Câu chuyện của CEO

Xem chi tiết

Bước chân khai mở

Năm 1993 Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, cũng bắt đầu thời điểm đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư ồ ạt vào. Sự kiện đó mở ra một thị trường rất lớn, là cơ hội cho nhiều doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn. Sớm nhìn ra sự quan trọng của chiếc “cầu nối” đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, chị Đặng Minh Phương đã tiên phong với việc thành lập công ty về logistics cho mình.

Ở Việt Nam khi đó, ngành logistics còn rất mới mẻ, chưa thành dịch vụ độc lập. Có chăng chỉ là những bộ phận nhập khẩu với việc nhập hàng, xuất hàng, mua hàng, vận tải trong cùng một công ty. Ở nước ngoài, nó là dịch vụ bên ngoài như một mắt xích cùng tham gia vào những chặng đường của hàng hóa và dịch vụ với những công việc bao gồm vận hành, kho bãi, cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu cho đến lúc ra sản phẩm. Một loại hình kinh doanh mới mẻ sẽ có ít đối thủ cạnh tranh nhưng cũng là áp lực trong việc mò mẫm tìm đường, nhất là ở cái thời buổi công nghệ chưa phát triển như 16 năm trước. Chị Minh Phương xác định, quan trọng nhất là cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam ra các nước khác cũng như đem hàng hóa mà Việt Nam chưa sản xuất được từ nước ngoài về.

Lúc mới thành lập công ty với một chuyên ngành mới mẻ, không đủ điều kiện tham gia vào thị trường, chị Minh Phương lấy thương hiệu cá nhân người chủ làm tên công ty. Cái khó nhất vẫn là nói chuyện với khách hàng bằng… thương hiệu. Uy tín cá nhân Minh Phương với hai năm làm ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và một số mối quan hệ được vận dụng cho chính công ty Minh Phương trong những ngày đầu. Cũng phải mất một thời gian dài gần hai năm, công ty Minh Phương, mới thực sự khẳng định được vị thế, có được độ tin cậy đáng kể với khách hàng.

Về nhân sự, từ những ngày đầu chỉ có 18 người, đến nay công ty đã có trên 1.000 người. Mặc dù có nhiều khó khăn về tài chính không thể tránh khỏi khi khởi nghiệp, nhưng với khả năng “liệu cơm gắp mắm” của người chủ, mọi khó khăn cũng đi qua. Cái khó khăn đáng nói là về kiến thức trong lĩnh vực mới mẻ này vì vào thời điểm đó, tại Việt Nam vẫn chưa có một trường lớp chính thức nào chuyên đào tạo về Logistics. Trong hoàn cảnh đó, để tìm hiểu thêm về kiến thức ngành, không còn cách nào khác chị Phương phải tự học. Nào là những khóa học ngắn hạn ở nước ngoài, học trực tuyến trên mạng, rồi học qua sách báo, tất cả đều là tự tìm tòi học hỏi. Và trên hành trình học hỏi đó, không thể không kể đến những may mắn nhất định. Đó là khi Minh Phương tìm được nhà đầu tư nước ngoài. Để các bên phối hợp cùng nhau thực hiện tốt các dự án, họ đã tham gia đào tạo cho Minh Phương dù chỉ là một thời gian rất ngắn. Cái hay ở chỗ là mỗi khách hàng có một mô týp khác nhau, hình thức hoạt động khác nhau, nên ngày nào chị cũng tìm được vấn đề gì đó để học từ nơi họ. Với chị, tiếp xúc với khách hàng cũng là một cách học. Mỗi khách hàng mới lại đem đến nhiều bài học mới đa dạng. Và cứ thế, con đường học hỏi chuyên ngành của chị trở thành cách trải nghiệm thú vị để chị trưởng thành và hoạt động kinh doanh ngày càng thêm phong phú, thành công.

