Chưa phân loại

Ngày 28/12/1967, lịch sử ngành tài chính Mỹ bước sang trang mới khi Muriel Siebert trở thành người phụ nữ đầu tiên có được vị trí giao dịch chính thức trên Thị trường chứng khoán New York.là người phụ nữ duy nhất ở thị trường này trong 10 năm sau đấy.

Lúc bấy giờ, Siebert đã ví thẻ thành viên trên thị trường chứng khoán New York là "món đồ trang sức đắt nhất" mà bà từng mua, với giá 445.000 USD, cũng là thứ mà bà phải tốn công sức nhiều nhất để có được.

Là người phụ nữ duy nhất cùng 1.365 người đàn ông giao dịch tại Sở chứng khoán khi ấy, Siebert ban đầu không được hoan nghênh. Khắp nơi, người ta nghe thấy những từ bàn tán như "Váy xâm nhập Sở giao dịch" hay "Nước hoa xịt lên phố Wall"…, cùng với sự miễn cưỡng chấp nhận thay đổi của lịch sử. Cho đến khi Sở giao dịch chứng khoán New York có chủ tịch mới, bà mới được đón nhận nhiệt tình hơn.

Siebert không phải là người phụ nữ đầu tiên vượt qua sự phân biệt đối xử giới tính trong thế giới tài chính. Một trong các nhà đầu tư nữ đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ là Abigail Adams, người đã bỏ qua những hướng dẫn của người chồng trong việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khi ông đóng quân ở nước ngoài, thay vào đó là mạnh tay đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Tài khoản khổng lồ của Abigail thời ấy cho thấy bước đột phá vào thế giới đầu tư, nhưng cũng là nguồn gốc bất hòa trong cuộc sống của vợ chồng bà.

Ngoài ra còn nhiều ví dụ về việc phụ nữ đã vượt qua lịch sử, thậm chí che giấu cả giới tính của mình để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Trong số đó có những phụ nữ đầu tiên sở hữu một công ty môi giới ở phố Wall như chị em nhà Victoria Woodhull và Tennessee Claflin, những người đã đặt mua trang phục được thiết kế để giấu vẻ nữ tính của họ và hòa đồng với các đồng nghiệp nam.

Quay trở lại với Siebert, bà không hề có bằng đại học và phải bỏ dở con đường học tập của mình từ năm thứ hai vì bệnh ung thư của người cha. Năm 1954, bà đến New York với 500 USD trong túi và may mắn có việc làm trong vai trò là trợ lý nghiên cứu cho một hãng chứng khoán ở phố Wall.

(Bà Muriel Siebert lúc trẻ)

Sau khi được giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán, bằng những thành công vang dội trong đầu tư, bà thành lập công ty môi giới chứng khoán của riêng mình vào năm 1969. Siebert sau đó dần khẳng định vị thế và uy tín, xóa đi những kỳ thị và trở thành người giám sát toàn bộ các ngân hàng của bang New York vào năm 1977.

Lúc bấy giờ, Thời báo New York đã liên tục đăng tải các bài viết liên quan tới những người phụ nữ quyền lực và làm thay đổi lịch sử. Riêng với Siebert, có bài báo nói về bà với lời thán phục qua cách diễn tả "một đám đông 5.000 nhà môi giới, giám đốc ngân hàng và thư ký đang đợi một nữ nhân viên ngân hàng xuất hiện từ trạm dừng tàu điện ngầm phố Wall".

Hiện nay ở tuổi 80 (bà sinh ngày 11/2/1932 tại bang Ohio), bà vẫn tích cực điều hành công ty môi giới chứng khoán của mình và tham gia các hoạt động từ thiện.

Cũng kể từ khi có các bài báo ca ngợi bà Siebert tới nay, nhiều phụ nữ Mỹ đã có những bước tiến quan trọng về sự bình đẳng trong thế giới tài chính. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong năm 2010, có 53,2% các vị trí quản lý tài chính ở Mỹ là do phụ nữ nắm giữ và các vị trí nhà phân tích tài chính là 35,7%. Còn theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2011 về cán bộ điều hành phụ nữ tại 500 công ty thì có 18,4% nhân viên điều hành trong các ngành công nghiệp tài chính và bảo hiểm là nữ. Đây là con số không tồi, nhưng có lẽ trong thời gian không xa, sẽ tiến gần con số 50%.

Thu Ngân

Theo TTVN/Reuters

Xem chi tiết

Nhiều người nghĩ rằng họ cần đợi cho đến khi có đủ vốn, đủ lực rồi mới bắt đầu khởi nghiệp, nhưng Sanders thì khác. Không nhiều tiền, không có văn phòng và bất kỳ nhân viên nào ngoài người vợ thân yêu, ông vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình. Và cuối cùng, ông đã thành công. Kinh nghiệm của Sanders đã mang lại một bài học quý giá, đó là, những gì bạn có không bao giờ là quá ít để bắt đầu.

Không sinh ra trong một gia đình giàu có, Harland Sander mồ côi cha năm 6 tuổi. Năm 1896, thân phụ của ông Harland qua đời nên người mẹ phải lao động để trang trải cho gia đình. Vào cái tuổi lên 6, cậu bé Harland đã phải lo lắng việc chăm sóc cho các em nhỏ của mình và làm rất nhiều công việc bếp núc. Một năm sau đó cậu đã thành thạo một vài món ăn địa phương. Trong suốt 30 năm sau, Sanders đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, từ người điều khiển giao thông đến nhân viên đại lý bảo hiểm, nhưng trong suốt thời gian này, trình độ nấu ăn của ông vẫn không hề thay đổi.

Xem chi tiết

Từ cảm hứng trong chuyến đi Ý năm 1983, tạo doanh thu đột phá cho Starbucks, đến việc tích cực hoạt động xã hội và chính trị khiến Howard Schultz trở thành Doanh nhân của năm 2011 (Fortune bình chọn).
Vào tháng 9.2011, 2 ngày trước khi phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch tạo việc làm cho người dân Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho Howard Schultz, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (CEO)chuỗi cà phê Starbucks. Tổng thống Mỹ nghĩ đến Schultz vì ông là một nhà hoạt động chính trị rất tích cực. Schultz cho biết ông chán ngấy cách làm việc tắc trách của Washington khi các nhà chính trị vì lợi ích phe phái mà không thể thống nhất về các giải pháp dài hạn nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế của Mỹ. Vì thế, ông sẽ ngưng đóng góp tiền vào chiến dịch tranh cử sắp tới của những quan chức chính trị ở cả 2 đảng. Và điều quan trọng là ông đã vận động các doanh nhân khác tham gia với ông. Đã có hơn 140 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia, trong đó CEO của Pepsi, Disney, AOL, Thị trường chứng khoán New York và Nasdaq. Và ai cũng biết túi tiền quan trọng như thế nào đối với chiến dịch tranh cử của một quan chức.

Tổng thống Obama đã chú ý đến Schultz. Cả 2 đã nói chuyện hơn 30 phút (ông Obama và Schultz không hề có mối quan hệ cá nhân nào, cả 2 chỉ gặp nhau 1 lần cách đây đã nhiều năm). Schultz cho biết ông và Tổng thống đã thảo luận những vấn đề của đất nước, những khó khăn về ngân sách mà 42 bang đang phải đối mặt và cuộc khủng hoảng niềm tin ở Mỹ.

2011 quả là năm bận rộn và sôi nổi của Schultz, không chỉ trong hoạt động chính trị mà còn cả về kinh doanh – ông đã tạo sự tăng trưởng đột phá cho Starbucks. Với giá trị thị trường khoảng 33 tỉ USD, Starbucks là sự thèm khát của nhiều doanh nghiệp. Thương hiệu cà phê mà Schultz xây dựng trong hơn 25 năm qua chưa bao giờ mạnh như lúc này. Doanh thu của Starbucks đã đạt xấp xỉ 12 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.9.2011 và lợi nhuận đạt 1,7 tỉ USD. Trong đó, 1/3 doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu quý IV tài chính 2011 đã đạt 3 tỉ USD. Doanh thu tại các cửa hàng tăng 10% ở trong nước và 9% trên toàn cầu so với năm 2010. Giám đốc Tài chính Troy Alstead của Starbucks gọi những con số trên là “hiện tượng” trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái và giá cà phê tăng cao ngất ngưởng.

