tính toán, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay những thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão Yagi chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế. Số này không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng, bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), phân tích, các tác động ngắn hạn (thiệt hại tài sản là đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp) là có thể có tác động ngay đến quý III, nhưng chắc chắn không quá nhiều. Cơn bão thực sự đổ bộ từ tuần 2 tháng 9 là tháng cuối quý.
Ông đánh giá thiệt hại tính chủ yếu về tài sản như hạ tầng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sẽ mang tính dài hạn. Tức là, các tài sản bị hư hỏng này sẽ dẫn tới đứt gãy tạm thời các nguồn cung hoặc chi phí đẩy cao. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng chậm khắc phục hoặc phải rà soát hàng loạt sẽ ảnh hưởng tới logistics, kéo theo chi phí đầu vào sản xuất công nghiệp tăng. Việc này sẽ tác động vào sản lượng, giá trị sản xuất của quý IV, thậm chí kéo dài sang 2025 nếu không khắc phục kịp thời.
Trong khi đó, tâm lý e ngại về tính an toàn sẽ kéo giảm du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc trong quý IV. “Mùa du lịch Tây Bắc, Hà Giang, Cao Bằng từ cuối tháng 9 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói. Du lịch bị ảnh hưởng có thể kéo theo suy giảm của ngành tiêu dùng, dịch vụ. VEPR cho rằng tăng trưởng quý IV chưa chắc đạt kỳ vọng hay có xu thế tăng đều như 3 quý đầu năm.
Tổ chức này cũng đưa ra kịch bản xấu hơn, với tăng trưởng cả năm chỉ quanh 6,8%. Dù vậy, theo chuyên gia VEPR, đích 7% vẫn có thể đạt với điều kiện kịp thời khắc phục các yếu tố gây đứt gãy sản xuất, giúp doanh nghiệp, nông dân nhanh chóng khôi phục. Ngoài ra, hạ tầng cũng cần đảm bảo, đầu tư công đẩy mạnh hơn nhằm bù đắp phần tác động giảm của tăng trưởng do bão.
Tại phiên họp trực tuyến với 63 địa phương tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các lãnh đạo bộ ngành, địa phương ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng để “GDP năm nay trên 7%”. Theo Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, sang quý IV, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, theo bà, mục tiêu tăng trưởng này là “vô cùng thách thức”.
Sự phục hồi kinh tế vẫn chưa đồng đều, đặt ra nhiều áp lực về cải thiện xuất khẩu, tiêu dùng trong thời gian tới.
Chuyên gia Chứng khoán VPBank lưu ý chỉ số PMI có dấu hiệu sụt giảm, từ mức trên 50 điểm xuống 47 điểm trong tháng 9. “Đây là một trong những phản ứng trước với diễn biến sản xuất công nghiệp, nhiều khả năng ảnh hưởng của bão Yagi có thể có độ trễ và chuyển dịch vào dữ liệu quý IV”, ông Trần Hoàng Sơn dự đoán.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại, có thể do ảnh hưởng của cơn bão Yagi vừa qua. Nhìn lại, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm từ tháng 7 và 8, đến khi bão Yagi xuất hiện càng giảm nhiều hơn. Hoạt động logistics bị ảnh hưởng rất rõ trong thời điểm bão Yagi, dù đã phục hồi rất nhanh nhưng vẫn ảnh hưởng đến số liệu vĩ mô trong ngắn hạn.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 299 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dệt may đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 8,9%. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã đủ đơn hàng cho cuối năm. Chẳng hạn, Dệt may Thành Công đã nhận được số đơn hàng bằng khoảng 92% kế hoạch doanh thu quý IV. Tính cả năm, họ đạt khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng. Hay Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có doanh thu 9 tháng ước hơn 13.000 tỷ đồng, bằng 72,8% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nếu nhìn dài hạn. Chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng hành chính nhân sự (Công ty May KLW Việt Nam), cho biết nhiều đơn hàng quốc tế nhận từ đầu năm nhưng chủ yếu là gia công trong nước. Họ hầu như không có đơn hàng dài hạn mà lại trở về cảnh “ăn đong”.
“Tăng lương tối thiểu vùng và nhiều chi phí khác độn lên khiến đơn giá không đủ cạnh tranh”, chị nói. Doanh nghiệp này đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng, song song với việc mời tư vấn để tìm cách giảm chi phí, tăng năng suất. “Việc này sẽ giúp giá thành cạnh tranh hơn, có cơ hội tiếp cận được thêm các nhãn hàng quốc tế”, chị Nga nói.
Không chỉ doanh nghiệp lớn, chị Mai Linh, chuyên cung ứng các sản phẩm thú bông móc len, phải chuyển địa điểm từ mặt bằng hơn 300 m2 tại TP HCM sang căn hộ hơn 100 m2 tại Hà Nội. Số lượng sản phẩm làm ra cũng giảm 40% do ít đơn hàng từ nước ngoài. “Giờ chủ yếu bán cho các cửa hàng tại thành phố lớn trong nước. Mỗi đơn chưa đến chục triệu, bằng một nửa cuối năm ngoái”, chị kể.
Còn về tiêu dùng, theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư của SSI Research, tăng trưởng tổng mức bản lẻ hàng hóa khoảng 5,8% trong tháng vừa qua, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng GDP.
“Điều này đang là vấn đề chung trong năm 2024, sự hồi phục của tiêu dùng đang có phần chậm hơn các cấu phần khác của nền kinh tế và chưa trở lại được mặt bằng tăng trưởng cao trong những năm trước đây”, ông nói.
Trong những năm tăng trưởng ổn định trước 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh thu bán lẻ hàng hóa thường duy trì ở mức 9-10% tính theo giá so sánh, cao hơn tăng trưởng GDP.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, theo dõi chặt diễn biến các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, cơ quan này cho rằng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được tập trung, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia của VEPR cho rằng phải nhanh chóng ổn định chuỗi cung ứng, logistics, nhất là từ nay tới cuối năm – mùa cao điểm của sản xuất, xuất khẩu. Cùng đó, doanh nghiệp phải có phương án chuẩn bị, lường trước bối cảnh có thể còn nhiều đợt bão trong thời gian tới.
Còn với những hộ nuôi trồng hoa màu, kinh doanh trông cậy nhiều vào thời tiết như bà Nhung ở Hải An, Hải Phòng, sau cơn bão, thay vì “rửa tay gác kiếm” ở nhà bế cháu, bà quyết định làm lại. Bà chuyển sang trồng những loại ngắn ngày, giá rẻ hơn như cúc, thược dược để kịp vụ Tết năm nay. “Tôi khóc hết nước mắt sau bão nhưng nhìn quanh làng ai cũng mất như vậy hoặc hơn. Phải nhanh chóng quay lại để bù đắp những gì đã mất”, bà nói.
– Đức Mạnh (Nguồn: vnexpress.net)
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!