Với công việc mới, ở một môi trường mà ngành logistics còn lạ lẫm, Minh Phương còn đóng vai trò là nhà tư vấn cho một số doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam tại những lĩnh vực chưa có nhà cung ứng. Chẳng hạn như khi nhà máy Mitsubishi đặt viên gạch đầu tiên vào Việt Nam. Để xây dựng được nhà máy hoàn chỉnh với biết bao trang thiết bị, máy móc, sắt thép, vật liệu xây dựng… mà phần lớn cần phải được nhập khẩu, Mitsubishi rất cần một nhà tư vấn địa phương có kinh nghiệm và am hiểu về luật lệ, quy định thuế quan, thủ tục quy trình nhập khẩu, ngành nghề, chủng loại phương tiện… Công ty Minh Phương lúc đó giống như một nhà tư vấn, giúp họ hiểu rõ hơn rất nhiều vấn đề từ loại thiết bị nàon được phép nhập khẩu, loại nào được miễn thuế… cho đến cách thức trình báo để không phạm luật, quy trình nhập khẩu máy móc cồng kềnh… Đúc kết lại sau mười sáu năm của một hành trình tự đi, con đường kinh doanh của nữ doanh nhân Minh Phương là một con đường phẳng. Khách hàng vẫn đồng hành cùng chị trên hành trình thẳng tiến, mà ở đó vẫn có thể nảy sinh những vấn đề nọ kia nhưng cuối cùng đó cũng chỉ là những vấn đề thông thường mà bất cứ một doanh nghiệp nào cũng gặp phải với cái đích cuối cùng vẫn là sự hợp tác tốt đẹp và bền vững.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là vấn đề nhân sự vì vốn dĩ nhân lực trong ngành này vẫn còn hạn chế, các bạn nhân viên vẫn chưa hiểu hết về công việc mình đang làm. Các nhân sự sau khi được chúng tôi đào tạo có tay nghề cứng thì lại bị các công ty nước ngoài mời đi với mức lương gấp đôi. Chúng tôi đối diện với điều đó và tự hào vì Minh Phương sẵn sàng là một nơi mà dân trong ngành thường ví von là trung tâm đào tạo con người cho ngành Logistics. Chỉ cần ghi ba năm kinh nghiệm làm việc ở Minh Phương trong CV là bạn có thể nhận được một công việc ở công ty nước ngoài với mức lương cao”, chị nói.

Hạnh phúc về những gì có được

Một ngày làm việc ở công ty Minh Phương, giống như một ngân hàng. Khách hàng gọi đến kiểm tra giá, thậm chí là thăm dò thường xuyên. “Lúc đầu các bạn trong trung tâm khách hàng rất bực mình và phàn nàn vì một ngày phải tiếp nhận biết bao nhiêu cú điện thoại không có mục đích rõ ràng. Tôi bảo không vấn đề, thay vì đi tới tìm người ta thì người ta tìm đến mình hỏi giá thì có nghĩa là mình có tên trên thị trường. Cứ làm tốt trọng trách sẽ có kết quả tốt đẹp”, chị Minh Phương chia sẻ.

16 năm, điều mà chị Minh Phương làm được cho các công ty thành viên đến thời điểm này là một thương hiệu về Logistics có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Đến giờ này gần như Minh Phương không còn phải đi tìm khách hàng nữa. Khách hàng thường chủ động tìm đến Minh Phương và việc còn lại của Minh Phương là làm thế nào để khách hàng tin tưởng và giữ chân được khách hàng.

Một chặng đường đủ để trải nghiệm và kiểm định một thương hiệu, nhưng slogan của công ty Minh Phương lại không phải là những câu chữ đao to búa lớn. Đơn giản chỉ là: Một đối tác tin cậy trong các giải pháp “logistics”. “Tôi không dùng chữ tốt mà dùng chữ tin cậy. Tin cậy trong các giải pháp, khách hàng đến với mình và mình mang gì đến cho họ. Và có một giải pháp, đó là sự tin cậy. Độ tin cậy cao để khách hàng yên tâm giao hàng hóa cho mình. Trong quá trình làm việc tôi nhiệt tình, năng nổ và có nguyên tắc: mất tài sản là không mất gì, mất chữ tín là mất tất cả. Cho nên uy tín đối với tôi rất quan trọng, mất tiền bạn có thể kiếm ra được nhưng mất uy tín tôi nghĩ không kiếm lại được dễ dàng đâu.”