Giá cổ phiếu Starbucks cũng tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2008, xét trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ ảm đạm suốt năm qua. Tính từ đầu năm 2011 đến ngày 27.12.2011, giá cổ phiếu của Starbucks trên sàn Nasdaq đã tăng 40%, đạt 45,94 USD/cổ phiếu.

Tất cả những điều này là lý do để Tạp chí Fortune bầu chọn Schultz là Doanh nhân của năm 2011.

Cảm hứng từ tách cà phê Ý

Điều khiến Schultz nổi tiếng là ông không chỉ bán cà phê mà còn tạo ra một nền văn hóa giao tiếp mới tại Mỹ. Cảm hứng của ông đến từ chuyến đi Ý năm 1983. Khi đó, Schultz đã gia nhập Starbucks được 1 năm.

Tại Ý, ông đã khám phá ra những quán cà phê espresso (cà phê đen kiểu Ý) ở khắp Milan và Verona. Ông nhìn thấy các nghệ nhân pha chế cà phê espresso một cách điêu luyện. Và ông cũng khám phá ra nét văn hóa mới: người Ý xem các quán cà phê này là nơi thứ ba ngoài văn phòng làm việc và nhà của họ. Ông cũng làm một bài toán và nhận thấy Ý, quốc gia có dân số chỉ bằng 1/5 dân số Mỹ, lại có tới 200.000 quán cà phê như vậy.

“Tôi rất ngạc nhiên và phấn khích trước sức mạnh của ly cà phê. Chỉ một ly cà phê mà có thể kết nối được mọi người và tạo ra một cộng đồng thật sự”, ông viết như thế trong cuốn hồi ký xuất bản vào đầu năm 2011.

Quay về Mỹ, Schultz đã bỏ việc để mở quán cà phê espresso. Năm 1987, khi các nhà sáng lập Starbucks quyết định bán cơ nghiệp của mình, Schultz đã huy động được 3,8 triệu USD từ các nhà đầu tư để mua lại doanh nghiệp này.

Khi lên sàn vào năm 1992, Starbucks đã có 165 cửa hàng. Thời điểm đó, không ít chuyên gia Phố Wall đã hoài nghi về cách kinh doanh theo kiểu văn hóa cà phê của Ý, vốn xa lạ với người Mỹ. Thế nhưng, trong 8 năm tiếp theo, Công ty đã tăng trưởng tới 49%/năm (1992-2000). Schultz đã thực sự tạo ra được ngôi nhà thứ ba tại Mỹ.

Năm 2000, Schultz quyết định rời khỏi vị trí CEO nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch. Khi đó, ông 46 tuổi. Khi ông không còn điều hành công việc hằng ngày, Starbucks ban đầu vẫn bành trướng mạnh mẽ. Thậm chí, tại một số thành phố ở Mỹ, tỉ lệ quán cà phê Starbucks/đèn giao thông là 2:1. Đến năm 2007, Starbucks có tổng cộng có 15.000 cửa hàng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự bành trướng với tốc độ chóng mặt cuối cùng cũng dịu lại. Lượng khách hàng vào các cửa hàng bắt đầu giảm xuống lần đầu tiên, một phần là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Đầu năm 2008, Schultz đã quay trở lại vị trí CEO. Ông cho đóng cửa 800 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả tại Mỹ và sa thải 4.000 lao động. Nhân viên được đào tạo lại, công nghệ được cải tiến và công việc điều hành cũng được chỉnh đốn. Starbucks cũng bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức các chương trình vận động nhằm khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên cũng như tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm mới.

Khi trở lại, Schultz đã thay đổi cách thức điều hành: ông trở nên thận trọng, ít bốc đồng và có một chút gì đấy thư thái hơn. “Khi bạn thành lập một công ty, đó là mối quan tâm duy nhất của bạn. Bạn sẵn sàng xông pha vì không mất gì nhiều. Còn khi đã xây dựng một đế chế thì điều đó lại khác hẳn”, ông nói.

Sự thịnh vượng cuối cùng đã quay lại với Starbucks. Năm 2012, Schultz dự định sẽ mở thêm 200 cửa hàng tại Mỹ, đồng thời sẽ cải tiến 1.700 cửa hàng khác nhằm tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện và gần gũi khách hàng hơn. Starbucks cũng tung ra nhiều sản phẩm mới. Theo dự kiến, Công ty sẽ tung ra loại cà phê rang có vị rất dịu Blonde vào tháng 1.2012.

Ở thị trường nước ngoài, Công ty dự kiến sẽ mở thêm 600 cửa hàng; 25% trong số đó là ở Trung Quốc. Thị truờng Ấn Độ thì vẫn còn phải chờ đợi. Còn Việt Nam sẽ chào đón cửa hàng đầu tiên của Starbucks vào năm 2013. Tính tổng cộng, Starbucks đã có 17.000 cửa hàng, phủ khắp 50 bang của Mỹ và có mặt tại 56 quốc gia trên thế giới.

Một doanh nhân tích cực hoạt động xã hội

Trở thành gương mặt thu hút giới chính trị, có 1 năm kinh doanh vượt bậc chỉ là 2 trong số các lý do để Tạp chí Fortune bầu chọn Schultz là Doanh nhân của năm. Ông vượt qua bao gương mặt đình đám trong giới kinh doanh còn vì ông đã tạo ra được một môi trường làm việc khiến tất cả nhân viên đều hài lòng cũng như có những hoạt động xã hội thiết thực.

Có thể nói hầu như không doanh nghiệp nào ở Mỹ lại ưu ái nhân viên như cách Starbucks ưu ái 107.000 “đối tác” (cách Starbucks gọi nhân viên của mình) tại Mỹ của mình. Ngoài các khoản thưởng cổ phiếu, những nhân viên làm ít nhất 20 giờ/tuần đều nhận được phúc lợi y tế. Các nhà đầu tư tổ chức từng yêu cầu ông giảm các chế độ y tế cho nhân viên nhằm giảm bớt chi phí giữa lúc kinh tế bị suy thoái. Thế nhưng, ông đã từ chối. Schultz cho biết, điều đó là tối kỵ đối với đạo đức doanh nghiệp và như thế là tự mình đánh mất niềm tin của nhân viên. Theo ông, “làm điều đúng” (tức bảo đảm chế độ cho nhân viên) không hề mâu thuẫn với sứ mệnh của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, vì nó cũng sẽ củng cố lòng trung thành của nhân viên với Công ty và năng suất làm việc sẽ cao hơn.

Những điều ông đem lại cho nhân viên cũng xuất phát từ những điều đã ám ảnh ông khi còn nhỏ. Cha Schultz là cựu quân nhân thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau khi rời quân ngũ, ông đã làm rất nhiều việc từ công nhân, lái xe tải đến đánh xe ngựa… nhưng chưa bao giờ kiếm được quá 20.000 USD/năm. Là con trai cả trong số 3 người con, Schultz đã chứng kiến nỗi buồn trong cuộc đời đi làm của cha mình. Khi Schultz lên 7, ông về nhà và thấy cha nằm đau đớn trên ghế. Cha ông bị ngã khi đang làm việc, bị vẹo mắt cá chân và vỡ xương hông. Ông bị sa thải và gửi về nhà mà không có bảo hiểm y tế, không có bồi thường tai nạn hay trợ cấp thôi việc. Hình ảnh ấy đã ám ảnh và thôi thúc Schultz đến tận hôm nay. Đó là lý do ông luôn quan tâm đến đời sống của nhân viên và đối xử với họ một cách công bằng.

Không những thế, Schultz còn quan tâm đến đời sống của những người Mỹ bị mất việc làm. Ông rất bức xúc trước cách làm việc của giới chính trị Mỹ khi không giải quyết được những vấn đề của nền kinh tế. Ông cũng cho rằng không thể trông đợi vào Chính phủ, mỗi doanh nghiệp cần phải góp sức giúp đỡ cộng đồng.

Vì thế, năm qua, Schultz đã tung ra chương trình “Create Jobs for USA” (Tạo Việc làm cho nước Mỹ) cho doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ vay vốn, qua đó giúp tạo việc làm cho người dân. Khách hàng của Starbucks sẽ đóng góp của chương trình này. Khi ghé vào 6.700 cửa hàng của Starbucks trên khắp nước Mỹ, khách hàng có thể đóng góp bằng cách bỏ ra 5 USD mua dải băng đeo tay 3 màu đỏ-trắng-xanh với thông điệp Indivisible (Không thể chia cắt) trên đó.

Tiền đóng góp sẽ được gửi vào Opportunity Finance Network, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ vốn cho 180 tổ chức tài chính phát triển cộng đồng. Với 50 triệu khách hàng Mỹ thích ghé qua Starbucks nhâm nhi cà phê mỗi tuần, Schultz dự kiến sẽ huy động được hàng chục triệu USD. Hơn 100.000 dải băng đeo tay đã được tiêu thụ sau khi chương trình được tung ra vào ngày 1.11.2011. Quỹ Starbucks Foundation của Schultz đã tài trợ 5 triệu USD ban đầu. Schultz và vợ cũng hiến tặng một số tiền khá lớn. “Nhà lãnh đạo doanh nghiệp không thể là người đứng ngoài cuộc. Starbucks và các công ty khác có thể dùng sức của mình để làm điều gì đó tốt đẹp cho nước Mỹ”, ông nói.

Starbucks đã tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ. Năm 2011, trong khi hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm lao động, Starbucks lại tuyển dụng thêm 3.700 nhân viên. Công ty dự kiến sẽ tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động khác trong năm 2012.

Schutlz cho rằng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cần được định nghĩa lại, sâu sắc hơn. Vai trò của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông. “Cần có sự cân bằng giữa kinh doanh với trách nhiệm xã hội… Những công ty thực tâm làm điều đó cuối cùng sẽ hưởng được phần thưởng xứng đáng là tạo ra lợi nhuận nhiều hơn”. Kết quả kinh doanh vượt bậc của Starbucks trong năm 2011 là minh chứng rất rõ cho điều ấy.
 

Theo Ngô Ngọc Châu
NCĐT / Fortune

Xem chi tiết

Thành danh bằng chính tài năng ở mỗi lĩnh vực khác nhau, 5 CEO gốc Việt đều được truyền thông thế giới "săm soi" bằng những ngôn từ "đẹp" nhất.

Giám đốc sách lược Thong Nguyen của Bank of America

Thong Nguyen, người Mỹ gốc Việt, được đề cử làm Giám đốc sách lược của Bank of America, vào tháng 11/2011. Tờ Wall Street Journal đưa tin: Khi ông Brian Moynihan, Tổng giám đốc điều hành của Bank of America, ra trước hội đồng quản trị trong tuần qua để thảo luận về kế hoạch năm 2012 của ngân hàng, đã xuất hiện cùng với một chiến lược gia mới tinh là Thong Nguyen, khiến cho các giới chức nhà băng hết sức ngạc nhiên.

Thong Nguyen được đề nghị vào chức vụ nói trên sau khi người tiền nhiệm là Mike Lyons đột ngột từ chức vào tháng trước. Trong vai trò mới, ông sẽ trực tiếp làm việc với Tổng giám đốc điều hành của Bank of America.

Vị "sếp" gốc Việt này đã "kinh qua" các chức vụ phụ trách thương vụ, quảng cáo và phát triển kinh doanh của công ty General Electric, McKinsey & Co., IBM và U.S. Trust, trước khi gia nhập Bank of America vào năm 2004. Ông cũng từng làm việc chung với "sếp tổng" Brian Moynihan trong ban quản trị tài sản, trước khi ông này lên làm CEO của Bank of America.

Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ

Jack Truong, một người gốc Việt, đã được tập đoàn Electrolux AB của Thụy Điển bổ nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ và Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Electrolux, từ ngày 1/8/2011.

Ông Truong sẽ báo cáo trực tiếp cho Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Electrolux, Keith McLoughlin và là thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn. Trước đó, ông Truong giữ vị trí Phó chủ tịch và Tổng giám đốc công ty Phát triển nhà đất và xây dựng toàn cầu thuộc tập đoàn 3M.

Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ. Ảnh: Dow Jones

Sinh năm 1962, ông Truong có bằng tiến sĩ ngành kỹ sư hóa học của Học viện Rensselaer Polytechnic ở Troy, New York.

Phát biểu trong thông báo bổ nhiệm, ông Keith McLoughlin, Chủ tịch Electrolux, cho biết: “Chúng tôi rất vui được chào mừng ông Jack Truong đến Electrolux. Tại 3M, ông đã cho thấy khả năng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách áp dụng các công nghệ và cách tiếp thị mới nhằm đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng. Kinh nghiệm của ông sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn của chúng tôi với việc tập trung vào các nhãn hàng mạnh, sản phẩm mới có tác động cao và tiết giảm chi phí, tất cả là những thành tố quan trọng trong chiến lược của Electrolux".

Phó Chủ tịch điều hành kinh doanh toàn cầu Dzung T. Bui của Tập đoàn IBM

Cho đến nay, ông Dzung T. Bùi (Bui Tien Dung) được xem là  một trong những người thành công nhất trong tập đoàn tin học IBM.

Phó Chủ tịch điều hành kinh doanh toàn cầu Dzung T. Bui
của Tập đoàn IBM.

Bui Tien Dung sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP HCM. Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học với vẻn vẹn 150 USD trong túi và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Minnesota, tiểu bang Minnesota (Mỹ), Dzung T. Bùi nộp đơn xin làm việc tại Tập đoàn IBM và được nhận làm ở phòng thí nghiệm Rochester. Tại đây,  ông nhận thấy sở thích và năng lực bản thân phù hợp với lĩnh vực bán hàng, nên xin chuyển qua làm martketing và tiêu thụ sản phẩm (sales).

Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh doanh sản phẩm của Tập đoàn IBM, từ Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latin, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp công nghệ thông tin. Hiện, ông là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của tập đoàn này.

Chủ tịch Mitchell Pham của Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen

Ủy ban tuyển chọn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, do Nữ hoàng Jordan Rania Al Abdullah làm Chủ tịch, đã lựa chọn doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen (New Zealand ), là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, vào ngày 9/3/2011.

"Được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là một điều thật khó tin vì tổ chức này bao gồm những người kiệt xuất trên toàn cầu. Đây là cơ hội có một không hai, mà tôi sẽ nắm bắt bằng cả hai tay", doanh nhân Mitchell Pham phát biểu.

Chủ tịch Mitchell Pham của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen.

Mitchell Pham sinh ra tại Việt Nam, trong một gia đình cả bố mẹ và mấy anh chị em đều là kỹ sư. Năm 12 tuổi, anh theo gia đình sang định cư ở New Zealand, với cái tên Việt là Pham Đang Khoa. Khi đặt tên mới là Mitchell Phạm, ba mẹ anh đã gửi theo mong muốn con của mình sau này sẽ thành đạt về học vấn cũng như trong cuộc đời. Mitchell nghĩ mình đã thực hiện được phần nào tâm nguyện của đấng sinh thành.

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong sự nghiệp ở xứ người, Mitchell Pham chia sẻ: “Tính kiên cường chính là bí quyết thành công của tôi”. Và để minh chứng điều này, Mitchell đã nỗ lực học tập tại trường phổ thông và sau đó là trường đại học, làm thêm buổi tối và cuối tuần để kiếm tiền trả học phí. Năm 1993, với vốn đầu tư ban đầu 4.000 NZD (1 NZD tương đương14.500 đồng), Mitchell cùng 4 người bạn thành lập công ty phát triển phần mềm máy tính Augen, với quyết tâm phải làm bằng được một sản phẩm công nghệ thông tin.