Minh Phương 16 năm trước của một cô gái ngoài 20 tuổi, Minh Phương bây giờ của một người “đi đầu” là một bước tiến rất xa. Tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung là dám làm, luôn luôn học hỏi mở rộng và không ngừng thay đổi để phù hợp với các xu thế kinh doanh mới.

Với một “núi” công việc, nữ doanh nhân Minh Phương luôn biết cách cân bằng. “Hiện tại, tôi nghĩ mình vẫn như trở về năm 18 tuổi. Có thể người ta nói sau một thời gian kinh doanh mười mấy năm thì mệt mỏi nhưng tôi không cảm thấy điều đó, thậm chí tôi làm việc còn nhiều hơn trước đây và hiệu quả cao hơn sau bao năm đúc kết kinh nghiệm. Ngày xưa tôi làm mọi thứ, có nghĩa là ngày xưa nếu đi tôi thích tự lái xe đi, nhưng bây giờ lại khác, khi không còn thời gian cho việc đó, tốt nhất là lên xe để tài xế lái còn mình thì làm việc. Bây giờ tôi phân bổ thời gian tốt hơn, có thời gian thư giãn và sống cho mình nhiều hơn mặc dù tôi cũng làm việc nhiều hơn. Tôi đang hạnh phúc vì những gì tôi có được, tất cả đều vượt qua sự mong đợi của tôi.”

Xem chi tiết
Xem chi tiết

Ông David Teng cho rằng: “Để thành công, người nước ngoài làm việc tại VN nên nghe nhiều; đừng đi đường tắt để thành công vì sẽ không bền; khiêm tốn và tránh định kiến; và lạc quan về tương lai”.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhà Máy Bia Việt Nam, NCĐT đã có cuộc trò chuyện với ông David Teng, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty.

Theo tôi, thành tựu nổi bật nhất của Nhà Máy Bia Việt Nam trong 20 năm qua là đã hoàn thành được mục tiêu ban đầu của những nhà đầu tư khi thành lập Công ty vào năm 1991. Cụ thể là trở thành công ty thành công và phát triển bền vững từ năm này qua năm khác, đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, lợi ích cho người tiêu dùng, cho nhân viên và cộng đồng.

Là một trong những công ty liên doanh đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi gặp nhiều thử thách trong những năm đầu. Ngày nay, những nhãn hiệu bia của Nhà máy, trong đó có Heineken, Tiger, Larue và BGI đã trở thành những nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng.

Nhà máy rất tích cực trong việc sử dụng những quy trình sản xuất hiện đại, các quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm như ISO, HACCP. Công ty rất nghiêm túc trong việc thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội.

Nói tóm lại, thành tựu nổi bật nhất của Công ty là luôn thành công trong việc thích ứng và đáp ứng những thử thách trong kinh doanh đồng thời không xao lãng nghĩa vụ của mình là một công dân có trách nhiệm của đất nước.

Nếu có một bí quyết cho sự thành công thì đó là tập thể nhân viên. Chúng tôi đã rất may mắn có được một đội ngũ nhân viên trung thành và tận tụy, nhiều người đã làm việc tại đây từ năm 1991.

Theo kinh nghiệm của ông, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam muốn thành công cần có những điều kiện gì?

Để thành công, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nói chung, nên nghe nhiều. Chúng ta nên lắng nghe người tiêu dùng, các nhà phân phối, đối tác, các cơ quan có thẩm quyền và từ nhân viên trước khi quyết định hay hành động.

Đừng đi đường tắt để thành công vì sẽ không bền. Điều này đặc biệt đúng trong những vấn đề liên quan đến sự chính trực, việc vi phạm pháp luật vì bất cứ lý do gì hoặc sự thỏa hiệp về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ. Nói cách khác, nên nghĩ tới lợi ích lâu dài hơn là cái lợi trước mắt.

Khiêm tốn và tránh định kiến. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ là những người khách tạm thời tại đây cho dù chức vụ cao đến thế nào, do vậy phải luôn cố gắng làm gương cho nhân viên của mình trong mọi việc.