Năm 2000, các thành viên bắt đầu tách ra hoạt động độc lập. Mitchell ở lại duy trì mọi hoạt động và tiếp tục phát triển Augen, với doanh thu mỗi năm khoảng 10 triệu USD; đồng thời, mở thêm 11 công ty con tại New Zealand, chuyên kinh doanh phần mềm và làm dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực thể thao, phần mềm giao dịch tài chính cho ngân hàng.
  
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015, theo doanh nhân gốc Việt này, tại New Zealand và trên thế giới, Tập đoàn Augen sẽ chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” để thâm nhập thị trường, nghĩa là tập trung khai thác và làm tốt dịch vụ công nghệ thông tin cho các công ty phần mềm lớn có thị trường tại nhiều nước. Thông qua họ, Augen có thể rút ngắn con đường mở rộng thị trường. Riêng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn sẽ chỉ làm phần mềm ở 2 mảng bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và đầu tư làm dịch vụ phục vụ ngành năng lượng xanh – sạch.

Giám đốc điều hành Jimmy Pham của tổ chức phi lợi nhuận KOTO

Cùng với doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, thì Jimmy Pham, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận mang tên KOTO, cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Khi nhận được giải thưởng này, Jimmy Phạm, cho biết, anh cảm thấy vô cùng vinh dự trước giải thưởng mà World Economic Forum dành cho và coi đây là niềm khích lệ với những công việc mình đang làm.

Jimmy Pham (giữa hàng sau cùng) được vinh danh
là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Jimmy Pham sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Sydney, Australia. Với tấm lòng nhân hậu và khả năng lãnh đạo tuyệt vời của mình, Jimmy đã giúp hàng trăm trẻ em lang thang trở thành những đầu bếp giỏi, những nhân viên nhà hàng chuyên nghiệp tại nhiều khách sạn và nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam thông qua việc thành lập tổ chức KOTO, một tổ chức đào tạo nghề nhà hàng phi lợi nhuận.

Gửi lời chúc mừng tới Jimmy, đại sứ Astralia tại Việt Nam nói: "Những việc anh đã làm được không chỉ là niềm tự hào của bất cứ một người Việt cũng như người Australia nào, mà còn là một điển hình khuyến khích mọi người dân và tổ chức có điều kiện quan tâm hơn đến việc giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi trong xã hội".  

Theo An Đông

Đất Việt

Xem chi tiết

Việc tập trung vào sản xuất đồ chơi cho bé trai đã đưa Lego khỏi khủng hoảng vào năm 2005. Nay với Lego Friends dành cho bé gái, liệu CEO Jørgen Vig Knudstorp có thành công?

Nếu đi vào các cửa hàng bán lẻ của nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego Group trên toàn thế giới hoặc các chuỗi siêu thị Wal-Mart, Target ở Mỹ, bạn sẽ thấy biểu tượng của Lego có mặt ở khắp mọi nơi với những bộ mô hình lắp ráp trực thăng, tên lửa, tàu hỏa… Mặc dù đồ chơi của Lego rất phong phú (năm ngoái Tập đoàn đã tung ra 545 sản phẩm) nhưng vẫn thiếu vắng một cái gì đó. Đó là đồ chơi dành cho bé gái.

Thực vậy, trong những năm qua, Lego chỉ tập trung vào việc sản xuất đồ chơi cho bé trai. Điều này đã giúp Lego tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ vào năm 2005. Theo báo cáo tài chính năm 2010 của Lego, doanh thu đã tăng 105% kể từ năm 2006. Và năm ngoái, Lego đã tạo ra 1 tỉ USD doanh số bán lần đầu tiên tại thị trường Mỹ.

Gerrick Johnson, chuyên gia phân tích tại BMO Capital Markets, người đã quan sát sức ảnh hưởng của Lego so với các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán như Mattel và Hasbro trong 10 năm qua, nhận xét: “Lego quả thực là công ty đồ chơi được ưa chuộng nhất trên thị trường”.

Và nay, Tổng Giám đốc (CEO) Jørgen Vig Knudstorp đã quyết định sẽ làm một cuộc đột phá tương tự cho thị trường đồ chơi dành cho bé gái. Vào ngày 26.12.2011 tại Anh và 1.1.2012 tại Mỹ, Lego sẽ tung ra bộ trò chơi Lego Friends gồm 23 sản phẩm khác nhau nhắm đến các bé gái từ 5 tuổi trở lên. Đi kèm theo đó là một chiến dịch marketing toàn cầu với tổng kinh phí 40 triệu USD. “Đây là đợt giới thiệu sản phẩm mang tính chiến lược và quan trọng nhất mà chúng tôi thực hiện trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Chúng tôi muốn nhắm đến 50% dân số trẻ em thế giới mà Lego chưa tiếp cận được”, ông nói.

Liệu Knudstorp có thể lặp lại thành công ở thị trường dành cho bé gái?

Đội quân “nhân chủng học” của Knudstorp

Tại Billund (Đan Mạch), nơi Lego đặt trụ sở và là ngôi nhà của người sáng lập Lego – ông Ole Kirk Christiansen – đã được cải tạo thành một viện bảo tàng với cái tên Idea House. Ngôi nhà này trưng bày những mẫu đồ chơi đầu tiên do Lego làm ra từ thập niên 1930 như yo-yo bằng gỗ hay con vịt gỗ kéo dây. Phương châm của Christiansen là “chỉ những thứ tốt nhất thì mới tồn tại được”. Đó là lý do vì sao Lego vẫn sử dụng loại nhựa đắt tiền hơn nhiều so với các đối thủ như Mega Bloks (Canada).

Idea House cũng trưng bày những thành công của Lego trong lĩnh vực trò chơi hiện đại như bộ trò chơi chiến tranh giữa các vì sao Lego Star Wars hay robot lập trình Mindstorms. Dù là những món đồ chơi bằng gỗ trong thời kỳ đầu hay các trò chơi hiện đại thì công nghệ lõi mà Lego ứng dụng vẫn không thay đổi. Đó là những khối, mảnh ghép có thể xếp dính vào nhau rất chặt nhưng cũng rất dễ lấy ra. Lợi thế cạnh tranh của Lego chính là tính chính xác cực kỳ cao với dung sai rất thấp chỉ 1/50 của milimét, tức chỉ bằng 1/10 của sợi tóc. Điều đó đã làm nên khả năng kết dính cực kỳ tốt giữa các khối lắp ráp hình của Lego và làm nên thương hiệu của công ty đồ chơi này.

Thế nhưng, các lợi thế cạnh tranh đó cũng không thể cứu Lego thoát khỏi cuộc khủng hoảng vào thập niên 1990. Khi đó, trẻ em dần dần từ bỏ đồ chơi truyền thống chuyển sang ưa chuộng các trò chơi điện tử. Cũng từ đó, Lego bắt đầu lạc lối. Để cứu vãn tình hình, Lego đã cố gắng bành trướng sang các lĩnh vực khác được xem là thời thượng, từ trò chơi vi tính, quần áo cho đến xây dựng các công viên Legoland ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không mang lại thành công. Đến năm 2004, Lego đã đối mặt với tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của Lego, cứ mỗi ngày Công ty lỗ gần 1 triệu USD.

Cũng trong năm đó, Knudstorp được đề bạt làm CEO của Lego. Mặc dù, khi đó ông mới 36 tuổi và là người ngoài, nhưng các ông chủ của Lego tin rằng Knudstorp có thể lèo lái Lego qua khỏi khủng hoảng (Knudstorp là CEO thứ tư của Lego và là người ngoài đầu tiên đảm nhiệm vị trí này).

Quả thực, lý lịch học hành của Knudstorp khá ấn tượng. Knudstorp có 2 bằng Thạc sĩ (Thạc sĩ Kinh tế và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ Trường Quản trị Sloan thuộc MIT và trường Harvard) và bằng Tiến sĩ Kinh tế ở Copenhagen trước khi làm việc cho hãng tư vấn McKinsey (Mỹ). Ở tuổi 30, ông là một trong những thành viên lâu năm nhất tại văn phòng Paris của McKinsey; 3 năm sau đó, ông phụ trách việc tuyển dụng cho McKinsey trên khắp châu Âu. Rồi ông đầu quân cho Lego và đến năm 2004 ông được giao trọng trách lèo lái Lego sau 6 tháng ở vị trí Giám đốc Tài chính tạm thời.

 

Khi ở vị trí mới, để đưa Lego quay trở lại đường đua, Knudstorp đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí rẻ hơn như Cộng hòa Séc, bán đi bộ phận công viên Legoland với giá gần 500 triệu USD vào năm 2005. Cũng trong năm đó, Knudstorp đã giám sát việc tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp để tăng sức đề kháng của Công ty trước những cú sốc tín dụng.

Knudstorp cũng đã giảm số thành phần trong các bộ trò chơi mới từ 12.900 mảnh xuống còn 7.000 mảnh. Ông còn thúc đẩy các nhà thiết kế đồ chơi Lego sáng tạo hơn. Những nỗ lực của ông đã mang lại kết quả. Năm 2005, Knudstorp đã tạo ra lãi ròng 87 triệu USD sau mức lỗ hơn 300 triệu USD năm 2004, trong khi doanh thu tăng 12%, đạt 1,2 tỉ USD.

Nhưng điều ông làm cho Lego không chỉ là những con số tài chính. Để tìm bản sắc cho các trò chơi của Lego, Knudstorp đã lập ra các nhóm nghiên cứu để tìm hiểu xem cách trẻ em sống và chơi như thế nào. Nhóm nghiên cứu này được Knudstorp tuyển chọn cẩn thận. Họ là những nhà thiết kế sản phẩm hàng đầu và các chiến lược gia về bán hàng của Công ty, kết hợp với các chuyên gia tư vấn bên ngoài. Những người này đi điều tra từng hộ gia đình ở nhiều nước trên thế giới để xem thị hiếu của các bé trai như thế nào. Cái họ nghiên cứu không đơn thuần là thị hiếu, sở thích mà còn là hành vi văn hóa của trẻ em. Đó là lý do các nhóm nghiên cứu của ông được gọi là nhóm “nhân chủng học”.

Trong suốt năm 2005-2006, nhóm nhân chủng học của ông đã phát hiện ra một số khoảng cách về văn hóa từ lâu không được đánh giá đúng mức. Những năm tháng điều tra nghiên cứu đã chứng minh nhiều giả định trước đây của Lego là không đúng và đó là lý do Công ty đã đi chệch hướng và bị thất bại.

Trước đây, để cạnh tranh với các trò chơi điện tử, Lego đã giảm bớt tính phức tạp trong các mô hình tòa nhà và cố gắng làm sao để trẻ có thể xây nhanh hơn bằng cách không quá thách đố chúng (Lego vẫn tin rằng trẻ thường không có độ tập trung tốt, nên rất chóng chán với đồ chơi). Thế nhưng, với các kết quả nghiên cứu từ nhóm nhân chủng học, Knudstorp đã nhận ra điều đó là sai.

Søren Holm, người phụ trách phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới Lego Concept Lab, cho biết: “Chúng tôi đã hỏi một cậu bé 11 tuổi người Đức, món đồ cậu ưa thích nhất là gì thì cậu bé ấy chỉ vào đôi giày của mình. Khi được hỏi lý do, cậu chỉ cho chúng tôi thấy đôi giày đó bị mòn như thế nào ở 2 bên và đế giày. Cậu cho biết đôi giày có được kiểu mòn như thế là nhờ cậu đạp xe đạp”.

Từ đó, Knudstorp quyết định thay đổi bằng cách chú trọng vào cách trẻ phản ứng với việc ghi điểm, xếp hạng và các mức độ chơi, tức làm sao tạo cho trẻ một cảm giác thỏa mãn, chinh phục rằng mình là bậc thầy của trò chơi ấy. Những nghiên cứu trên đã giúp hồi sinh Lego.

Liệu có lặp lại thành công?

Từ những thành công trong chiến lược tập trung vào bé trai, Knudstorp đã gửi đội quân nhân chủng học đi điều tra các gia đình có bé gái tại các nước như Đức, Mỹ, Anh, Hàn Quốc. Knudstorp cho biết ý tưởng làm ra Lego Friends dành cho bé gái một phần xuất phát từ sự quan sát thường ngày của ông. “Tôi có 2 đứa con gái và 2 đứa con trai. Chúng gần gần tuổi nhau – từ 4-10 tuổi, vì thế tôi đã quan sát ở nhà. Chúng đều thích chơi trò xây dựng nhưng cách chơi thì rất khác nhau”.

Cuộc nghiên cứu được tiến hành từ năm 2007. Và Công ty đã rất ngạc nhiên khi biết được trong mắt các bé gái, Lego là bộ trò chơi thiếu tính thẩm mỹ. “Mối quan tâm lớn nhất của bé gái là cái đẹp”, Hanne Groth, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Lego, cho biết. Việc các bé gái thích đồ chơi đẹp không có gì là lạ. Tuy nhiên, Groth cho biết, tiêu chí về cái đẹp đối với các bé gái khi chơi trò xếp hình Lego là sự hài hòa, tức mọi thứ phải sắp xếp theo đúng thứ tự, màu sắc phải thân thiện hơn và có nhiều chi tiết.

Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy bé gái thích chơi trò sắm vai và cũng rất thích chơi trò xây dựng, nhưng không phải như cách bọn con trai chơi. Cụ thể, con trai thích xây nhanh, hoàn thành cho xong một phần theo như hình trong bản vẽ, nhưng con gái thì thích ngừng chơi giữa chừng và sắp xếp lại. Vì thế, bộ trò chơi Lego Friends được thiết kế sao cho khi bé gái bắt đầu chơi lại thì có thể lắp ráp theo các “kịch bản” khác nhau mà không cần phải hoàn thành toàn bộ mô hình. Lego Friends cũng giới thiệu 6 màu mới, như màu hoa oải hương và màu xanh trong của nền trời. Knudstorp cũng giới thiệu các đồ chơi hình người cho bé gái. Theo đó, 29 mẫu búp bê nhỏ sẽ được tung ra vào năm 2012.

Với bộ sản phẩm mới, Knudstorp hy vọng sẽ đạt được thành công. Thực ra, trong những năm vừa qua, ông đã tung ra 5 sáng kiến mang tính chiến lược nhắm vào phân khúc đồ chơi bé gái. Nhưng một số đã thất bại vì Lego vẫn chưa nắm bắt được hoàn toàn sự khác biệt trong cách chơi của bé trai và bé gái. Các sáng kiến còn lại, mặc dù mang về lợi nhuận khiêm tốn cho Công ty, nhưng cũng không hoàn toàn ăn khớp với các sản phẩm lõi của Lego. Và nay, sau 4 năm nghiên cứu, thiết kế và thực hiện các cuộc thử nghiệm, Knudstorp tin rằng đã đến lúc để Lego tạo ra đột phá. Tuy nhiên, Knudstorp cho biết: “Tôi không ảo tưởng bộ phận sản xuất đồ chơi cho bé gái sẽ đem lại doanh thu lớn hơn bộ phận đồ chơi cho bé trai, nhưng ít nhất đối với những bậc cha mẹ muốn có đồ chơi Lego dành cho con gái, chúng tôi vẫn có thể đáp ứng”.

 

Xem chi tiết

Nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ trong một thời gian dài: 17 năm, được người dân thần thánh hóa. Chắc hẳn có những bí quyết "quản lý" mà giới kinh doanh nên nhìn vào.
 