Lạc quan về tương lai. Suy nghĩ theo hướng tích cực trong công việc và đời sống riêng sẽ giúp những người xung quanh ta, đặc biệt là nhân viên trong nước cảm thấy thoải mái hơn và tìm giải pháp khắc phục khó khăn dễ dàng hơn.

Trong những công ty liên doanh như Nhà Máy Bia Việt Nam thì điều tối cần thiết là đôi bên phải có tinh thần hợp tác tốt, tôn trọng lẫn nhau và vì sự thành công lâu dài của cả đôi bên. Nói cách khác, phải cố gắng để có thể “đồng sàng, đồng mộng”.

Ông đánh giá thế nào về nhân viên người Việt trong Công ty?

Nói chung, tôi thấy những đồng nghiệp người Việt Nam rất chăm chỉ, học nhanh, có nhiều sáng kiến hay và không hề e ngại nhận lãnh trách nhiệm. Họ rất yêu quý Công ty, các nhãn hiệu của Công ty và tự hào về những việc mình làm. Thành công trong 20 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các nhân viên người Việt Nam. Chúng tôi có hơn 1.500 nhân viên người Việt, mà chỉ có 6 người nước ngoài. Những con số này phản ánh chất lượng và khả năng của người Việt Nam tại Công ty.

Ông nghĩ thế nào về ngành công nghiệp bia Việt Nam?

Hiện mức tiêu thụ bia trên đầu người tại Việt Nam là 29 lít/năm, như thế vẫn ở mức khá thấp so với mức tiêu thụ trung bình của thế giới, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường phát triển hơn tại châu Á, châu Âu. Mức tiêu thụ này, tính bình quân theo đầu người chỉ là 1-2 lon bia mỗi tuần.

Vì vậy ngành công nghiệp bia Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển. Cho dù có những khó khăn trước mắt như lạm phát cao, tiền đồng mất giá và cạnh tranh gia tăng, nhưng động cơ phát triển dài hạn thì khả quan, ví dụ như dân số đông và trẻ, số người thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhanh, giàu có hơn và sự đô thị hóa nhanh chóng.

Công nghiệp bia tại Việt Nam đã phát triển ở mức độ cao nên đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng tốt mà còn phải tuyên truyền nhận thức uống có trách nhiệm. Nhà Máy Bia Việt Nam đã cộng tác chặt chẽ với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia từ vài năm trước đây để tài trợ chương trình “Uống có trách nhiệm” trên truyền hình cũng như trong đời sống.

Ông nghĩ gì về môi trường đầu tư tại Việt Nam? Có điều gì làm ông thấy chưa hài lòng?

Không thị trường nào không có những thử thách đặc thù. Trên quan điểm của một nhà đầu tư lâu dài thì những điểm thuận lợi của thị trường Việt Nam vượt xa những khó khăn. Làn sóng các công ty đến đây là minh chứng cho sự hấp dẫn của Việt Nam, điểm đến của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ công nhân có tay nghề, áp dụng những công nghệ tiên tiến và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường. Kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp những nước châu Á láng giềng có trình độ phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia và Indonesia và tôi tin rằng khoảng một thập niên nữa thì chúng ta sẽ vượt qua họ.

Là một nhà đầu tư, chúng tôi mong rằng tình trạng lạm phát cao hiện nay sẽ sớm trở lại bình thường và giá đồng tiền Việt Nam sẽ ổn định. Tôi xin có một đề xuất là Chính phủ có thể thu hút thêm đầu tư bằng cách bố trí “cửa hàng 1 điểm dừng” để giúp các nhà đầu tư đang phải trải qua nhiều thủ tục rất mất thời giờ, nhiều khi trùng lặp và những thủ tục pháp lý từ cấp quốc gia, tỉnh, quận, tới phường để thành lập doanh nghiệp hoặc chỉ để mở rộng quy mô hoạt động đang có.

Hướng phát triển của Nhà Máy Bia Việt Nam thời gian tới?

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận sự thỏa hiệp về chất lượng của sản phẩm và cung cách phục vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện những trách nhiệm đối với xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường, nhận thức uống có trách nhiệm và hỗ trợ cộng đồng.

Theo Việt Tâm
 Nhịp cầu đầu tư

Xem chi tiết
1 82 83 84
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928