Sự ra đi của Kim Jong Il – nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nỗi đau lớn đối với dân tộc này. Có thể coi ông Kim đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ mang tên "Triều Tiên" trong một thời gian dài. Business Insider đưa ra những bài học quản lý từ ông Kim Jong Il dưới lăng kính của giới phương Tây.

 Sự ra đi của Kim Jong Il – nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nỗi đau lớn đối với dân tộc này. Ông đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ trong một thời gian dài: 17 năm, được người dân thần thánh hóa. Đó có lẽ là một thành công không hề nhỏ.

Chắc hẳn có những bí quyết "quản lý" mà giới kinh doanh nên nhìn vào. Business Insider đưa ra những bài học quản lý từ ông Kim dưới lăng kính của giới phương Tây.
 
1. Làm tất cả những gì có thể để có được những người tài
 
Năm 1978, Kim đã ra lệnh bắt cóc đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang-ok và vợ ông, nữ diễn viên Choi Eun-hee, để thực hiện kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Triều Tiên. Sau khi sản xuất được 7 bộ phim thì vị đạo diễn này đã trốn được sang phương Tây năm 1986.
 
Để giữ được người tài không phải là chuyện dễ?
 
2. Sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông
 
Năm 1992, trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng, tại khán đài, ông nói qua microphone, "Vinh danh những chiến sĩ anh hùng của Quân đội nhân dân Triều Tiên!" và tạo nên một khí thế vô cùng phấn khích.
 
Mặc dù không xuất hiện nhiều trước truyền thông nhưng ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này đối với người dân Triều Tiên thì vô cùng mạnh mẽ.
 

3. Tạo một dấu ấn riêng

Có lẽ chỉ có Donald Trump là có kiểu tóc đặc biệt hơn ông Kim. Sau khi ông qua đời, mọi người sẽ cảm thấy tiếc nuối và hoài niệm về ông. Hoài niệm về một hình ảnh trong thể trộn lẫn với bất cứ ai. Một bộ quân phục màu xám cộng với cặp kính to sẽ là những đặc điểm khó quên của nhà lãnh tụ này.

4. Hãy là người đa tài

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông viết khoảng 1.500 cuốn sách. Ngay cả sau khi trở thành "Giám đốc điều hành" của "tập đoàn" Triều Tiên, ông cũng luôn dành thời gian để cống hiến cho nghệ thuật, sáng tác 6 vở kịch opera và trở thành đạo diễn của nhiều bộ phim. Không những thế ông còn là một tay golf cự phách.

5. Đi lên từng bước một

Là con của nhà lãnh đạo một quốc gia, hồi còn học trung học, ông đã làm việc trong một nhà máy được cho là khá giỏi trong việc sửa chữa xe tải và các loại động cơ điện. Tham gia Đảng lao động Triều Tiên năm 1964, nhưng chưa đến 10 năm sau đó ông đã được phong chức và  kế vị cha mình.

6. Luôn tiếp thu công nghệ mới

Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên có khoảng 1.000 tin tặc có mục tiêu thăm dò tấn công các quốc gia khác.

7. Để mắt đến từng chi tiết

Kim yêu cầu người phục vụ của mình phải chu đáo và cẩn thận trong việc nấu nướng và chuẩn đồ ăn cho mình. Thậm chí có người còn nói quá lên rằng ông đòi hỏi sự hài hòa về kích thước và màu sắc của từng hạt gạo trong bữa ăn.

8. Dịch vụ khách hàng tối quan trọng

Ông Kim yêu cầu các tiếp viên tại các nhà hàng quen thuộc của khách nước ngoài ở Bình Nhưỡng phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình "tây" hơn để thu hút khách hàng.

9. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc

Điều này có thể dễ nhận thấy khi xem xét lập trường cũng như quan điểm của "vị quản lý" này

10. Sau khi làm việc vất vả, phải thư giãn

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông Kim vẫn giữ thói quen ăn tôm hùm, uống rượu xịn. Mỗi năm, ông dành 700.000 USD cho các loại rượu hạng sang.

Theo HUNGNINH

VEF/BI

Xem chi tiết

Không chỉ bồi dưỡng tri thức, nhiều thành viên trong đội bóng rổ này còn thử sức với lĩnh vực kinh doanh và đã có những thành công rực rỡ. Dường như khái niệm “một nghề cho chín” không tồn tại ở WNBA.
Được biết, tại mùa giải thứ 15, WNBA đã thu thút được nhiều người xem truyền hình cũng như khán giả trên sân hơn. Không những thế, đội bóng rổ này còn nhận được khoản tài trợ kếch xù từ Boost Mobile. Theo lời những ông chủ của WNBA thì đội bóng này đang trên đà tăng trưởng và dự kiến sẽ đem lại lợi nhận trong vài mùa giải tới.
 
Có một điều mà ít ai biết, đó là hơn 90% số nữ cầu thủ của WNBA đã tốt nghiệp đại học. Họ đi học đại học không phải để chơi mà để chuẩn bị cho tương lai bởi ai cũng biết quãng đời làm cầu thủ rất ngắn ngủi. Không chỉ bồi dưỡng tri thức, nhiều thành viên trong đội bóng rổ này còn thử sức với lĩnh vực kinh doanh. Dường như khái niệm “một nghề cho chín” không tồn tại ở WNBA.
 
Mới đây, tôi (Anala Glass- phóng viên trang web Forbes) có gặp và phỏng vấn 4 cầu thủ của WNBA: Cappie Pondexter, Tammy Sutton-Brown, Essence Carson, và Asjha Jones. Tất cả họ đều ‘kinh doanh’ gì đó trong lúc không tập luyện và thi đấu. Và điều bất ngờ là có nhiều bài học kinh doanh mà ta có thể học được từ họ
 
1. Tìm ra đam mê là bạn sẽ tìm ra ý tưởng kinh doanh 
 
 
Cappie Pondexter đã hai lần là quán quân của WNBA. Cô là một trong số 15 cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử WNBA. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh trái bóng rổ, Pondexter còn có một niềm đam mê khác. 
 
Lớn lên ở Chicago và chơi trong đội bóng rổ trường Đại học Rutgers, Pondexter không có nhiều cơ hội mặc thử những trang phục khác ngoài quần áo thể thao. Mọi thứ bỗng thay đổi khi cô được nhận vào WNBA.
 
“Khi được tuyển vào (WNBA), tôi nhận thấy hình ảnh và thương hiệu là tất cả và mình cần phải tạo dựng. Dành quá nhiều thời gian học phổ thông, đại học khiến bạn khó mà biết được mình có tầm quan trọng lớn như thế nào ngoài sân cỏ và mọi thứ thuộc về mình đều mang giá trị kinh doanh” – Pondexter cho biết.
 
Từ đó, thời trang trở thành niềm đam mê thứ hai của Pondexter. Và cô đã biến nó thành công việc kinh doanh toàn thời gian của mình. 
 
Năm 2010, cô thành lập công ty phong cách bốn mùa (4Season Style Management) – một công ty chuyên tư vấn tạo dựng hình ảnh, giúp khách hàng gây được ấn tượng mạnh đầu tiên bằng cách chau truốt hình ảnh của mình. Ngoài ra, công ty này còn cung cấp các dịch vụ như mua sắm cá nhân, thiết kế phong cách tủ quần áo và quản lý hình ảnh. 
 
Pondexter cho rằng dù có là vận động viên hay một người bình thường thì bạn cũng rất nên tạo ra thương hiệu của mình và để người khác thấy tầm quan trọng của thương hiệu đó đối với bạn. 
 
Cô cũng thừa nhận là không dễ dàng gì khi vừa chơi cho WNBA, vừa chơi cho một đội ngoại quốc (Ekat, Nga) và vừa điều hành một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ có đối tác (Lisa Smith Craig), cô cũng bớt được nhiều gánh nặng.  
 
Khi được hỏi cô theo đuổi nghề thời trang là vì lý do kiếm sống hay vì ý thích. Pondexter trả lời: “Với tôi, nghề thứ hai tôi chọn là vì ý thích. Dù là nam hay nữ thì ai cũng nên chuẩn bị cho tương lai của mình sau khi rời sân cỏ. Nếu nhìn vào số liệu, có rất nhiều người chi tiêu hoang tàn và số tiền họ kiếm được khi còn đang thi đấu chẳng mấy chốc tiêu tan. Đến lúc ấy họ không biết phải làm gì nữa. Vì thế, mọi vận động viên nên có một nghề phòng thân khi sự nghiệp thi đấu của họ kết thúc”.
 
Kế hoạch trong 5 năm tới của 4Season Style Management là trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước. Mục tiêu của Pondexter là được biết đến không chỉ với tư cách là một cầu thủ bóng chuyền xuất sắc mà còn là một nữ ‘stylist’ chơi thể thao.
 
2. Bán thứ mà bạn yêu thích và hiểu rõ 
 
Khi Tammy Sutton-Brown rời Ontario, Canada và đến đăng ký nhập học ở trường Đại học Rutgers, cô ấp ủ ý định trở thành giáo viên – thời đó WNBA vẫn chưa ra đời. Vài học kỳ sau, Sutton-Brown trở thành người dẫn đội Scarlett Knights to tham dự giải chung kết nữ NCAA 2000 và được chọn làm đầu quân cho WNBA. 
 
 
Thế là giấc mơ làm giáo viên của cô nhanh chóng bị dẹp sang một bên để dành chỗ cho môn bóng rổ. 
 
Trong thời gian ở WNBA, cô đã tham gia thi đấu chuyên nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, từ Hàn Quốc, Nga cho đến Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ. được đi nhiều nơi trên thế giới. Trong những mùa giải mới đây, cô là tâm điểm gạo cội của cơn sốt Indiana Fever do WNBA điều khiển.
 
Dù chuyên tâm chơi bóng rổ, tình yêu trẻ em vẫn chiếm một góc đặc biệt trong lòng Sutton-Brown. Và cuối cùng thì mùa hè năm ngoái cô cũng đã kết hợp được công việc bóng rổ của mình với sự quan tâm dành cho trẻ em khi trở thành tác giả của một cuốn sách thiếu nhi.
 
Cô còn nhớ khi trò chuyện với một nhóm các em nhỏ và cố gắng giải thích cho các em hiểu nơi cô đang chơi bóng. “Tôi nhớ các em rất ngơ ngác khi tôi nói tôi đang chơi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc ấy, ý tưởng dạy các các em một chút về địa lý nảy ra trong đầu tôi. Nhờ bóng rổ, tôi đã được đi rất nhiều nước. Và nếu không có môn thể thao này thì chưa chắc tôi đã có co hội được cọ xát với nhiều nền văn hóa và phong tục thế” – cô nói. 
 
Thế là Sutton-Brown bắt tay vào công cuộc 2 năm sáng tác truyện Cuộc phiêu lưu của Cree & Scooter. Truyện kể về một cô bé 6 tuổi và một con tắc kè hoa nhồi bông Scooter sống dậy mỗi khi Cree ngủ. 
 
Sutton-Brown hiện đang quảng bá cho tác phẩm của mình ở Canađa và Mỹ. Hiện tại, các tập của cuốn Cuộc phiêu lưu của Cree & Scooter được bán trên Amazon.com.
 
3. Học kinh doanh từ con số không
 
Hãy thử tưởng tượng bạn mới 12 tuổi mà đã phải đi đôi giày cỡ to nhất của đàn ông. Giờ tiếp tục tưởng tượng bạn vào cửa hàng và hỏi họ có giày cỡ đó cho bạn không. Bạn sẽ thấy xấu hổ đến mức nào? 
 
 
Đó là câu chuyện có thật của Asjha Jones, nữ vận động viên kỳ cựu của WNBA. Và mặc dù được biết đến với những thành công vang dội trên sân bóng rổ, Jones còn nổi tiếng hơn với những gì cô làm ngoài đời. 
 
Mới đây, Jones cho ra mắt dòng sản phẩm giày thiết kế Takera chuyên phục vụ những quý bà có đôi chân ngoại cỡ. Cô gần như phải học lại từ đầu để có thể bắt tay vào lĩnh vực mới mẻ này. 
 
“Còn nhỏ mà bị người ta trố mắt nhìn vì họ không thể tưởng tượng có người đi giày cỡ đó. Giờ sẽ không ai phải rơi vào tình huống ấy vì tôi đã có giải pháp. Bạn sẽ không những không phải xấu hổ về kích cỡ quá khổ của mình mà còn có nhiều sự lựa chọn giữa vô số những đôi giày vừa đẹp và êm chân” – Jones cho biết
 
Cô đã có ý tưởng sản xuất dòng sản phẩm giày này từ lâu những nó chỉ dừng lại trong các cuộc tán phét với bạn bè. Cách đây ba năm cô mới quyết định thử phản ứng của thị trường xem nhu cầu với dòng giày là thế nào. Sau khi thử nghiệm, cô phát hiện ra không chỉ cô và các cầu thủ của WNBA mà còn khá nhiều người muốn mua giày ngoại cỡ. Thế là cô lao vào tìm hiểu ngành sản xuất giày. Hai năm sau, cô tìm được nguồn tài trợ và vị trí để mở công ty. 
 
Nếu nói chuyện với Jones, ai cũng có thể nhìn thấy ở cô một phụ nữ rất học thức và giỏi kinh doanh. 
 
  Thương hiệu giày ngoại cỡ Takera
 
Khi tôi hỏi cô về sự sắc sảo trong kinh doanh, cô nói: “Tôi đã tốt nghiệp quản trị kinh doanh ở Uconn. Song tôi lại không làm đúng ngành học của mình. Chính vì thế mọi thứ  tôi học sau này đều là thông qua thực hành hết. Và tôi luôn cố gắng thử làm mọi thứ để không là người đứng ngoài trong một mảng công việc nào đó ở công ty”.
 
Jones chủ trương phát triển Takera một cách từ từ. Mùa xuân năm 2011, cô có sự trình làng hết sức nhẹ nhàng và hiện đang bán giày qua những nhà phân phối lớn như DesignerShoes.com và ShoeBuy.com. Bộ sưu tập xuân thu năm 2012 đã thiết kế xong nhưng cô phải chờ bán hết hàng trong kho trước khi ra mắt bộ sưu tập mới. 
 
“Mọi thứ đều đã sẵn sàng. Chỉ có điều chúng tôi muốn kéo dài thời gian để không đi quá nhanh. Tôi nghĩ khi làm gì đó quá vội vã, người ta dễ mắc sai lầm. Mọi thứ không thể ngày một ngày hai mà có. Bạn phải có thời gian cho người ta trải nghiệm thì người ta mới tin tưởng bạn và sản phẩm của bạn” – Jones chia sẻ. 
 
4. Tìm được tiếng nói thì công việc kinh doanh sẽ tự tìm đến bạn
 
Năm 2007, cả nước Mỹ chấn động vì những lời nhận xét bôi nhọ đội bóng rổ nữ trường Rutgers của phát thanh viên Don Imus. Thế là thay vì chạy nước rút cho vòng đấu thứ tư, vòng đấu chung kết, những vận động viên bóng rổ bị cuốn vào một cuộc tranh cãi kịch liệt. 
 
Lúc đấy Essence Carson là đội trưởng của Scarlet Knights. Thế là đang yên đang lành, cô phải gánh thêm trách nhiệm làm phát ngôn viên cho trường và đội bóng của mình trước báo chí, truyền hình. 
 
 
Nhìn lại quãng thời gian đó, cô cảm thấy mình đã may mắn vì được lên tiếng phản bác lại những lời thị phi. Cô cũng cho biết cũng nhờ sự kiện ấy mà cô có được phẩm chất cần thiết để trở thành một nghệ sỹ trong làng âm nhạc. 
 
“Tôi vốn không phải là người có khiếu diễn thuyết bởi tôi nói rất nhỏ nhẹ. Nếu bây giờ mà tôi vẫn là người như thế thì chắc tôi sẽ không thể là một nghệ sỹ. Có thể tôi vẫn sáng tác nhưng tôi sẽ không đủ dũng cảm để đứng trước đám đông và biểu diễn" – cô cho biết.
 
Âm nhạc luôn là một phần cuộc sống của Carson từ khi cô lên 9. Lớn lên cô viết thơ và chơi đủ mọi nhạc cụ, từ piano cho đến saxophone, ghita điện và trống. Sau này, cô theo học tại một trường trung cấp nghệ thuật với hy vọng sẽ trở thành một Quincy Jones của thế hệ hip hop.
 
Từ khi gia nhập WNBA vào năm 2008, Carson gánh một lúc hai trọng trách, đó là vừa học để trở thành vận động viên chuyên nghiệp (hiện tại cô đang chơi ở Madrid, Tây Ban Nha) vừa nghiên cứu kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc. Năm ngoái, cô đứng ra thành lập công ty âm nhạc Pr3pE. Tại đây, cô vừa đóng vai trò là người sáng tác vừa biểu diễn. 
Hiện tại, cô đang làm vài album và phối hợp với những nhà sáng tác ở Bỉ và Pháp để viết nhạc. Mục tiêu dài hơi của Carson là tiến đến xuất bản và có nhãn hiệu riêng.  
 
Nhiều người khuyên Carson chỉ nên tập trung vào một thứ. Tuy nhiên, cô cho biết cả đời cô luôn làm hai thứ một lúc, hay như cách nói của cô: “Ai bảo bạn chỉ được phép mơ một giấc mơ”.
 
Carson cho rằng cô có được sự thành công trong kinh doanh là nhờ WNBA bởi đội bóng này luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai và nhờ huấn luyện viên trưởng của đội bóng trường Rutgers C. Vivian Stringer, người đã dạy cô nhiều bài học về sự tập trung, lòng quyết tâm và tính kiên nhẫn. 
 
5. Xây dựng một bản sắc văn hóa doanh nghiệp, một môi trường khơi gợi sức sáng tạo
 
Cuối buổi phỏng vấn, tôi có hỏi các vận động viên này là điều gì mà họ nhìn thấy ở WNBA mà nếu nói ra có thể làm nhiều người khác bất ngờ, ngay lập tức 3 trong số 4 người đã phỏng vấn ở trên chia sẻ luôn quan điểm của mình. 
 
Pondexter nói: “Trong suốt 6 năm chơi cho WNBA, tôi dám chắc là chỉ cần một lần bạn đi xem WNBA thi đấu, bạn sẽ trở thành fan của WNBA. WNBA rất biết cách thu hút và giữ chân người xem. Bất kỳ ai tôi mời tham dự trân đấu của WNBA cũng đều quay trở lại vào những lần sau”.    
 
Sutton-Brown nói: “Rất nhiều người, cả đàn ông, phụ nữ và con nít đều nói với tôi rằng một khi họ đã xem một trận đấu của WNBA, họ đều bị nghiện. WNBA bao giờ cũng ngập tràn niềm vui và sự hào hứng”.
 
Carson nói: “Mọi người thích xem chúng tôi biểu diễn. Tôi sẵn sàng cá tiền lương tháng của mình nếu bạn đến New York Liberty một lần mà không quay lại lần thứ hai”.
 
Mặc dù Jones không có câu trả lời nhưng về sau cô nói “Tôi nghĩ khi mọi người ôm chúng tôi và thấy họ tìm được một cầu thủ họ yêu thích, họ sẽ trở nên yêu môn bóng rổ hơn. Phụ nữ bắt đầu nghiền xem thể thao hơn còn con nít và đàn ông thì khó có thể bắt họ dừng lại không xem nữa”. 
 
Là một chủ doanh nghiệp, bạn rất cần có những nhân viên tận tụy và gắn bó với sứ mệnh, giá trị của doanh nghiệp. Nếu không có lòng tin tưởng và sự tuân phục ấy, doanh nghiệp sẽ khó mà có thể tiến bước được. 
 
Mặc dù chỉ phỏng vấn được một số ít những nữ cầu thủ của WNBA, nhưng tôi tin rằng những thành viên còn lại cũng giống như họ, không chỉ quan tâm đến tương lai của cá nhân mình mà còn mong muốn được thấy ngành bóng rổ nữ thành công hơn nữa. 
 

Theo TTVN/Forbes

Xem chi tiết

Trong năm 2011, số chị em chiếm vị trí chủ tịch hay giám đốc các hãng vào loại lớn nhất ở Mỹ tăng 15,6%. Đây thực sự là sự trỗi dậy của các nữ doanh nhân ở đất nước mang tiếng bình quyền này.
 
Đó là số liệu do Network, một tổ chức nghiên cứu ở Chicago, vừa công bố. Năm nay phụ nữ bắt đầu chiếm lĩnh những vị trí then chốt của những công ty “khủng” với số lương hàng năm tính bằng nhiều triệu đô la Mỹ. Trong số này có bà Irene Rosenfeld, 58 tuổi, đứng đầu một trong những hãng lớn nhất của Mỹ là Kraft Foods Corporation. Hãng này liên kết hàng chục cơ sở sản xuất thực phẩm ăn sẵn cũng như các công ty kinh doanh trú chân ở Mỹ cũng như tại nhiều nước trên thế giới. Dưới sự điều hành của bà có hơn 10.000 nhân viên. 

Bà Ilene Gordon, 45 tuổi, hiện là Chủ tịch của Corn Products International với biên chế là 15.000 người. Tập đoàn này sản xuất các sản phẩm thịt, cá, ngũ cốc, nước quả tự nhiên, tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn cho chó, mèo… Sản phẩm của tập đoàn có mặt tại tất cả các châu lục. Suzanne Batman, người phụ nữ vừa được bổ nhiệm vào một chức vụ chủ chốt của hãng nghiên cứu RR Donnelley, cho biết: “Lịch sử nhân loại dự báo cho chúng ta rằng đã đến lúc chị em bước lên đỉnh cao của những vị trị chủ chốt của nền kinh tế Mỹ chăng? Khó mà đoán trước bao giờ điều đó xảy ra và liệu có xảy ra hay không. Nhưng cuộc sống của chúng ta đưa ra những hiện thực. Chúng khiến ta vui mừng. Phụ nữ có thể bình quyền với nam giới trong việc nắm giữ quyền lực”. Giám đốc của Network, tổ chức đã tiến hành nghiên cứu về sự trỗi dậy của các nữ doanh nhân Mỹ, cũng thuộc “phái yếu” – bà Kathy Benson.

Chị em không chỉ nắm các chức vụ lãnh đạo trong doanh nghiệp mà cả trong lĩnh vực chính trị. Phụ nữ đang làm Thống đốc tại các bang Oklahoma, Washington, Bắc Carolina, Nam Carolina, New Mexico và Arizona. Năm nay nổi bật trong số họ là Thống đốc bang Arizona, bà Janice Brewer. Bà này đề xuất đạo luật di trú mới được dư luận Mỹ chú ý. Trong nhiều bang khác đại diện của phái đẹp đang giữ vị trí phó thống đốc thứ nhất.

Trong Nhà Trắng phụ nữ cũng được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Bà Valerie Jarrett đang là cố vấn chính của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Có hai bà làm cố vấn trưởng và bảy bà là cố vấn trong bộ máy chính quyền liên bang. Có bốn bộ trưởng trong chính quyền Mỹ là nữ – Ngoại trưởng, Bộ trưởng An ninh nội địa, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Bộ trưởng Lao động.

Trong Quốc hội Mỹ hiện có 88 nữ hạ nghị sĩ và nữ thượng nghị sĩ. Trong số ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử sắp tới có một phụ nữ, bà Michele Bachmann – hạ nghị sĩ bang Minnesota.

Theo Trần Quang Vinh

Tầm nhìn / Newizv.ru

Xem chi tiết
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928